Kitô hữu và người Hồi giáo: cộng tác với nhau để chiến thắng sự nghèo nàn

Sứ điệp của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn

nhân dịp kết thúc tháng Ramadan năm 2009 (năm 1430 lịch Hồi giáo)

Các Bạn Hồi giáo thân mến,

1. Nhân dịp kết thúc tháng Ramadan, tôi muốn chúc tất cả các Bạn được bình an và niềm vui, đồng thời qua sứ điệp này, xin đề nghị các Bạn một suy nghĩ chung về đề tài: Kitô hữu và người Hồi giáo cộng tác với nhau để chiến thắng sự nghèo nàn.

2. Chắc chắn chúng ta vui mừng nhận thấy sứ điệp của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn không những đã trở nên một thói quen, mà còn là một cuộc hẹn được chờ mong. Trong nhiều nước, đây là một cơ hội gặp gỡ giữa nhiều người Kitô hữu và người Hồi giáo. Cũng không hiếm nơi, sứ điệp ấy tương ứng với một mối bận tâm được chia sẻ, tạo thuận lợi cho những cuộc trao đổi tín nhiệm và cởi mở. Phải chăng tất cả những yếu tố ấy không tạo nên một tổng thể các dấu chỉ bằng hữu giữa chúng ta khiến chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đó sao ?

3. Để trở lại chủ đề của năm nay, hiển nhiên rằng bản thân con người lâm vào cảnh bần cùng ở trung tâm của những giới răn dưới nhiều tiêu đề khác nhau, mà chúng ta yêu thích. Sự chú tâm, đồng cảm và giúp đỡ mà là anh chị em trong nhân loại, tất cả chúng ta có thể tặng ban cho người nghèo, để trao trả lại vị trí của họ trong xã hội loài người, là một bằng chứng sống động về Tình yêu của Đấng Tối Cao, bởi vì đó chính là con người mà Ngài kêu gọi chúng ta yêu thương và giúp đỡ, không phân biệt họ là ai.

Tất cả chúng ta đều biết rằng sự nghèo nàn hạ giá (con người) và gây ra những đau khổ không thể khoan dung được. Những đau khổ này thường là nguồn gốc của tình trạng cô lập, giận dữ, thậm chí căm ghét và ước muốn trả thù. Điều này có thể đẩy người ta đến những hành động thù nghịch bằng mọi phương thế sẵn có, tìm cách biện minh cho chúng bằng những lý do tôn giáo như viện cớ “công bình của Thiên Chúa” để chiếm đoạt của cải của người khác, kể cả sự bình an và yên ổn của họ. Chính vì thế, việc loại trừ những hiện tượng cực đoan và bạo lực nhất thiết đòi phải chiến đấu chống lại nghèo đói bằng việc thăng tiến sự phát triển con người toàn diện, mà giáo hoàng Phaolô VI đã định nghĩa như “tên gọi mới của hòa bình” (Thông điệp Populorum Progressio, số 76).

Trong thông điệp gần đây Caritas in Veritate về sự phát triển con người toàn diện trong bác ái và sự thật, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, lưu tâm đến bối cảnh hiện tại của việc dấn thân cho sự phát triển, đã làm sáng tỏ sự cần thiết của “một tổng luận nhân bản mới” (số 21) có sức bảo vệ sự cởi mở của con người cho Thiên Chúa và trả lại cho con người chỗ đứng “trung tâm và đỉnh cao” trên mặt đất (số 57). Thế nên, một sự phát triển đích thực chỉ có thể được sắp đặt cho “con người toàn diện và tất cả mọi người” (Populorum Progressio, số 42).

Trong bài giảng hôm 1 tháng giêng vào Ngày thế giới cầu nguyện cho hoà bình năm 2009, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã phân biệt hai loại nghèo khó: một cái nghèo cần phải chống lại và một cái nghèo cần phải chọn lựa.

Trước mắt mọi người, cái nghèo cần phải chống lại là nạn đói, thiếu nước uống, thiếu săn sóc y tế và gia cư thích đáng, thiếu hệ thống giáo dục và văn hóa, nạn mù chữ, và không thể bỏ qua những hình thức nghèo nàn mới, “chẳng hạn như hiện tượng bị gạt ra ngoài lề xã hội, nghèo quan hệ, nghèo luân lý và tinh thần… ở các xã hội giàu có và tiến bộ”.

Cái nghèo cần phải chọn lựa là sự nghèo khó của một lối sống giản dị và chủ yếu, tránh lãng phí và tôn trọng môi trường cùng tất cả công trình Tạo Dựng. Sự nghèo khó này cũng là cái nghèo của lối sống đạm bạc và chay tịnh, ít là trong vài thời kỳ của một năm.

5. Như những tín hữu, mong muốn bàn thảo để cùng nhau tìm ra những giải pháp đúng đắn và lâu dài cho nạn nghèo nàn cũng có nghĩa là suy tư về những vấn đề trầm trọng của thời đại chúng ta, và khi có thể, cùng nhau dấn thân để thực hiện các giải pháp ấy. Về điểm này, cần làm thế nào để đưa ra các khía cạnh của sự nghèo nàn gắn liền với việc toàn cầu hóa của các xã hội chúng ta mang ý nghĩa tâm linh và luân lý, vì chúng ta cùng chia sẻ ơn gọi xây dựng một gia đình nhân loại duy nhất, trong đó mọi người, từ cá nhân, dân tộc đến các quốc gia, đều ứng xử dựa trên những nguyên tắc huynh đệ và trách nhiệm.

6. Sự chăm chú quan sát hiện tượng phức tạp của nghèo nàn giúp chúng ta thấy được nguồn gốc sâu xa của cái nghèo là do việc thiếu tôn trọng phẩm giá nội tại của con người, và mời gọi chúng ta sống một tình liên đới hoàn vũ, như chấp nhận một “bộ luật luân lý đạo đức chung”, trong đó các khoản luật không chỉ mang tính qui ước, nhưng chúng đâm rễ sâu nơi luật tự nhiên đã được Đấng Tạo Hóa ghi khắc trong lương tâm của mỗi người (Gioan Phaolô II, Nói chuyện với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, số 27).

7. Dường như ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta đang vượt qua từ thái độ khoan dung đến sự gặp gỡ, bắt đầu từ cuộc sống chung và việc chia sẻ các mối bận tâm. Đây là một bước quan trọng đã được vượt qua.

Bằng cách sẵn lòng dành cho nhau sự phong phú của cầu nguyện, chay tịnh và bác ái, phải chăng việc đối thoại sẽ giúp vận hành những sức mạnh sống động của những người lữ hành hướng về Thiên Chúa? Người nghèo chất vấn và thách đố chúng ta, nhưng nhất là họ mời gọi chúng ta cộng tác với nhau vì một lý do cao quý, đó là chiến thắng sự nghèo nàn của họ.

Xin chúc các Bạn một ‘Id al-Fitr * tốt đẹp và hạnh phúc!

Hồng y Jean-Louis Tauran

Chủ tịch

Tổng giám mục Pier Luigi Celata

Thư ký


* ‘Id al-Fitr: ngày lễ kết thúc tháng chay Ramadan (Chú thích của người dịch)