NGHỆ THUẬT CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
ARS CELEBRANDI

Gm. Phêrô Kiều Công Tùng

WHĐ (12.08.2023) – Phụng vụ được ví như một công trình nghệ thuật, Chúa Kitô là “tác giả-nghệ sĩ” chính còn toàn thể cộng đoàn có phận vụ tham gia ars celebrandi, góp phần vào sự hoàn tất công trình, theo nghĩa đem lại hoa trái dồi dào nhất cho người tín hữu. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói ars celebrandi - nghệ thuật cử hành là “cách thức chính yếu thúc đẩy sự tham dự của Dân Chúa vào Nghi Lễ Thánh… là điều kiện tốt nhất làm cho sự tham dự được sống động”[1].

Ngày 29/6/2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông thư Desiderio Desideravi về đào tạo phụng vụ cho dân Thiên Chúa với mong muốn giúp mọi người “nhận ra tầm quan trọng của nghệ thuật cử hành để phục vụ cho chân lý của mầu nhiệm Vượt Qua và sự thông phần mầu nhiệm ấy nơi tất cả những người đã được rửa tội, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình”[2]. 


I. NHỮNG NGUYÊN TẮC NỀN TẢNG

       1. Tính năng động trong phụng vụ. 2

       2. Hòa hợp với hành động của Chúa Thánh Thần. 3

       3. Bản chất và hiệu năng của ngôn ngữ biểu tượng. 5

II. PHẬN VỤ CỦA CÁC THỪA TÁC VIÊN. 6

       1. Các thừa tác viên có chức thánh. 6

       2. Thừa tác viên không có chức thánh. 10

III. THÁNH CA PHỤNG VỤ VÀ TÁC VIÊN THÁNH NHẠC. 11

IV. CỘNG ĐOÀN THAM DỰ VÀ CÁC YẾU TỐ KHÁC


I. NHỮNG NGUYÊN TẮC NỀN TẢNG

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành phần cuối của Tông thư Desiderio Desideravi (số 48-65) để suy tư và đưa ra những hướng dẫn liên quan đến nghệ thuật cử hành - ars celebrandi. Những kiến thức căn bản cần có được đề cập tại số 49:

Như bất kỳ nghệ thuật nào, ars celebrandi đòi hỏi nhiều loại kiến thức khác nhau. Trước tiên, nghệ thuật này đòi hỏi phải hiểu biết về tính năng động trong Phụng vụ. Cử hành phụng vụ là lúc tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua được hiện tại hóa, để các tín hữu, khi tham dự, có thể cảm nghiệm mầu nhiệm ấy trong cuộc sống. Nếu không có sự hiểu biết này, việc cử hành có thể chỉ bận tâm đến hình thức bên ngoài (hơn kém về mức độ tinh tế) hoặc quan tâm đến luật chữ đỏ (hơn kém về tính cứng nhắc).

Sau đó, cần phải biết về cách thức Chúa Thánh Thần tác động trong mỗi cử hành. Nghệ thuật cử hành phải hòa hợp với hành động của Thánh Thần. Chỉ như vậy, nghệ thuật cử hành mới thoát khỏi tính cách chủ quan, chiều theo thị hiếu cá nhân. Chỉ bằng cách này, nghệ thuật cử hành mới thoát khỏi sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa chưa được phân định và không liên quan gì đến việc hội nhập văn hóa đúng nghĩa.

Cuối cùng, cần phải hiểu về tính năng động, về bản chất đặc thù và những hiệu năng của ngôn ngữ biểu tượng.

1. Tính năng động trong phụng vụ

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo tóm lược phần trình bày về những người cử hành phụng vụ tại số 1144:

Toàn thể cộng đoàn đều là “người cử hành phụng vụ”, mỗi người tùy theo phận vụ của mình, nhưng “trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần”, Đấng hoạt động trong mọi người. “Trong các cử hành phụng vụ, thừa tác viên hay tín hữu, mỗi người theo phận vụ của mình, chỉ làm và làm trọn vẹn những gì thuộc phận vụ của mình theo bản chất của sự việc và các quy tắc phụng vụ” (x. Sacrosanctum Concilium, 28).

Thật vậy, phụng vụ không phải là những hoạt động cá nhân riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là “bí tích hiệp nhất”, thuộc về toàn Thân Thể Hội Thánh[3]. Mọi chi thể được mời gọi tham gia vào cử hành phụng vụ của Hội Thánh với chức tư tế cộng đồng nhờ bí tích Rửa Tội. Tuy nhiên, một số chi thể đã được Thiên Chúa kêu gọi để phục vụ cộng đoàn cách đặc biệt qua bí tích Truyền Chức Thánh, nhờ đó, họ có khả năng hành động trong cương vị của Đức Kitô là Đầu (in persona Christi Capitis)[4].

Trong phụng vụ, đặc biệt là trong Thánh lễ, toàn thể cộng đoàn tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô được hiện tại hóa qua việc cử hành nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Đây là một hành vi linh thánh, đòi buộc cả thừa tác viên lẫn cộng đoàn tín hữu trước hết phải ý thức và có tâm tình thờ phượng xứng hợp. Thiếu điều kiện tiên quyết này, người tham gia cử hành có nguy cơ chỉ dừng lại ở việc hoàn tất các thủ tục lễ nghi bề ngoài, hoặc chỉ chú tâm cách cứng nhắc vào các chỉ dẫn, làm mất đi vẻ đẹp đích thực và sinh động của cử hành Kitô giáo.

Trong nghệ thuật, cảm hứng là yếu tố quan trọng khơi nguồn cho sự sáng tạo đích thực. Người nghệ sĩ hoàn toàn tự do sáng tạo từ những ý tưởng ban đầu, nhưng cũng cần dựa trên những kiến thức kỹ thuật căn bản. Cũng vậy, mọi cảm hứng hay ý tưởng trong nghệ thuật thánh nói chung hay nghệ thuật cử hành phụng vụ nói riêng, đều xuất phát từ vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, góp phần ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, giúp tâm trí con người thành kính hướng về Thiên Chúa[5]. Do đó, nghệ thuật cử hành trong phụng vụ không thể tùy tiện, ngẫu hứng nhằm thỏa mãn thị hiếu của một cá nhân hay nhóm người nào đó, mà bỏ quên mục tiêu của việc cử hành là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người. Phải làm sao để việc cử hành “không những gợi nhớ các biến cố đã giải thoát chúng ta, mà còn làm cho các biến cố đó hiện diện và tác động trong hiện tại”[6]. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ người tham gia phụng vụ: “Phải luôn dành trọn tâm ý cho việc cử hành, để chính việc cử hành truyền tải nghệ thuật cho chúng ta”[7].

Toàn thể cộng đoàn phụng vụ đều cần đến nghệ thuật cử hành, nhưng các thừa tác viên đã lãnh chức thánh càng phải quan tâm đặc biệt hơn. “Những người đã lãnh Bí tích Truyền Chức có nhiệm vụ không thể chối từ trong việc giữ cho nghệ thuật cử hành được đúng đắn. Các Giám mục, linh mục và phó tế, mỗi người theo chức năng của mình, phải xem việc cử hành như bổn phận chính của mình”[8]. Nghệ thuật cử hành phải giúp tăng cường ý thức linh thánh và đẩy mạnh việc sử dụng các hình thức bên ngoài nhằm giáo dục ý thức ấy. Muốn mang lại lợi ích đó cho cả cộng đoàn phụng vụ, trước tiên linh mục “phải ý thức sâu sắc về sự hiện diện đặc biệt của Chúa Kitô Phục sinh. Chính bản thân thừa tác viên đã lãnh chức thánh là một trong những cách thức hiện diện của Chúa, điều này làm cho cộng đoàn Kitô hữu trở nên độc đáo, khác với bất kỳ cộng đoàn nào khác”[9]. Khi biết đặt mình ở giữa trái tim Chúa Giêsu đang bừng cháy lửa yêu thương và trái tim của mỗi tín hữu, đối tượng của tình yêu Chúa, tất cả các cử chỉ và lời nói của vị chủ sự trong nghi thức cử hành sẽ mang lấy chiều sâu bí tích, và giúp cho cộng đoàn cảm nhận được điều Chúa khát mong hiện tại, như trong Bữa Tiệc Ly năm xưa, là được ăn lễ Vượt Qua với chúng ta[10].

2. Hòa hợp với hành động của Chúa Thánh Thần

Trong phụng vụ, Chúa Thánh Thần là nhà sư phạm về đức tin cho Dân Thiên Chúa. “Ngài chuẩn bị cho Hội Thánh gặp gỡ Chúa của mình; Ngài nhắc nhớ và làm tỏ hiện Đức Kitô cho đức tin của cộng đoàn; Ngài làm cho hiện diện và hiện tại hóa mầu nhiệm của Đức Kitô bằng quyền năng biến đổi của Ngài; sau cùng, Thánh Thần của sự hiệp thông kết hợp Hội Thánh vào đời sống và sứ vụ của Đức Kitô”[11]. Vì thế, mọi phương thế hay công cụ trong phụng vụ phải phục vụ bản chất của Phụng vụ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, nghệ thuật cử hành phải hòa hợp với hành động của Thánh Thần.

Không ý thức hay giành mất vai trò của Chúa Thánh Thần trong Phụng vụ, chủ sự dễ có “thái độ đề cao bản thân trong phong cách cử hành, đôi khi thể hiện cách lộ liễu thói tật muốn trở thành trung tâm của sự chú ý”. Từ đó đưa đến nhiều biểu hiện không phù hợp trong cử hành được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo: “khắc khổ cứng nhắc hoặc sáng tạo quá đáng, thần bí hóa hoặc duy chức năng, nhanh chóng vội vàng hoặc chậm chạp quá mức, bất cẩn cẩu thả hoặc tỉ mỉ cực đoan, thân thiện quá đáng hoặc vô cảm lạnh lùng” khiến nhiều cộng đoàn phải khốn khổ[12].

Đức Giáo Hoàng đặc biệt lưu ý đến việc giữ thinh lặng, một hành động được quy định rõ trong luật chữ đỏ. Nhiều người nghĩ thinh lặng dễ đưa đến sự trống rỗng nên muốn lấp đầy bằng đủ thứ vô nghĩa và xa lạ. Thực ra, thinh lặng thánh là “biểu tượng của sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động toàn bộ việc cử hành. Vì thế, thinh lặng là cao điểm của một trình tự phụng vụ. Chính vì là biểu tượng của Thánh Thần, nên thinh lặng có sức mạnh thể hiện hành động đa dạng của Thánh Thần”[13]. Các linh mục phải xác tín điều này để cùng với cộng đoàn phụng vụ “thực hiện thật sốt sắng phút thinh lặng như một động tác mang tính biểu tượng, để qua đó chúng ta được Chúa Thánh Thần uốn nắn”[14]. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (QCSL) nhắc nhở: “Tính chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong mỗi cử hành. Thật vậy, trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện, là để mọi người hồi tâm lại; sau bài đọc hoặc bài giảng là để mọi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi rước lễ thì để ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng”[15].

Bên cạnh sự thinh lặng, mỗi cử chỉ điệu bộ hay lời nói được đặt tại những thời điểm khác nhau của cử hành phụng vụ đều mang một ý nghĩa sâu xa và chứa đựng một tác động chính xác, qua đó Chúa Thánh Thần thực hiện sứ vụ giúp người tín hữu “hiệp thông với Đức Kitô để làm nên Thân Thể Người”[16]. Thao thức mục vụ đôi khi gợi cho linh mục các sáng kiến chủ quan và không phù hợp với bản chất của phụng vụ. Ý thức cử hành phụng vụ trong sự hòa hợp với tác động của Chúa Thánh Thần sẽ giúp các linh mục tránh xa việc “tự ý thêm bớt hay thay đổi” hoặc lạm dụng kỷ luật trong phụng vụ của Giáo hội.

Linh mục thông phần cách đặc biệt vào việc cử hành phụng vụ nhờ ân sủng của bí tích Truyền Chức Thánh. Vai trò chủ sự không phải là một bổn phận do cộng đoàn giao cho linh mục, nhưng là hệ quả của việc tuôn đổ Thánh Thần trên linh mục qua nghi lễ truyền chức. Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hành động uốn nắn đào tạo linh mục trong các cử hành phụng vụ. Trong khi thi hành thánh chức qua việc chủ sự trong cộng đoàn phụng vụ, các linh mục phải để cho mình được Chúa Thánh Thần tác động, để Người hoàn tất việc Người đã khởi sự nơi họ trong ngày họ được truyền chức[17]. Tông huấn Desiderio Desideravi giải thích rõ:

Tác động của Thánh Thần giúp cho các linh mục có thể thi hành phận vụ chủ sự cộng đoàn Thánh Thể với tâm tình kính sợ như Phêrô, ý thức mình là người tội lỗi (Lc 5,1-11), với lòng khiêm nhường thẳm sâu của người tôi tớ đau khổ (x. Is 42tt), và với mong muốn “được ăn” bởi những người được giao phó cho mình khi thi hành tác vụ hằng ngày.

3. Bản chất và hiệu năng của ngôn ngữ biểu tượng

Cử hành phụng vụ nói chung và cử hành Thánh Thể nói riêng được kết nên nhờ các dấu chỉ và biểu tượng. Những thực tại khả giác phong phú của thế giới vật chất và đời sống xã hội khi được Phụng vụ của Hội Thánh đón nhận, hội nhập và thánh hóa sẽ trở thành “phương tiện diễn tả hành động của Thiên Chúa, Đấng thánh hóa loài người, và diễn tả hành động của con người, những kẻ phụng thờ Thiên Chúa”[18]. Ý nghĩa của các dấu chỉ và các biểu tượng gắn liền với công trình tạo dựng và văn hóa nhân loại, được xác định qua các biến cố cứu độ, và hoàn tất tròn đầy nơi con người và công trình của Đức Kitô[19].

Các hành động biểu tượng chính là một thứ ngôn ngữ, nhưng cần có Lời Chúa và lời đáp lại của đức tin, tức kinh nguyện, đi kèm thì ý nghĩa mới rõ ràng chính xác và cuộc gặp gỡ đối thoại của con cái Thiên Chúa với Cha mình trong cử hành phụng vụ mới trở nên sống động[20]. Những hình thức ngôn ngữ khác nhau được sử dụng trong phụng vụ như lời nói và âm nhạc, các cử chỉ và sự thinh lặng, sự di chuyển hay các tư thế, màu sắc phụng vụ dành cho phẩm phục... đều có ý nghĩa và tác động nhất định trong khi cử hành nên cần được lưu tâm và vận dụng cách nhịp nhàng hiệu quả. “Từng cử chỉ và lời nói của cử hành phụng vụ, khi được thể hiện cách ‘nghệ thuật’, sẽ hình thành nhân cách kitô hữu của mỗi cá nhân và của cả cộng đoàn”[21].

Các cử chỉ điệu bộ cần được thể hiện nhịp nhàng với lời đọc, không thái quá cũng không chiều theo những suy diễn chủ quan, mà cần dựa trên sự hiểu biết chính xác về bản chất phụng vụ và ý nghĩa của hành động. Các cử chỉ chắp tay, dang tay, đấm ngực, cúi đầu, cúi mình… cần được thực hiện với ý thức đang hiện diện trước nhan Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về hành động quỳ gối: “Hãy thực hiện động tác quỳ gối cách nghệ thuật, nghĩa là với nhận thức đầy đủ về ý nghĩa biểu tượng và sự cần thiết của cử chỉ này để thể hiện cách chúng ta hiện diện trước mặt Chúa”[22].

Trong vai trò chủ sự, các linh mục cần nắm chắc nguyên tắc mà Tông huấn Bí tích Tình yêu lưu ý:

Tính đơn giản của những cử điệu và sự trang nhã của những dấu chỉ thể hiện trong trật tự có sức truyền đạt và tác dụng hơn bất kỳ những gì thêm vào mà không thích hợp. Lưu tâm và trung thành với cấu trúc đặc biệt của nghi lễ vừa diễn tả một sự hiểu biết về bản chất của Thánh Thể như một quà tặng, vừa biểu lộ ý muốn của thừa tác viên đón nhận quà tặng vô giá đó bằng lòng biết ơn đầy vâng phục[23].

Các lời nói và kinh nguyện của linh mục là yếu tố quan trọng của cử hành Thánh Thể nên cần có cung giọng phù hợp với nội dung và mục đích khác nhau của chúng. Nghệ thuật thể hiện những yếu tố này được mô tả trong Tông thư Desiderio Desideravi:

Những lời mà Phụng vụ đặt trên môi miệng linh mục có những nội dung khác nhau, đòi hỏi những âm giọng đặc biệt. Tầm quan trọng của những lời này đòi hỏi một nghệ thuật đọc nói chuẩn xác. Những lời này định hình cho những cảm xúc nội tâm, lúc thì khẩn cầu Chúa Cha nhân danh cộng đoàn, lúc thì ngỏ lời huấn dụ với cộng đoàn, lúc khác thì chung lời tung hô với toàn thể cộng đoàn[24].

Qua nghệ thuật cử hành với những nguyên tắc và lưu ý trên đây cùng nhiều điều khác nữa, linh mục cùng các thừa tác viên khác và cộng đoàn tham dự sẽ được đào tạo liên tục trong chính cử hành phụng vụ, đồng thời được thông phần tích cực vào hiến lễ của Chúa Giêsu bằng cách dâng hiến chính mình trong thánh lễ đang được cử hành cũng như trong cả cuộc đời sứ vụ của mỗi người.

II. PHẬN VỤ CỦA CÁC THỪA TÁC VIÊN

1. Các thừa tác viên có chức thánh

Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các thừa tác viên của Đức Kitô được thiết lập và trở nên người ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Qua việc đặt tay và lời nguyện truyền chức, Giám mục, Linh mục và Phó tế, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, tham dự vào cử hành phụng vụ trong cách thế riêng của từng thánh chức. Trong lời nguyện truyền chức giám mục, Hội Thánh cầu xin cho tiến chức biết “thi hành chức vụ thượng tế cách hoàn hảo, biết phụng sự Cha suốt cả đêm ngày, không ngừng tỏ bày dung mạo nhân lành của Cha, và tiến dâng lễ vật của Hội Thánh.” Còn trong nghi thức diễn nghĩa, các tân linh mục được lưu ý “hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con cử hành và rập mẫu đời sống con theo mầu nhiệm Thánh giá Chúa”; và các tân phó tế được nhắc nhở rằng “hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”[25].

Các Giám mụclinh mục với chức tư tế thừa tác không những có nhiệm vụ đại diện cho Đức Kitô, Đấng là Đầu Hội Thánh, quy tụ và công bố sứ điệp cứu độ cho cộng đoàn tín hữu, mà còn hành động nhân danh toàn thể Hội Thánh, khi dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của Hội Thánh, và nhất là khi dâng Hy lễ Thánh Thể lên Thiên Chúa Cha[26]. Các ngài được mời gọi phải thi hành thánh chức một cách cẩn trọng: “khi cử hành Thánh Thể, ngài phải phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn cách trang nghiêm và khiêm tốn; và qua thái độ cử chỉ cũng như cung cách đọc lời Chúa, phải gợi lên cho các tín hữu thấy sự hiện diện sống động của Chúa Kitô”[27].

Các phó tế không lãnh nhận chức tư tế thừa tác, nhưng việc phong chức trao cho họ những nhiệm vụ quan trọng trong thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa, phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng hôn, rửa tội, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ tọa lễ nghi an táng và đặc biệt là dấn thân vào việc bác ái[28].

Dù thi hành thánh chức ở cấp bậc nào, các thừa tác viên cần lưu tâm nhận định của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Nghệ thuật cử hành là kết quả của sự trung thành tuân giữ các quy luật phụng vụ trong mọi khía cạnh phong phú của nó”[29]. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã triển khai ý tưởng này chi tiết hơn:

Không được giản lược ars celebrandi vào thái độ tuân giữ cách máy móc các luật chữ đỏ, càng không được coi đó là sáng tạo - có khi là bừa bãi -, không có quy tắc. Bản thân nghi thức là một quy định, và quy định không phải là mục đích tự thân, nhưng nó phục vụ cho một thực thể cao hơn mà nó muốn bảo vệ[30].

Giải pháp cho những vấn đề tồn tại trong việc cử hành phụng vụ hiện nay cần khởi đi từ các linh mục. Để tránh những lạm dụng và “đổi mới” tùy tiện trong cử hành, linh mục phải tuân giữ kỷ luật, từ bỏ những tình cảm ủy mị, phải nghiêm túc thực thi tác vụ trong sự hiểu biết và tuân phục Hội Thánh. Một nguyên tắc quan trọng trong khi chủ tế Thánh lễ mà linh mục cần ghi nhớ là không được cướp mất sự chú ý phải dành cho tính cách trung tâm của bàn thờ, một “dấu chỉ của Đức Kitô, Đấng mà từ cạnh sườn bị đâm thâu, nước và máu đã chảy ra để nên nguồn mạch phát sinh các Bí tích của Hội Thánh” và là “tâm điểm của việc ca ngợi và tạ ơn Chúa”[31]. Sau bàn thờ, linh mục là dấu chỉ sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trong cộng đoàn phụng vụ. Thế nên, vị trí của chủ tế, đặc biệt trong phần hiến tế - Kinh nguyện Thánh Thể, không thể bị lấn chiếm. Trong thánh lễ đồng tế ở một vài nơi, do không lưu ý nguyên tắc này hoặc vì thiếu micrô, vị trí của linh mục chủ tế (ngay cả giám mục) thường bị lấn át hay che khuất bởi các vị đồng tế khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể. Hình ảnh này vừa mâu thuẫn với thực tại cử hành vừa làm mất đi nét đẹp của phụng vụ.

Một số lạm dụng trong cử hành phụng vụ hiện nay xuất phát từ nhận thức lệch lạc về tính sáng tạo và thích nghi[32]. Tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ cùng ý nghĩa của các dấu chỉ điệu bộ trong cử hành cũng giúp cho thừa tác viên tránh được sự nhầm lẫn giữa nét đơn giản với sự tầm thường bất cẩn, giữa điều thiết yếu với sự hời hợt thiếu hiểu biết, hoặc giữa tính cụ thể của nghi lễ với quan điểm duy chức năng quá mức trong thực hành[33]. Các cử chỉ và điệu bộ của thừa tác viên “phải thế nào để toàn thể việc cử hành có được vẻ đẹp đơn sơ trang trọng, giúp thấy rõ ý nghĩa thật và đầy đủ các phần khác nhau cũng như làm cho sự tham dự của mọi người được dễ dàng hơn”[34].

Thiết nghĩ các linh mục cần chú tâm hơn đối với một số tư thế cử chỉ quen thuộc trong khi chủ sự nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực và đầy đủ của các nghi thức và góp phần tạo nên vẻ đẹp và sự đơn giản của việc cử hành.

Đối với tư thế của đôi tay, ngoài cử chỉ chắp tay, một tư thế khác được linh mục chủ tế sử dụng thường xuyên là orans, tư thế với hai tay dang rộng vừa phải và hơi nâng cao. Các tín hữu cũng nhìn thấy qua tư thế này hình ảnh Chúa Kitô tự hiến mình trên thánh giá. Vị chủ sự thực hiện cử chỉ này khi cầu nguyện nhân danh mình và cũng nhân danh Giáo Hội. Như thế, cử chỉ orans làm cho linh mục chủ tế nên giống Chúa Kitô qua việc dâng chính Hy lễ của Ngài lên Chúa Cha. Trong khi đó, cử chỉ dang tay khi chào chúc hoặc mời gọi hoàn toàn khác với cử chỉ orans. Linh mục chủ tế dang tay hơi thấp rồi chắp lại trong khi nói lời chào chúc hay mời gọi cộng đoàn (ví dụ, Chúa ở cùng anh chị em). Một điều cần lưu ý là trước khi công bố Tin Mừng, phó tế hoặc linh mục khi không có phó tế, thực hiện lời chào với đôi tay chắp lại[35]. Bởi lẽ công bố Tin mừng là tác vụ của phó tế và lời chào của phó tế lúc này không có tư cách của linh mục chủ tọa. Thế nên, khi không có phó tế, một linh mục công bố Tin mừng cũng chỉ chắp tay chào mà không dang tay trong tư cách của chủ tế. Khi các phó tế chủ sự một vài nghi thức được luật cho phép cũng cần tuân giữ những thực hành nêu trên.

Ở phần đối đáp mở đầu Kinh Nguyện Thánh Thể, do có sự dịch chuyển giữa hai tư thế dang tay nên cách thức cử hành cũng có chút thay đổi. Linh mục dang tay đọc “Chúa ở cùng anh chị em”, nhưng không chắp tay lại như thường lệ. Sau lời đáp của cộng đoàn, linh mục đọc tiếp “Hãy nâng tâm hồn lên” và đồng thời nâng hai tay lên. Sau cùng khi mọi người đáp xong, linh mục giữ tay ở vị trí orans và đọc: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.” Tư thế tay orans này được duy trì cho đến hết Kinh tiền tụng đọc liền sau đó[36].

Một cử chỉ quen thuộc khác thường bị nhầm lẫn hay thực hiện không chính xác liên quan đến đầu và toàn thân: cúi đầu và cúi mình.

Cúi đầu nói lên sự tôn kính mỗi khi đọc kinh Ba Ngôi Thiên Chúa một trật, khi đọc tên Chúa Giêsu, tên Đức Maria đồng trinh hay tên vị thánh được mừng kính[37]. Cách riêng, tên Chúa Giêsu Kitô không chỉ được nhắc đến hai lần trong kinh Vinh Danh mà còn ở nhiều chỗ khác trong các kinh nguyện của Thánh lễ, ngay cả ở phần đầu của kinh Tin Kính, nhưng các linh mục thường không chú tâm cúi đầu ở những thời điểm này.

Cúi mình hay cúi sâu với cả phần đầu và lưng chỉ sự kính cẩn trước Thiên Chúa hay một mầu nhiệm. Hội đồng Giám mục Việt Nam với sự đồng ý của Tòa Thánh đã cho phép cúi mình vào những lúc mà phụng vụ quy định phải bái gối để tôn kính phép Thánh Thể và Thánh giá[38]. Trong thánh lễ, ngoài những chỗ cúi mình thay cho bái gối hay chào kính bàn thờ, linh mục phải cúi mình khi đọc các kinh: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn...” trước khi công bố Tin mừng; “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con...” sau khi đặt bánh rượu ở phần chuẩn bị lễ vật của Phụng vụ Thánh Thể; trong kinh Tin Kính, khi đọc câu: “Bởi phép Chúa Thánh Thần…”; trong kinh nguyện Thánh Thể I, khi đọc câu: “Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa sai Sứ thần…” Ngoài ra, linh mục cũng hơi cúi mình khi đọc lời truyền phép. Còn phó tế thì phải cúi mình xin chủ tế chúc lành trước khi công bố Tin Mừng[39]. Cần phân biệt tư thế cúi mình chào kính bàn thờ hay cúi mình bái lạy thay cho bái gối với tư thế cúi mình kèm theo kinh nguyện. Tư thế sau thường kéo dài cùng với việc đọc kinh, nếu không sẽ bị hiểu nhầm thành cử chỉ bái lạy hay chào kính. Điều này thường xảy ra khi linh mục đọc lời nguyện dọn mình trước khi công bố Tin mừng và lời nguyện dọn mình trước khi cử hành Kinh nguyện Thánh Thể. Cúi mình lúc này thể hiện sự khiêm tốn chân thành xin cho được chu toàn thừa tác vụ với tâm hồn chăm chú và đạo đức hơn khi cử hành hai phần cao điểm của Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể[40].

Những cử chỉ điệu bộ rất quen thuộc khác như làm dấu thánh giá, đấm ngực, đặt tay, ban phép lanh... cũng cần thực hiện cách tự nhiên, trang nghiêm, không cường điệu và nhịp nhàng theo lời đọc. Khi chú tâm chu toàn phận vụ của mình qua việc thực hiện các cử chỉ điệu bộ cách cẩn trọng, các thừa tác viên góp phần vào ars celebrandi của toàn bộ cử hành, giúp các tín hữu cảm nhận sự trang trọng linh thánh của nghi thức và tham dự tích cực vào mầu nhiệm được cử hành.

2. Thừa tác viên không có chức thánh

Những người giúp lễ, đọc sách, dẫn lễ và một số vai trò khác đều là những người đang thực hiện một thừa tác vụ Phụng vụ đích thực. Họ phải có đời sống gương mẫu và thi hành phận vụ với lòng đạo đức chân thành, nghiêm túc, đây là thái độ xứng hợp đòi hỏi đối với một tác vụ cao trọng và cũng là điều dân Chúa có quyền mong chờ[41]. Vì vậy, mỗi người tùy theo khả năng cần phải thấm nhuần tinh thần phụng vụ, và trau dồi học hỏi để chu toàn các phần việc của mình cho đúng nghi thức và theo đúng quy định.

Theo giáo luật, thừa tác vụ giúp lễ và đọc sách cố định chỉ có thể ủy nhiệm cho người nam[42]. Tuy nhiên, trong những nơi không có các thừa tác viên đặc biệt này, những giáo dân có khả năng và được huấn luyện có thể thay thế để phục vụ bàn thờ, trao Mình Thánh Chúa, hay đọc Sách Thánh[43]. Những thừa tác viên này phải mặc y phục xứng đáng và có tác phong nghiêm trang khi thi hành phận vụ.

Các thừa tác viên giúp lễ nên hạn chế đi lại trên cung thánh khi không thực sự cần thiết, và phải cúi mình mỗi lần đi ngang bàn thờ. Khi cần đi lại phải nghiêm trang với hai tay chắp trước ngực. Phía sau bàn thờ là vị trí của chủ tế khi cử hành Phụng vụ Thánh Thể nên cũng tránh lấn chiếm khu vực này với thời gian kéo dài.

Thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa ngoại lệ chỉ tiến đến gần bàn thờ khi cộng đoàn đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”. Khi chủ tế rước lễ xong, ngài cho các thừa tác viên này rước lễ, rồi cầm bình thánh trao cho họ, để họ cùng ngài cho cộng đoàn rước lễ. Khi cho rước lễ, thừa tác viên nâng Mình Thánh Chúa lên trước mặt và đọc “Mình Thánh Chúa Kitô”. Người rước lễ thưa: “Amen” và đón nhận Mình Thánh Chúa cách kính cẩn.

Thừa tác viên đọc sách cần có khả năng và giọng đọc rõ ràng, cung giọng phù hợp. Họ phải ý thức tác vụ công bố lời Chúa cho cộng đoàn nên cần chuẩn bị kỹ lưỡng, làm quen trước với bản văn sẽ đọc, tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc như đọc sang ngày khác, hay đọc bài Tin mừng, gây chia trí cho mọi người, thậm chí làm hỏng bầu khí phụng vụ. Về vị trí đọc sách thánh, luật hiện nay đòi buộc các bài đọc Thánh Kinh đều phải được công bố từ giảng đài là nơi thích hợp với phẩm giá Lời Chúa[44].

Những người dẫn lễ, người phụ trách phòng thánh, người trang trí cung thánh, người xin tiền thau, người đón tiếp và hướng dẫn... có nhiệm vụ chuẩn bị và sắp đặt những yếu tố cần thiết, cũng như tham gia một số phận vụ cụ thể góp phần cho buổi cử hành diễn tiến trong trang nghiêm sốt sắng[45].

III. THÁNH CA PHỤNG VỤ VÀ TÁC VIÊN THÁNH NHẠC

Thánh ca phụng vụ có một vị trí ưu việt trong ars celebrandi, vì âm nhạc không chỉ là phương tiện để cộng đoàn tham gia tích cực, mà còn phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa có thể nâng đỡ tâm hồn, truyền cảm hứng và làm phong phú cho việc thờ phượng. “Việc cùng nhau diễn tả đức tin bằng lời ca tiếng hát trong các cử hành phụng vụ làm kiên vững đức tin khi đức tin suy yếu, đồng thời đưa chúng ta hòa nhập với tiếng nói được linh hứng của Hội Thánh cầu nguyện”[46].

Kho tàng thánh nhạc Việt Nam được tạo dựng non một thế kỷ qua và vẫn tiếp tục được bổ sung chính là một gia sản đức tin phong phú cần được trân trọng và sử dụng cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc lựa chọn bài hát cho phù hợp và đem lại lợi ích dồi dào cộng đoàn tín hữu là một nghệ thuật đòi hỏi sự hiểu biết cả về âm nhạc lẫn phụng vụ. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã lưu ý: “Nên tránh những kiểu ngẫu hứng hoặc đưa vào những loại nhạc không tôn trọng ý nghĩa của phụng vụ[47].

Hội Thánh luôn khuyến khích việc ca hát cộng đoàn để các tín hữu có thể dâng lời ca tiếng hát hầu tham dự đầy đủ và tích cực trong các việc đạo đức thánh thiện cũng như trong chính hoạt động phụng vụ[48]. Tuy nhiên, có những người với khả năng của mình được mời gọi tham gia cách đặc biệt vào việc ca hát phụng vụ góp phần trực tiếp cho buổi cử hành, đó là các thừa tác viên thánh nhạc[49].

Ca đoàn có phận vụ giúp cộng đoàn tham dự phụng vụ cách tích cực qua việc ca hát. Trong buổi cử hành, ca đoàn có bổn phận phải hát đúng những phần dành riêng cho mình và không được lấn át những phần thuộc về cộng đoàn[50]. Khi chu toàn chức năng phụng vụ của mình, các ca viên cũng góp phần làm gia tăng vẻ đẹp của buổi cử hành, đem lại lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu và cho chính họ[51].

Người xướng thánh vịnh có phận vụ xướng hoặc hát thánh vịnh đáp ca hoặc thánh ca Kinh Thánh theo cung điệu phù hợp. Tác vụ này có thể được thực hiện tại giảng đài hay một nơi thuận tiện khác[52]. Để chu toàn phần việc của mình, người xướng thánh vịnh cần có nghệ thuật đọc thánh vịnh, có khả năng phát âm và đọc cho đúng[53].

Người đệm đàn trong phụng vụ có vai trò dẫn dắt và nâng đỡ tiếng hát của cộng đoàn và ca đoàn. Giáo Hội luôn đề cao việc sử dụng phong cầm. Tuy nhiên, thẩm quyền địa phương cũng có thể phê chuẩn cho phép sử dụng những nhạc cụ khác, đặc biệt là các nhạc cụ truyền thống dân tộc, miễn sao phù hợp với vẻ tôn nghiêm và bầu khí thánh thiện của phụng vụ[54].

Khi tham gia vào việc cử hành phụng vụ, cả người hát lẫn người đệm đàn phải có những kiến thức cần thiết không những về âm nhạc mà còn về phụng vụ và đạo đức nữa. Ca đoàn và các nhạc công phải ý thức phận vụ của mình, không được biến buổi cử hành phụng vụ thành nơi trình diễn[55]. Các tác viên thánh nhạc cần ý thức phục vụ qua việc ca hát với tất cả con người của mình, bao gồm cả kỹ năng âm nhạc lẫn tâm tình yêu mến tôn thờ, như thánh Augustinô nhận định: “con người mới hát bài ca mới. Hát là biểu hiện của niềm vui và, … hát còn là một biểu hiện của tình yêu”[56].

Ca trưởng là người chịu trách nhiệm toàn bộ việc thể hiện âm nhạc trong phụng vụ, từ khâu chọn bài cho phù hợp đến giai đoạn tập luyện cho ca viên và cộng đoàn. Ngoài ra, ca trưởng cũng phải phối hợp chặt chẽ với linh mục chủ tế và những người chịu trách nhiệm các phần việc khác, nhằm “đồng tâm nhất trí với nhau để chuẩn bị cách thiết thực cho cuộc cử hành phụng vụ”[57].

Việc lựa chọn bài hát rất quan trọng, người có trách nhiệm phải biết chọn bài hát đúng với từng cử hành và phải tuân thủ các chỉ dẫn của Hội Thánh trong lãnh vực thánh nhạc. Vì là một thành phần của phụng vụ, bài thánh ca phải hòa nhập vào hình thức của buổi cử hành. Do vậy các yếu tố như lời ca, giai điệu, và cả cách trình bày (bao gồm đệm đàn) đều phải phù hợp với mầu nhiệm được cử hành, với các phần của nghi lễ, và với mùa phụng vụ[58].

Có lẽ nhiều ca trưởng chỉ dừng lại ở lời ca và giai điệu khi chọn bài hát mà chưa lưu ý các yếu tố khác như tính biểu tượng và chức năng diễn giải của âm nhạc liên quan đến thang âm điệu thức hay hòa âm và sử dụng nhạc cụ. Ví dụ: các bộ lễ bình ca dù có bản văn không thay đổi nhưng âm điệu thay đổi theo mùa hay buổi cử hành rất rõ ràng. Khi hát thánh vịnh, người ta thường thay đổi mode (điệu thức) theo mùa hay ngày lễ: Dorian cho mùa Vọng, Ionian cho mùa Giáng Sinh, Lydian cho Lễ Hiển Linh. Trong tiếng Việt, có lẽ chúng ta chưa quan tâm thay đổi các bộ lễ theo hướng sử dụng này. Cũng vậy, cách trình bày cũng có ý nghĩa và hiệu quả khác biệt. Ca hát đồng giọng phù hợp hơn hết để diễn tả sự đồng tâm nhất trí, trong khi đó hình thức ca hát đa âm hòa điệu lại trở thành hình ảnh của nhiều ơn gọi đặc thù nhưng hợp nhất được tìm thấy bởi sự hài hòa các ân huệ khác nhau. Việc đệm đàn trong mùa Chay cần theo nguyên tắc “chỉ được phép dùng phong cầm và các nhạc cụ khác để giữ giọng hát”[59] nhưng cũng nên hạn chế một số nhạc cụ hay âm sắc có thể lấn át đặc tính của mùa đặc biệt này. Thậm chí cùng một bài hát thì cách đệm đàn trong mùa Chay có thể khác với mùa Phục Sinh.

Những gợi ý trên đây có vẻ rườm rà và không thực tế nhưng chính là đòi hỏi của nghệ thuật cử hành để thánh nhạc thực sự là một dấu chỉ biểu tượng, liên kết hợp nhất với toàn bộ cử hành phụng vụ giống như các yếu tố khác. Thánh nhạc trở thành nghi lễ trong chính bản thân nó, một lễ nghi được thực hiện giữa lòng cộng đoàn và cho cộng đoàn.

IV. CỘNG ĐOÀN THAM DỰ VÀ CÁC YẾU TỐ KHÁC

Ngoài các thừa tác viên là những người có phận vụ riêng trong buổi cử hành, phần lớn còn lại của cộng đoàn phụng vụ cũng được mời gọi góp phần mình vào nghệ thuật cử hành qua việc tham dự một cách tích cực. Sự tham dự này không dừng lại ở lòng sốt sắng hay tâm tình, nhưng phải biểu lộ ra bên ngoài, nghĩa là người tham dự phải cộng tác vào việc cử hành bằng những lời tung hô, những câu đối đáp, những lời ca vịnh, những bài hát, hoặc làm những cử chỉ điệu bộ xứng hợp, hay là thinh lặng trong lúc cần thiết. Việc mọi người cùng đọc, cùng hát và thực hiện cùng nhau các cử chỉ điệu bộ phải giữ là dấu chỉ của sự hợp nhất giữa các thành phần của cộng đoàn Kitô hữu đang quy tụ để cử hành phụng vụ thánh: nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự[60].

Tham dự tích cực vào phụng vụ một cách ý thức còn đòi hỏi người tín hữu phải hiểu những nghi lễ đang cử hành. Chỉ khi người ta hiểu diễn tiến các lễ nghi, ý nghĩa các nghi thức, các dấu phụng vụ, những từ ngữ, kiểu nói của Thánh Kinh, của lời nguyện, người ta mới có thể tham dự cách đầy đủ, và khi ấy người ta mới có thể đi sâu vào các mầu nhiệm đang cử hành. Vì thế, các mục tử, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, cần có chương trình đào tạo phụng vụ phù hợp cho đàn chiên của mình.

Cuối cùng, nghệ thuật cử hành còn phụ thuộc vào các yếu tố vật chất cần thiết cho nghi thức cũng như không gian phụng vụ. Khung cảnh cử hành Phụng vụ phải đẹp hài hòa xứng hợp với thực tại thiêng thánh. Tuy quan niệm về “cái đẹp” có thể mang tính chủ quan và bắt nguồn từ văn hóa, nhưng phẩm chất khách quan của cái đẹp chính là sự phản ánh Thiên Chúa là Đấng Chân-Thiện-Mỹ. Sự hài hòa trong việc cử hành Phụng vụ thánh được nuôi dưỡng và bảo vệ bởi các quy tắc phụng vụ mà mọi người buộc phải tuân giữ. Những quy tắc này liên quan đến chính nghi thức, lễ phục phụng vụ, các vật dụng thánh như chén, bình và các loại khăn; không gian thánh hay nhà thờ cùng các đồ vật, tượng ảnh trong đó, tất cả đều phục vụ vẻ đẹp của nghi thức hướng đến Chúa Kitô là Đấng toàn mỹ đang hành động trong nghi lễ cử hành. Việc giữ gìn sạch sẽ cũng như sắp đặt hài hòa và trật tự các yếu tố vật chất liên quan đến cử hành góp phần củng cố lòng kính trọng đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa, biểu lộ sự duy nhất của đức tin và củng cố lòng đạo đức[61].

Qua Tông thư Desiderio Desideravi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn “khơi dậy sự ngỡ ngàng thán phục trước vẻ đẹp của chân lý trong cử hành phụng vụ Kitô giáo”[62]. Trong phụng vụ, cái đẹp không phải là một thứ tùy tiện thêm vào; nét đẹp phụng vụ là con đường dẫn ta đến với Chúa, đồng thời là biểu hiện vẻ đẹp toàn mỹ của Chúa. Chính vẻ đẹp của Thiên Chúa mới là điều lôi kéo chúng ta đến với sự thánh thiêng, đi sâu vào mầu nhiệm và vinh quang của Chúa Kitô trên thập giá, được biến đổi hoàn toàn nhờ vẻ đẹp thần linh và tham dự vào sự viên mãn trọn vẹn của mầu nhiệm. Nghệ thuật cử hành, ars celebrandi, giúp người tín hữu nuôi dưỡng ý thức về sự thánh thiêng, cảm nhận nét đẹp của phụng vụ, thúc đẩy sự sùng kính và khao khát tham dự vào vinh quang Thiên Chúa.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023)





[1] x. Bênêđictô XVI, Tông huấn Bí tích Tình yêu - Sacramentum Caritatis (22.02.2007), số 38.

[2] Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi (29.06.2022), số 62

[3] CĐ Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium, số 26.

[4] CĐ Vaticanô II, Presbyterorum ordinis, số 2.

[5] x. Sacrosanctum Concilium, số 122.

[6] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLCG), số 1104.

[7] Tông thư Desiderio Desideravi, số 50.

[8] x. Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 39.

[9] Tông thư Desiderio Desideravi, số 57.

[10] x. Sđd.

[11] GLCG, số 1092.

[12] x. Tông thư Desiderio Desideravi, số 54.

[13] Sđd, số 52.

[14] Sđd.

[15] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (QCSL), số 45.

[16] GLCG, 1108.

[17] x. Desiderio Desideravi, số 59.

[18] GLCG, số 1148.

[19] x. Sđd, số 1145.

[20] x. Sđd, số 1153.

[21] Tông thư Desiderio Desideravi, số 53.

[22] Sđd.

[23] Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 40.

[24] Tông thư Desiderio Desideravi, số 60.

[25] x. Lễ Nghi Giám Mục - Nghi Thức Truyền Chức

[26] x. GLCG, số 1552.

[27] QCSL, số 93.

[28] x. Sđd, số 1570.

[29] x. Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 38.

[30] Tông thư Desiderio Desideravi, số 48.

[31] Sách Lễ Nghi Giám Mục, Lời nguyện cung hiến bàn thờ.

[32] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể - Ecclesia de Eucharistia (17.4.2003), số 52.

[33] x. Tông thư Desiderio Desideravi, số 22.

[34] QCSL, số 42.

[35] x. QCSL, số 134 và 175.

[36] x. Nghi thức Thánh lễ, số 31.

[37] x. QCSL, số 275.

[38] Ủy Ban Phụng Tự - HĐGMVN, Thông cáo ngày 1-1-1992.

[39] x. QCSL, số 275.

[40] x. Sđd, số 33.

[41] x. Sacrosanctum Concilium, số 29.

[42] x. GL 230, 1035.

[43] x. QCSL, số 100, 101.

[44] x. Sđd, 128, 130, 134, 309.

[45] x. Sđd, 105.

[46] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (4/2017), số 5.

[47] Sacramentum Caritatis, số 42.

[48] x. Sacrosanctum Concilium, số 118.

[49] x. Sđd, số 29.

[50] Thánh Bộ Nghi Lễ, Musicam Sacram (1967), số 19.

[51] x. Sđd, số 24.

[52] x. QCSL, số 61.

[53] x. Sđd, số 102.

[54] x. Sacrosanctum Concilium, số 120.

[55] x. QCSL, số 103, 104.

[56] Augustino, Sermo 34,1: PL 38, 210.

[57] QCSL, số 111.

[58] x. Sacramentum Caritatis, số 42.

[59] x. QCSL, số 313.

[60] x. QCSL, số 42.

[61] x. Sacramentum Caritatis, số 41.

[62] Tông thư Desiderio Desideravi, số 62.