HỌC CÁCH YÊU NHƯ CHÚA GIÊSU: HÃY PHỤC VỤ, ĐỪNG PHÁN XÉT
Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C
(Cv 14, 20b-26; Kh 21, 1-5a; Ga 13, 31-33a. 34-35)

Jaime L. Waters

WHĐ (14.5.2022) - Tình yêu thương là hành động trọng tâm trong toàn bộ sứ vụ của Chúa Giêsu, đây cũng là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay. Giới răn Chúa Giêsu đưa ra không có gì là mới, Ngài chỉ thêm vào một điểm nổi bật giúp chúng ta biết cách thực hành giới răn này trong thế giới phức tạp ngày hôm nay.

Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay được trích trong phần cuối sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu. Ngài chuẩn bị cho chính bản thân Ngài và cho các môn đệ trước cái chết sắp xảy đến. Trong phần đầu chương này, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, chăm sóc các ông và chỉ cho các ông cách chăm sóc lẫn nhau. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15). Bằng việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu ưu tiên phục vụ cộng đoàn như một yếu tố nền tảng trong vai trò của người môn đệ.

Khi tiếp tục trò chuyện với các môn đệ, Chúa Giêsu cảnh báo với các ông rằng Ngài chỉ còn ở với các ông một ít lâu nữa thôi, và Ngài ban cho các ông một điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Bằng việc thực hành giới răn yêu thương, các môn đệ sẽ cho mọi người thấy rằng các ông chính là môn đệ của Chúa Giêsu.

Điều răn mới của Chúa Giêsu xem ra cũng khá cũ, một phần trích dẫn từ sách Lêvi chương 19 câu 18. Chúa Giêsu chỉ thêm điểm “như Thầy đã yêu thương anh em” vào giới răn mới này. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng hành động của Ngài thể hiện tình yêu thương và các môn đồ Ngài cũng phải hành động tương tự để thể hiện tình yêu thương với người khác. Chúng ta đã thấy lệnh truyền yêu thương và phục vụ được nêu bật trong bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Ba Phục Sinh - một trong những lần Ngài hiện ra sau khi Phục sinh. Hôm nay, chúng ta nghe lại lệnh truyền đó trong bối cảnh những lời từ biệt của Chúa Giêsu. Khi chuẩn bị cho cuộc khổ hình, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ noi theo và Ngài cũng giải thích cái chết của Ngài như một hành động hy sinh của tình yêu.

Lời mời gọi yêu thương có thể giúp chúng ta sống giống như Chúa Kitô và biến đức tin của chúng ta thành hành động. Chúng ta đừng quên việc chính Chúa Giêsu cũng đã rửa chân cho Giuđa. Giuđa không bị loại trừ hay bị lên án vì sự phản bội của mình. Chúa Giêsu quan tâm đến Giuđa dù biết rằng Giuđa sẽ phản bội mình.

Ngày nay, có vô số những chủ đề và hành động mà mọi người đã vội vã phán xét và lên án. Ví dụ điển hình là các bài viết xung quanh việc phá thai, nơi các bài tham luận này vắng bóng tình yêu thương, trái lại chỉ có sự phán xét và lòng ghen ghét tồn tại trong cuộc đối thoại giữa 2 thái cực. Sra sao nếu các điều luật liên quan đến việc phá thai được đặt nền tảng trên tình yêu thay vì đố kị? Làm thế nào và tại sao vấn đề này lại chia chúng ta thành hai lập trường riêng biệt như thể chỉ có quyền phụ nữ hoặc là quyền sống của trẻ chưa sinh. Nhưng tại sao hai quyền ấy lại không đi đôi với nhau? Cả hai đều đáng được yêu thương và bảo vệ một cách đặc biệt.

Tin Mừng và các bản văn liên quan thách thức chúng ta học cách yêu thương như Chúa Giêsu, bao gồm cả việc yêu thương kẻ thù và những người có ý định làm hại chúng ta. Đây là một thách thức, và điều này nghe có vẻ không hợp lý. Tuy nhiên, điều này cho biết cách chúng ta tiếp cận các vấn đề phức tạp của thời đại ngày nay, bao gồm cả các cuộc tranh luận về phá thai. Chúa nhật tuần trước – ngày của mẹ, nhiều người đã tôn vinh vai trò của người mẹ và tình mẫu tử trong cuộc sống của chúng ta, ghi nhận vô số những hy sinh và tấm gương yêu thương của họ. Trong khi các cuộc tranh luận về tình mẫu tử và quyền của phụ nữ vẫn tiếp diễn, chúng ta phải tập trung vào các hành động và chính sách thực sự thúc đẩy tình yêu thương, cung cấp các nguồn lực sẽ giúp tất cả mọi người tồn tại và phát triển tốt hơn.

Jos. Đăng Vũ
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (6.5.2022)