Niềm vui hiệp Hành

11/01/2023


NIỀM VUI HIỆP HÀNH

Maria Trần Thị Nhan – TGP. Sài Gòn

WHĐ (11.01.2023) - Từ chỗ chưa hiểu gì về hiệp hành, tôi được học biết diễn tiến của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI, được tham gia hội nhóm hiệp hành hằng tháng ở đoàn thể mình, được dự buổi hiệp hành của Tổng Giáo phận. Tiến trình thỉnh ý hiệp hành này mang lại cho tôi thật nhiều niềm vui cũng như những thay đổi đáng kể trong suy tư và hành động.

1. Niềm vui được gặp gỡ

Hiệp hành trước tiên là gặp gỡ. Sau một thời gian dài giãn cách, gặp lại nhau bằng xương bằng thịt là một niềm vui khôn tả, niềm vui phục sinh! Mọi người vui mừng nhìn thấy nhau còn sống sau thời gian đại dịch càn quét qua thành phố. Nỗi kinh hoàng Covid dường như được trấn an, để cùng nhau học hỏi một chủ đề mới là “Hiệp Hành”. Phấn khởi hơn nữa khi được biết đây là lần đầu tiên giáo dân được Thượng Hội đồng Giám mục thỉnh ý. Tài liệu học tập được Ban Linh hoạt viên giáo phận soạn thảo kỹ lưỡng, nội dung gọn nhẹ, in ấn đẹp, hướng dẫn cụ thể từng bước để thực hành, bầu khí gặp gỡ vui tươi sinh động, tất cả tạo nên một tinh thần phấn khích cho người tham dự phát biểu.

Gặp gỡ để thấy rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa vẫn chăm lo cho con người, vẫn song hành với mọi người khi an vui thuận lợi cũng như khi gian nan khốn khó. Gặp gỡ để cảm nhận được chỗ đứng của mình ở đâu trong Hội Thánh, để thấy rõ mình và người khác hơn vì Chúa tạo dựng mỗi người là một hữu thể duy nhất không bao giờ có bản sao thứ hai.

Gặp gỡ để biết chấp nhận nhau. Mỗi người có những cái độc đáo Chúa ban cho riêng mình và sứ mạng của mình là phải đóng góp cái độc đáo đó cho cộng đoàn. Cái độc đáo đó có thể là “tốt hay khó chấp nhận” với cái nhìn của người đời, nhưng cứ hiệp hành trong Chúa thì mọi sự sẽ khác! Thật vậy, khi sống hết lòng vì cộng đoàn thì niềm vui cảm nhận mình được chấp nhận nơi cộng đoàn ấy chính là động lực thúc đẩy việc thi hành sứ mạng được giao cách tốt nhất. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng ít nhất niềm vui này đã giúp tôi gắn bó với cộng đoàn của mình. Ý tưởng muốn “rời đi” chưa hề xuất hiện!

2. Niềm vui được phát biểu, được lắng nghe và thấu cảm

Đành rằng ai cũng biết “hiệp hành” là lối sống của Giáo hội, nhưng có lẽ khám phá ra niềm vui của việc chân thành lắng nghe nhau không phải dễ thực hiện. Có khi chỉ nghe nhau qua loa, chiếu lệ, không phải lắng nghe trong tinh thần chia sẻ để được hâm nóng lại sự hăng say và trách nhiệm phải làm việc cùng nhau.

Lắng nghe để đi ra khỏi chính mình, tiếp nhận người khác bằng một ý hướng, một thái độ, một lời nói, một hành động cụ thể. Vì biết lắng nghe nên mới phân định chính xác điều Chúa muốn nơi từng người để rồi chấp nhận cùng nhau tiến bước trong sứ vụ được giao nơi giáo xứ, nơi đoàn thể, nơi môi trường mình hiện diện, đồng thời cũng biết cách thay đổi những sai sót không ai mong muốn.

Có một điều ai cũng tưởng dễ nhưng lại rất khó. Đó là hiệp hành lắng nghe nhau trong gia đình. Với hiện trạng gia đình hiện nay, mỗi người mỗi việc, mỗi người một thời khóa biểu riêng, ít có bữa ăn chung, đi lễ ngày Chúa nhật ai tiện giờ nào đi lễ giờ ấy, phải chăng gia đình không còn chất keo để gắn kết các thành viên với nhau. Ấy là nói về những gia đình bề ngoài xem ra không bao giờ có cãi cọ, đấu trí với nhau và biết cách dung hòa để cái “hotel” (nhà mình) lúc nào trông cũng tươm tất, sạch đẹp. Cái thiếu trong cái “hotel” này là thời gian dành cho nhau quá ít so với thời gian ôm điện thoại! Vậy lắng nghe nhau như thế nào đây để thực sự hiểu nhau như một con người Chúa đặt để bên cạnh tôi với vai trò người cha, người mẹ, người con, người anh, người chị, người em?

Hiệp hành trước tiên phải được thực hiện nơi gia đình, ở đó mọi người có thời gian dành cho nhau, gặp gỡ nhau, lắng nghe nhau và cùng lắng nghe tiếng Chúa mỗi ngày hầu có thể hàn gắn những sứt mẻ, những thương tích cho nhau, để con cái được lớn lên thành người toàn vẹn như Chúa muốn? Nên vui hay buồn khi nghe chia sẻ: “Nhờ các buổi họp hiệp hành, tôi nhận ra rằng mình chỉ biết nuôi con mà thôi chứ chưa hề biết cách dạy con!” Dù người chia sẻ chưa biết mình phải làm gì, nhưng ít nhất ý thức được cái sai sót của mình đã là một khởi đầu tốt.

Được lắng nghe và thấu cảm sẽ giúp mọi người cảm thấy mình được chấp nhận và vui tươi tiến lên phía trước để cùng hát Khúc Tân Ca: “…những người hiện tại đừng hát những gì đã qua.”

3. Niềm vui được hiệp hành với mọi người trong tin yêu và hy vọng

Nếu có ai hỏi: “Trước và sau khi học hỏi về hiệp hành, bạn cũng làm từng ấy việc có gì khác đâu?” Câu trả lời sẽ là: “Vâng, cũng từng ấy việc nhưng với tinh thần khác bạn ạ! Trước đây tôi thích làm một mình, thích cậy dựa vào sức mình là chính. Còn bây giờ tôi ý thức mình phải làm việc với nhiều người, tôi biết mạnh mẽ đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nên kết quả có khác chứ!”

Các bạn tôi chia sẻ trải nghiệm về hiệp hành đơn sơ lắm, như thế này:

- Mình thấy vui khi được làm việc với những nhóm bạn trẻ hơn, năng động hơn, đầy nhiệt huyết trong việc bác ái, chia sẻ giúp đỡ mọi người bất kể lương giáo trong suốt 2 năm dịch bệnh hoành hành. Niềm vui ấy mở ra nhiều mối quan hệ mới, giúp bản thân mình thấy thăng tiến hơn trong suy nghĩ và hành động. Mặt khác, lại có dịp giới thiệu Đức Kitô qua cách ứng xử hiền hòa, khuyên lơn các bạn trẻ cùng gắn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành công việc, biết sống chia sẻ, nâng đỡ nhau chứ không co cụm trong nhóm riêng.

- Bạn hỏi sức mạnh nào thúc đẩy mình ư? Xin thưa mỗi ngày mình đến với Chúa xin Ngài thực hiện những gì Ngài muốn nơi con. Thánh lễ mỗi sáng mình cùng với ca đoàn cất cao giọng hát chúc tụng Chúa, nhiều khi giọng bị khàn, ho, hát lạc nhịp, nhưng vẫn động viên nhau và cùng cười phục vụ Chúa và cộng đoàn.

May mắn tiếp theo là được chia sẻ niềm tin với các bạn tân tòng. Lúc đầu các bạn tìm hiểu Chúa để lập gia đình. Sau một số buổi học chia sẻ thực tế, các bạn tâm đắc vì những điều mình đang lo, đang băn khoăn về gia đình sao đúng quá! Từ đó bạn dự tòng hăng say tìm hiểu Đạo và có niềm tin vào Chúa mạnh hơn bạn đạo gốc. Đó cũng là động lực giúp bản thân mình trau dồi kiến thức qua những bài giảng, những bài chia sẻ về phụng vụ. Mình cố gắng đọc và sống theo Lời Chúa mỗi ngày. Thói quen trước khi đi ngủ là gửi một câu Lời Chúa cho bạn bè, cho người mới quen. Việc này dù mất thời gian, nhưng bù lại là những háo hức của người nhận giúp mình thêm sức bền loan truyền Lời Chúa bằng trang cá nhân của mình. Hiệp hành từ xa qua intenet!

- Đối với người thân trong gia đình, mình phục vụ với niềm vui, mong Chúa ban cho gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Có lần mình thăm viếng gia đình một người bệnh. Mình chỉ ngồi chăm chú lắng nghe họ giãi bày tâm sự với bao khó khăn, cực nhọc, khó chịu… trong đời! Vậy mà khi ra về lại nhận được lời cám ơn chân tình vì có người chịu khó nghe họ nói, vì điều đó giúp họ giải tỏa nỗi lòng và tìm lại được sự bình an.

Lần khác, mình tổ chức một buổi cơm thân mật cho một bệnh nhân, với sự hiện diện của vài người thân quen khi xưa, để rồi nhận được từ người bệnh một nụ cười tươi vui mãn nguyện. Dù có tốn kém, có chút thiệt thòi, nhưng lòng mình tràn đầy niềm vui sâu đậm vì cảm nhận Chúa đang hiện diện và đang cùng tra tay vào cày mà cất bước song hành với mình.

Nhờ các trải nghiệm này nhiều bạn đã “ngộ” ra hiệp hành là một lối sống: sống với nhau và với mọi người như Chúa đã sống với mình và với mọi người. Theo đó, mọi người sẽ được tôn trọng, chấp nhận và lắng nghe, chẳng có ai bị loại trừ hay gạt ra bên lề.

4. Quyết tâm thay đổi

Sống hiệp hành qua gặp gỡ, lắng nghe bằng cả trái tim, với xác tín có Chúa cùng đi bao giờ cũng đem lại một niềm vui sâu lắng. Giá như tinh thần hiệp hành được đánh thức sớm hơn thì đâu có chuyện lằng nhằng giáo sĩ trị, giáo dân trị, kiểu ù lì trong các đoàn thể, kiểu hoạt động mang tính đối phó từ cấp trên đến cấp dưới!

Kinh nghiệm lớn nhất của tôi qua thời gian thực tập hiệp hành là ý thức cần tự rèn luyện để trở nên những con người hiệp hành, nghĩa là trở nên những người biết lắng nghe, phân định và thực thi ý Chúa ở bất cứ môi trường nào tôi hiện diện: gia đình, đoàn thể, giáo xứ, sở làm, nơi tôi cư trú… Tự rèn luyện để hình ảnh “Thiên Chúa là người Cha yêu thương” được sáng tỏ hơn, không bị cái “tôi ảo tưởng” làm hoen ố.

Muốn vậy, cần loại bỏ một số điều cản trở hiệp hành đích thực như: tính nhút nhát không dám nói sự thật, cách cư xử cả nể, cầu an trong các phiên họp, hoặc đi tập huấn xong về nhà cất kỹ tài liệu vào tủ hồ sơ mà không đọc lại, không nghiền ngẫm để triển khai cho người khác. Biết bao công sức tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đã bị đổ sông đổ biển vì tham dự viên ngại (hoặc không) dám phát biểu, hoặc chỉ thích cất tài liệu vào tủ, hay tệ hơn nữa là hiện diện để điểm danh có mặt! Nhiều đoàn thể đã hiện diện như một bông hoa đẹp và sẽ đẹp hơn nếu loại bỏ được những cản trở cho việc phát triển đi vào chiều sâu.

Sau thời gian thực tập, tôi tin lối sống hiệp hành đã có từ thời Giáo hội sơ khai sẽ được tiếp tục mạnh mẽ nơi mọi thành phần dân Chúa từ giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ; mỗi người thông qua các vị trí khác nhau trong Giáo hội, cùng nắm tay nhau loan truyền Thiên Chúa là Tình Yêu cho đến tận cùng trái đất.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 131 (Tháng 9 & 10 năm 2022)

LỊCH PHỤNG VỤ