TẢN MẠN VỀ GIỌNG ĐỌC KINH QUI NHƠN
(Dành tặng cho những người con thuộc giáo phận “Mẹ Qui Nhơn)

Linh mục Giuse Trương Đình Hiền
(Viết xong ngày 20 tháng Chạp Tân Sửu)


Dẫn nhập: Tưởng như nghe chim hót

I. ĐÀNG TRONG – QUI NHƠN MỘT THỜI MỞ CÕI 2

       1. Cội nguồn Quốc ngữ và kinh nguyện Qui Nhơn. 3

       2. Khái quát về Kinh nguyện và cung giọng Qui Nhơn. 3

II. VUI, THƯƠNG, MỪNG VÀ MẦU NHIỆM ĐỨC TIN. 5

       1. Kinh nguyện “mùa Vui”. 6

       2. Kinh nguyện “Mùa Thương”. 7

       3. Kinh nguyện mùa “Mừng”. 9

       4. Những kinh giọng đặc biệt 10

Kết: Kinh nguyện và đức tin truyền thống


Dẫn nhập: Tưởng như nghe chim hót

Một trong những điều ấn tượng nhất đối với giáo sĩ Đắc Lộ khi vừa cập bến Đàng Trong năm 1624 đó là tiếng nói, nhất là âm giọng của đồng bào ta, như ngài đã ngỡ ngàng nhận xét: nghe nói mà “như nghe chim hót”: “Chúng tôi khởi hành từ Macao vào tháng 10 năm 1624 và mười chín ngày thì tới Đàng Trong. Ở đó chúng tôi gặp cha Pina, ngài rất thông thạo tiếng xứ này, một thứ tiếng khác hẳn tiếng Tàu… Đối với tôi, thú thật vừa tới Đàng Trong và nghe dân xứ này nói, nhất là phụ nữ, tôi tưởng như nghe chim hót và tôi không bao giờ mong có thể học được”[1].

Vâng, người Việt Nam chúng ta, Đất nước Việt Nam có nhiều điều đáng để tự hào; và một trong những điều đó chính là tiếng nói, chính là âm giọng cưu mang “một cái hồn đầy nhạc tính”, một “cái âm sắc rất riêng” làm nên chính con người Việt Nam, đất nước Việt Nam mà ca khúc “Đất Nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã thâm thúy khắc họa bằng những biểu tượng âm nhạc bàng bạc qua từng giai điệu:

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu…
Lao xao trưa hè một giọng ca dao
Lao xao trưa hè một giọng ca dao….
Xin hát về người đất nước ơi,
Xin hát về mẹ Tổ Quốc ơi, tảo tần chung thủy.
Như những câu hò lắng trong tiếng sáo,
Đêm lại dặt dìu tiếng mẹ ru con…

Và khi Đạo Chúa được tiếp nhận trên mảnh đất hình chữ S nầy, nhất là khi đã lan tỏa qua cả hai vùng Đàng Trong (1615) tới Đàng Ngoài (1627), thì ngôn ngữ Tin Mừng cũng mang “dáng đứng Việt Nam”, cũng được chuyển tải, diễn đạt, cử hành bằng cái “tiếng” nói mang đầy nhạc tính, bằng những âm giọng của “giọt đàn bầu”, của “giọng ca dao”, của “tiếng mẹ ru con”…; của một thứ tiếng nói với đầy đủ sáu âm giọng “sắc, hỏi, không, huyền ngã, nặng” dễ gì gặp được nơi các dân tộc khác; với ba âm sắc vui, thương, mừng diễn đạt ba chiều kích tâm lý, nội tâm cốt lỏi của mỗi một con người: bừng sáng tin yêu (vui), đau buồn khốn khó (thương); mừng rỡ hân hoan (mừng)…

Chắc chắn đã có không ít các nhà chuyên môn nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, về ngôn ngữ học Việt Nam, về chữ Quốc ngữ…; riêng lãnh vực “lịch sử kinh nguyện Công Giáo” thì gần như chưa có một nghiên cứu chuyên đề nào xuất hiện. Trong giới nghiên cứu hiện nay, thì mới đây, năm 2004, có tác phẩm “Lời Kinh và Ý Nghĩa” của nữ tu Marie Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, tập chú vào việc “giải nghĩa các từ cổ” trong Sách Kinh của các giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội[2]. Riêng tại Đàng Trong-Qui Nhơn, có một tác giả linh mục, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… được nhắc đến đó là cha Pierre “Lục”[3], người đóng vai trò không nhỏ trong việc nhuận chính và soạn tác các kinh nguyện của giáo phận Qui Nhơn[4].

Ở đây, chỉ xin tản mạn một khía cạnh nhỏ về “giọng đọc kinh giáo phận Qui Nhơn” để: một phần nhắc nhở thế hệ cháu con thái độ “uống nước nhớ nguồn” khi trân trọng những nét đẹp của những lời kinh xưa mà cha ông đã soạn tác và biết bao thế hệ đã ứng dụng thực hành đức tin; một phần để vận dụng những giá trị tối ưu kho tàng đức tin phong phú đó vào lãnh vực kinh nguyện và phụng vụ của thời hôm nay như một ứng xử khôn ngoan mang tính “thừa thượng tiếp hạ”.

I. ĐÀNG TRONG – QUI NHƠN MỘT THỜI MỞ CÕI

1. Cội nguồn Quốc ngữ và kinh nguyện Qui Nhơn

Có một điều không thể chối cãi là trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ đã dần dần được thuyết phục chấp nhận địa chỉ Nước Mặn thuộc giáo phận Qui Nhơn hiện nay chính là “một trong những “cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ”; và được coi là “cái nôi sớm nhất”[5]. Thật vậy, theo báo cáo của các linh mục thừa sai Dòng Tên thì cư sở Nước Mặn chính là “cư sở chính thức đầu tiên” của Dòng Tên được thiết lập ngay từ năm 1618[6]; nghĩa là sau 3 năm lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất Đàng Trong. Và chính tại đây cũng đã xuất hiện ngôi trường đầu tiên đã được các thừa sai thiết lập để học và nghiên cứu tiếng Việt mà các “học viên” nơi “ngôi trường làng đặc biệt” đó, sau nầy đều là những tên tuổi lừng danh góp phần vào việc hình thành chữ Quốc ngữ trong giai đoạn nền móng ban đầu hay phát triển nền văn hóa Hán Nôm: Buzomi, Cristoforo Borri, Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes, Gaspar Luis, Antonio de Fontes, Emmanuel Borges, Giovanni di Leira, Girolamo Majorica …[7].

Phải chăng vì yếu tố “địa phương” nầy mà “phương ngữ Qui Nhơn-Bình Định hay “Bình Định-Phú Yên” đã chiếm một vị trí nhất định trong các tác phẩm tự vị Quốc ngữ đầu tiên như Tự điển Việt-Bồ-La của cha Đắc Lộ (1651), tự điển Anamitico-Latinum của Đức Cha Bá Đa Lộc (1773), tự điển Anamitico-Latinum (1838) của Đức cha Taberd[8].

2. Khái quát về Kinh nguyện và cung giọng Qui Nhơn

2.1. Kinh nguyện Qui Nhơn và địa bàn mục vụ

Kể từ năm 1850, với sắc lệnh Postulat Apostolici của Đức Giáo Hoàng Pio IX ban hành ngày 27.8.1850, giáo phận Đông Đàng Trong (Cho tới năm 1924 Tòa Thánh đổi tên thành giáo phận Qui Nhơn) bao gồm 6 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và vùng Tây nguyên[9]. Nếu xét về mặt ngữ âm, có thể nói dân của miền 6 tỉnh nầy tương đối gần nhau; tuy rằng cách phát âm có một số dị biệt (chẳng hạn cách phát phát âm của dân Quảng Nam và Quảng Ngãi). Chính vì yếu tố mang tính “địa bàn mục vụ” nầy mà hệ thống kinh nguyện của giáo phận Qui Nhơn đã chi phối trên các cộng đoàn giáo xứ từ Quảng Nam tới Bình Thuận và suốt mấy tỉnh Tây nguyên[10]. Bằng chứng cụ thể của sự “thống nhất kinh nguyện” nầy chính là hai cuốn sách Kinh: Sách Kinh nguyện ngày thường và ngày Chúa Nhật (1925) và Sách Mục Lục (1931) được in tại nhà in Làng Sông và phổ biến trên toàn giáo phận[11].

Lịch sử cho thấy, vùng đất Qui Nhơn từ thế kỷ 15, đúng hơn từ năm 1471 trở về trước, là lãnh địa của người Champa; và sau “chiến dịch Đồ Bàn 1471”[12] của vua Lê Thánh Tôn[13] mới thuộc Đại Việt. Phải chăng vì thế mà ngữ âm của người dân thuộc miền nầy là sự pha trộn nhất định của dân Champa bản địa và lưu dân Đại Việt từ Bắc vào. Chính sự “lai tạp ngôn ngữ” mang tính chiến tranh, di dân trôi nổi và phiêu lưu đi tìm đất mới, đã khiến tiếng nói của dân “miền Trung và Nam Trung bộ” nầy mang âm sắc thoải mái, giản đơn, không cầu kỳ nghi lễ. Phải chăng vì thế, tiếng của vùng nầy chỉ có “5 dấu”: sắc, hỏi, không, huyền, nặng; mà không có dấu “ngã” như người dân Bắc Kỳ.

Tuy nhiên, nhờ nền tảng “Quốc ngữ Latin” được phổ biến sớm từ trung tâm Nước Mặn nên các vị tiền nhân đã soạn tác Kinh nguyện bằng chữ Quốc ngữ khá sớm và cũng khá chuẩn. Xin nhường việc phân tích mang tính chuyên đề về ngữ học cho các nhà chuyên môn. Ở đây, chỉ xin dừng lại một cách khái quát về ba cung giọng chính trong các kinh nguyện của giáo phận Qui Nhơn. Đó là ba cung giọng Vui, Thương, Mừng.

2.2. Kinh nguyện, phụng vụ và mầu nhiệm đức tin

Kinh nguyện của Hội Thánh Công Giáo thường chuyên chở hai ý nghĩa: một là: Kinh để biểu lộ đức tin như một lời tuyên tín, như một ghi khắc các chân lý, các tín điều… (Có người đặt tên cho loại kinh nầy là “Kinh Bổn”) như kinh Tin Kính, Kinh Tin, Cậy, Mến, Kinh Ngày Chúa Nhật…; hai là: Kinh để bày tỏ tâm tình cầu nguyện với Chúa, thân thưa nguyện xin, cảm tạ, tôn vinh (Người ta đặt tên cho loại kinh nguyện nầy là “Kinh Nguyện”). Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Ăn năn tội, kinh Cảm ơn...

Cùng với hai ý nghĩa trọng tâm “mang tính chủ đích” đó, các kinh nguyện hầu hết là để nhắc nhớ các mầu nhiệm đức tin: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, mầu nhiệm Ngôi Hai chịu chết và sống lại, mầu nhiệm Đức Mẹ, Các Thánh, các mùa Phụng vụ, Bí tích Thánh Thể, Thánh Tâm Chúa Giêsu, Cầu hồn…; hay các dịp đặc biệt và các nhu cầu trong Hội Thánh: Kinh Năm Toàn Xá, Kinh cầu mùa…

Hội Thánh với kho tàng kinh nguyện phong phú suốt 2000 năm đã lưu truyền rất nhiều kinh nguyện truyền thống từ đời nầy qua đời khác như những “di chúc tinh thần” cao quý. Cha ông chúng ta, từ khi các thừa sai mang hạt giống Tin Mừng vào mảnh đất “hình chữ S” nầy, đã dần dần được tiếp cận với kho tàng kinh nguyện truyền thống của Mẹ Giáo Hội, hoặc bằng các bản dịch Hán Nôm, nhất là sau nầy, bằng chữ Quốc ngữ, hoặc được chính các ngài soạn tác.

Có một điều thật may mắn đó chính là khi chân lý đức tin hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam đã mang lấy những đặc tính độc đáo của người Việt; trong đó, ngôn ngữ, giọng nói chính là yếu tố quan trọng. Vâng, tiếng Việt chuyển tải ý nghĩa các mầu nhiệm đức tin không chỉ bằng “mặt chữ” mà còn bằng âm giọng; vận dụng âm giọng của tiếng Việt để soạn, dịch kinh đó chính là một lựa chọn đầy thông minh và hợp lý của cha ông chúng ta.

II. VUI, THƯƠNG, MỪNG VÀ MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

Trong kiến thức hạn chế về lãnh vực âm nhạc, tôi láng máng hiểu rằng, trong kết cấu âm giai (gamme) hay điệu thức (mode) của hệ thống âm nhạc thế giới (cả hệ thống Thất cung – Heptatonic lẫn hệ thống Ngũ cung - Pentatonic), thức “trưởng” (Majeur) hay “thứ” (Mineur) chính là tố chất định hình nền tảng của mỗi giai điệu hay của cả bài ca, khúc nhạc.

Thông thường, một bài ca, khúc nhạc được kết cấu, xây dựng và phát triển trên cái nền điệu thức trưởng thì đều mang âm sắc vui tươi, trong sáng, hoan hỉ vui mừng... Trong khi đó, đa phần, các bài ca, khúc nhạc được viết trên nền điệu thức thứ thường mang âm sắc man mác buồn, day dứt… Dĩ nhiên, vẫn có những “ngoại lệ”.

Chung chung, kinh nguyện thuộc giáo phận Qui Nhơn (ít ra, kể từ năm 1924), gần như cũng phản ảnh quy luật nền tảng đó. Các kinh nguyện liên quan đến các mầu nhiệm mang chiều kích vui (Giáng Sinh, Nhập Thể…) hay mừng (Phục Sinh, Thăng Thiên…) thì được cha ông ta soạn tác với các ngữ âm trên nền nhạc điệu thức trưởng (majeur) theo kết cấu của âm nhạc (thất cung hay ngũ cung); một cái “chất trưởng” với kết cấu âm giai và cung thể cao, bừng sáng, tươi tắn, vươn cao hay tỏa sáng với niềm vui thánh thiện, mừng vui tôn quý… Trong khi đó, mầu nhiệm Thương Khó, Khổ nạn…, hay những gì liên quan đến sám hối, hy sinh, chết chóc, đau khổ… thì kinh nguyện chọn lựa điệu thức thứ (mineur) với âm sắc buồn, trầm lắng, day dứt. Rất tiếc, thế hệ giáo dân Qui Nhơn trẻ hôm nay, gần như xa lạ hoặc không biết gì về cung giọng kinh nguyện truyền thống của bao thế hệ cha ông. Họ đọc kinh Truyền Tin, lần hạt Năm sự Vui, Thương, Mừng ngang ngang như nhau; chẳng phân biệt thế nào là “vui”, thế nào là “thương”, thế nào là “mừng”…

Sau đây, xin mạo muội trình bày đôi nét về những nét độc đáo của các cung giọng Vui, Thương, Mừng và một số các cung giọng đặc biệt của làng kinh nguyện Qui Nhơn.

1. Kinh nguyện “mùa Vui”

Sau đây, xin đơn cử hai kinh nguyện thuộc cung vui: Kinh suy niệm Mân Côi gẫm tắt Năm Sự Vui (Rê trưởng) và kinh kính nhớ mầu nhiệm Nhập thể - Giáng Sinh Truyền Tin (Si giáng trưởng):


Khi đọc kinh Truyền Tin và suy niệm mầu nhiệm Năm Sự Vui với đúng cung giọng “vui” như cha ông ta đã soạn tác và bao thế hệ tín hữu Qui Nhơn đã thực hành qua bao năm tháng, chúng ta sẽ cảm nhận được chiều kích bừng sáng tin yêu của mầu nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh, của sứ điệp “Tin Mừng vĩ đại” mà các thiên sứ đã báo cho các mục đồng thành Bê lem (Lc 2,8-14), của niềm vui rạng rỡ thánh thiện trong tâm hồn và trên môi miệng của Mẹ Maria, của bà thánh Isave, mà kinh Magnificat mãi mãi là một chứng từ đi cùng năm tháng !

Có rất nhiều kinh khác có thể xếp vào nhóm “vui” nầy; và cũng được soạn tác ngữ âm trên nền điệu thức trưởng; chẳng hạn như kinh Kính Mừng, kinh Tin Kính, các kinh Tin, Cậy, Mến; kinh cầu Đức Mẹ, kinh Linh hồn tôi tán tụng (Magnificat), … Những ai là giáo dân Qui Nhơn thuộc thế hệ “U Tám mươi” trở về trước, nhất là thuộc các giáo xứ truyền thống, thuần dân địa phương…, hầu chắc còn đọc đúng cung giọng “vui” khi thể hiện các kinh nguyện nầy.

2. Kinh nguyện “Mùa Thương”

2.1. Giọng thương và điệu thức “thứ” phổ thông:

Trong hệ thống “Ngũ Cung” của nhạc cố Trung Hoa hay Việt Nam, căn bản gồm các cung giọng: CUNG, THƯƠNG, GIỐC, CHỦY, VŨ (tương ứng: ĐÔ, RÊ, FA, SOL, LA). Trong đó, cung “Thương” có đặc tính âm điệu: “thuộc Kim, u buồn nặng nề, không bị bẻ cong. Loại âm nhạc này ảnh hưởng phổi (phế) nếu nghe thường xuyên thì người ta sẽ trở nên chân chính và thân thiện…”[14].

Phải chăng cha ông ta khi soạn hoặc dịch kinh nguyện sang Quốc ngữ sẽ chọn cung THƯƠNG để chuyển tải ý nghĩa liên quan đến mầu nhiệm Thương Khó, Khổ nạn, tâm tình thống hối ăn năn hay những dịp đau buồn tang chế. Để diễn tả âm sắc buồn của cung “Thương” không gì thích hợp với nền nhạc Tây phương cho bằng âm giai mang điệu thức thứ (mineur).

Sau đây xin đan cử hai Kinh “Năm sự Thương” và kinh “Ăn năn tội” với âm giai điệu thức thứ (La mineur).



Riêng kinh “Ớ Chúa tôi” (Ca vịnh 129 vua Đa-vít), một giọng “Thương” tiêu biểu lại được xây dựng trên nền cung FA thứ”:


2.2. Những giọng kinh thương đặc biệt:

Những kinh giọng “Thương” phổ thông theo điệu thức thứ như phân tích ở trên trong sách Mục Lục Qui Nhơn thì nhiều lắm; nhất là những kinh đọc trong Mùa Chay và Mùa Thương Khó; nói chung, những kinh liên quan đến mầu nhiệm Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô như: Kinh Gẫm Đàng Thánh giá, kinh Mười Lăm sự Thương Khó, Kinh Bảy sự thương khó Đức Mẹ, Kinh Năm Dấu Thánh…

Tuy nhiên, có những kinh giọng thương đặc biệt và thường là được thể hiện trong những thời điểm phụng vụ đặc biệt, như Mùa Chay, Tuần Thánh.

2.2.1. Mùa Chay với kinh Hồng Ân:

Kinh “HỒNG ÂN” là một kinh với giọng “thương” độc đáo được đọc khi phụng vụ bước vào Mùa Chay Thánh; đây có thể nói được là cả một “bài ca đi cùng năm tháng” trong sinh hoạt đức tin của Dân Chúa. Riêng cách thể hiện kinh nầy cũng độc đáo: vừa đồng diễn (phần đầu dành cho toàn thể cộng đoàn) vừa xướng đáp (phần giữa một người xướng và cộng đoàn đáp), phần cuối cộng đoàn chung nguyện. Về âm giọng thì kinh Hồng Ân mang một âm sắc rất riêng; gần như có sự pha trộn giữa chất dân ca Huế vừa phảng phất chất dân ca bài chòi Nam Trung Bộ nhưng được cải biên theo giọng kinh cung thương của nhà đạo.

Xin giới thiệu Kinh Hồng Ân được xây dựng trên nền cung MI THỨ với ba đoạn: Đoạn đầu cả cộng đoàn đọc chung; đoạn giữa một người xướng và cộng đoàn đáp câu chung (theo cách xướng đáp của lời nguyện tín hữu); và đoạn cuối là lời nguyện kết dành cho cả cộng đoàn. Nền nhạc của đoàn đầu và đoạn giữa giống nhau; và là cung giọng đặc biệt của kinh Hồng Ân. Đoạn cuối trở về giọng thương phổ thông như đã phân tích ở trên và được xây dựng trên nền cung LA THỨ.


2.2.2. Tuần Thánh và Kinh Lễ Đèn:

Trong Phụng vụ của Hội Thánh, nếu thời gian “Tuần Thánh” là tuần cao điểm của Năm Phụng vụ, là thời gian đỉnh điểm của việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua[15], thì ngoài các cử hành Phụng vụ truyền thống đầy trang trọng, nhất là cử hành Tam Nhật Thánh, tuần lễ nầy còn được ghi đậm dấu ấn của lòng đạo đức bình dân thông qua những cử hành suy niệm đặc biệt, trong đó có việc cộng đoàn họp nhau tại nhà thờ để “Suy gẫm Mười Lăm Sự Thương Khó” mà giáo phận Qui Nhơn gọi là giờ “Kinh Lễ Đèn”[16].

Việc “than Kinh Lễ Đèn” của giáo phận Qui Nhơn xem ra đơn giản hơn các giáo phận vùng phía Bắc, xét về mặt cung giọng kinh sách và cách thế thể hiện.

Ở đây, xin đơn cử giọng kinh Lễ Đèn với hai giọng tiêu biểu: Giọng kinh gợi nhớ hay “kể” lại “sự kiện” Mười Lăm sự Thương Khó (gọi chung là “cung kể”) và giọng kinh suy niệm mang tính chủ quan, cá nhân sau khi đọc các gợi ý suy niệm Sự Thương Khó (gọi chung là “cung than”).

Giọng “cung kể” thì đọc chậm rãi theo cung “thương” phổ thông trên nền tảng cung thể La Thứ. Các phân câu, mệnh đề cần được phân biệt rõ ràng, mạch lạc qua “dấu nghỉ”.

Xin đan cử một đoạn “kinh kể” tiêu biểu:


Trong khi đó kinh “cung than” sau phần lược kể Tin Mừng lại mang tính “tự sự”, than thân trách phận, sám hối tội lỗi và thái độ khuất phục trước uy linh Chúa để trông cậy vào lòng Chúa khoan dung. Cung than tương đối khó và ngày nay, chỉ các bậc cao niên, từng được trui rèn trong cái nôi truyền thống cố cựu của Qui Nhơn mới may ra còn than đúng cách. Ở đây, chỉ mạo muội ghi lại cách đan thanh một đoạn tiêu biểu của “kinh than ngày Lễ Đèn nhứt” trên nền cung thể RÊ THỨ (chủ yếu ngũ cung):


Kinh giọng thương còn rất nhiều thể thức đa dạng khác. Đây chỉ là một vài gợi ý để những ai chuyên môn và có kinh nghiệm về cung giọng kinh Qui Nhơn sẽ bổ túc thêm.

3. Kinh nguyện mùa “Mừng”

Trong nhịp sống đức tin của Giáo Hội Công Giáo, chiều kích “mừng vui hoan hỉ” luôn chiếm một vị trí ưu tiên; đến đổi vị Tôi Tớ Chúa, Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, đã từng phát biểu: “Trong tự điển của người Công Giáo không có từ “buồn”! Và khi nói đến “mừng vui” thì phải nhắc đến hai từ “Phục Sinh”; lễ Phục Sinh là đại lễ của vui mừng và “nỗi mừng Phục Sinh” là nỗi mừng trọn hảo nhất mà bài ca “Exultet” (Mừng Vui Lên) vang lên trong nghi thức khai mạc Đêm Vọng Phục Sinh là một chứng từ rõ nét !

Ngoài những kinh nguyện thuộc giọng “Vui” và “Thương” như chúng ta vừa đề cập đến, kinh nguyện Qui Nhơn còn một giọng thứ ba cũng độc đáo không kém; đó là kinh nguyện với cung giọng “Mừng”, một cung giọng diễn tả đầy ắp cái chất “Phục sinh” mà Phụng vụ cũng như mọi linh đạo của Hội Thánh luôn đề cao như là “hòn đá tảng” của đức tin Kitô.

Như đã nói ngay từ đầu, âm nhạc Tây phương lẫn Đông phương luôn mặc nhiên coi âm giai với điệu thức “Trưởng” là cái nền để xây dựng âm sắc mang chiều vui mừng, hoan hỉ.

Xin được đan cử hai kinh nguyện tiêu biểu mang cung “Mừng” đó là Kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng và kinh mầu nhiệm Mân Côi gẫm tắt Năm Sự Mừng được soạn tác mang âm sắc mừng vui, hoan hỉ, trong sáng. (Kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng: có thể dùng hình thức ký âm dựa trên âm giai SON Majeur mà các nốt định âm có thể là SON, SI (bậc 1), SON, MI (bậc 4), LA (bậc 5)… Kinh Năm Sự Mừng: Có thể ký âm dựa trên DO Majeur của âm giai Ngũ cung: ĐÔ, RÊ, FA, SON, LA. Nhưng đây cũng chỉ là một thí dụ để ghi âm giọng kinh cách tương đối).



Đại khái kinh giọng “Mừng” là như thế; và có rất nhiều kinh được xây dựng trên nền âm sắc mừng đó như các kinh thuộc mùa Phục Sinh, Kinh cầu Đức Bà, kinh Thân lạy Thánh Giuse, Kinh Nghĩa Đức Tin, Mười Điều răn, Sáu điều răn Hội Thánh… Có thể được thay đổi về luyến láy, nhấn nhá…, nhưng cái “chất mừng” căn bản âm vang na ná nhau.

4. Những kinh giọng đặc biệt

Ngoài ba giọng kinh “Vui, Thương, Mừng” cơ bản đó, các kinh nguyện thuộc địa phận Qui Nhơn còn nhiều thể loại tế vi khác mà khả năng hạn chế về “âm học”, “ngữ học” hay “nhạc lý” không cho phép được giải thích nhiều hơn. Nhưng, đặc biệt, không thể không nhắc đến các loại “Kinh Chầu”; tức những kinh tập trung hướng về một “đối tượng thánh” để giúp cộng đoàn khi đọc lên là để nuôi giữ tâm tình suy niệm, cầu nguyện sốt sắng. Trong số đó có những kinh về Chúa như Kinh “Lễ Đức Chúa Giêsu Thăng Thiên”, kinh “Kính Nguyện Chúa Thánh Thần”, các kinh Chầu Giờ Thánh hay Phép lành: Kinh “Ớ lưỡi phải ngợi khen”, “Ớ Núi thánh Sion”, Kinh Phạt Tạ, kinh Đền tạ Thánh Tâm…

Đặc biệt, những kinh loại nầy, khi đọc có thêm âm nhấn nhá “ớ” nhịp đều sau từng tiếng, hơi giống cách nhấn nhá của cách tụng kinh nhà Phật theo giọng gõ mõ!

Xin đan cử một đoạn trong kinh “Kính nguyện Đức Chúa Thánh Thần” như một giọng tiêu biểu của cung kinh đặc biệt này:


Kết: Kinh nguyện và đức tin truyền thống 

Dĩ nhiên, ngoài chất giọng, âm sắc sẵn có của tiếng Việt, các tác giả soạn kinh, dịch kinh chắc chắn phải nắm vững quy luật ngữ âm, chọn lựa thanh điệu phù hợp trong kết cấu câu chữ để lời kinh vừa phù hợp ý nghĩa mầu nhiệm diễn tả vừa ăn khớp với ngữ âm thể hiện. Quả thật, kho tàng kinh nguyện mà chúng ta được thừa hưởng từ công khó và tài hoa của cha ông thật là vĩ đại. Cảm ơn các ngài đã để lại cho chúng ta kho tàng kinh nguyện vô giá.

Điều còn lại đó là chúng ta trân trọng và biết sử dụng đúng cách, đúng bài gia tài thiêng liêng cao quý nầy. Nói nôm na, đó là cần đọc kinh cho đúng cung, đúng giọng. Những kinh thuộc “Mùa Vui” mà đọc theo giọng “Thương khó” thì ai chịu cho được. Cũng vậy, ở giữa Tuần Thánh, khi gẫm đàng Thánh Giá mà lại đọc giọng vui sang sảng thì chỉ để “tấu hài” chứ suy niệm gì nỗi! Riêng, mầu nhiệm Phục Sinh, niềm vui Chúa sống lại phải được lan tỏa, tràn ngập cuộc sống của người Kitô hữu; không phải qua quất cho xong, mà phải thấm nhuần trong từng lời kinh câu hát mỗi ngày.

Chính vì thế, khi mỗi người, mỗi cộng đoàn cùng ý thức vẽ đẹp và ý nghĩa của từng lời kinh và đọc suy niệm theo đúng cung giọng, chắc chắn sẽ là cách diễn tả đức tin truyền thống đẹp nhất, căn bản nhất; và cũng là cách thế để chúng ta sống mầu nhiệm cứu độ, mầu nhiệm đức tin cách trọn hảo.

Sau hết, với cung giọng “Vui, Thương, Mừng” độc đáo của Đàng Trong – Qui Nhơn, rất có thể, chúng ta sẽ có được một “gợi ý thích hợp” để ứng dụng vào cách đọc Thánh Vịnh trong Phụng Vụ Giờ Kinh, lời kinh nguyện thánh luôn đồng hành với các mùa Phụng vụ mà âm sắc “vui, thương, mừng” luôn là những nét biểu hiện cụ thể.

WHĐ (02.09.2023)



[1] ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo (Divers voyages et missions), bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, nxb Hồng Đức 2020, tr. 84-85.

[2] NT. MARIE THERESE BÙI THỊ MINH THÙY, OP, Lời kinh & Ý nghĩa, Giải thích các từ cổ trong các kinh, nxb An Tôn & Đuốc sáng 2004, Lời nói đầu, tr. 9.

[3] Trong các sử liệu và tác phẩm chỉ ghi là “Pierre Lục” chứ không ghi “họ”. Họ “Trần” được gán cho ngài chỉ xuất hiện trong bài viết của nhà nghiên cứu Châu Yến Loan. Có thể nhà nghiên cứu “không Công Giáo” nầy lầm lẫn giữa linh mục Pierre Lục (1868-1927) của Qui Nhơn Đàng Trong với cha Phêrô Trần Lục (1825-1899) thuộc giáo phận Thanh Đàng Ngoài (Sau đổi thành Phát Diệm), là người xây dựng nhà thờ Phát Diệm, một kiệt tác kiến trúc thánh đường của Việt Nam vẫn còn tồn tại.

[4] CHÂU YẾN LOAN, Chữ Quốc ngữ năm 1906 ở Bình Định qua tác phẩm Ấu học của Pierre Lục, Kỷ yếu hội thảo, nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2016, tr. 476: Pierre Trần Lục là một Linh mục, nhà Giáo dục, nhà Văn thời chữ Quốc ngữ mới phổ biến đầu thế kỷ XX. Ông ra đời năm 1868 tại thôn Tùng Sơn, địa phận Phú Thượng, xã Hòa Sơn, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 13km. Thuở nhỏ ông rất thông minh, lanh lợi nên năm 13 tuổi được vào học trường La Tinh tại Làng Sông - Qui Nhơn. Năm 1885, trường Làng Sông bị phong trào Văn Thân phá hủy, ông được chọn gởi sang học ở Pinang. Năm 1889 ông trở về Việt Nam đi giảng đạo tại Phan Rang, dạy tiếng tại Phan Thiết. Năm 1892 về học Lý đoán tại Làng Sông. Năm 1898 được phong Linh mục. Năm 1904 ông làm việc tại nhà in Làng Sông đến năm 1906. Tại đây ông đã viết sách Ấu học, Trung học. Năm 1911-1914 trở vô Làng Sông dạy Quốc văn và giúp việc cho tòa Giám mục. Ông mất khuya ngày 23/12/1927 tại bệnh viện Qui Nhơn, an táng tại Làng Sông. Linh mục Pierre Trần Lục là người thông minh, cương trực, có tài văn chương, giàu lòng thương người. Ông còn để lại các sách: Ấu học, Trung học, Thánh giáo tự lễ, tiểu thuyết Song nghĩa tự, Đồ của Hời, Hai chị em lưu lạc, cùng nhiều sách nhỏ về đạo lý luân thường, ông đã đặt nhiều kinh văn dễ đọc, dễ hát trong những ngày lễ”. website https://vannghedanang.org.vn/pierre-tran-luc-nguoi-da-nang-viet-sach-giao-duc-bang-chuquoc-ngu-dau-tien-cua-nuoc-ta-chau-yen-loan-6231.html, đăng ngày 8.7.2016.

[5] GS. PHAN HUY LÊ, Tổng kết hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ”, Kỷ yếu hội thảo, sđd, tr. 717: “Trên quan niệm như vậy, tôi nghĩ rằng trong buổi đầu, nhiều giáo sĩ Dòng Tên, đi tiên phong là người Bồ, người Ý, đã tham gia vào quá trình Latin hóa chữ viết của người Việt, để lại những chữ Quốc ngữ đầu tiên. Ba trung tâm đã góp phần vào quá trình này là Nước Mặn, Hội An, Dinh Chiêm với tên tuổi của Cristoforo Borri, Francisco de Pina trong những năm 1618-1623 rồi tiếp theo là Alexandre de Rhodes, Gaspar Luis, Antonio de Fontes những năm 1625-1626. Có thể coi đó là ba dòng suối đầu tiên tạo nên dòng sông chữ Quốc ngữ. Nếu xem xét sâu hơn về những chứng cứ văn bản có chữ Quốc ngữ thì trong ba trung tâm đó, trung tâm Nước Mặn có phần sớm hơn với sự hiện diện của chữ Quốc ngữ trong cuốn sách của Borri năm viết 1621 và xuất bản lần đầu năm 1631…”.

[6] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, nxb An Tôn & Đuốc Sáng, đăng ký Bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 06.2017, tr. 48-55.

[7] GS. PHAN HUY LÊ, sđd, tr. 616: “Nước Mặn cũng là trung tâm học tiếng Việt hình thành rất sớm ở Đàng Trong. Năm 1622 giáo sĩ Emmanuel Borges, Giovanni di Leira, rồi năm 1624, giáo sĩ Gaspar Luis, Girolamo Majorica đều đến Nước Mặn học tiếng Việt”.

[8] TS. NGUYỄN NGỌC OANH, PGS, TS. NGUYỄN CÔNG ĐỨC, Một vài chỉ dấu của phương ngữ Bình Định – Nam Trung bộ trong tự điển Việt –Bồ - La của Alexander de Rhodes, Kỷ yếu hội thảo, sđd, tr. 467-474.

[9] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 210.

[10] Hai giáo phận “Tây Đàng Trong” và “Bắc Đàng Trong” vì cùng xuất phát từ giáo phận Đàng Trong nên kinh sách của hai giáo phận nầy (và của các giáo phận sau nầy tách ra từ đó) cũng có nhiều điểm tương đồng với giáo phận Qui Nhơn.

[11] PHAOLÔ NGUYỄN MINH CHÍNH, Sách Nhà in Làng Sông Qui Nhơn, website Giáo phận Qui Nhơn, link: Sách Nhà in Làng Sông và Qui Nhơn (gpquinhon.org), đăng ngày 17/7/2021.

[12] ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG, Đầm Thị Nại, Phần VI: Thị Nại trong lịch sử, website https://gpquinhon.org/q/van-hoa/dam-thi-nai-2032.html: “Năm Canh Dần (1470), Hồng Đức nguyên niên (洪 德), vua Chiêm là Trà Toàn sai sứ sang cầu viện nhà Minh, rồi cho quân ra cướp phá đất Hoá Châu. Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu huy động 26 vạn tinh binh và tự cầm quân chinh phạt Champa. Sau trận đại thắng ở Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), hạ tuần tháng 2 năm Tân Mão (1471) thủy quân ta tiến vào đầm Thị Nại. Ngày 27 tháng 2, vua Lê Thánh Tông chỉ huy đánh chiếm thành Thị Nại. Ngày 28, kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Champa bị vây hãm, đến mùng 1 tháng 3 thì hạ thành, bắt sống Trà Toàn và hoàng gia. Từ đấy, đầm Thị Nại và cả miền đất Vijaya đến đèo Cù Mông, vĩnh viễn thuộc về Đại Việt.”

[13] ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, Bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), dịch và chú thích: Quyển thủ- Bản kỷ IV: Ngô Đức Thọ; Bản kỷ V-XIX: Hoàng Văn Lâu. Hiệu đính: Giáo sư Hà Văn Tấn, Nhà Xuất Bản Văn Học 2017, tr. 469-472.

[14] BIÊN KHẢO: GIÒNG BÁCH VIỆT, Ngũ cung Việt nam trong hệ thống nhạc lý, website Microsoft Word - Tìm Hiểu về Ngũ Cung VN.doc (wordpress.com).

[15] SÁCH LỄ RÔMA: Tam Nhật Vượt Qua kính nhớ Chúa chịu nạn và Sống lại là điểm cao chói lọi của Năm Phụng Vụ”.

[16] SÁCH KINH LỚN ĐỊA PHẬN QUI NHƠN, Năm 1958, Phép lần hột ba ngày lễ Đèn, tr. 262.