WHĐ (09.03.2024) Sáng ngày mồng 07.03, Đức giáo hoàng Phanxicô đã dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế “Phụ nữ trong Giáo hội: Những nghệ nhân của nhân loại” buổi tiếp kiến riêng.

Được biết, Hội nghị do Học viện Giáo hoàng Urbanô, Đại học Holy Cross, Đại học Católica de Ávila, và một số Đại học phối hợp tổ chức trong hai ngày 07- 08.03.2024 tại Roma dưới dạng trực tiếp và trực tuyến. Mục đích của sáng kiến này nhằm nêu bật những khía cạnh trong đó vai trò của phụ nữ như một “nghệ nhân” được thể hiện qua các hoạt động giáo dục, tâm linh, cổ vũ hòa bình và đối thoại,… trong bối cảnh Giáo hội hoàn vũ.

vẫn còn bị cảm, nên sau lời chào ngắn gọn dành cho những người hiện diện, Đức Thánh Cha trao bài Diễn văn đã được soạn sẵn của ngài để Đức ông Pierluigi Giroli đọc thay.

Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:



DIỄN VĂN ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ QUỐC TẾ
“PHỤ NỮ TRONG GIÁO HỘI: NHỮNG NGHỆ NHÂN CỦA NHÂN LOẠI”

Hội trường Clementine
Thứ Năm, ngày mồng 07 tháng 03 năm 2024

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em đến từ nhiều quốc gia để tham dự Hội nghị: Phụ nữ trong Giáo hội: Những nghệ nhân của nhân loại. Xin cảm ơn vì sự hiện diện của anh chị em và vì việc tổ chức và quảng bá sự kiện này.

Hội nghị của anh chị em đặc biệt nhấn mạnh chứng tá về sự thánh thiện của 10 người phụ nữ. Tôi muốn kể tên họ: Josephine Bakhita, Magdeleine de Jesus, Elizabeth Ann Seton, Mary MacKillop, Laura Montoya, Kateri Tekakwitha, Teresa of Calcutta, Rafqa Pietra Choboq Ar-Rayès, Maria Beltrame Quattrocchi và Daphrose Mukasanga.


Tất cả những phụ nữ này, ở những thời điểm và nền văn hóa khác nhau, mỗi người với những phong cách riêng, cũng như với những sáng kiến ​​bác ái, giáo dục và cầu nguyện, đã minh chứng rằng “ơn thiên phú của người nữ” có khả năng phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới theo một cách độc đáo như thế nào. Thật vậy, chính trong những thời điểm lịch sử khi mà phụ nữ phần lớn bị loại trừ khỏi đời sống xã hội và giáo hội, thì “Chúa Thánh Thần đã làm nổi lên những thánh nữ mà sức hấp dẫn của các ngài đã đem lại sức sống tâm linh mới mẻ và những cải cách quan trọng trong Giáo Hội”. Không những thế, “Tôi cũng muốn nghĩ đến tất cả những người phụ nữ vô danh hoặc bị quên lãng, mà mỗi người mỗi cách, đã nâng đỡ và làm biến đổi các gia đình cũng như cộng đồng nhờ sức mạnh chứng tá của họ” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 12). Giáo Hội cần ghi nhớ điều này, bởi vì chính Giáo Hội là một người nữ: là thiếu nữ, là hiền thê, và là mẹ. Và liệu ai có thể biểu lộ khuôn mặt của Giáo hội tốt hơn là phụ nữ? Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau, gạt bỏ mọi thái độ gây hấn và chia rẽ, đồng thời trong sự phân định thấu đáo, ngoan nguỳ trước tiếng nói của Thánh Thần, và trong sự hiệp thông trung thành, nhằm tìm ra những cách thức phù hợp, nhờ đó, sự cao cả và vai trò của phụ nữ ngày càng được đánh giá cao hơn trong dân Chúa.

Anh chị em đã chọn một cách diễn đạt cụ thể để đặt tiêu đề cho Hội nghị này khi đề cập đến phụ nữ như là “Những nghệ nhân của nhân loại”. Cách diễn đạt này càng làm nổi bật hơn bản chất ơn gọi của phụ nữ, đó là trở thành “nghệ nhân”, cộng tác với Đấng Tạo Hóa trong việc phục vụ sự sống, công ích và hòa bình. Tôi muốn nhấn mạnh 2 khía cạnh của sứ mạng này, liên quan đến phong cách giáo dục.


Trước hết, về phong cách. Chúng ta đang sống trong một thời đại bị xâu xé bởi hận thù, trong đó gia đình nhân loại, vốn cần cảm nhận được sức mạnh của tình yêu, thì lại thường xuyên bị tổn thương bởi bạo lực, chiến tranh, và những ý thức hệ bóp nghẹt những cảm xúc cao quý nhất của con tim. Và chính trong bối cảnh này, sự đóng góp của phụ nữ càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thực vậy, phụ nữ biết cách liên kết mọi người lại với nhau bằng sự dịu dàng. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói rằng ngài muốn trở thành tình yêu trong lòng Giáo hội. Thánh nữ đã đúng: trên thực tế, với khả năng trắc ẩn độc đáo, với trực giác nhạy bén, và với thiên hướng tự nhiên là “quan tâm”, phụ nữ có thể, một cách xuất sắc, vừa là “trí tuệ và trái tim vốn yêu thương và hiệp nhất” đối với xã hội, vừa mang lại tình yêu ở những nơi thiếu vắng tình yêu, cũng như mang lại tính nhân văn ở những nơi con người đang tìm kiếm căn tính đích thực của mình.


Thứ đến, khía cạnh giáo dục. Anh chị em tổ chức Hội nghị này với sự hợp tác của nhiều tổ chức hàn lâm Công giáo khác nhau. Trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ của trường đại học, ngoài việc nghiên cứu chuyên sâu về học thuyết và giáo huấn xã hội của Giáo hội, thì mọi nỗ lực nhằm trình bày những chứng tá về sự thánh thiện, đặc biệt là sự thánh thiện của người nữ, có thể khuyến khích sinh viên nâng cao tầm nhìn, mở rộng chân trời ước mơ và lối suy nghĩ, đồng thời hướng tới việc theo đuổi những lý tưởng cao đẹp. Bằng cách này, sự thánh thiện có thể trở thành một lộ trình giáo dục liên ngành trong việc đạt được kiến thức sâu rộng hơn. Đây là lý do tại sao tôi hy vọng rằng môi trường giáo dục của anh chị em, ngoài vai trò là nơi học tập, nghiên cứu, và đào sâu; nơi cung cấp “thông tin”; còn là nơi “đào tạo”, trong đó giúp trí năng và con tim cởi mở trước sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Vì thế, điều quan trọng là phải làm cho các vị Thánh, nhất là các Thánh Nữ, được biết đến với tất cả chiều sâu và tính đặc thù về nhân tính của các ngài. Được như thế, việc giáo dục sẽ ngày càng có khả năng chạm đến tính toàn vẹn và độc đáo của mỗi người hơn.


Điều cuối cùng liên quan đến giáo dục: trong một thế giới mà phụ nữ vẫn còn phải chịu đựng quá nhiều đau khổ vì bạo lực, bất bình đẳng, bất công và ngược đãi – và điều này thật đáng hổ thẹn, thậm chí còn xấu hổ hơn nữa đối với những người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, Đấng “sinh làm con một người phụ nữ” (Gl 4,4) – đang tồn tại một hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến việc giáo dục phụ nữ. Trên thực tế, điều này đáng lo ngại trong nhiều bối cảnh cụ thể, nhưng con đường dẫn tới những xã hội tốt đẹp hơn phải thông qua việc giáo dục cho các bé gái và thiếu nữ, từ đó mang lại lợi ích cho sự phát triển con người toàn diện. Chúng ta hãy cầu nguyện và dấn thân thực hiện điều này!

Anh chị em thân mến, tôi phó thác cho Chúa thành quả của Hội nghị này và tôi đồng hành với anh chị em qua phép lành của tôi. Xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (07. 03. 2024)