WHĐ (21.10.2023)Trong phần trình bày của phiên họp khoáng đại lần thứ XII hôm thứ Tư ngày 18.10, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, giới thiệu phần B3 của Tài liệu Làm việc có tựa đềTham gia, quản trị, và quyền bính”.

BÀI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC HỒNG Y HOLLERICH
VỀ
PHẦN B3 TRONG PHIÊN HỌP KHOÁNG ĐẠI THỨ XII

Chào buổi sáng mọi người và xin chào mừng.

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý khi tôi nói rằng chúng ta mệt mỏi. Điều này cũng dễ hiểu, sau những công việc chúng ta đã cùng nhau thực hiện, tốt đẹp, thú vị nhưng cũng đầy khó khăn.

Hôm nay, chúng ta bắt đầu Module thứ tư của Đại hội, để xem xét phần nội dung cuối cùng của Tài liệu làm việc. Và dù không nói ra, thì điều này cũng nhắc chúng ta rằng, chúng ta đang tiến gần đến hồi kết. Nhưng hãy cẩn thận: điều này không được trở thành lý do để chúng ta giảm bớt sự dấn thân đối với công việc, như thể đó là tuần học cuối cùng. Thực ra, sự kết thúc của khoá họp đầu tiên này của Đại hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục trùng hợp với sự khởi đầu của một giai đoạn quan trọng không kém của tiến trình: khoảng thời gian giữa hai khoá họp, chúng ta dấn thân quay trở lại các Giáo hội nơi chúng ta gặt hái thành quả công việc của mình, được tập hợp lại trong Báo cáo Tổng hợp, và trên hết là đồng hành với các tiến trình địa phương sẽ cung cấp cho chúng ta những yếu tố để kết thúc việc phân định của chúng ta vào năm tới. Vì vậy, khi trở về nhà, chúng ta được mời gọi để đảm nhận một nhiệm vụ kép.

Một đàng, chúng ta sẽ phổ biến các kết quả của Khoá họp đầu tiên này, với sự tham gia của các Hội đồng Giám mục, các nhóm công nghị, các hình thức truyền thông phù hợp trên các phương tiện truyền thông có sẵn cho cộng đoàn của chúng ta, chuẩn bị các lộ trình trải nghiệm và nghiên cứu chuyên sâu mà chúng ta sẽ cùng nhau xác định khi thích hợp, v.v. Đàng khác, chúng ta sẽ nhanh chóng khởi sự lên kế hoạch làm sao để thu thập phản hồi từ các Giáo hội địa phương, thành quả của các cuộc trao đổi cũng như các lộ trình thử nghiệm và đào sâu, để đạt tới việc “chuẩn bị” cho Khoá họp thứ hai, nghĩa là, mang theo một nhận thức rõ ràng hơn của Dân Chúa về việc trở thành một Giáo hội hiệp hành có nghĩa là gì, và trên hết, đâu là những bước mà Chúa đòi hỏi chúng ta thực hiện để trở nên Giáo hội hiệp hành, và do đó, loan báo Tin Mừng của Ngài hữu hiệu hơn.

Tất cả những điều này liên quan nhiều tới Module thứ tư, vốn đề cập đến các chủ đề của Phần B3 của Tài liệu làm việc, phần dành riêng cho việc Tham gia. Giống như mọi khi, tiêu đề và câu hỏi kèm theo hướng dẫn chúng ta: "Tham gia, quản trị, và quyền bính: Những tiến trình, cấu trúc và cơ chế nào được cần đến trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng? "

Chúng ta nhận thức rõ rằng Thượng hội đồng này sẽ được đánh giá dựa trên những thay đổi có thể nhận thấy được sẽ phát sinh từ đó. Các phương tiện truyền thông lớn, nhất là những phương tiện truyền thông xa Giáo hội nhất, vốn quan tâm đến những thay đổi có thể có về một số chủ đề rất hạn chế. Tôi sẽ không liệt kê ra vì tất cả chúng ta đều biết đó là những gì. Nhưng ngay cả những người gần gũi với chúng ta nhất, các cộng sự viên của chúng ta, các thành viên của hội đồng mục vụ, những người tham gia vào các giáo xứ cũng đang tự vấn điều gì sẽ thay đổi đối với họ, làm sao để họ có thể trải nghiệm một cách cụ thể trong cuộc sống của họ với tư cách môn đệ thừa sai và tinh thần đồng trách nhiệm mà chúng ta đã suy tư những ngày vừa qua. Và họ đang tự hỏi làm thế nào điều đó có thể xảy ra trong một Giáo hội vẫn chưa có tính hiệp hành cao, nơi mà họ cảm thấy rằng ý kiến của họ không được trân trọng, và một vài hoặc chỉ một người quyết định mọi thứ. Họ đặc biệt quan tâm đến những thay đổi nhỏ nhưng tinh tế đối với những vấn đề mà chúng ta đang chuẩn bị để thảo luận trong Module này.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những vấn đề này, tức là 5 Phiếu làm việccác Nhóm nhỏ của chúng ta sẽ tiếp tục làm việc. Vấn đề đầu tiên liên quan đến sự đổi mới việc phục vụ của quyền bính. Chắc chắn nó không nhằm mục đích đặt vấn đề về thẩm quyền của các thừa tác viên chức thánh và mục tử: với tư cách là những người kế vị các tông đồ, các mục tử chúng ta có một sứ mạng đặc biệt trong Giáo hội. Nhưng chúng ta là mục tử của những người nam nữ đã lãnh phép Rửa, những người muốn tham gia và đồng trách nhiệm trong sứ mạng của Giáo hội. Nơi nào giáo sĩ trị ngự trị, nơi đó có một Giáo hội không chuyển động, một Giáo hội không có sứ mạng. Giáo sĩ trị có thể ảnh hưởng đến hàng giáo sĩ, cũng như giáo dân, khi họ tuyên bố sẽ nắm giữ trách nhiệm mãi mãi. Những người theo giáo sĩ trị chỉ muốn duy trì ‘status quo’ (hiện trạng như trước), bởi vì chỉ có ‘status quo’ mới củng cố quyền lực của họ. Nhiệm vụ bất khả thi!

Vấn đề thứ hai liên quan đến việc thực hành phân định chung. Từng người trong chúng ta đã trải nghiệm, trên chính làn da của mình, hay đúng hơn là trong trái tim mình, sức mạnh ra sao của phương pháp đối thoại trong Thánh Thần. Bằng cách nào chúng ta có thể đưa tính năng động của việc đối thoại trong Thánh Thần vào các tiến trình đưa ra quyết định của Giáo hội, ở các cấp độ khác nhau? Bằng cách nào chúng ta có thể học biết để xây dựng sự đồng thuận mà không phân cực, đồng thời tôn trọng vai trò đặc thù của quyền bính mà không tự cô lập mình khỏi cộng đoàn? Đây là thách đố của sự phân định chung.

Vấn đề thứ ba nhắc nhớ chúng ta rằng đời sống của các cộng đồng nhân loại, và Giáo hội cũng thế, chắc chắn việc tạo ra các cơ cấu và thể chế tồn tại theo thời gian và mang lại cho mọi người cơ hội tham gia và phát triển. Mỗi thể chế có thể cung cấp một số cơ hội, nhưng những thể chế khác thì sao? Những thể chế nào phù hợp hơn với một Giáo hội hiệp hành? Suy nghĩ một cách cụ thể, chúng ta hãy bắt đầu với những thể chế đã tồn tại, chẳng hạn như các hội đồng mục vụ, và kiểm tra mức độ hiệp hành hiệu quả của chúng.

Vấn đề thứ tư giúp chúng ta xem xét một loại cấu trúc cụ thể, trong đó các nhóm Giáo hội địa phương quy tụ lại với nhau. Cấp Châu lục là một điểm mới thú vị và là điểm nổi bật của tiến trình Thượng hội đồng 2021-2024. Chúng ta học được điều gì từ trải nghiệm này? Cấp Châu lục có thể đóng vai trò gì để hiện thực hóa sự tản quyền lành mạnh mà Đức Thánh Cha thường mời gọi chúng ta. Và đâutiềm năng của một công cụ như các Đại hội mang tính Giáo hội, trong đó không chỉ có các giám mục hiện diện? Tôi đã trực tiếp trải nghiệm điều này ở Praha: nếu không có sự tham gia của các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tôi tin rằng Đại hội sẽ mang tính đối đầu hơn nhiều. Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng mạng lưới giữa các Giáo hội địa phương? Và tác vụ hiệp nhất của Giám mục Rôma được hình thành như thế nào trong một Giáo hội được tản quyền lành mạnh?

Vấn đề cuối cùng chạm đến chúng ta một cách thiết thân, bởi vì nó mời gọi chúng ta suy tư về tiềm năng của chính tổ chức Thượng Hội đồng như là một nơi để trải nghiệm cách đặc biệt mối tương quan năng động liên kết tính hiệp hành, tính hiệp đoàn giám mục, và tính tối thượng của Phêrô. Và các nhóm sẽ trao đổi về vấn đề này cũng được yêu cầu bày tỏ đánh giá về trải nghiệm mở rộng sự tham gia đối với một nhóm không phải giám mục, được chọn như chứng tá của giai đoạn lắng nghe và thỉnh vấn.

Đây là những vấn đề tinh tế, đòi hỏi sự phân định cẩn thận: trong khoá họp này chúng ta bắt đầu tiếp cận chúng, sau đó chúng ta sẽ có một năm để tiếp tục đào sâu chúng dựa trên công việc chúng ta sẽ thực hiện trong Khoá họp thứ hai. Chúng tinh tế vì chúng chạm đến đời sống cụ thể của Giáo hội cũng như động lực phát triển của truyền thống: một sự phân định sai lầm có thể gây phá vỡ truyền thống hoặc làm tê liệt nó. Trong cả hai trường hợp này, đều sẽ giết chết truyền thống. Đây là những vấn đề cần được trình bày một cách chính xác về ngôn ngữ và phạm trù. Trong số các chuyên gia đồng hành cùng chúng ta, và những người mà tôi nhân cơ hội này muốn nói lên lời cám ơn, có các nhà thần học cũng như các nhà giáo luật, cả Latinh lẫn Đông phương. Nếu họ có thể giúp cho những suy tư của chúng ta, chúng ta đừng ngại tham khảo ý kiến ​​của họ. Những người hướng dẫn biết để làm như thế nào.

Tài liệu làm việc số 44 nhắc chúng ta rằng sự tham gia đi liền với sự khiêm tốn của tính cụ thể. Đó là lý do tại sao những câu hỏi liên quan đến sự tham gia được đặt sau những câu hỏi liên quan đến sự hiệp thông và sứ mạng: chính nhờ sự tham gia mà chúng ta có thể tạo ra tầm nhìn đầy cảm hứng và mang lại sự liên tục theo thời gian cho động lực của sứ mạng. Tuy nhiên, tính cụ thể cũng tiềm ẩn nguy cơ phân tán thành các chi tiết, giai thoại, trường hợp cá nhân. Do đó, trong Module thứ tư này, chúng ta phải hết sức nỗ lực để tập trung vào mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới, mục tiêu được nêu rõ trong “Câu hỏi để phân định” trong mỗi phiếu. Những cân nhắc bên lề khiến chúng ta đi chệch hướng và không giúp ích gì cho chúng ta. Tôi cũng muốn nhắc anh chị em rằng mục tiêu của mỗi nhóm, đối với vấn đề mà nhóm đó giải quyết, là đạt đến việc thể hiện những điểm đồng nhất, những điểm khác biệt, những vấn đề cần được khám phá, và những đề xuất cụ thể để tiến về phía trước. Tôi yêu cầu những người điều phối, những người mà tôi xin cảm ơn một lần nữa, đừng ngại thúc đẩy chúng tôi, dù đôi khi phải quyết đoán một chút, khi chúng tôi cần được trợ giúp để không bị mất tập trung.

Bây giờ tôi xin nhường chỗ cho Chủ tịch Đại biểu, người sẽ dẫn dắt chúng ta trong suốt khoá họp. Cha Timothy Radcliffe và Cha Dario Vitali sẽ giúp chúng ta hình thành các chủ đề cho công việc của mình theo nhãn quan Kinh thánh - linh đạo và thần học, xen kẽ với những khoảnh khắc thinh lặng để thúc đẩy việc nội tâm hóa. Như trong các Module trước, chúng ta cũng sẽ nghe một số chứng từ từ các thành viên của Thượng Hội đồng, những người có thể chia sẻ những kinh nghiệm ý nghĩa về các chủ đề này.

Tôi chúc mọi người làm việc hiệu quả trong Module này, vốn sẽ mang lại lợi ích cho toàn thể Giáo hội. Tư cách môn đệ thừa sai hay đồng trách nhiệm không chỉ là những khẩu hiệu, nhưng còn là một lời kêu gọi mà chúng ta chỉ có thể cùng nhau thực hiện, với sự hỗ trợ của những tiến trình, cấu trúc, và thể chế cụ thể thực sự hoạt động theo tinh thần hiệp hành.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va (18.10.2023)