Vai trò của Giám mục trong tiến trình hiệp hành

31/01/2023

Một cuộc họp Thượng hội đồng tại Vatican (Hình: Vatican Media)

VAI TRÒ CỦA GIÁM MỤC TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
(Thư của các Hồng y Grech và Hollerich gửi các Giám mục trên thế giới)

WHĐ (31.01.2023) - Trước thềm các Đại hội cấp Châu lục của Thượng Hội đồng Giám mục được tiến hành, Đức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư Ký và Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên Thượng hội đồng Giám Mục XVI, đã gửi một lá thư đến tất cả các Giám mục của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và các Giám mục giáo phận trên khắp thế giới.


Dưới dây là nội dung lá thư


Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên, (ngồi), và Đức Hồng y Mario Grech (đứng), Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng, bắt đầu cuộc họp báo vào ngày 26. 8. 2022 để cập nhật về tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục(Hình: CNS/Paul Haring)

                      

VĂN PHÒNG TỔNG THƯ KÝ
     THƯỢNG HỘI ĐỒNG

Vatican, ngày 26 tháng 01 năm 2023

Prot. N. 230028

Kính gửi:

- CÁC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
- CÁC GIÁM MỤC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐÔNG PHƯƠNG

Anh em thân mến,

Như anh em đã biết, khi kết thúc giai đoạn tham vấn “tại các Giáo hội địa phương”, tiến trình Thượng hội đồng Giám mục 2021-2024 dự kiến tiến hành các Đại hội Châu lục. Chính vì giai đoạn Châu lục này mà chúng tôi ngỏ lời với tất cả anh em, những người mà, trong các Giáo hội địa phương của mình, là nguyên lý và nền tảng cho sự hiệp nhất của Dân thánh Thiên Chúa (x. Hiến chế Lumen Gentium, số 23). Chúng tôi làm điều này nhân danh trách nhiệm chung của chúng tôi đối với tiến trình Thượng hội đồng đang diễn ra như là những Giám mục của Giáo hội Chúa Kitô: không có việc thực thi tính hiệp hành của Giáo hội nếu không thực hiện tính hiệp đoàn Giám mục.

Tông hiến Episcopalis communio nhắc nhở chúng ta rằng “mỗi Giám mục có trách nhiệm đồng thời và không thể tách rời là chăm sóc mục vụ cho Giáo hội địa phương được trao phó cho ngài và chăm lo cho Giáo hội phổ quát” (EC, số 2). Làm cho việc thực hiện mối quan tâm này trở nên khả thi là mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục kể từ khi được thành lập. Với tầm nhìn xa trông rộng, Thánh Phaolô VI khẳng định trong văn kiện thành lập Thượng hội đồng, Apostolica Sollicitudo, rằng Thượng hội đồng “giống như bất kỳ thể chế nhân loại nào, sẽ có thể được hoàn thiện hơn theo thời gian”. Đây là điều chúng ta đang trải nghiệm hiện nay: Tông hiến Episcopalis communio, không hề làm suy yếu định chế giám mục, khi nó làm nổi bật bản chất hướng quy trình của Thượng hội đồng, làm cho vai trò của các Mục tử và sự tham gia của các ngài vào các giai đoạn khác nhau càng trở nên quan trọng hơn. Do đó, xin cảm ơn tất cả những gì mà mỗi anh em đã thực hiện cho đến nay trong việc phục vụ Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2024, giúp cho việc tham vấn ý kiến Dân Chúa trong các Giáo hội địa phương và việc phân định được thực hiện trong các Công nghị/ Hội đồng của các Giáo hội tự trị [sui iuris] và các Hội Đồng Giám Mục.

Trước thềm các Đại hội Châu lục, chúng tôi cảm thấy cần phải khẩn trương chia sẻ với anh em một vài suy nghĩ để cùng hiểu về tiến trình Thượng hội đồng, diễn biến của nó và ý nghĩa của giai đoạn Châu lục hiện nay. Thật vậy, có một số người cho rằng họ đã biết trước những kết luận của Thượng hội đồng sẽ là gì. Những người khác thì muốn áp đặt một chương trình nghị sự cho Thượng hội đồng, với ý định điều khiển cuộc thảo luận và xác định kết quả của nó. Tuy nhiên, chủ đề mà Đức Thánh Cha đã ấn định cho Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục rất rõ ràng: “Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”. Do đó, đây là chủ đề duy nhất mà chúng ta được mời gọi khám phá trong từng giai đoạn của tiến trình. Những kỳ vọng đối với Thượng hội đồng Giám Mục 2021-2024 là rất nhiều và đa dạng, nhưng nhiệm vụ của Đại hội không phải là giải quyết tất cả các vấn đề mà Giáo Hội đang tranh luận.

Bất cứ ai tuyên bố áp đặt một chủ đề nào đó lên Thượng hội đồng đều coi thường logic quy định tiến trình của Thượng hội đồng: chúng ta được kêu gọi để vạch ra một “đường hướng chung” dựa trên sự đóng góp của tất cả mọi người. Có lẽ không cần phải nhắc lại rằng Tông hiến Episcopalis communio đã biến Thượng hội đồng từ một sự kiện thành một tiến trình, được diễn tiến theo từng giai đoạn. Điều này có nghĩa là ngay từ khi khai mạc long trọng, vào ngày 10. 10. 2021 tại Đền thờ Thánh Phêrô, Thượng hội đồng đã đề cập và khai triển chủ đề được chỉ định, trước hết là ở giai đoạn tham vấn ý kiến Dân Chúa, sau đó là ở giai đoạn phân định của các Mục tử trong các Công nghị/ Hội đồng của các Giáo hội tự trị, trong các Hội đồng Giám mục, và bây giờ là trong các Đại Hội Châu lục. Chính vì mối liên kết nội tại giữa các giai đoạn khác nhau, nên các chủ đề khác không thể được đưa vào một cách lén lút, bằng cách lợi dụng Đại hội mà bỏ qua việc tham vấn ý kiến ​​của Dân Chúa.

Điều có thể hiểu được là, trong giai đoạn đầu của tiến trình lắng nghe, phạm vi hoặc giới hạn của chủ đề chưa được xác định rõ ràng, phần do tính mới lạ của phương pháp cũng như sự khó khăn trong việc hiểu và nhận ra rằng toàn thể “Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham gia vào chức năng ngôn sứ của Đức Kitô” (LG, số 12). Tuy nhiên, sự thiếu rõ ràng đó đã giảm dần trong các giai đoạn tiếp theo. Điều này được thể hiện qua nội dung của các bản tổng hợp của các Công nghị /Hội đồng các Giáo hội tự trị và của các Hội đồng Giám mục được gửi tới Văn phòng Thư ký của Thượng Hội đồng. Điều quan trọng cần nhớ là những bản tổng hợp này là kết quả của sự phân định của các Mục tử dựa trên những đóng góp được thực hiện trong quá trình tham vấn ý kiến ​​của Dân Chúa. Chính từ những bản tổng hợp này Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục (TLCL- Working Document for the Continental Stage) đã được soạn thảo, trong đó tiếng nói của các Giáo hội địa phương vang lên một cách hiển nhiên.

Quyết định gửi lại TLCL cho các Giáo hội địa phương, yêu cầu mỗi người lắng nghe tiếng nói của người khác (sự lắng nghe vang vọng khắp TLCL, do đó việc đọc lại các giai đoạn của tiến trình Hiệp hành ở mức độ nhận thức cao hơn), thực sự cho thấy quan điểm của quy tắc duy nhất mà chính chúng ta đưa ra là luôn lắng nghe Thần Khí như thế nào: “Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe [...] Giáo hữu, giám mục đoàn, Giám mục Rôma: tất cả đều lắng nghe nhau, và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần” (Đức Phanxicô, Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, 2015).

Các chủ đề mà TLCL đề xuất không cấu thành chương trình nghị sự cho Đại Hội tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng khôi phục một cách trung thực những gì nổi lên từ các bản tổng hợp do các Công nghị/Hội đồng Giáo hội tự trị và các Hội đồng Giám mục gửi đến, cung cấp một cái nhìn thoáng qua diện mạo của một Giáo hội đang học cách lắng nghe Thần Khí bằng cách lắng nghe nhau. Nhiệm vụ của các Đại hội Châu lục, trên cơ sở những âm vang mà việc đọc TLCL sẽ khơi dậy trong mỗi Giáo hội địa phương, để nhận rađâu là những ưu tiên, chủ đề lặp lại và lời kêu gọi hành động có thể được chia sẻ với các Giáo hội địa phương khác trên thế giới và được thảo luận trong Phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2023” (TLCL, số 106).

Đây là lý do tại sao chúng tôi tin tưởng rằng, trong các Đại hội Châu lục, tiếng nói của các Giáo hội địa phương sẽ vang lên một lần nữa, và thậm chí còn mạnh mẽ hơn, thông qua sự tổng hợp được thực hiện bởi các Công nghị/Hội đồng Giáo hội tự trị và các Hội đồng Giám mục Quốc gia. Chúng ta càng lớn lên theo phong cách hiệp hành của Giáo hội, thì tất cả chúng ta, như là thành viên của Dân Chúa - tín hữu và Mục tử - sẽ càng học để cảm thức với Giáo hội, trung thành với Lời Chúa và Thánh Truyền. Mặt khác, làm sao chúng ta có thể giải quyết những câu hỏi hóc búa, thường gây chia rẽ, mà không trả lời trước câu hỏi lớn đã đặt ra cho Giáo hội kể từ Công đồng Vatican II: “Thưa Giáo hội, ngài nói gì về chính mình?” Hành trình dài của việc tiếp nhận Công đồng dẫn chúng ta đến chỗ khẳng định rằng câu trả lời nằm trong Giáo hội “theo cơ chế hiệp hành”, nơi tất cả mọi người được mời gọi thực thi đoàn sủng giáo hội của mình để thực hiện sứ mạng chung là rao giảng Tin Mừng.

Tiến trình hiệp hành đang diễn ra cho chúng ta thấy điều này có thể thực hiện được như thế nào. Nhờ tham dự vào chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô, Dân thánh của Thiên Chúa là đối tượng của tiến trình hiệp hành thông qua việc tham vấn ý kiến mà mỗi Giám mục thực hiện trong Giáo hội của mình: theo cách này, trên thực tế, người ta có thể thực sự lắng nghe “Toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Ga 2, 20.27), không thể sai lầm trong đức tin” (LG 12). Giám mục đoàn, “cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi hiệp nhất với Thủ Lãnh, tức Giám mục Roma, và không bao giờ tách rời khỏi Thủ Lãnh ấy” (LG 22), tham gia vào tiến trình hiệp hành trong hai thời điểm sau đây: 1) khi mỗi Giám mục khởi xướng, hướng dẫn, và kết thúc việc tham vấn ý kiến Dân Chúa được ủy thác cho mình; và 2) trong các giai đoạn tiếp theo, khi các Giám mục cùng nhau thi hành đặc sủng phân định của mình trong các Công nghị/Hội đồng Giáo hội tự trị và trong các Hội đồng Giám mục, trong các Đại Hội Châu lục, và đặc biệt, trong Đại hội Thượng hội đồng. Tương tự như đối với một Công đồng chung, Đức Giáo Hoàng có đặc quyền “là nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình của sự hợp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu” (LG 23) để triệu tập, chủ tọa và xác nhận các Đại hội của Thượng hội đồng.

Ngay trong giai đoạn đầu tiên này của tiến trình Thượng hội đồng, chúng ta có thể thấy mỗi người đã thực hiện phận vụ của mình, tôn trọng vai trò, và sự đóng góp của người khác như thế nào. Chúng ta phải tiếp tục đi theo lộ trình này, không coi tính hiệp hành như một phương pháp đơn thuần, nhưng coi đó là một hình thức của Giáo hội và một phong cách để thực hiện sứ mạng chung là rao giảng Tin Mừng.

Vì thế, thừa tác vụ của các Mục tử càng trở nên quyết định hơn đối với hành trình của Dân Thánh Thiên Chúa. Chúng ta xác tín rằng, trên lộ trình này, Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn hành trình của Giáo hội, sẽ cho phép chúng ta cảm nghiệm cách thức mà “Thượng Hội đồng Giám mục, đại diện hàng giám mục Công giáo, trở nên sự diễn tả tính hiệp đoàn giám mục bên trong một Hội thánh hiệp hành hoàn toàn” (ĐGH Phanxicô, Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, 2015).

Giai đoạn Châu lục sẽ có thể giúp chúng ta hiểu được tầm nhìn này nếu, với tư cách là Giám mục đoàn, chúng ta cùng nhau tìm kiếm những cách thế giúp Giáo hội trở thành “‘bí tích của sự hiệp nhất, nghĩa là, dân thánh được quy tụ và điều hành dưới quyền các Giám mục” (Tông hiến Episcopalis communio, số 26). Hơn nữa, việc tham gia vào tiến trình hiệp hành sẽ cho phép chúng ta củng cố sự liên kết hiệp đoàn này, vốn “được biểu lộ qua mối tương giao giữa mỗi Giám Mục với các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát” (LG, 23).

Nếu đúng là tất cả các giám mục “khi khôn ngoan cai quản Giáo Hội địa phương là một phần của Giáo Hội phổ quát, các Giám mục đã góp phần hữu hiệu vào thiện ích của toàn Nhiệm Thể cũng chính là thân mình của các Giáo Hội” (LG 23), thì đó cũng đúng là chúng ta được kêu gọi, tất cả cùng nhau cum Petro et sub Petro (với thánh Phêrô và dưới quyền thánh Phêrô), để đại diện cho “toàn thể Giáo hội trong mối dây hòa bình, yêu thương và hiệp nhất” (LG 23). Liệu còn gì tuyệt vời hơn khi cùng nhau bước đi”, với niềm xác tín rằng “Chính con đường hiệp hành lộ trình mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (ĐGH Phanxicô, Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, 2015)?

Trong Chúa Kitô

+ Mario Grech
Hồng y Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng

+ Jean-Claude Hollerich
Hồng y Tổng Giám Mục Luxembourg
Tổng Tường trình viên Thượng Hội đồng Hội đồng

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: synod.va (30. 01. 2023)

LỊCH PHỤNG VỤ