WHĐ (01.03.2024)Hôm thứ Sáu ngày 23.02.2024, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM Cap, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, bắt đầu loạt bài giảng Mùa Chay năm nay. Bài đầu tiên với chủ đề: “Ta là bánh trường sinh”. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của Đức Hồng y:

Đức Hồng y Raniero Cantalamessa OFM Cap

Bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma năm 2024

Bài 1: “TA LÀ BÁNH TRƯỜNG SINH”

Bắt đầu các bài giảng Mùa Chay năm nay, chúng ta lại khởi đầu với cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Chúa Giêsu và các tông đồ ở Xêdarê Philípphê:

Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". Ðức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,13-16).

Trong toàn bộ cuộc đối thoại, vào lúc này, chúng ta chỉ tập trung quan tâm đến câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Tuy nhiên, chúng ta không hiểu câu hỏi này theo nghĩa mà nó thường được hiểu; nghĩa là, như thể Chúa Giêsu quan tâm đến việc muốn biết Giáo hội nghĩ gì về Người, hoặc những nghiên cứu thần học của chúng ta đã dạy chúng ta điều gì về Người. KHÔNG PHẢI VẬY! Chúng ta hãy coi câu hỏi đó như mọi lời phát ra từ miệng Chúa Giêsu, nghĩa là, được ngỏ với những người nghe nó, với tư cách cá nhân và riêng tư.

Để thực hiện bài kiểm tra này, chúng ta sẽ nhờ thánh sử Gioan giúp đỡ. Trong Phúc âm của ngài, chúng ta tìm thấy một loạt lời tuyên bố của Chúa Giêsu, “Ta là”, nổi tiếng, trong đó Chúa Giêsu mạc khải những gì Người nghĩ về chính mình, Người nói mình là ai: “Ta là bánh trường sinh,Ta là ánh sáng thế gian, v.v. Chúng ta sẽ nhìn lại 5 trong số những mạc khải này và mỗi lần chúng ta sẽ tự vấn liệu Chúa Giêsu có thực sự dành cho chúng ta điều Người nói Ta làhay không và làm sao để làm cho Người ngày càng trở nên như vậy.

Đó sẽ là khoảnh khắc để trải nghiệm theo một cách đặc biệt. Nghĩa là không hướng mắt ra ngoài để nhìn vào những vấn đề của thế giới và của chính Giáo hội, như người ta buộc phải làm trong những bối cảnh khác, nhưng là với cái nhìn nội tâm. Vậy thì, một khoảnh khắc thân mật và tách biệt, và do đó, xét trên mọi khía cạnh, là ích kỷ chăng? Không phải vậy! Đó là Phúc âm hoá chính mình để Phúc âm hoá , đong đầy Chúa Giêsu nơi mình để rồi nói về Tin Mừng vì tình yêu đầy tràn, như Hiến pháp nguyên thủy của Dòng Phanxicô đã khuyến khích các nhà giảng thuyết, nghĩa là, vì một xác tín sâu xa, chứ không chỉ để thi hành một nhiệm vụ.

* * *

Chúng ta hãy bắt đầu với câu tuyên bố Ta Là” đầu tiên của Chúa Giêsu mà chúng ta gặp trong Phúc Âm thứ tư chương 6: “Ta là bánh trường sinh”. Trước hết, chúng ta hãy nghe phần mà chúng ta quan tâm nhất:

Họ lại hỏi: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh từ trời". Ðức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian". Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy". Ðức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6, 30-35).

Đặt lời này trong ngữ cảnh. Trước đó, Chúa Giêsu đã hóa 5 chiếc bánh và 2 con cá ra nhiều để nuôi 5000 người. Sau đó, Người rút lui để thoát khỏi sự nhiệt tình của những người muốn phong Người lên làm vua. Đám đông đổ xô đi kiếm và tìm thấy Người ở bên kia Biển hồ.

Tại điểm này, bắt đầu bài diễn từ dài mà Chúa Giêsu cố gắng giải thích “dấu chỉ bánh”. Người muốn nói rõ rằng có một loại bánh khác cần phải tìm kiếm, mà nguyên liệu thực sự là một “dấu chỉ”. Đây là cách thế tương tự được áp dụng với người phụ nữ Samari trong chương 4 của Phúc âm Gioan. Ở đó, Chúa Giêsu muốn dẫn người phụ nữ khám phá ra một loại nước khác, vượt lên trên thứ nước thể lý vốn chỉ làm dịu cơn khát trong chốc lát. Còn ở đây, Chúa Giêsu muốn dẫn đám đông đi tìm một loại bánh khác, khác với thứ bánh vật chất chỉ đủ no trong một ngày. Đối với người phụ nữ Samari, người xin thứ nước huyền nhiệm đó và chờ đợi Đấng Messia đến để đạt được điều đó, Chúa Giêsu trả lời: “Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4, 26). Còn đối với đám đông đang đặt câu hỏi tương tự về bánh, Người trả lời: “Chính ta là bánh trường sinh!”

Chúng ta tự hỏi: Chúng ta ăn bánh trường sinh này như thế nào và ở đâu? Câu trả lời của các Giáo phụ là: ở hai “nơi” hoặc hai cách: trong bí tích và trong Lời, nghĩa là trong Bí tích Thánh Thể và trong Kinh thánh. Đúng là đã có những điểm nhấn khác nhau. Một số vị, như Origen và trong số những vị nhóm Latinh là thánh Ambrosiô, nhấn mạnh nhiều hơn đến Lời Chúa. Khi chú giải về việc hóa bánh ra nhiều, thánh Ambrosiô viết: “Chiếc bánh mà Chúa Giêsu bẻ ra ám chỉ một cách mầu nhiệm Lời Chúa, là lời sẽ gia tăng khi được phân phát. Người đã ban cho chúng ta lời của Người như những chiếc bánh được hoá ra nhiều trong miệng khi chúng ta nếm thử” Những vị khác, chẳng hạn như thánh Cyril thành Alexandria thì lại nhấn mạnh đến việc giải thích Thánh Thể. Tuy nhiên, không ai trong số các ngài có ý định nói về cách này để loại trừ cách kia. Chúng ta nói về Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, như “hai chiếc bàn” được Đức Kitô dọn ra. Trong cuốn Gương Chúa Giêsu, chúng ta đọc thấy:

Con cảm thấy trong cuộc đời này có hai thứ đặc biệt cần thiết đối với con mà nếu không có thì những đau khổ sẽ không thể chịu nổi. Bị giam cầm ở đây trong nhà tù thể xác này, con thú nhận rằng con cần hai thứ này, đó là lương thực và ánh sáng. Vì thế, Chúa đã ban cho con trong sự yếu đuối của con Thánh Thể Chúa để bồi dưỡng tâm hồn và thể xác con, và Chúa đã đặt Lời Chúa làm ánh sáng dẫn đường cho đôi chân con. Không có Thánh Thể và Lời Chúa, con không thể sống thánh thiện, vì Lời Chúa là ánh sáng tâm hồn và Thánh Thể là Bánh trường sinh. Đây cũng có thể được gọi là hai chiếc bàn, một chiếc được đặt bên này và một chiếc được đặt bên kia, trong ngôi đền quý giá của Giáo hội thánh thiện.[1]

Việc đơn phương khẳng định một trong hai cách ăn bánh trường sinh này để loại trừ cách kia là kết quả của sự chia rẽ tai hại đã xảy ra trong Kitô giáo phương Tây. Về phía Công giáo, việc giải thích Thánh Thể cuối cùng đã trở nên ưu việt đến mức khiến chương 6 của Phúc âm Gioan gần như tương đương với câu chuyện về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Để phản ứng lại, Luther đã tuyên bố ngược lại, nghĩa là bánh trường sinh là Lời Chúa và bánh này được phân phát qua việc rao giảng và được ăn nhờ đức tin.

Bầu khí đại kết vốn đã được thiết lập giữa các tín hữu tin vào Đức Kitô cho phép chúng ta tái lập sự tổng hợp truyền thống hiện diện nơi các Giáo Phụ. Không còn nghi ngờ gì nữa, bánh trường sinh đến với chúng ta qua Lời Thiên Chúa và đặc biệt là lời Chúa Giêsu trong Phúc âm. Câu trả lời của Người đối với tên cám dỗ cũng nhắc nhở chúng ta về điều này: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4). Nhưng làm sao chúng ta lại không thấy trong bài diễn từ của Chúa Giêsu tại hội đường Capernaum cũng ám chỉ đến Thánh Thể? Toàn bộ bối cảnh gợi lên một bữa tiệc: chúng ta nói về thức ăn và thức uống, việc ăn và uống, thân xác và máu. Câu nói: “Ai không ăn thịt tôi và uống máu tôi…” gợi nhớ quá rõ ràng những lời của công thức (“Hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Ta” và “Hãy cầm lấy mà uống: đây là máu Ta”) đến mức bất kỳ mối quan hệ nào giữa chúng cũng không thể phủ nhận.

Nếu trong khoa chú giải và thần học, chúng ta chứng kiến một sự phân cực và đôi khi – tôi đang nói – một sự tương phản giữa bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể, thì trong Phụng vụ, sự tổng hợp của Lời Chúa và Thánh Thể luôn được trải nghiệm một cách hài hòa. Từ thời xa xưa nhất, chẳng hạn như Thánh Justin Tử đạo, Thánh lễ bao gồm 2 thời điểm: Phụng vụ Lời Chúa, với các bài đọc lấy từ Cựu Ước và “hồi ký của các tông đồ”, và Phụng vụ Thánh Thể với việc truyền phép và rước lễ.

Ngày nay, như tôi đã nói, chúng ta có thể quay trở lại với sự tổng hợp nguyên thủy giữa Lời Chúa và Bí tích. Thật vậy, chúng ta phải tiến thêm một bước theo hướng này. Nó không chỉ hệ tại việc ăn thịt và uống máu Đức Kitô trong Lời Chúa và trong bí tích Thánh Thể, mà còn ở việc thấy việc ăn thịt và uống máu Đức Kitô được thực hiện trong mọi khoảnh khắc và mọi khía cạnh của đời sống ân sủng của chúng ta. Khi viết: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21), Thánh Phaolô không nghĩ đến một thời điểm cụ thể nào cả, mà đối với ngài, Đức Kitô thực sự là bánh trường sinh, trong mọi cách hiện diện của Người; chúng ta “ăn” Người bằng đức tin, đức cậy, và đức ái, trong lời cầu nguyện và trong mọi sự. Con người được tạo dựng để có được niềm vui và con người không thể sống mà không có niềm vui hoặc không có hy vọng về niềm vui. Niềm vui là bánh của tâm hồn. Và Thánh Tông đồ cũng tìm kiếm niềm vui đích thực – và khuyến khích những người theo ngài tìm kiếm niềm vui này – nơi Đức Kitô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4, 4).

Chúa Giêsu là bánh trường sinh không chỉ vì những gì Ngài trao ban mà còn – và trước hết – vì chính con người Ngài. Lời Chúa và Bí tích là phương tiện; việc sống trong Ngài và nhờ Ngài là mục đích: “Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 57). Trong bài thánh ca Adoro te devote, vốn khơi dậy lòng đạo đức và tôn thờ Thánh Thể của tín hữu Công giáo trong nhiều thế kỷ, có một câu diễn giải những lời này của Chúa Giêsu. Bài thánh ca ấy như thế này:

Ôi tưởng niệm cái chết của Đấng Cứu Độ,
Bánh trường sinh, ban sự sống cho nhân loại;
Hãy để con sống nhờ Người,
và nếm thử vị ngọt ngào của Người.

Do đó, toàn bộ lời nói của Chúa Giêsu có xu hướng làm sáng tỏ sự sống mà Người ban tặng: không phải sự sống xác thể, mà là sự sống Thần Linh, sự sống đời đời. Tuy nhiên, không phải theo chiều hướng này mà tôi muốn tiếp tục suy tư trong vài phút còn lại. Đối với Phúc âm, luôn có 2 thao tác phải được thực hiện, tôn trọng nghiêm ngặt thứ tự của chúng: trước hết là chiếm hữu, sau đó là bắt chước. Cho đến nay, chúng ta đã chiếm hữu được bánh trường sinh nhờ đức tin và chúng ta làm điều đó mỗi khi rước lễ. Bây giờ vấn đề là làm thế nào để mang bánh trường sinh vào trong cuộc sống thực tế của chúng ta.

Để làm điều này, chúng ta hãy tự vấn một câu hỏi đơn giản: Chúa Giêsu đã trở thành bánh sự sống cho chúng ta như thế nào? Chính Người đã cho chúng ta câu trả lời chính xác trong Phúc âm Gioan: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Chúng ta biết rõ hình ảnh rơi xuống đất và mục nát ám chỉ điều gì. Toàn bộ lịch sử của Cuộc Khổ Nạn được chứa đựng trong đó. Chúng ta phải thử xem những hình ảnh đó có ý nghĩa gì với chúng ta. Thật vậy, với hình ảnh về hạt lúa mì, Chúa Giêsu không chỉ nói lên số phận cá nhân của Người mà còn là số phận của mỗi một môn đệ đích thực của Người.

Người ta không thể nghe những lời của Giám mục Ignatius thành Antioch ngỏ với Giáo hội Rôma mà không xúc động và không ngạc nhiên khi thấy ân sủng của Đức Kitô có thể thực hiện cho loài người:

Tôi đang trao đổi thư từ với tất cả các giáo hội và mời họ nhận ra rằng tôi đang tự nguyện chết vì Thiên Chúa - nếu đúng như vậy, xin anh em đừng ngăn cản tôi. Tôi nài xin anh em, đừng dành cho tôi một sự tử tế không đúng lúc. Hãy để tôi trở thành thức ăn cho dã thú - đó là cách tôi có thể đến gần với Thiên Chúa. Tôi là lúa mì của Thiên Chúa và phải bị răng thú rừng nghiền nát để trở thành chiếc bánh tinh tuyền cho Đức Kitô.[2]

Trước răng của thú dữ, Giám mục Ignatius đã trải nghiệm những chiếc răng khác khiến ngài bị nghiền nát, đó không phải răng của thú rừng mà là của con người: Thánh nhân viết, “Từ Syria đến Roma, tôi chiến đấu với thú dữ, trên đất liền và trên biển, ngày đêm bị trói vào 10 con báo, số ít binh lính được hưởng lợi từ tôi trở nên tồi tệ hơn”. Điều này cũng có điều gì đó để nói với chúng ta. Trong môi trường sống của mình, mỗi chúng ta đều có những hàm răng của thú dữ nghiền nát chúng ta. Thánh Augustinô nói rằng con người chúng ta là “những chiếc bình đất làm tổn thương nhau”. Chúng ta phải học cách để biến tình trạng này thành một phương tiện thánh hóa chứ không phải để mình trở nên cứng lòng, hận thù và phàn nàn!

Một câu châm ngôn thường được lặp đi lặp lại trong các cộng đoàn tu trì của chúng ta là “Sống trong cộng đoàn là hình thức khổ chế lớn nhất”. Không những vĩ đại nhất mà còn hữu ích nhất, và có công hơn nhiều việc hy sinh hãm mình tự chọn khác. Câu châm ngôn này không chỉ áp dụng cho những người sống trong các cộng đoàn tu trì mà còn cho mọi cuộc sống chung của con người. Theo tôi, nơi đạt tới sự đòi hỏi khắt khe nhất của câu châm ngôn này đó là hôn nhân, và chúng ta phải hết sức ngưỡng mộ khi đối diện với một cuộc hôn nhân chung thuỷ từ đầu cho đến chết. Dành cả cuộc đời, ngày cũng như đêm, để đối phó với ý chí, tính cách, sự nhạy cảm và khí chất của người khác, nhất là trong một xã hội như xã hội của chúng ta, là một điều gì đó tuyệt vời và nếu được thực hiện với tinh thần đức tin thì đã được coi là “nhân đức anh hùng”.

Tuy nhiên, chúng ta thấy mình ở đây trong bối cảnh Giáo triều không phải là một cộng đoàn tu trì hay hôn nhân, mà là một cộng đoàn phục vụ và làm việc mang tính giáo hội. Có rất nhiều cơ hội không thể lãng phí nếu chúng ta cũng muốn được nghiền nát để trở thành bột của Thiên Chúa, và mọi người phải nhận ra và thánh hóa những gì mang lại cho mình tại nơi phục vụ của mình. Tôi sẽ chỉ kể tên 1 hoặc 2 điều mà tôi nghĩ là có giá trị đối với tất cả mọi người.

Một cơ hội là chấp nhận bị mâu thuẫn, từ bỏ việc biện minh cho bản thân, luôn muốn mình đúng, khi điều này không đòi hỏi bởi tầm quan trọng của vấn đề. Một cách khác nữa, đó là chịu đựng một người có tính cách, cách nói năng hoặc hành động khiến chúng ta lo lắng, và khi chịu đựng như vậy chúng ta không khiến mình khó chịu trong nội tâm, mà trái lại, nghĩ rằng có lẽ chúng ta cũng là một người như vậy đối với ai đó. Thánh Tông Đồ đã khuyên nhủ các tín hữu Côlôsê bằng những lời này:

Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Cl 3,12-13).

Điều khó “nghiền nát” nhất trong chúng ta không phải là thân xác mà là tinh thần, tức là lòng tự ái và kiêu ngạo, và những bài tập nhỏ này phục vụ mục đích đó một cách tuyệt vời.

Thật không may, ngày nay trong xã hội tồn tại một loại răng cắn xé không thương tiếc, còn tàn nhẫn hơn cả răng sư tử mà Thánh Ignatius tử đạo đã nói đến. Chúng là những chiếc răng của phương tiện truyền thông và cái gọi là mạng xã hội. Không phải khi chúng chỉ ra những biến dạng của xã hội hay của Giáo hội (về điều này chúng xứng đáng nhận được toàn bộ sự tôn trọng và quý mến!), mà là khi chúng tấn công ai đó vì thành kiến, đơn giản chỉ vì người ấy không thuộc về phe chúng. Với ác tâm và ý định phá hoại, thay vì mang tính xây dựng. Thật tội nghiệp cho ai, dù là giáo dân hay giáo sĩ, hiện phải rơi vào cái máy xay thịt này!

Trong trường hợp này, việc khẳng định lý do của mình trên các diễn đàn thích hợp là hợp pháp và cần thiết, và nếu điều này không thể thực hiện được hoặc thấy rằng điều đó không có ích gì, thì tất cả những gì còn lại đối với người tín hữu là hiệp nhất với Đức Kitô, Đấng bị đánh đòn, bị đội mão gai, và bị khạc nhổ vào mặt. Trong Thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy lời khuyên này gửi đến các Kitô hữu tiên khởi, vốn có thể giúp ích trong những trường hợp tương tự: “Anh em hãy tưởng nhớ Ðấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí” (Dt 12,3).

Ít nhất thì đó là một điều khó khăn và đau đớn để nói ra, nhất là nếu có liên quan đến gia đình ruột thịt hoặc tu trì của một người, nhưng ân sủng của Thiên Chúa có thể biến – và thường đã biến – tất cả những điều này thành cơ hội để thanh tẩy và thánh hóa. Đó là việc có niềm tin rằng, cuối cùng, như đã xảy ra với Chúa Giêsu, sự thật sẽ chiến thắng sự dối trá. Và có lẽ chiến thắng sẽ được thực hiện tốt hơn bằng sự im lặng hơn là bằng sự tự vệ cách hung hãn nhất.

* * *

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của việc cho phép bản thân bị nghiền nát không mang tính khổ chế mà là thần bí; nó không nhằm mục đích hy sinh hãm mình nhiều cho bằng để tạo sự hiệp thông. Đây là một chân lý đã đi kèm với việc dạy giáo lý về Thánh Thể ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Điều này đã được đề cập đến trong Didache (IX,4), một bản văn từ thời các tông đồ. Thánh Augustinô khai triển chủ đề này một cách tuyệt vời trong một bài giảng của ngài cho dân chúng. Thánh nhân so sánh tiến trình dẫn đến việc hình thành bánh là Mình Thánh Chúa Kitô, với tiến trình dẫn đến việc hình thành nhiệm thể của Người là Giáo hội. Thánh nhân nói rằng:

“Hãy nhớ lại một chút về lúa mì từng là gì khi nó còn ở ngoài đồng: đất làm cho nó nảy mầm, mưa nuôi dưỡng nó; sau đó là công việc của người mang nó đến sân đập lúa, đập nó, sàng lọc nó và cho nó vào kho; từ đây người ấy đem nó đi xay và nấu và cuối cùng, nó trở thành bánh mì.

Bây giờ hãy nghĩ về chính mình: anh chị em là hư không đã được tạo dựng, anh chị em được đưa đến sân đập lúa của Chúa, anh chị em bị đập… Khi xướng danh để lãnh Phép Rửa, anh chị em bắt đầu bị nghiền nát bởi việc ăn chay và trừ tà; rồi cuối cùng anh chị em đến với nước, anh chị em được nhào nặn và trở nên một; khi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đến, anh chị em được nấu chín và trở thành bánh của Chúa. Đây là những gì anh chị em nhận được. Vì thế, như anh chị em thấy bánh được chuẩn bị là một, thì chớ gì anh chị em cũng là một, yêu thương nhau, cùng một đức tin, cùng một đức cậy, và cùng một đức ái trọn vẹn.”[3]

* * *

Tôi kết thúc bằng một tình tiết đã thực sự xảy ra, được thuật lại trong cuốn sách vẫn còn trên thị trường có tựa đề “The Price to Pay” (Cái giá phải trả) và tôi tin rằng tác giả của cuốn sách vẫn còn sống. Nó giúp ích, tốt hơn những bài diễn văn dài dòng, để nhận ra sức mạnh chứa đựng trong câu “Ta là” trang trọng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng và đặc biệt là những gì tôi đã chú giải trong bài suy niệm đầu tiên này.

Cách đây vài thập niên, tại một quốc gia Trung Đông, có hai người lính – một người là tín hữu Kitô và người kia thì không – cùng nhau làm nhiệm vụ canh gác tại một kho vũ khí. Người tín hữu Kitô thường lấy ra, thậm chí vào ban đêm, một cuốn sách nhỏ và đọc, điều này gây tò mò và cả sự mỉa mai của người đồng đội của mình. Một đêm nọ, người lính không theo đạo nằm mơ. Anh thấy mình đang đứng trước một con suối mà anh không thể vượt qua. Anh nhìn thấy một nhân vật được bao phủ trong ánh sáng và người này nói với anh: “Để vượt qua nó, bạn cần có bánh trường sinh”. Quá ấn tượng với giấc mơ, vào sáng hôm sau, không hiểu tại sao, anh lại yêu cầu, hay nói đúng hơn là ép người bạn đồng đội đưa cho mình cuốn sách bí ẩn đó. (Tất nhiên đó là cuốn Phúc Âm). Anh mở nó ra và trúng vào Phúc âm Gioan. Người bạn theo đạo Kitô của anh khuyên anh nên bắt đầu với Phúc âm Matthêu để dễ hiểu hơn. Nhưng không hiểu tại sao, anh vẫn khăng khăng với Phúc âm Gioan. Anh đọc một mạch cho tới chương 6. Nhưng tại điểm này, sẽ rất tuyệt vời nếu nghe trực tiếp câu chuyện của anh:

Đọc tới chương thứ sáu, tôi dừng lại, bị ấn tượng bởi sức mạnh của một câu trong đó. Trong giây lát, tôi nghĩ mình là nạn nhân của ảo giác, và tôi lại nhìn vào cuốn sách, đến lúc tôi dừng lại… Tôi vừa đọc được dòng chữ này: “…bánh trường sinh”. Những lời tương tự tôi đã nghe cách đây vài giờ trong giấc mơ. Tôi chậm rãi đọc lại đoạn Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chính Ta là bánh trường sinh, ai đến với Ta, không hề phải đói”. Vào chính khoảnh khắc ấy, một điều gì đó phi thường được giải phóng trong tôi, giống như một sự bùng nổ của hơi ấm và hạnh phúc… Tôi có cảm tưởng như bị cuốn đi, được nâng lên bởi sức mạnh của một cảm giác mà tôi chưa bao giờ trải qua, một niềm say mê mãnh liệt, một tình yêu vô bờ dành cho người được gọi là Giêsu này.[4]

Những gì sau này anh phải chịu đựng vì đức tin của mình đã xác nhận tính xác thực của trải nghiệm của anh. Lời Chúa không phải lúc nào cũng hành động theo cách bùng nổ như vậy, nhưng tôi xin nhắc lại, là ví dụ cho chúng ta thấy sức mạnh thần linh ẩn chứa trong câu “Ta là” trang trọng của Đức Kitô mà với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta hứa sẽ suy tư trong Mùa Chay này.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (23. 02. 2024)





[1] Gương Chúa Giêsu, IV, 11.

[2] Thư gửi giáo đoàn Rôma, IV,1.

[3] Augustine, Sermo 229 (Denis 6 (PL 38, 1103)

[4] Joseph Fadelle, Le prix à payer. Les Editions de l’Oeuvre, Paris 2010. Engl. trans. The Price to Pay, Ignatius Press, 2012.