Khi chúng ta hoài nghi sức mạnh của lời cầu nguyện
KHI CHÚNG TA HOÀI
NGHI SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN
Tác giả: Ronald Rolheiser
Chúng ta cần cầu nguyện
kể cả khi đó là việc nhàm chán nhất để làm. Đó là lời khuyên của linh mục
triết gia Dòng Tên Michael J. Buckley về những gì chúng ta cần thách thức bản
thân mỗi ngày. Khi đối diện với đời sống thực tế, lời cầu nguyện thường là việc
nhàm chán nhất để làm. Vậy lời cầu nguyện tạo nên được khác biệt gì?
Tôi sẽ cầu nguyện cho
bạn! Xin nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện! Chúng ta luôn nói những câu này.
Tôi cho là không ngày nào chúng ta không hứa cầu nguyện cho ai đó. Tuy nhiên,
chúng ta có thật sự tin lời cầu nguyện của chúng ta tạo nên khác biệt không?
Chúng ta thật sự tin lời cầu nguyện của chúng ta có thể chặn đứng được đại dịch,
xoa dịu căng thẳng trong cộng đồng, xóa bỏ hàng thế kỷ hiểu lầm giữa các giáo
phái, chữa lành căn bệnh nan y, đưa con em chúng ta trở lại với nhà thờ, hay
làm cho ai đó tha thứ cho chúng ta không? Lời cầu nguyện có thể làm gì khi
chúng ta bất lực trong một hoàn cảnh nào đó?
Chúa Giêsu nói rằng có những con quỷ chỉ có thể bị xua đuổi
nhờ lời cầu nguyện và chay tịnh. Tôi cho rằng, chúng ta tin câu này theo nghĩa
đen như việc trừ quỷ thì dễ hơn là tin lời cầu nguyện có thể xua trừ những con
quỷ trần tục như hận thù, bất công, hiểu lầm, chia rẽ, chiến tranh, kỳ thị chủng
tộc, chủ nghĩa dân tộc, định kiến bất dung và những chứng bệnh thể xác cũng như
tâm hồn. Đây là những con quỷ thật sự đang bủa vây cuộc sống chúng ta và dù
chúng ta xin Thiên Chúa giúp đỡ trong lời cầu nguyện, nhưng thường chúng ta
không mấy tin tưởng lời cầu nguyện của mình sẽ tạo nên khác biệt. Sao có thể
như thế?
Lịch sử lâu dài của Do thái giáo và Kitô giáo dạy chúng ta,
Thiên Chúa không có thói quen can thiệp trực tiếp vào đời sống tự nhiên và đời
sống nhân loại, ít nhất không phải theo cách mà chúng ta thấy được. Các phép lạ
có xảy ra, có thể theo hàng triệu cách mà chúng ta không nhận thức được. Nhưng nếu
chúng ta không thể nhìn thấy phép lạ, thì chúng có thật không?
Hiện thực có những phương thức khác. Có kinh nghiệm và thần
nghiệm. Cả hai đều có thật, dù chúng ta không xem cả hai như nhau về phương diện
hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Nếu một xác chết đội mồ sống lại (Phục
sinh) hay nếu cả một dân tộc bước đi khô ráo qua Biển Đỏ (Xuất hành) thì rõ
ràng đó là sự can thiệp của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta, nhưng nếu một
lãnh đạo thế giới hồi tâm chuyển ý và đột nhiên đồng cảm với người nghèo, làm
sao chúng ta biết được điều gì dẫn đến chuyện này? Với mọi sự chúng ta cầu nguyện
cũng vậy.
Điều gì thúc đẩy trí khôn dẫn đến việc tìm ra vắcxin cho đại
dịch? Thuần túy là cơ may sao? Hay sự can thiệp từ trời cao? Ta cũng có thể đặt
câu hỏi đó với hầu hết mọi điều chúng ta cầu nguyện, từ tình hình thế giới cho
đến sức khỏe của mình. Nguồn nào đem lại hứng khởi, phục hồi sức khỏe, xóa tan
cay đắng, biến đổi nhân tâm, giúp đem lại quyết định sáng suốt hay một cơ hội gặp
ai đó khiến cả cuộc đời chúng ta tốt đẹp hơn? Cơ may thuần túy hay ngẫu nhiên
tình cờ? Hay là ơn phúc và sự dẫn dắt của Chúa nhờ lời cầu nguyện, dù là của
chính mình hay người khác cầu cho mình?
Tâm điểm của đức tin Kitô giáo là chúng ta đều thuộc về một
thân thể nhiệm mầu, Nhiệm thể Chúa Kitô. Đây không phải là cách nói ẩn dụ. Cơ
thể này là một cơ thể sống, cũng thật như một cơ thể vật chất. Bên trong cơ thể
vật chất, mọi phần đều ảnh hưởng đến nhau, dù tốt hay xấu. Các enzym (chất xúc
tác sinh học) lành mạnh giúp cơ thể duy trì sức khỏe, còn các vi-rút không lành
mạnh thì làm suy yếu cả cơ thể. Nếu đúng là thế, mà đúng là thế thật, thì cái gọi
là hành động thật sự cá nhân không tồn tại. Mọi việc chúng ta làm, dù là trong
tư tưởng, có tác động đến người khác và do đó tư tưởng và hành động của chúng
ta hoặc enzym lành mạnh hoặc vi-rút gây hại cho người khác. Lời cầu nguyện của
chúng ta là enzym lành mạnh tác động đến toàn bộ cơ thể, nhất là đến những người,
những sự việc mà chúng ta hướng tới. Đây là giáo lý đức tin, chứ không phải một
ý nghĩ đơn thuần.
Bà Dorothy Day từng có thời không thích Thánh Têrêxa Hài đồng
Giêsu, nghĩ rằng tách mình vào một tu viện nhỏ và “con đường thần nghiệm nhỏ”
là lòng mộ đạo ngây thơ. Về sau, khi bà Dorothy dốc sức làm những việc lớn lao
cho công lý và hòa bình, nhưng bà thấy dường như chúng không thay đổi được đời
sống thực tế bao nhiêu, bà đã nhận thánh Têrêxa làm quan thầy. Điều mà bà
Dorothy Day nhận ra qua kinh nghiệm của mình là những hành động dường như nhỏ
bé và vô ích về mặt thực dụng cho công lý và hòa bình, lại không vô ích chút
nào. Dù nhỏ, nhưng chúng đã giúp mở ra một không gian, mới đầu thì nhỏ, nhưng dần
dần mở rộng thành một thứ lớn hơn và có tác động hơn. Khi đưa một vài enzym bé
xíu vào cơ thể của thế giới, cuối cùng Dorothy Day đã giúp thế giới lành mạnh
hơn một chút.
Lời cầu nguyện là một chất kháng sinh kín đáo khó thấy, có
khi bị xem dường như vô dụng, nhưng lại thật sự cần thiết.
Nguồn: ronrolheiser.com (20.9.2021)
- Cầu nguyện: Cuộc chiến đấu để tin vào tình yêu ( 23/05/2023)
- Liệu sự phân tâm chia trí trong khi cầu nguyện có một ý nghĩa nhất định không? ( 18/05/2023)
- 5 cách để nhận ra Thiên Chúa đang hành động trong cuộc đời chúng ta ( 16/05/2023)
- Mười cách mừng kính tháng năm của Đức Mẹ ( 06/05/2023)
- Thứ Sáu Tuần Thánh (07.04.2023) – Suy niệm Đàng thánh giá với Đức Thánh Cha Phanxicô ( 07/04/2023)
- Thứ Sáu Tuần Thánh (10.04.2020) – Suy niệm Đàng thánh giá với Đức Thánh Cha Phanxicô ( 06/04/2023)
- Thứ Sáu Tuần Thánh (14.04.2017) – Suy niệm Đàng thánh giá với Đức Thánh Cha Phanxicô ( 06/04/2023)
- Thứ Sáu Tuần Thánh (18.04.2014) – Suy niệm Đàng thánh giá với Đức Thánh Cha Phanxicô ( 06/04/2023)
- Suy niệm tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Chay 2023: Bài 5 - Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian ( 03/04/2023)
- Đức Hồng Y Carlo Maria Martini: Suy niệm các Chặng Đàng Thánh Giá theo Kinh Thánh ( 03/04/2023)