Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2023 – Phật lịch 2567: Lòng Từ Bi và Tình Yêu Vị Tha

24/05/2023

WHĐ (23.05.2023)Ngày 16 tháng 4 vừa qua, Bộ Đối thoại Liên tôn gửi sứ điệp đến quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2023 – Phật lịch 2567 với chủ đề: “Phật tử và Kitô hữu chữa lành nhân loại và trái đất bị tổn thương bằng Lòng Từ Bi và Tình Yêu Vị Tha”. Đại lễ Vesak năm nay được tổ chức vào ngày 02 tháng 6 (tức 15 tháng 4 Âm Lịch). Sau đây là toàn văn bản dịch tiếng Việt của Sứ điệp, do Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam chuyển ngữ.


BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

SỨ ĐIỆP GỬI QUÝ PHẬT TỬ NHÂN DỊP ĐẠI LỄ VESAK
Năm 2023 - Phật lịch 2567

Phật tử và Kitô hữu
Chữa Lành Nhân Loại và Trái Đất Bị Tổn Thương
Bằng Lòng Từ Bi Tình Yêu Vị Tha

Quý bạn Phật tử thân mến,

Bộ Đối thoại Liên tôn, trước đây gọi là Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn, xin gửi đến các bạn lời chào thân ái nhân dịp đại lễ Vesak, là thời gian các bạn mừng các sự kiện đản sanh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật. Ước mong ngày lễ này một lần nữa truyền cảm hứng cho các bạn tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu bản chất của đau khổ, nguyên nhân của đau khổ và cách vượt qua đau khổ.

Cuộc đời vốn dĩ đầy khổ đau và thương tích, và những dịp lễ hội giúp chúng ta lùi lại một bước cần thiết, thoát khỏi thói quen thường ngày để đề cập đến những vấn đề này với cái nhìn mới. Giao tiếp ngày càng tăng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay đã khiến chúng ta nhận ra rằng những vấn đề chúng ta gặp phải không phải là riêng lẻ, mà là hệ quả của những căng thẳng và những điều ác đang bao trùm toàn thể nhân loại. Những thương tổn gây nên đau khổ cho thế giới thật là nhiều: nghèo đói, phân biệt đối xử và bạo lực; thờ ơ với người nghèo, tình trạng nô dịch do các mô hình phát triển không tôn trọng con người và thiên nhiên; hận thù phát sinh và được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và dân tộc; và trên hết là thái độ thất vọng đối với cuộc sống thể hiện bằng nhiều kiểu lo lắng và nghiện ngập. Đau đớn thay, tất cả những thực tế này làm lộ rõ tình trạng dễ bị tổn thương chung của chúng ta.

Nhận thức sâu sắc về tình trạng dễ bị tổn thương chung này đòi hỏi phải có những hình thức liên đới mới, được hình thành bởi các truyền thống tôn giáo của chúng ta, mà chúng ta hướng đến để tìm ra “giải đáp cho những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ phải xao xuyến sâu xa” (x. Nostra Aetate, 1). Bởi vì chúng ta làm thành một gia đình nhân loại, nên tất cả chúng ta đều có tương quan với nhau như anh chị em, cùng cư ngụ trên trái đất và tương thuộc lẫn nhau. Chúng ta đang chèo chống trên cùng một con thuyền, “ở đó điều gây tổn hại cho người này cũng gây tổn hại cho những người khác. Phải nhớ rằng không ai được cứu một mình, mà chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau” (ĐGH Phanxicô, Fratelli Tutti, 32). Đó là lý do tại sao chúng tôi cho rằng lúc này là thích hợp để nhắc lại rằng các truyền thống tôn giáo của chúng ta có thể cung cấp các phương thuốc khả dĩ chữa lành vết thương trầm trọng của chúng ta, cũng như những vết thương của gia đình, quốc gia và hành tinh của chúng ta.

Quý vị Phật Tử thân mến, các bạn chữa lành khi các bạn thể hiện karuna – lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, được Đức Phật dạy bảo (Sutta Nipata 1.8, Sutta Nipata 2.4), hoặc khi các bạn hành động vị tha như Bồ tát, người đã từ chối nhập Niết bàn và ở lại thế gian làm việc để xoa dịu khổ đau của tất cả chúng sinh cho đến khi họ được giải thoát. Đức Phật mô tả một người tràn đầy karuna: “Người ấy an trú với tâm bi tràn ngập khắp một phương, cũng vậy với phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng vậy, trên, dưới, băng ngang, khắp mọi nơi, khắp mọi vật cũng như chính mình, người ấy an trú với tâm bi tràn ngập khắp thế giới, quảng đại, hân hoan, vô hạn, không thù nghịch, không sân hận.” (Abhidhamma Pitakaya Vibhanga b)[1]. Những người an trú với tâm bi cung cấp một liều thuốc giải độc cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đã nói đến, bằng cách cống hiến lòng từ bi toàn diện để đối phó với những tệ nạn đang lan rộng và cấu kết với nhau.

Tương tự như vậy, đối với các Kitô hữu, không có phương dược nào hữu hiệu hơn việc thực hành agapè (tình thương vị tha), là di sản vĩ đại mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ. Chúa Giêsu tặng ban cho các môn đệ tình thương thần linh – agapè – và dạy họ yêu thương nhau (x. Gioan 15, 13). Ngài đưa ra ví dụ về một người đã ra sức chăm sóc cho một khách lạ -nạn nhân của bọn cướp, nhưng lại là kẻ thù của dân tộc mình: “Một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Luca 10, 33-34). Người Samari thể hiện sự gần gũi cụ thể với người đang cần giúp đỡ.

Tôi muốn nhắc lại lời của Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta phục vụ tha nhân với lòng từ bi, yêu thương một cách cụ thể chứ không trừu tượng, với một tình yêu “là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, một tình yêu chẳng do dự hiến thân hy sinh cho người mình yêu. Bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ số phận của người mình yêu trong mọi sự. Tình yêu làm cho chúng ta nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và loại bỏ những ngăn cách.” (Sứ điệp Mùa Chay 2014). Cũng vậy, việc Đức Phật nhấn mạnh việc tu tâm là hết sức đáng quý khi chúng ta cùng nhau thăng tiến trong cố gắng mang lại sự chữa lành: “Hãy tu tập sự tu tập về lòng từ, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt.” (Maharahulovada Sutta - MN 62)[2].

Ước mong tất cả chúng ta cố gắng sống với tình thương và lòng từ bi lớn hơn, cùng cộng tác xây dựng một thế giới công bằng, hòa bình và hợp nhất hơn. Ước mong quý vị “Tung rải từ tâm khắp vũ trụ. Mở rộng lòng thương không giới hạn. Tầng trên, phía dưới và khoảng giữa. Không vướng mắc, oán thù, ghét bỏ.” (Karaniya Metta Sutta, Sn. 1.8)[3]. Anh chị em Phật tử thân mến, cầu chúc quý vị được dồi dào phước lành và hoan hỉ góp phần chữa lành những vết thương của xã hội và của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.

Vatican, ngày 16 tháng 4 năm 2023

(đã ký)
Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Bộ trưởng

(đã ký)
Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage
Thư ký


Tải về
file Word và file PDF tại đây!

Chuyển ngữ: Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn / HĐGMVN



[1] Tạng Vi Diệu Pháp hay Luận tạng

[2] Đại kinh Giáo giới La-hầu-la, dịch giả: HT Thích Minh Châu

[3] Kinh Từ Bi, dịch giả: Thích Thiện Châu

LỊCH PHỤNG VỤ