Nền văn minh Thánh Thể có dáng vẻ nào?

20/05/2023

“Làm thế nào Thánh Thể có thể cứu nền văn minh” của R. Jared Staudt (ảnh: TAN Books)

NỀN VĂN MINH THÁNH THỂ CÓ DÁNG VẺ NÀO?

Tác giả: R. Jared Staudt
Ngày 16 Tháng Năm, 2023

WHĐ (20.05.2023) - Một đoạn trích từ cuốn sách mới, “Làm thế nào Thánh Thể có thể cứu nền văn minh” (R. Jared Staudt, 16.05.2023).

Bí tích Thánh Thể không phải là một học thuyết để tin, mà là một thực tế để sống - một thực tế sẽ định hình cuộc sống của chúng ta và mọi việc chúng ta làm. Trong cuốn sách mới của tôi, “Bí tích Thánh Thể có thể cứu nền văn minh như thế nào”, tôi xem xét cách thức sự biến đổi sẽ lan tỏa khắp thế giới, trở thành hạt giống cho sự đổi mới nền văn minh của chúng ta, nếu chúng ta cho phép Bí tích Thánh Thể thay đổi chúng ta. Những gì sau đây là một đoạn trích từ chương cuối cùng:

Tôi thực sự tin rằng nền văn hóa Kitô giáo sẽ trỗi dậy trở lại, trừ khi thế giới sớm kết thúc. Trước tiên, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn, nhưng Giáo hội giữ cho những hạt giống của nền văn minh tồn tại, như chúng ta thấy trong cuốn tiểu thuyết hậu tận thế của Walter Miller A Canticle for Leibowitz - Một bài thánh ca cho Leibowitz - nơi mà sau chiến tranh hạt nhân, các tu sĩ một lần nữa giữ vững niềm tin và học cách để sống còn. Đây đơn giản là những gì Thánh Thể làm trên trần thế; giữa những thăng trầm văn hóa, Thánh Thể từ từ thay đổi mọi thứ! Chúng ta không nên quan niệm về một nền văn minh mới như một sự áp đặt đức tin Kitô giáo hay Giáo hội lên thế giới. Thiên Chúa, mặc dù Ngài toàn năng, nhưng không ép buộc chúng ta, và Ngài dành một khoảng trống rộng rãi cho sự tự do của chúng ta. Ngài muốn chúng ta trở nên đầy sức sống và muốn các tổ chức của con người đạt được công lý phù hợp với những thiện ích thực sự của tự nhiên. Vì Thánh Thể là trái tim của Giáo Hội cũng như trái tim của thế giới, Thánh Thể làm cho cõi trần nên sinh động để đạt được cùng đích của nó: thiện ích chung của xã hội.

Một nền văn minh mới sẽ không xảy ra một cách tình cờ. Nền văn minh đó sẽ nảy sinh nhờ công việc khó nhọc chậm chạp của các Kitô hữu đang hoạt động để làm cho mọi sự trở nên mới mẻ, được truyền cảm hứng và nên vững mạnh bởi sự hiện diện của Chúa Giêsu trong họ. Đây là cách Chúa Giêsu thay đổi thế giới: từng người một. Các giám mục Hoa Kỳ đã giải thích hiệu ứng lan tỏa này trong tài liệu “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội” của các ngài về sự hồi sinh Thánh Thể: “Sự biến đổi cá nhân và luân lý được Thánh Thể nâng đỡ vươn tới mọi lĩnh vực của đời sống con người. Tình yêu thương của Chúa Kitô có thể thấm nhuần tất cả các mối tương giao của chúng ta: với gia đình, bạn bè và hàng xóm của chúng ta. Nó cũng có thể định hình lại toàn bộ cuộc sống của xã hội chúng ta. Mối tương giao của chúng ta với Chúa Kitô không bị giới hạn trong phạm vi riêng tư; nó không dành cho riêng chúng ta” (số 35). Một nền văn minh được hồi sinh nhờ Thánh Thể sẽ nhìn nhận việc thờ phượng Thiên Chúa là thiện ích cao nhất của nền văn minh đó, như một nguồn sống vượt trên chính nó mà nó phụ thuộc vào, đồng thời rút ra từ sức mạnh này khả năng sắp xếp mọi thứ trên thế giới một cách đúng đắn trong công bằng và bác ái.

Thánh Thể có thể cứu nền văn minh bằng cách cung cấp khả năng tâm linh để khôi phục trật tự và sự lành mạnh cho nền văn hóa của chúng ta. Sức mạnh của Thánh Thể trước hết là sức mạnh nội tâm, cần có để vượt qua khoảng trống đạo đức và tâm linh trong nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta cử hành phụng vụ vì chính Thánh Thể, chứ không phải như một phương tiện để đạt được mục đích thực tế. Thánh Thể vẫn là một dấu hiệu cho thấy điều tốt đẹp nhất của chúng ta nằm ngoài thế giới này trong ngày Sabát vĩnh cửu của Thiên Chúa. Do đó, mục tiêu của Thánh Thể không phải là một nền văn minh mới mà là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Mặt khác, các mục tiêu của nền văn minh có thể được thực hiện nhờ sức mạnh của Thánh Thể, một sức mạnh thúc đẩy một trật tự đúng đắn và sự hài hòa trong cuộc sống con người. Nếu chúng ta tìm cách khôi phục mọi thứ bằng sức riêng của mình, chúng ta sẽ thất bại, nhưng với sự giúp đỡ của vị Vua thực sự của thế giới, chúng ta có thể truyền đi sức mạnh của sự thật và tình yêu chữa lành của Thiên Chúa. Mục tiêu của một nền văn minh Kitô giáo mới không phải là một chế độ thần quyền, vì Giáo hội luôn công nhận tính hợp pháp rõ ràng và riêng biệt của trật tự chính trị. Đại giáo đường không thể thay thế tòa thị chính, mặc dù nó phải đóng vai trò là trung tâm thực sự của thành phố và là điểm quy chiếu liên tục của thành phố trong những điều quan trọng nhất.

Văn hóa của thế giới Kitô giáo không phải là một thực thể chính trị đơn thuần. Dawson giải thích cách thế “Giáo hội thời trung cổ không phải là một quốc gia trong một quốc gia, mà là một xã hội siêu chính trị trong đó nhà nước là một cơ quan dưới quyền, mang tính địa phương và hạn chế. Lý tưởng nhất là có một xã hội vĩ đại - xã hội của những Kitô hữu - với một phẩm trật kép bao gồm các thừa tác viên lo việc tâm linh và các bộ trưởng lo việc trần thế.” Một nền văn minh Kitô giáo không do Giáo hội điều hành, vì nền văn minh đó phát sinh khi các thành viên của Giáo hội làm cho xã hội thấm nhuần các giá trị Kitô giáo thông qua sự lãnh đạo và công việc của họ. Vấn đề không chỉ đơn giản là có đủ người Công giáo ở các vị trí có ảnh hưởng, bởi vì chúng ta đã có điều đó nhưng lại không có tác dụng tốt, mà là để Chúa Giêsu hành động thông qua sự trung thành và ảnh hưởng hàng ngày của những người Công giáo bình thường. Ban đầu, nền văn minh Kitô giáo nảy sinh nhờ cuộc gặp gỡ bởi ý Chúa của Tin mừng với nền văn hóa Địa Trung Hải cổ đại, chủ yếu là triết học Hy Lạp và luật La Mã, được truyền đến các dân tộc mới ở châu Âu, những người man rợ. Bản thân nền văn hóa này không có gì đặc biệt đối với châu Âu, vì một mô hình giáo dục và công lý tương tự có thể phát sinh ở bất cứ đâu trên thế giới. Không có một cách làm việc đặc thù nào trong một xã hội Kitô giáo, không phải một nền văn hóa hay chính trị cụ thể nào, mà là một lối sống Kitô giáo làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và tất cả những gì chúng ta làm.

Đức tin nhất thiết phải tạo ra văn hóa bằng cách làm cho thế giới thấy được những thực tại tâm linh, mặc dù trước hết chúng ta phải có đức tin để xây dựng lại nền văn minh! Dawson nhận ra một cách đúng đắn rằng bất cứ nơi nào nền văn hóa đó phát sinh, “thì việc quay trở lại Kitô giáo là điều kiện không thể thiếu để phục hồi trật tự tâm linh và làm cho cộng đồng tâm linh trở nên hiện thực, vốn sẽ là nguồn sống mới cho nền văn minh của chúng ta.” TS Eliot nêu rõ một điểm tương tự: “Dù lời loan báo nghe có vẻ tin tưởng mù quáng, nhưng Kitô hữu có thể hài lòng với không gì khác hơn là một tổ chức xã hội Kitô giáo - điều này không giống với một xã hội chỉ bao gồm những Kitô hữu sùng đạo. Đó sẽ là một xã hội trong đó mục đích tự nhiên của con người - đức hạnh và phúc lợi trong cộng đồng - được thừa nhận cho tất cả mọi người, và mục đích siêu nhiên – hạnh phúc đích thật - cho những ai có mắt để nhìn thấy nó.” Eliot đặt ra hai mục tiêu thiết yếu: thừa nhận và sống những điều tốt đẹp của tự nhiên, đồng thời hướng chúng đến một mục tiêu cuối cùng bên kia thế giới này. Vì chúng ta đã trải qua điều mà Nietzsche gọi là sự nghịch đảo trật tự mọi giá trị, nên việc khôi phục nền văn minh Kitô giáo sẽ một lần nữa gây ra sự truy ngược để trở về tình trạng trước kia, lộn đầu thế giới xuống (Công vụ 17: 6) để nó sẽ lại nằm ở phía bên phải - coi trọng sự khiêm nhường hơn là kiêu hãnh, hy sinh hơn là ích kỷ, thư thái hơn là bận rộn điên cuồng, và trao tặng hơn là tiêu dùng.

Về mặt làm việc vì lợi ích tự nhiên, Kitô hữu có thể hợp tác với tất cả những người thiện chí, đặc biệt là anh em Kitô hữu của chúng ta. Bí tích Thánh Thể truyền cảm hứng cho chúng ta lật đổ nền văn hóa sự chết bằng cách nhấn mạnh đến giá trị nội tại của sự sống. Tông huấn Sacramentum Caritatis – Bí tích Tình yêu - của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: “Lương thực sự thật đòi hỏi chúng ta tố cáo những tình trạng vô nhân đạo trong đó con người chết đói vì bất công và bóc lột, và nó mang lại cho chúng ta sức mạnh và can đảm mới để làm việc không mệt mỏi phục vụ nền văn minh tình thương” (số 90). Từ ngữ tình yêu đã được làm sáng tỏ ý nghĩa. Thay vì là một cảm giác tìm kiếm sự thỏa mãn cho riêng mình, thì tình yêu đích thực hy sinh vì lợi ích của người khác. Một xã hội Kitô giáo phải khước từ những lời nói dối tai hại và khước từ đem lại cho điều ác một vị thế công khai. Thực vậy, chính vì tình yêu mà xã hội Kitô giáo phải từ chối khẳng định điều ác là điều tốt trong khi bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi sự bóc lột của xã hội công nghệ của chúng ta. Như Đấng Đáng Kính Jérôme Lejeune đã nói một cách khéo léo, “Phẩm chất của một nền văn minh được đo lường bằng sự tôn trọng mà nền văn minh đó dành cho những thành viên yếu kém nhất.” Một nền văn minh Kitô giáo được đánh dấu bằng tình yêu, tạo ra một môi trường làm cho việc trở nên người lương thiện được dễ dàng hơn, bởi vì nền văn minh đó tìm kiếm những mục tiêu đúng đắn, những mục tiêu dẫn đến sự triển nở của con người.

Một nền văn minh Kitô giáo chấp nhận một sự giản dị hơn bởi vì nó không tìm kiếm một điều không tưởng trên trái đất hay sự vui chơi của loài người (như trong dự án siêu phàm của ma quỷ). Nền văn minh đó đặt thiện ích trần gian trong quan điểm đúng đắn là có giới hạn và được sắp đặt để hướng tới những điều cao cả hơn. Nhân đức của tôn giáo, nhân đức vốn trả lại Thiên Chúa những gì là của Ngài và quy về Ngài trong mọi sự, là nhân đức của người công dân vì Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của mọi của cải trần thế. Một xã hội lành mạnh tôn vinh Thiên Chúa và sống theo cách làm đẹp lòng Ngài, điều này cũng dẫn đến hạnh phúc của các công dân của xã hội đó. Một nền văn minh Kitô giáo giữ đức tin trong danh dự, tìm kiếm các giải pháp lấy cảm hứng từ đức tin đó và đoàn kết mọi người lại với nhau để theo đuổi những thiện ích cao nhất. Để vượt qua trào lưu tục hóa, nền văn minh Kitô giáo cho phép thực hành đức tin một cách công khai, chứ không chỉ đơn giản là một đức tin riêng tư vốn phải đấu tranh để thể hiện bản thân một cách nhất quán và đủ bản lĩnh. Giống như những ngọn tháp chóp nón của Vương cung thánh đường Sagrada Familia ở Barcelona, ​​nền văn minh Kitô giáo có thể trỗi dậy trong thế giới hiện đại, không chỉ đơn giản là trở về quá khứ. Nền văn minh Kitô giáo sẽ là một sáng tạo mới, dựa trên di sản vĩ đại của nền văn hóa Kitô giáo và thể hiện nền văn hóa đó theo một cách mới mẻ, kết hợp những tiến bộ đích thực của thế giới hiện đại đồng thời tích hợp chúng vào một tầm nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống con người.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ewtn.co.uk (17.05.2023)

LỊCH PHỤNG VỤ