BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM B

WHĐ (15.02.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B:


Bài Ðọc I: St 9, 8-15

Bài Ðọc II: 1Pr 3, 18-22

Phúc Âm: Mc 1, 12-15


Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 18.02.2024 – Dã thú và thiên thần

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc (x. Mc 1,12-15). Bản văn viết: “Ngài ở trong sa mạc bốn mươi ngày, bị Satan cám dỗ”. Trong Mùa Chay, chúng ta cũng được mời gọi “đi vào sa mạc”, nghĩa là đi vào thinh lặng, đi vào thế giới nội tâm, lắng nghe con tim, chạm đến sự thật. Trong sa mạc – Tin Mừng hôm nay cho biết thêm – Chúa Kitô “ở giữa dã thú và có các thiên thần phục vụ Người” (c. 13). Dã thú và thiên thần là bạn đồng hành của Người. Nhưng, theo nghĩa biểu tượng, họ cũng là bạn đồng hành của chúng ta: trên thực tế, khi chúng ta đi vào sa mạc nội tâm, chúng ta có thể gặp dã thú và thiên thần.

Dã thú. Theo nghĩa nào? Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta có thể coi chúng như những đam mê hỗn loạn đang chia cắt, cố gắng chiếm hữu trái tim chúng ta. Chúng chi phối chúng ta, dường như quyến rũ nhưng nếu không cẩn thận, chúng có nguy cơ xé nát chúng ta thành từng mảnh. Chúng ta có thể đặt tên cho những con “dã thú” này của tâm hồn: những tật xấu khác nhau, ham muốn của cải, vốn giam cầm trong toan tính và bất mãn, sự phù phiếm của thú vui, dẫn đến sự bồn chồn và cô đơn, và thậm chí cả lòng tham danh vọng, tạo ra sự bất an và nhu cầu liên tục cần sự công nhận và muốn trở thành nhân vật chính. Đừng quên những điều này mà chúng ta gặp bên trong chúng ta: ham hố, sự phù phiếm và tham lam. Chúng như những con “dã thú” và vì vậy chúng phải được thuần hóa và khuất phục: nếu không chúng sẽ nuốt chửng sự tự do của chúng ta. Mùa Chay giúp chúng ta đi vào sa mạc bên trong để sửa chữa những điều này.

Và sau đó, trong sa mạc còn có các thiên thần. Họ là những sứ giả của Thiên Chúa, những vị giúp đỡ chúng ta, làm điều tốt cho chúng ta; thực ra, đặc tính của họ theo Tin Mừng là phục vụ (xem câu 13): hoàn toàn trái ngược với sở hữu, đặc trưng của những đam mê. Phục vụ trái ngược với sở hữu. Các thiên thần, ngược lại, gợi nhớ lại những tư tưởng và tình cảm tốt đẹp do Chúa Thánh Thần khơi nên. Trong khi những cám dỗ xé nát chúng ta, những nguồn cảm hứng tốt lành của Thiên Chúa hiệp nhất chúng ta và giúp cho chúng ta đi vào trong sự hài hòa: chúng làm dịu tâm hồn, chúng thấm nhuần hương vị của Chúa Kitô, “hương vị Thiên Đàng”. Để đón nhận được sự soi sáng của Thiên Chúa, chúng ta cần đi vào trong sự thinh lặng và cầu nguyện. Và Mùa Chay là thời gian để làm điều này. Chúng ta tiến bước.

Chúng ta có thể tự hỏi: trước hết, đâu là những đam mê hỗn loạn, những “dã thú” đang khuấy động trong lòng tôi? Và thứ hai: để cho tiếng Chúa nói với tâm hồn tôi và bảo vệ nó mãi mãi, tôi có đang nghĩ đến việc rút lui một chút vào “sa mạc”, hay tìm thời gian trong ngày, dành không gian để suy nghĩ về điều này không?

Xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng đã tuân giữ Lời Chúa và không để mình bị lấn lướt bởi những cám dỗ của ác thần, trợ giúp chúng ta trong thời gian Mùa Chay.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 21.02.2021 – Không bao giờ đối thoại với ma quỷ

Anh chị em thân mến,

Hôm thứ Tư, với nghi thức xức tro sám hối, chúng ta đã bắt đầu hành trình Mùa Chay. Hôm nay, Chúa nhật I của mùa phụng vụ này, Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường để sống cách hiệu quả 40 ngày dẫn đến việc cử hành hàng năm của Lễ Phục Sinh. Đó là hành trình Chúa Giêsu đã thực hiện. Thánh Maccô mô tả tóm tắt hành trình này như sau: Trước khi bắt đầu rao giảng, Chúa Giêsu rút lui bốn mươi ngày trong hoang địa, chịu Satan cám dỗ (Mc 1, 12-15). Thánh sử nhấn mạnh rằng ‘Thần Khí đẩy Người vào hoang địa’ (c. 12). Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Người ngay sau khi chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan, nay cũng chính Thần Khí đó đẩy Người vào hoang địa, đối diện với Tên Cám Dỗ để chiến đấu chống ma quỷ. Cả cuộc đời Chúa Giêsu được đặt dưới dấu hiệu Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng linh hoạt, linh hứng và hướng dẫn Người.

Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ hoang địa. Chúng ta hãy dừng lại một chút về môi trường tự nhiên và mang tính biểu tượng này, nó rất quan trọng trong Kinh Thánh. Hoang địa là nơi Thiên Chúa nói với tâm hồn con người, và là nơi lời cầu nguyện được đáp lời, đó là hoang địa của sự cô đơn, nơi con tim tách rời khỏi những điều khác và chỉ trong sự cô đơn con tim mới mở ra với Lời Chúa. Nhưng đó cũng là nơi thử thách và cám dỗ, nơi Tên Cám Dỗ lợi dụng sự yếu đuối và nhu cầu của con người, để lén lút thay thế tiếng Chúa bằng tiếng giả dối của nó. Tiếng giả dối đó như một sự thay thế cho tiếng nói của Chúa, một giọng nói thay thế khiến bạn nhìn thấy một con đường khác, một con đường lừa dối. Thực tế, 40 ngày ở hoang địa là thời gian bắt đầu “cuộc đấu” giữa Chúa Giêsu và ma quỷ, sẽ kết thúc bằng cuộc Khổ nạn và Thánh giá. Toàn sứ vụ của Chúa Kitô là một cuộc chiến đấu chống lại Thần dữ, thể hiện trong các hành động: chữa lành bệnh tật, trừ quỷ cho người bị ám, tha tội. Sau giai đoạn đầu, Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Người nói và hành động với quyền năng của Thiên Chúa, dường như ma quỷ thắng thế, khi Con Thiên Chúa bị từ chối, bị ruồng bỏ, và cuối cùng bị bắt và kết án tử. Thực tế, cái chết là “hoang địa” cuối cùng phải băng qua để đánh bại Satan và giải thoát tất cả chúng ta khỏi quyền lực của nó. Và bằng cách này Chúa Giêsu đã chiến thắng trong sa mạc chết chóc, để chiến thắng trong sự Phục Sinh.

Mỗi năm, vào đầu Mùa Chay, Tin Mừng về những lần Chúa Giêsu bị cám dỗ trong hoang địa nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống của người Kitô hữu, theo bước chân của Chúa, là một trận chiến chống lại ác thần. Điều này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã sẵn sàng đối mặt với Tên Cám Dỗ và đã đánh bại hắn; đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta rằng ma quỷ cũng có khả năng hành động trên chúng ta với những cám dỗ của nó. Chúng ta phải ý thức sự hiện diện của kẻ thù xảo quyệt này, kẻ đang tìm cách để chúng ta bị án phạt đời đời, tìm sự thất bại của chúng ta. Cùng với đức tin, cầu nguyện và sự sám hối, ân sủng Chúa bảo đảm cho chúng ta chiến thắng kẻ thù. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều: Trong các cám dỗ, Chúa Giêsu không bao giờ đối thoại với ma quỷ. Hoặc là Chúa trục xuất ma quỷ hoặc là Chúa kết án nó nhưng không bao giờ Chúa đối thoại với nó. Và trong hoang địa, dường như có một cuộc đối thoại bởi vì ma quỷ đưa ra ba đề nghị và Chúa đã trả lời. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời bằng lời của mình. Chúa trả lời bằng Lời Chúa, với ba đoạn Kinh Thánh. Và điều này cũng phải được áp dụng cho chính chúng ta. Khi ma quỷ bắt đầu dụ dỗ chúng ta với những lời như: hãy nghĩ điều này, làm điều kia… Những lời ma quỷ đã nói với bà Eva. Bà Eva đã trả lời, đối thoại với ma quỷ. Nếu chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ bị đánh bại. Hãy nhớ rõ điều này trong tâm trí và con tim: với ma quỷ, không bao giờ đối thoại, chỉ có dùng Lời Chúa.

Trong Mùa Chay, giống như Chúa Giêsu, Thánh Thần cũng đẩy chúng ta vào hoang địa. Đây không phải là một nơi chốn, mà là một chiều kích hiện sinh. Trong hoang địa này, với thinh lặng, lắng nghe lời Chúa, chúng ta được hoán cải thực sự. Đừng sợ hoang địa, hãy tìm thêm những giây phút để cầu nguyện, thinh lặng, để bước vào trong chính chúng ta. Chúng ta được mời gọi đi trên con đường của Thiên Chúa, làm mới lại những lời hứa trong bí tích Thánh Tẩy: từ bỏ Satan, mọi công việc và mọi cám dỗ của Satan. Satan đang rình rập ở mọi nơi, hãy cẩn thận. Nhưng đừng bao giờ đối thoại với nó.

Chúng ta hãy phó thác mình cho lời chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 18.02.2018 – Mùa Chay là thời gian hoán cải và tin vào Tin Mừng

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật thứ I Mùa Chay này Phúc Âm nhắc chúng ta nhớ tới các đề tài cám dỗ, hoán cải và Tin Mừng. Thánh sử Marcô viết: “Thần Khí thúc đẩy Chúa Giêsu vào trong sa mạc và Ngài ở trong sa mạc bốn mươi ngày, bị Satan cám dỗ” (Mr 1,12-13). Chúa Giêsu vào trong sa mạc để chuẩn bị cho sứ mệnh của Ngài trong thế giới. Ngài không cần hoán cải, nhưng như là người, Ngài phải trải qua thử thách này, cho chính Ngài để vâng lời Thiên Chúa Cha, cũng như cho chúng ta để ban cho chúng ta ơn chiến thắng các cám dỗ. Việc chuẩn bị này hệ tại chỗ chiến đấu chống lại thần dữ, nghĩa là chống lại ma quỷ. Đối với chúng ta cũng thế mùa Chay là một thời gian của “hấp hối tinh thần”, của chiến dấu thiêng liêng : chúng ta được mời gọi đối đầu với Kẻ Dữ qua lời cầu nguyện để có khả năng chiến thắng nó trong cuộc sống thường ngày, với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta biết, rất tiếc sự dữ hoạt động trong cuộc sống chúng ta và chung quanh chúng ta, nơi biểu lộ các bạo lực, khước từ tha nhân, các khép kín, chiến tranh và bất công. Tất cả những điều này là công việc của kẻ dữ, của sự dữ.

Ngay sau các cám dỗ trong sa mạc, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Phúc Âm, nghĩa là Tin Mừng. Đó là từ thứ hai. Từ thứ nhất là cám dỗ; từ thứ hai là Tin Mừng. Và Tin Mừng này đòi hỏi nơi con người sự hoán cải – từ thứ ba – và lòng tin. Chúa loan báo: “thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần”, rồi Ngài hướng lời mời gọi: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (c. 15), nghĩa là hãy tin vào Tin Mừng này là Nước Thiên Chúa đã gần. Trong cuộc sống chúng ta  luôn luôn cần hoán cải – mọi ngày – và Giáo Hội khiến cho chúng ta cầu nguyện cho điều này. Thật thế, chúng ta không bao giờ hướng tới Thiên Chúa đủ, và chúng ta phải liên tục hướng tâm trí chúng ta về Ngài. Để làm điều này cần có can đảm đẩy lui mọi sự khiến cho chúng ta lệch đường: các giá trị giả dối lừa đảo chúng ta bằng cách lừa dối lôi kéo tính ích kỷ của chúng ta. Trái lại, chúng ta phải tín thác nơi Chúa, tín thác nơi lòng lành của Ngài và nơi chương trình tình yêu Ngài có đối với từng người trong chúng ta.

Mùa Chay là thời gian sám hối, đúng, nhưng không phải là một mùa buồn  sầu. Nó là  một thời gian của thống hối, nhưng không phải là thời gian sầu, muộn,  của tang chế. Nó là một dấn thân tươi vui và nghiêm chỉnh để lột bỏ chúng ta khỏi ích kỷ, khỏi con người cũ của chúng ta, và canh tân theo ơn thánh bí tích Rửa Tội của chúng ta.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực: thật là vô ích khi chúng ta mất thời giờ tìm nó ở nơi khác, nơi các giầu sang, thú vui, quyền lực, sự nghiệp… Nước Thiên Chúa là việc thực hiện tất cả các khát vọng của chúng ta, bởi vì nó cũng đồng thờì là sự cứu rỗi của con người và vinh quang của Thiên  Chúa. Trong ngày Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay này chúng ta được mời gọi chú ý lắng nghe và tiếp nhận lời mời gọi này của Chúa Giêsu để hoán cải và tin vào Tin Mừng. Chúng ta được khích lệ dấn thân bắt đầu con đường hướng về lễ Phục Sinh, để luôn luôn đón nhận ơn thánh của Thiên Chúa, là Đấng muốn biến đổi thế giới thành một vương quốc của công lý, hoà bình và tình huynh đệ .

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta sống mùa Chay này trong việc trung thành với Lời Chúa và với lời cầu nguyện liên lỉ, như Chúa Giêsu đã làm trong sa mạc. Đây không phải là điều không làm được! Đó là sống các ngày đời với ước mong tiếp nhận tình yêu đến từ Thiên Chúa và muốn biến đổi cuộc sống chúng ta và toàn thế giới.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 22.02.2015 – Đọc Tin Mừng giúp chiến thắng cám dỗ

Anh chị em thân mến,

Thứ Tư vừa rồi, với nghi thức xức tro, Mùa Chay đã bắt đầu, và hôm nay là Chúa nhật thứ nhất của Mùa Phụng vụ này, ám chỉ 40 ngày Chúa Giêsu trải qua trong sa mạc, sau khi chịu Phép rửa ở Sông Giođan. Thánh Marcô viết trong Tin Mừng hôm nay: “Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người” (Mc 1:12-13). Bằng những lời đơn giản này, Tác giả Tin Mừng mô tả những thử thách mà Chúa Giêsu sẵn sàng đối mặt trước khi bắt đầu sứ mệnh thiên sai của mình. Đó là một thử thách mà Chúa đã chiến thắng và giúp Người chuẩn bị cho việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Trong 40 ngày cô tịch này, Người đối đầu với Satan bằng chính thân xác của Người, Người vạch trần những cám dỗ của Satan và chiến thắng nó. Và nhờ Người, tất cả chúng ta đã chiến thắng, nhưng chúng ta phải bảo vệ chiến thắng này trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Giáo hội nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm này ở đầu Mùa Chay, để nó có thể mang lại cho chúng ta viễn cảnh và ý nghĩa của Thời gian này, đây là thời gian chiến đấu. Mùa Chay là thời gian chiến đấu! Một cuộc chiến thiêng liêng chống lại sự dữ (x. Lời cầu nguyện chung cho Thứ Tư Lễ Tro). Và khi chúng ta băng qua “sa mạc” Mùa Chay, chúng ta luôn hướng mắt về Lễ Phục Sinh, đó là chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu chống lại Kẻ Ác, chống lại tội lỗi và chống lại cái chết. Đây là ý nghĩa của Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay này: dứt khoát đặt mình trên con đường của Chúa Giêsu, con đường dẫn đến sự sống. Để nhìn vào Chúa Giêsu. Hãy nhìn vào những gì Chúa Giêsu đã làm và đi với Ngài.

Con đường này của Chúa Giêsu là đi qua sa mạc. Sa mạc là nơi có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa và tiếng nói của kẻ cám dỗ. Trong sự ồn ào, hỗn loạn, điều này không thể thực hiện được; chỉ có thể nghe thấy những giọng nói hời hợt. Thay vào đó, chúng ta có thể đi sâu hơn vào sa mạc, nơi định mệnh của chúng ta thực sự được định đoạt, sự sống hay cái chết. Và làm sao chúng ta nghe được tiếng Chúa? Chúng ta nghe điều đó trong Lời của Ngài. Vì lý do này, điều quan trọng là phải biết Kinh Thánh, vì nếu không chúng ta sẽ không biết phản ứng thế nào trước cạm bẫy của Ma Quỷ. Và ở đây tôi muốn quay lại lời khuyên của tôi là đọc Tin Mừng mỗi ngày. Đọc Tin Mừng mỗi ngày! Hãy suy niệm về nó một lúc, trong khoảng 10 phút. Và cũng có thể mang theo nó trong túi hoặc ví của bạn... Nhưng hãy luôn có Tin Mừng trong tay. Sa mạc Mùa Chay giúp chúng ta nói ‘không’ với tính trần tục, với các “thần tượng”, giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn can đảm phù hợp với Tin Mừng và củng cố tình liên đới với anh em.

Bây giờ chúng ta hãy tiến vào sa mạc mà không sợ hãi, vì chúng ta không đơn độc: chúng ta ở với Chúa Giêsu, với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần. Thực ra, như đối với Chúa Giêsu, chính Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta trên hành trình Mùa Chay; chính Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giêsu cũng đã được ban cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội.

Vì vậy, Mùa Chay là thời gian thích hợp giúp chúng ta ý thức hơn bao giờ hết về việc Chúa Thánh Thần, Đấng đã nhận được qua Bí tích Rửa tội, đã và đang hoạt động trong chúng ta đến mức nào. Và vào cuối hành trình Mùa Chay, vào Đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta có thể canh tân với ý thức sâu sắc hơn về bí tích Rửa Tội và những cam kết phát sinh từ đó.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu mực của sự ngoan ngùy trước Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta để mình được hướng dẫn bởi Ngài, Đấng muốn biến mỗi người chúng ta thành một “thụ tạo mới”.

WHĐ (22.02.2015)


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ ngày 26.02.2012 – Cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi hoang địa

Anh chị em thân mến,

Trong chúa nhật thứ I mùa chay này, chúng ta gặp Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa tại sông Giordan do thánh Gioan Tẩy Giả (Xc Mc 1,9), ngài chịu cám dỗ trong hoang địa (Xc Mc 1,12-13). Trình thuật của thánh Marcô thật ngắn gọn, không có những chi tiết như chúng ta đọc thấy trong hai Tin Mừng theo thánh Mathêu và Luca. Hoang địa được nói đến ở đây có nhiều nghĩa khác nhau. Nó có thể chỉ tình trạng bị bỏ rơi và cô độc, nơi yếu đuối của con người trong đó họ không có chỗ nương tựa và an ninh, nơi mà cám dỗ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng hoang địa cũng có thể chỉ nơi tị nạn và nương náu, như đối với dân Israel sau khi thoát khỏi tình trạng nô lệ tại Ai Cập, tại đó họ có thể cảm nguyện một cách đặc biệt sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ” (Mc 1,13). Thánh Lêô Cả bình luận rằng “Chúa đã muốn chịu cuộc tấn công của tên cám dỗ để bảo vệ chúng ta bằng ơn phù trợ của Ngài và để dạy chúng ta bằng gương của Ngài” (Tractarus XXXIX, 3 De ieiunio quadragesimae: CCL 138/A, Turnholti 1973, 214-215).

Giai thoại ấy có thể dạy chúng ta điều gì? Như chúng ta đọc trong Sách Gương Phúc, “Con người không bao giờ hoàn toàn được miễn khỏi cám dỗ bao lâu họ còn sống… Nhưng với lòng can đảm và khiêm tốn chân thực, chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn mọi kẻ thù” (Liber I, c.XIII, Città del Vaticano 1982, 37), kiên nhẫn và khiêm tốn theo Chúa hằng ngày, học cách xây dựng cuộc đời chúng ta không phải ở ngoài Chúa, hoặc như thể Chúa chẳng hề hiện hữu, nhưng là trong Chúa và với Chúa, vì Ngài là nguồn mạch sự sống đích thực. Cám dỗ muốn loại bỏ Thiên Chúa, tự mình sắp đặt trật tự mọi sự nơi bản thân và trong thế giới, chỉ cậy dựa vào khả năng riêng của mình, đó là điều vẫn luôn hiện diện trong lịch sử loài người.

Chúa Giêsu công bố: “Thời gian đã viên mãn và nước Chúa gần kề” (Mc 1,15), Ngài loan báo rằng nơi Ngài có một cái gì mới mẻ xảy ra: Thiên Chúa ngỏ lời với con người một cách bất ngờ, với một sự gần gũi cụ thể đặc biệt, đầy tình yêu thương; Thiên Chúa nhập thể và đi vào thế giới của con người để gánh lấy tội lỗi trên mình, để chiến thắng sự ác và đưa loài người trở lại thế giới của Thiên Chúa. Nhưng lời loan báo này có kèm theo yêu cầu hãy đáp ứng hồng ân cao cả dường ấy. Thực vậy, Chúa Giêsu nói thêm rằng: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15); đó là lời mời gọi hãy tín thác nơi Thiên Chúa và mỗi ngày biến cuộc sống chúng ta theo ý Chúa, hướng mọi hành động và tư tưởng của chúng ta về điều thiện. Mùa chay là thời điểm thuận tiện để đổi mới và làm cho quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa được vững chắc hơn, qua kinh nguyện hằng ngày, qua những việc thống hối và các hoạt động bác ái huynh đệ.

Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Mẹ Maria chí thánh, xin Mẹ tháp tùng hành trình mùa chay của chúng ta dưới sự bảo vệ của Mẹ và giúp chúng ta học cách ghi khắc lời Chúa Giêsu Kitô vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta, để trở về cùng Chúa. Ngoài ra, tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tuần tĩnh tâm mà tôi sẽ bắt đầu tối chúa nhật hôm nay (26-2-2012) cùng với các cộng sự viên của tôi trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ ngày 01.03.2009 – Các Thiên Thần hầu hạ Người

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay. Bài Tin mừng theo thánh Marcô, với lối hành văn ngắn gọn và súc tích, đưa chúng ta vào bầu khí của mùa phụng vụ này với những lời như sau: “Thần khí đẩy đức Giêsu vào nơi hoang địa, và Người ở lại đó 40 ngày, chịu Satan cám dỗ” (Mc 1,12). Bên Thánh địa, ở mạn đông của sông Giorđanô và cánh đồng Giêricô, nổi vượt lên hoang địa Giuđa, với những đồi núi chập chùng cao chừng một ngàn thước, kéo dài cho đến Giêrusalem. Sau khi đã lãnh phép rửa bởi ông Gioan, đức Giêsu vào nơi cô tịch, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, Đấng đã ngự xuống trên Người, đã thánh hiến và mặc khải Người là Con Thiên Chúa. Trong hoang địa, nơi của thử thách như kinh nghiệm của dân Israel cho thấy, biểu lộ rõ rệt thực tại bi đát của mầu nhiệm tự huỷ (kenosis) của đức Kitô, kẻ lột bỏ hình dong Thiên Chúa (xc. Pl 2,6-7). Đức Kitô, kẻ không phạm tội và không thể nào phạm tội, đã chịu đựng thử thách, và như thế Người có thể cảm thông nỗi yếu đuối của chúng ta (xc Dt 4,15). Người đã chịu cám dỗ bởi Satan, kẻ đối lập, ngay tử nguyên thuỷ đã chống lại kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

Đối lại với hình ảnh đen tối của kẻ đến cám dỗ Chúa Giêsu, bài trình thuật ngắn ngủi phác thảo sự hiện diện của các thiên sứ, một hình ảnh sáng ngời và huyền nhiệm. Theo bài Tin mừng, các thiên sứ đến “phục vụ” Đức Giêsu (Mc 1,13). Họ là những kẻ đối nghịch với Satan. “Thiên sứ” có nghĩa là kẻ được phái cử. Trong suốt Cựu ước, chúng ta gặp thấy hình ảnh của các ngài; nhân danh Thiên Chúa họ đến giúp đỡ và dẫn dắt loài người. Chỉ cần nhớ lại Sách Tobia, trong đó xuất hiện thiên sứ Raphael, để giúp đỡ cậu Tobia trong nhiều việc. Sự hiện diện trấn an của sứ thần Chúa đã theo dõi suốt dòng lịch sử dân Israel trong hết mọi biến cố vui buồn. Trước thềm Tân ước, thiên sứ Gabriel được phái đến để báo cho ông Dakaria và bà Maria những biến cố bắt đầu lịch sử của ơn cứu độ chúng ta, và một thiên sứ, không nói rõ tên, đã hiện ra với ông Giuse để hướng dẫn ông trong lúc do dự. Một ca đoàn thiên sứ đã mang đến các mục đồng tin vui Đấng Cứu thế giáng sinh, cũng như các thiên sứ sẽ báo tin cho các phụ nữ tin mừng Chúa phục sinh. Vào cuối dòng thời gian, các thiên sứ sẽ tháp tùng Chúa Giêsu khi Người trở lại trong vinh quang (xc. Mt 25,33). Các thiên sứ phục vụ Chúa Giêsu, Đấng cao trọng hơn họ, và địa vị của Người được nêu bật ở đây tuy dưới hình thức kín đáo. Thực vậy, Đức Giêsu, tuy ở trong tình trạng cực kỳ nghèo khó và khiêm tốn, chịu Satan cám dỗ, nhưng Người vẫn là Con Thiên Chúa, là Đấng Mesia, là Chủ tể.

Anh chị em thân mến, chúng ta sẽ cắt bỏ một phần đáng kể của Tin mừng nếu chúng ta gạt qua các thiên sứ, những kẻ được Chúa phái đến, đến loan báo sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta, và họ trở nên một dấu chỉ. Chúng ta hãy năng kêu khẩn các ngài, xin các ngài nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực đi theo Chúa Kitô đến độ đồng hóa với Người. Chúng ta hãy xin các ngài, cách riêng ngày hôm nay, canh giữ tôi và các cộng sự viên trong giáo triều Rôma, sẽ bắt đầu tuần tĩnh tâm chiều nay.

Lạy Đức Maria là Nữ vương các tông đồ, xin cầu cho chúng con.

Nguồn: archivioradiovaticana.va