Tình huynh đệ Kitô giáo trong Fratelli Tutti và đức “kiêm ái” của Mặc Tử

28/09/2022


TÌNH HUYNH ĐỆ KITÔ GIÁO TRONG FRATELLI TUTTI
VÀ ĐỨC “KIÊM ÁI” CỦA MẶC TỬ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

DẪN NHẬP

Mối dây huynh đệ chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân Chúa. Thánh vịnh gia đã từng ca ngợi sự thiện hảo của mối dây huynh đệ: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau!” (Tv 133, 1). Và chính Đức Giêsu đã hoàn thiện kinh nghiệm nhân loại này, bao bọc nó trong tình yêu Ba Ngôi, đưa nó ra khỏi mọi ràng buộc của quan hệ họ hàng và nâng nó lên trên mọi hàng rào cách ngăn của sự xa lạ.

Tuy nhiên, theo nhận định của Đức Phanxicô, thế giới đang nhanh chóng mất đi ý nghĩa của một gia đình nhân loại với sự biến mất của công ích, đối thoại, tính liên đới, nhân loại nhanh chóng trượt vào ngỏ tối của xung đột dân sự, chủ nghĩa bộ lạc (tribalism) và chủ nghĩa dân tộc. Và Thông điệp Fratelli Tutti ra đời như tiếng kêu của một nhà hiền triết đánh thức cả vũ trụ những người còn trong giấc nồng say,[1] báo hiệu một ngày mới sẽ xuất hiện nhưng có tươi sáng hơn không thì cũng còn tùy![2] Thông điệp là tài liệu cuối cùng trong bộ ba huấn giáo nhằm phục hồi ba mối tương quan sống động của hiện hữu nhân sinh: với Đấng Tạo Hóa của chúng ta (Evangelii Gaudium, 2013), với môi trường thụ tạo (Laudato Si’, 2015), và giờ là với bạn hữu thụ tạo của chúng ta (Fratelli Tutti, 2020). Ba tài liệu này – mà tài liệu thứ nhất là một Tông huấn có độ dài, độ sâu và sức nặng huấn quyền tương đương với một Thông điệp – sẽ được xem như cột sống giáo huấn của kỷ nguyên Đức giáo hoàng Phanxicô. Fratelli Tutti có 43.000 từ (gồm 287 đoạn số và 288 chú thích), ngắn hơn Evangelii Gaudium (47.000 từ) và Laudato Si’ (45.000 từ), nhưng sẽ có sức đánh động lâu dài. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về chủ đề chính của Thông điệp là “tình huynh đệ Kitô giáo” và đức “Kiêm ái” của Mặc Tử, nhà hiền triết Trung Hoa sống vào thế kỷ V-IV trước Công nguyên, để hiểu biết thêm về “tình huynh đệ phổ quát” qua một khoảng cách dài của không gian và thời gian. 

I. KINH THÁNH

1. Cựu Ước

Anh, em trai” (brother) hay “chị, em gái” (sister) nguyên ngữ trong tiếng Hy Lạp là αδελφός / αδελφή, có nghĩa là “từ cùng một bụng dạ”. Như thế, “anh chị em” có nghĩa là xuất phát từ một cung lòng, kết hợp với nhau trong phẩm giá, vinh dự và quyền lợi trong khi vẫn khác biệt trong thái độ và cách hành xử. Nhân loại cũng được cấu tạo như thế: Từ cùng một bụng dạ! Và đây là sứ điệp của những chương đầu của Kinh Thánh (Stk 1-4).

Cũng theo những chương đầu Kinh Thánh này, sự hiệp thông giữa các anh chị em này với được diễn dịch bằng hành vi chăm sóc hay quan tâm đến sự an toàn và cuộc sống lành mạnh của anh chị em mình. Đây là điều mà Thiên Chúa trông đợi nơi Cain với câu hỏi: “Aben em ngươi đâu?”. Nhưng đây cũng là cách cư xử huynh đệ và vai trò mà Cain từ chối khi trả lời: “Tôi không biết. Tôi không phải là người gìn giữ em tôi” (shȏmer = שׁוֹמר trong Stk 4,9). Tuy nhiên, Thiên Chúa còn mở rộng cách cư xử huynh đệ và trách nhiệm của con người lên trên cả tạo dựng. Ađam được Chúa dẫn vào vườn địa đàng không phải chỉ để canh tác nó mà còn giữ gìn (שׁמר) nó (Stk 2,15). Kinh Thánh sử dụng cùng một từ vựng để nói về trách nhiệm giữa con người là anh chị em với nhau cũng như giữa con người và thụ tạo khác: ông Ađam phải cư xử với khu vườn như một anh chị em đối xử với một anh chị em khác.

Tình huynh đệ phổ quát của gia đình nhân loại không tính đến những khác biệt về màu da, hình thể. Dù thể lý khác nhau nhưng nguồn gốc xuất phát từ một “bụng dạ”. Bụng dạ này có thể là mẹ trái đất nuôi dưỡng chúng ta (Stk 2-3), hay nền văn hóa chung mà chúng ta chia sẻ, lịch sử chung của nhân loại. Và hiện nay chúng ta cũng nhận ra rằng mình cùng nhau chia sẻ một bụng dạ chung của khủng hoảng khí hậu và đại dịch Covid-19.

2. Tân Ước

Thực tế, trong số các môn đệ của Đức Giêsu có những anh em ruột như Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan, hay các chị em như Mátta, Maria và Ladarô. Trong các bài giảng, ta cũng thấy Đức Giêsu nói về những chuyện xảy ra giữa các anh em ruột với nhau như trong dụ ngôn Người con hoang đàng (Lc 15, 11-32), hay hai anh em được cha kêu gọi đi làm vườn nho (Mt 21,28-31), anh em trong nhà gây khó cho nhau khi tin vào Đức Kitô (Mt 10,21; Mc 1,12). Tuy nhiên, tình huynh đệ theo nghĩa bóng mới thật phong phú trong Tân Ước. Anh em là các môn đệ Đức Giêsu (Mt 23,8; Cv 1,15; 1 Cr 15,6; Pl 4,1) hay người lắng nghe lời Chúa (Mt 12,46-50; Lc 8,19-21). Anh em là tha nhân (Mt 5,22-24; 1 Ga 2,9-10; 3,10-17; 4,20), người mà ta tha thứ khi bị xúc phạm (Mt 18,15-22), người ta nên giúp đỡ chứ không xét đoán (Mt 7,1-5; Rm 14,10-13).

Thần học gia Ratzinger còn lưu ý đến 3 ý nghĩa trong giáo huấn của Đức Giêsu về “tình huynh đệ”. Trước hết, nó nói đến một người tuyên xưng cùng một tôn giáo, thuộc về cùng một quốc gia, đây là trường hợp với người Do Thái (cf. Mt 5,22; 7,3–5; Lc 17,3). Ý nghĩa thứ hai liên quan đến những đoạn mà Đức Giêsu gọi các môn đệ là anh em hay nói với họ như anh em (cf. Mt 28,10; Ga 20,17). Ý nghĩa mới mà cộng đoàn môn đệ của Đức Kitô thêm vào “tình huynh đệ” này có liên quan đến bản văn Mt 23,8: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rabbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau”. Câu này loại bỏ truyền thống Rabbi tạo nên cuộc cách mạng Kitô giáo. Sự kiện Đức Giêsu dùng từ “các anh em” để nói với Nhóm mười hai là một cắt đứt với truyền thống rabbi và xây dựng một Dân Chúa mới mà trong đó tình huynh đệ đại đồng được nhìn nhận. Thứ ba, một cách đặc trưng Kitô giáo, ý nghĩa của tình huynh đệ được tìm thấy trong Mc 3,31–35, khi nghe tin mẹ và các anh em đến tìm gặp, Đức Giêsu đã hỏi: “Ai là mẹ và là anh em ta?” và chỉ ra rằng mối liên hệ thiêng liêng quan trọng hơn mối liên hệ máu mủ, được diễn tả qua việc thực thi ý Chúa.[3]

3. Anh em trong Đức Kitô

Sự bành trướng của Đế quốc Rôma kéo theo hiện tượng di dân của các nhóm người có những nền phụng tự khác nhau. Những điều kiện giao thương mới đã tạo ra sự di dân của các dân tộc phương Đông đến những phần đất phương Tây của Đế quốc, mang theo tôn giáo của họ. Cùng với sự di dân của người Ai Cập là việc thờ cúng các thần Serapis, Isis và Orisis; với người Phrygie là thần Sabizius (Bacchus) và Cybele; với người Ba Tư là thần Mithras. Thành công của họ không phải chỉ là sự mới mẻ mà còn là tính luân lý gắn liền với tôn giáo của họ. Tội lỗi và sám hối, hình phạt và tha thứ là những phần không thể thiếu trong những phụng tự phương Đông này. Thêm vào trong những nền phụng tự này mới này là nhãn quan về cá nhân như là một cái gì đó hơn là một thành viên trong một quốc gia, và sự bất tử với sự thưởng phạt của nó là trọng tâm trong các giáo huấn của chúng, sự thành công của các tôn giáo ấy dễ dàng có thể hiểu được. Tính đặc biệt của các tôn giáo này là các thành viên lập thành những cộng đoàn. Có nhiều từ vựng liên quan đến những nhóm người đồng đạo này. Thành viên của họ là “anh em” (ἀδελφοί); mỗi nhóm là một “cộng đoàn” (κοινόν) hay một “huynh đoàn” (ἀδελφία). Giữa những huynh đoàn có sự liên lạc mật thiết với nhau. Các thành viên của họ luôn có một nơi tiếp nhận hiếu khách từ những người anh em của mình ở bất kỳ thành phố nào mà họ có cơ may đến như là những người du hành hay khách hành hương.

Trong bối cảnh này thì cuộc phân tán những người Do Thái không phải là hiện tượng duy nhất. Có thể đây là nhóm người trải rộng nhất,[4] nhưng dường như cũng không phải là nhóm giàu có hay có ảnh hưởng nhất đương thời. Trong xã hội Hy La, người Do Thái di dân cũng là đối tượng không ít cho sự thù ghét cũng như chế giễu.[5] Họ không sẵn lòng ăn những lương thực được đánh giá cao, từ chối làm việc ngày Sabát, sẵn sàng buôn bán bất hợp pháp, kiêu hãnh về tôn giáo, tất cả đều khiến họ mất đi sự bao dung của chủ nghĩa chiết trung tôn giáo đương thời. Song Do Thái giáo không phải là không có ảnh hưởng trên xã hội mà nó thâm nhập. Sự sẵn sàng chấp nhận một tôn giáo độc thần hứa hẹn sự tha thứ tội lỗi và sự bất tử đã đưa dẫn nhiều người trở thành những người theo ông Môsê. Thêm vào số người tân tòng này, có nhiều dân ngoại ít nhiều chịu ảnh hưởng của Do Thái giáo. Do Thái giáo kiều cư (diaspora) ít nghiêm khắc hơn Do Thái giáo ở Palestine, và sẵn sàng chấp nhận, nếu không muốn nói là khuyến khích, những ai chấp nhận giáo huấn của nó như là cách diễn tả của một triết lý tôn giáo mới, trong khi từ chối hoàn toàn đồng hóa với nó như là một phụng tự. Như vậy, chung quanh “cộng đoàn” hay “Hội đường” Do Thái giáo trong các thành phố có hai nhóm người cải đạo không phải là người Do Thái: các tân tòng và “những người kính sợ Chúa”. Đây chính là bối cảnh cho sự phát triển nhanh chóng của Kitô giáo và ý niệm tình huynh đệ Kitô giáo thời các tông đồ.[6]

Anh em trong Đức Kitô là một cách nói về sự hợp nhất Kitô hữu mà chính Đức Kitô là trung tâm và là tiêu chuẩn (Mc 3,31–35; 10,29–30). Chính vì đức tin và làm theo ý Chúa Cha mà một người trở thành anh em của Đức Kitô (Mt 12,46–50; 21,28–32). Bằng cái chết và sự phục sinh mà Đức Giêsu đã trở nên “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), hòa giải nhân loại bị phân chia trong Thân xác của Ngài trên thập giá (Ep 2,11–18). Chính Chúa Phục Sinh đã gọi các tông đồ là “anh em” của mình (Mt 28,10; Ga 20,17), cũng như trong họ là tất cả mọi người không trừ ai. Quan niệm huynh đệ Kitô giáo này được tìm thấy trong bối cảnh giáo hội ở Tin Mừng Matthêô chương 18 (đặc biệt là các câu15, 21, 35). Sống trong tình huynh đệ là lối sống Kitô giáo như là một phần của cộng đoàn, chia sẻ đời sống chung của nó. Anh chị em trong Đức Kitô là phải bày tỏ cho tha nhân một tình yêu hết lòng, dịu dàng theo khuôn mẫu tình yêu hiến tế mà Đức Kitô bày tỏ (Ga 13,1.15.34–35; 15,12–13; 1 Ga 2,10–11; 3,10.16.17; 5,16; Rm 14,10.13.15; 1 Cr 6,6.8; 8,11–13). Mặc dù tình yêu huynh đệ Kitô giáo phải ôm trọn lấy mọi người không trừ ai (1 Tx 3,12; 2 Pr 1,7), cộng đoàn hữu hình của tình huynh đệ Kitô hữu là một lãnh vực đặc biệt cho một hình thức tình yêu gọi là philadelphia (φιλαδελφία: Rm 12,10; 1 Tx 4,9; Dt 13,1; 1 Pr 1,22–23; 2 Pr 1,7). Các Kitô hữu sơ thời đã chấp nhận từ “anh em” như một cách thưa gởi thông dụng với người khác (30 lần trong Công vụ và 130 lần trong các thư Thánh Phaolô), và cách gọi này được sử dụng thường xuyên mãi cho đến thế kỷ thứ III, khi cách dùng dần được hạn chế trong vòng tu viện và các giáo sĩ.[7]

II. TÌNH HUYNH ĐỆ KITÔ GIÁO

1. Trong huấn quyền[8]

Trong các tài liệu của Công đồng vatican II đã đề cập đến những khía cạnh quan trọng của tình huynh đệ. Từ fraternitas xuất hiện 26 lần trong các bản văn công đồng, chủ yếu nói về cảm giác huynh đệ hay mối liên hệ huynh đệ. Chỉ có 3 lần nói về cộng đồng giáo hội, mà luôn là những trích dẫn từ các giáo phụ. Giáo hội học của Công đồng Vatican II đem lại nhiều hình ảnh về Giáo hội như là Dân Thiên Chúa, Thân thể của Đức Kitô và Đền thờ Chúa Thánh Thần. Sau Thượng hội đồng Giám mục năm 1985, nhãn quan của Giáo hội như là hiệp thông đã được mở rộng, gồm cả từ fraternitas, dù lúc ấy người ta ít chú tâm nhiều đến nó.[9]

Từ fraternitas trong tiếng Latinh có nghĩa 2 nghĩa: một là chỉ tâm tình (tình huynh đệ) và một chỉ chế xã hội (huynh đoàn), nhưng nguyên bản Hy Lạp của Tân Ước sử dụng hai từ khác nhau là philadelphia (φιλαδελφία) và adelphotes ( ἀδελφότης). Philadelphia dùng để ám chỉ tình huynh đệ (1Tx 4,9; Rm 12,10; Dt 13,1; 1 Pr 1,22; 2 Pr 1,7), còn adelphotes dùng để gọi cộng đoàn Kitô hữu. Từ này xuất hiện 2 lần ở thư 1 Pr 2,17 và 5,9 và kéo dài sang thời các giáo phụ. Trong hai đoạn văn nói trên, từ adelphotes chỉ cộng đoàn Giáo hội chứ không dùng từ ekklesia (ἐκκλησία) đã được sử dụng phổ biến vào thời này.[10]

1.1. Đức Phaolô VI. Trong các phiên họp Công đồng, Đức Phaolô VI cũng nhiều lần nêu vấn đề tình huynh đệ. Ngài lưu ý rằng cộng đoàn Giáo hội bắt nguồn từ nhận thức rằng các thành viên là anh chị em với nhau và là con cùng một Cha. Trong Thông điệp Populorum Progressio (1967), Đức Phaolô VI nhấn mạnh rằng sự liên đới là một trong những bổn phận của người giàu và nó bắt nguồn từ tình huynh đệ nhân loại và siêu nhiên, vì thế phải có bổn phận liên đới, công bình xã hội và tình yêu phổ quát.[11] Nhân dịp Ngày Hòa bình Thế giới ngày 1 tháng 1 năm 1971, Thánh giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành sứ điệp “Mọi người là anh em tôi” (Ogni uomo è mio fratello). Ngài nói rằng xây dựng một tình huynh đệ phổ quát bằng cách giáo dục các thế hệ trẻ biết rằng mọi người đều là anh em mình. Trưng dẫn “quy luật vàng” trong Bài giảng trên núi “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12), ngài nói rằng điều này đã được biết từ thời Thượng cổ nhưng dưới phiên bản tiêu cực: đừng làm cho người khác điều anh không muốn cho anh, còn Đức Giêsu đã quy chuẩn lại dưới hình thức tích cực và đòi hỏi hơn (số 3-5).

1.2. Đức Gioan Phaolô II. Yếu tính của tình huynh đệ nhân loại được Đức Gioan Phaolô đưa đi xa hơn. Trong Thư gởi Đức Hồng y Agosto Casaroli về công việc được ủy nhiệm cho Tòa Thánh năm 1982, ngài nói rằng một trong những bổn phận của Tòa Thánh là tạo nên bầu khí tôn trọng lẫn nhau, dựa trên tình huynh đệ Kitô giáo và nhân loại. Công bình phải được kết hợp với tình huynh đệ, là tình yêu của con người trong chân lý.[12] Giáo triều Rôma phải có bổn phận thăng tiến tình huynh đệ như thế là trọng tâm của mọi hoạt động và thể chế của Giáo Hội.[13]

1.3. Đức Bênêđictô XVI. Thông điệp Caritas in Veritate của Đức Bênêđictô đôi khi được gọi là “Thông điệp của tình huynh đệ phổ quát”. Ngài dành trọn chương 3 của thông điệp để nói về tình huynh đệ và xã hội dân sự. Sự thoái lui của tình trạng phát triển hiện nay là thiếu tình huynh đệ giữa các dân tộc và các quốc gia nên cần phải xây dựng một hệ thống gồm 3 yếu tố: thị trường, nhà nước và xã hội dân sự. Xã hội dân sự phải là môi trường đặc biệt cho “nền kinh tế nhưng không và tình huynh đệ” (CV, số 38). “Lý trí ở tự nó có thể hiểu sự bình đẳng giữa con người và thiết lập một đời sống dân sự ổn định, nhưng không thể tạo được tình huynh đệ. Tình huynh đệ này bắt nguồn từ ơn gọi siêu việt của Thiên Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta trước và dạy dỗ chúng ta qua Người Con để biết bác ái huynh đệ là gì” (CV, số 19).

1.4. Đức Phanxicô. “Tình huynh đệ là một tính chất chủ yếu của con người, vì chúng ta là những hữu thể có tương quan. Một nhận thức sâu sắc về sự liên hệ của chúng ta giúp chúng ta xem và đối xử với mỗi người như là anh chị em thật sự”,[14] bao gồm cả người nghèo và di dân. Nhà thần học Christoph Theobald lưu ý rằng trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô đã sử dụng từ “tình huynh đệ huyền bí” (mystical fraternity) để nói về lối sống làm nên đặc tính của những người theo Chúa.[15] Chiều kích chính của bí nhiệm này liên quan đến các tiếp xúc liên vị (interpersonal contacts) của mỗi ngày: “Ngày nay, khi mạng lưới và các công cụ truyền thông của con người đạt đến một cấp độ phát triển vô tiền khoáng hậu, chúng ta cảm thấy bị thách đố để khám phá và thông truyền một “sự huyền bí” của việc sống chung và hòa đồng với nhau, để gặp gỡ, ôm trong vòng tay, nâng đỡ, tham gia vào làn sóng hơi hỗn loạn này, là điều có thể trở thành một kinh nghiệm thực sự của tình huynh đệ giữa một đoàn người đoàn kết trong một cuộc hành hương thánh. Bằng cách này, sẽ đưa đến nhiều cơ hội lớn hơn cho việc truyền thông và thêm nhiều dịp để gặp gỡ và đoàn kết giữa tất cả mọi người”.[16] Cũng theo Theobald, nền tảng của huyền bí huynh đệ này là đức tin vào sự nhập thể của Đức Kitô, là điều tỏ bày một sự nối kết cố hữu với những thực tại như sự từ bỏ mình, cộng đoàn, phục vụ và hòa giải.[17]

Trong ngôn ngữ của Đức Phanxicô, những thực tại ấy đưa đến việc nhìn nhận một “cuộc cách mạng của sự dịu dàng” (revolution of tenderness), để khám phá ra khuôn mặt Đức Kitô trong tha nhân và cũng để học biết “chịu đau khổ bằng cách ôm chặt lấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh khi chúng ta bị đả kích một cách bất công hay vô ơn, mà không bao giờ mệt mỏi chọn tình huynh đệ”.[18] Điều này quy chiếu đến các tác phẩm thần bí Kitô giáo của Thomas à Kempis hay Thánh nữ Têrêsa Lisieux, bởi vì tình huynh đệ thật sự chính là một kinh nghiệm về Thiên Chúa, theo khẳng định của Thánh Bônaventura, được Đức Phanxicô trích dẫn trong Laudato Si’, khi ta nhìn nhận Đấng Tạo Hóa trong những tạo vật khác.[19] Tuy nhiên, “Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô đã sử dụng thuật ngữ “huyền bí tình huynh đệ” (mistica della fraternità) hoặc “tình huynh đệ huyền bí” (fratellanza mistica) ở các số 87, 92, 272. Tiếc rằng các bản dịch tiếng Việt không nắm bắt được sự thâm thúy của cụm từ này. Đây là một ngôn ngữ thuộc linh đạo dòng Tên. Nên biết là trường phái tâm linh dòng Tên rất dị ứng với khuynh hướng huyền bí (hay thần bí: mystique), nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô lại thuộc về nhóm thiểu số bị nghi ngờ ấy[20] (tiêu biểu nơi các cha Pierre Favre, Louis Lallemant, Jean-Joseph Surin)”.[21]

2. Trong Fratelli Tutti

2.1. “Fratelli” đâu chỉ có anh em

““Fratelli Tutti” (Hỡi tất cả anh em): Thánh Phanxicô Assisi đã viết như thế khi ngỏ lời với các anh chị em của mình nhằm đề nghị một lối sống mang hương vị Tin Mừng”. Ngay từ đầu,[22] Đức Phanxicô đã giới thiệu nguồn gốc của tiêu đề Thông điệp: những lời của Thánh Phanxicô trong bản văn gốc Admonitiones (Huấn ngôn) bằng tiếng Latinh là fratres omnes, có thể được dịch sang tiếng Ý là frati hay fratelli. Admonitiones gồm 28 giáo huấn thiêng liêng về nhiều mối phúc, một tiểu luận và một bài thánh ca về sức mạnh của Thánh Thần.[23] Bản văn tiếng Hòa Lan dịch ra là “Wijsheidsspreuken” (Châm ngôn khôn ngoan). Thật ra, từ “fratres” trong tập Admonitiones nói đến “các anh em”, giống đực, chỉ có trong một vài châm ngôn trong tập sách này chứ không phải trong toàn bộ tập sách.

Lời khuyên thứ 6 của tập Admonitiones bắt đầu bằng: “Hỡi các anh em, chúng ta hãy xem Người chủ chăn Nhân lành đã mang lấy những đau khổ của thập giá để cứu lấy đoàn chiên mình”. Chúng ta có thể ghi nhận ở đây rằng hình ảnh người chủ chăn và đoàn chiên được sử dụng trong bản văn đã bao gồm cả Giáo Hội chứ không phải chỉ có các tu sĩ của dòng. Khi trích dẫn bản văn trong tập sách này, Đức Phanxicô cũng muốn nhắn nhủ đến mọi người, vượt qua ranh giới các tu sĩ của dòng. Bản văn tiếng Latinh không cần phải thêm thắt gì vào: “fratres” được sử dụng cho anh chị em, nam nữ, như “fratelli”, “hermanos” và “frères” trong các ngôn ngữ gốc Latinh. Ngày nay, tiếng Đức phân biệt giữa “Brüder” (brothers) hay “Gebrüder” và “Geschwister” (Siblings) cũng như giữa “Brüderlichkeit” (brotherhood – không có chị em gái) và “Geschwisterlichkeit” (có chị em gái). Tương tự, tiếng Anh phân biệt giữa “brothers” (hoàn toàn giống đực) và “siblings” (anh chị em), cũng như giữa “brotherhood” (thường không có chị em gái) và “fraternity” hay “siblinghood” (tất cả mọi người).

Khi sử dụng từ fratelli, thông điệp muốn phổ quát hóa thính giả của thánh nhân: không phải chỉ nói với các anh em tu sĩ của mình mà còn với toàn thể nhân loại. Giống như từ hermanos trong tiếng Tây Ban Nha, fratelli trong tiếng Ý là một danh từ số nhiều giống đực nhưng gồm cả giống cái. Khi người Ý muốn biết bạn có bao nhiêu anh chị em trong nhà, họ hỏi: “Quanti fratelli hai?” Vì thế, Fratelli Tutti chỉ có thể được dịch là “Tất cả anh chị em”. Nếu có ai vẫn còn nghi ngờ thì Thông điệp cũng đã giải quyết vấn đề về giống, về số này ngay trong những hàng chữ đầu tiên: “”Fratelli Tutti”: Thánh Phanxicô Assisi đã viết như thế khi ngỏ lời với các anh chị em của mình nhằm đề nghị một lối sống mang hương vị Tin Mừng…” và trong suốt 228 số, Thông điệp luôn nói về “những người nam và nữ” (men and women).

2.2. Tình huynh đệ qua sự gặp gỡ

Tình huynh đệ không phải là tính liên đới (solidarité) bởi vì liên đới là một lựa chọn. Tôi chọn liên đới với người này hay người kia. Tình huynh đệ là một điều được trao ban: ta là anh em bởi vì ta là anh em. Caïn và Abel khác nhau: Abel bị Caïn giết nhưng huynh đệ tính không bị hủy bỏ đi vì cuộc sát nhân. Mọi nhân sinh đều bình đẳng vì chúng ta là anh em với nhau. Đây không phải là sự chọn lựa mà là một thực tại.

Xã hội ngày nay có khuynh hướng né tránh, quay lưng lại với sự đau khổ, như ông tư tế và thầy Lêvi trước người Samari gặp nạn, bởi vì “khi gặp ai đó đang đau khổ thì chúng ta cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị quấy rầy, bởi lẽ chúng ta không muốn tốn thời giờ để dàn xếp những vấn đề của người khác” (FT, số 65). Trong nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân hiện nay, cách cư xử của “Người Samari nhân hậu” mời gọi ta nhìn người khác với những đôi mắt khác. Người Samari không sợ dâng tặng cho nạn nhân ba thực tại rất gắn bó với tính vị kỷ của con người: sự quan tâm, thời giờ và tiền bạc. Tên của ông, một danh từ giới hạn chỉ nói lên gốc gác của mình (Samari), đã được nâng cao lên với từ “nhân hậu”. Nó không chỉ triệt để tán dương bản tính của ông nhưng còn mang lại lợi ích cho những ai bắt chước ông làm điều đó. Người Samari nhân hậu không bị ràng buộc bởi những quy luật của thị trường mà luật lệ áp đặt, “thời giờ là tiền bạc”. Như thế, ông có tự do để hiến dâng thời gian của mình cho người không quen biết, người bị làm tổn thương và đối xử tệ bởi chính những người đồng hương của mình, chứng minh rằng có thể vượt qua những thông số thực tiễn mà con người áp đặt. Chỉ có điều này mới có thể khiến cho trái tim được tự do hành động![24]

Cần phải biết rằng “sự hiện hữu của mỗi người chúng ta có mối liên kết sâu xa với sự hiện hữu của những người khác: cuộc đời không phải là thời gian trôi qua, nhưng là thời gian gặp gỡ” (số 66). Đây không thuộc lãnh vực luân lý mà là nhân học: “chúng ta được dựng nên để sống sung mãn, là điều chỉ đạt được trong tình yêu. Dửng dưng trước đau khổ của người khác không thể là một chọn lựa; không thể để ai đó cứ ở mãi “bên lề cuộc đời”” (số 68). Rốt cuộc, xã hội “đơn giản chỉ còn hai hạng người: người gánh lấy nỗi đau và người bỏ đi qua; người cúi xuống giúp đỡ và người quay mặt vội vã bỏ đi” (số 70).

Đây là hiện trạng mà Đức Phanxicô gọi là văn hóa xây tường. Đối với Đức Phanxicô, sự tái xuất của nền văn hóa những bức tường đã hình thành nên một thế giới khép kín: “Chúng ta lần nữa lại đương đầu với “cơn cám dỗ tạo ra nền văn hóa xây tường, dựng lên những bức tường, những bức tường trong tim, những bức tường trên thực địa, để ngăn ngừa cho khỏi giáp mặt với các nền văn hóa khác, với các dân tộc khác. Và rốt cuộc những người xây tường sẽ thành nô lệ bên trong chính những bức tường họ đã dựng xây. Họ không có chân trời để hướng tới, bởi thiếu vắng sự đổi trao với các nền văn hóa khác, với những người khác” (số 27). Dù rằng có những cuộc gặp gỡ xấu như trong sách Sáng Thế Ký chương 37 khi ông Giuse đi tìm gặp gỡ các anh em để rồi bị bán sang Ai Cập. Đó là một cuộc gặp gỡ không vui, rất tệ. Tuy nhiên, nếu gặp gỡ với một trái tim nhân hậu, Thiên Chúa sẽ sử dụng những cuộc gặp gỡ xấu để dẫn đưa chúng ta đến tâm điểm của ý Ngài trong những cuộc gặp gỡ tốt. Câu chuyện ông Giuse đưa đến một kết thúc có hậu.

Để vượt qua những bức tường ngăn, Đức Phanxicô mời gọi một “nền văn hóa gặp gỡ” vượt lên những biện chứng đối kháng nhau: sự khác biệt không phải là cái thắng nhưng “một xã hội có nhiều khác biệt, bổ sung, làm phong phú và soi sáng lẫn nhau cho dù vẫn có những bất đồng và ngờ vực. Thật vậy, người ta có thể học hỏi lẫn nhau, không ai là vô dụng, không ai là thừa thãi” (số 215). Sự gặp gỡ trở thành một văn hóa khi “ham mê gặp gỡ nhau, tìm những điểm chung, xây dựng những cầu nối, thiết lập những kế hoạch dành cho hết mọi người. Điều này trở nên khát vọng và lối sống (số 216).

Ngày nay, các phương tiện truyền thông giúp mọi người gần nhau hơn, nhận ra ý nghĩa của tình hiệp nhất nhân loại. “Đặc biệt, internet cho chúng ta nhiều cơ hội gặp gỡ và liên đới với nhau hơn. Đây là điều thực sự tốt lành, là quà tặng của Thiên Chúa. Nhưng cần làm thế nào để luôn bảo đảm rằng các phương thức truyền thông hiện nay hướng chúng ta đến cuộc gặp gỡ quảng đại, chân thành tìm kiếm sự thật toàn vẹn, phục vụ người nghèo, gần gũi với họ và dấn thân xây dựng công ích” (số 205). Tuy nhiên, mọi sự đều có mặt trái của nó. Những mối liên kết trên mạng xã hội không thể thay thế cho đời thực. “Chúng ta tích góp để có nhiều mối liên kết trên mạng nhưng lại đánh mất hương vị huynh đệ…. Trở thành tù nhân cho thực tại ảo, chúng ta đã đánh mất hương vị của đời thực” (số 33). Và “sự khôn ngoan không phát sinh từ những cái nhấp chuột tìm kiếm chớp nhoáng trên internet, cũng không là một khối dữ liệu chưa được kiểm chứng. Đó không phải là phương cách để sự khôn ngoan được chín muồi khi gặp gỡ sự thật…. Tiến trình xây dựng tình huynh đệ, dù mang tính địa phương hay phổ quát, chỉ có thể được thực hiện nhờ tinh thần tự do và cởi mở hướng tới những cuộc gặp gỡ đích thực” (số 50).

2.3. Và với hết mọi người

Đó là một tình huynh đệ phổ quát. “Tôi ước mong rằng trong thời đại hiện nay, bằng cách thừa nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần làm sống lại khát vọng phổ quát về tình huynh đệ” (FT, số 6). Tại sao phải cấp thiết xây dựng một tình yêu phổ quát đến như vậy? Bởi vì nhân quyền không đủ phổ quát và sự tiến bộ không có lộ trình chung. Nhân quyền không đủ phổ quát vì “không có bình đẳng nhân quyền cho hết mọi người… Trong lúc một phần nhân loại sống trong nhung lụa thì một phần khác thấy phẩm giá mình bị chối bỏ, bị khinh khi hoặc bị chà đạp và các quyền căn bản thì không được nhìn nhận hoặc bị vi phạm (số 22). Toàn cầu hóa và sự tiến bộ không có lộ trình chung vì “trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất ngày càng phai nhạt, và giấc mơ cùng chung tay xây dựng công lý và hòa bình dường như là điều không tưởng, lỗi thời. Ngự trị thay vào đó là sự lãnh đạm tiện lợi, lạnh lùng và bao trùm, phát sinh từ mối thất vọng sâu xa, mối thất vọng được che giấu bởi sự xảo trá của ảo tưởng tin rằng chúng ta toàn năng, mà không nhận thấy tất cả chúng ta đều trên cùng một con thuyền. Ảo tưởng này chẳng quan tâm gì đến những giá trị cao cả của tình huynh đệ” (số 30). Đồng thời, “sống chung với nhau là một chuyện, còn quý trọng sự phong phú và vẻ đẹp của những hạt mầm của cuộc sống chung phải được chung sức tìm kiếm và vun trồng lại là một chuyện khác”. Kỹ thuật không ngừng phát triển, nhưng “sẽ tốt đẹp biết mấy nếu cùng với những tiến bộ sáng tạo của khoa học kỹ thuật, xã hội ngày càng thêm bình đẳng và gắn kết với nhau. Và cũng tốt đẹp biết bao, nếu đang khi phát hiện ra những hành tinh xa lạ, chúng ta cũng lại phát hiện ra nhu cầu của các anh chị em sống chung quanh ta” (số 31).

Vì thế, sống tình huynh đệ phổ quát cần biết bao đến một “quy luật vàng” tích cực. “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Mệnh lệnh này mang tính phổ quát, chung cho mọi người dựa trên nhân tính, vì Cha trên trời “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5, 45)”(số 60). “Hơn nữa chúng ta tin rằng Chúa Kitô đã đổ máu mình ra cho mọi người và cho từng người, vì thế, không ai ở ngoài tình yêu phổ quát của Ngài” (số 85). Cuộc gặp gỡ đầy lòng thương xót của Đức Giêsu và chị phụ nữ Samari “là lời chất vấn mạnh mẽ chống lại mọi thao túng ý thức hệ, thúc đẩy chúng ta mở rộng thế giới của mình, nhờ đó khả năng yêu thương của chúng ta có được chiều kích phổ quát vượt thắng mọi thành kiến, mọi rào cản lịch sử hoặc văn hóa, mọi lợi ích nhỏ nhen” (số 83). Và “cũng có một hình thức tình yêu phổ quát mở ra, không mở ra về địa lý nhưng mở ra trong cuộc sống. Đó là khả năng mỗi ngày mở rộng vòng tròn thân thiện của tôi, tìm đến với những người không hẳn nhiên được tôi quan tâm, dù họ ở gần bên tôi” (số 97).

Trên hành trình thúc đẩy “sự thăng tiến của con người và của tình huynh đệ phổ quát” này, “Hội Thánh không có ý tranh giành quyền lực trần thế, nhưng tự cống hiến như một “gia đình giữa các gia đình, ấy là gia đình Hội Thánh, sẵn sàng làm chứng cho thế giới hôm nay về lòng tin, về niềm hy vọng và về tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với những ai được Người yêu thương cách riêng” (số 276). Với ý nghĩa của từ “Công giáo”,[25] Hội Thánh thâm nhập mọi thực tại và đã hiện diện suốt bao thế kỷ ở khắp nơi trên thế giới nên có thể thấu hiểu vẻ đẹp của lời mời gọi sống tình yêu phổ quát để có thể tham gia xác lập về quyền lợi và nghĩa vụ của con người. Và trên “hành trình của tình huynh đệ này cũng có một Người Mẹ, mang tên là Maria. Đức Maria đã nhận lãnh tình mẫu tử phổ quát này dưới chân thập giá (x. Ga 19,26). Mẹ không chỉ lưu tâm đến Chúa Giêsu, mà còn lưu tâm đến cả “những người còn lại trong dòng dõi của Mẹ” (x. Kh 12,17). Bằng quyền năng của Chúa phục sinh, Mẹ muốn hạ sinh một thế giới mới, nơi tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, nơi có chỗ cho tất cả những ai bị xã hội loại bỏ, nơi công lý và hòa bình rực rỡ ánh huy hoàng” (số 278).

III. ĐỨC KIÊM ÁI CỦA MẶC TỬ

Trong tư tưởng phương Đông, tư tưởng huynh đệ phổ quát đại đồng, tứ hải giai huynh đệ, không phải là hiếm, nhưng nổi bật nhất là thuyết “Kiêm ái” (inclusive love) của Mặc Tử, một tình yêu bao gồm như tình huynh đệ phổ quát của Kitô giáo.

Mặc Tử tên thật là Mặc Địch (墨翟), “sinh vào khoảng từ năm thứ 20 đến năm thứ 30 đời vua Kinh Vương nhà Chu (500-490 trước Công nguyên) và mất khoảng từ năm Uy Liệt nguyên niên đến năm Uy Liệt thập niên (425-416 trước Công nguyên).[26] Ông sống trong thời chiến tranh triền miên, mạnh được yếu thua, kẻ thắng tiêu diệt người thua nên xã hội hỗn loạn. Trong hoàn cảnh như vậy, Mặc Tử đã kêu gọi mọi người cần “kiêm ái”. Ông mời gọi từ bậc vương công, đại nhân cho đến tầng lớp tiện dân trong xã hội đều phải yêu thương nhau, “coi người thân như thân mình, coi nhà người như nhà mình, coi nước người như nước mình”.

1. Từ ngữ

“Nhìn từ góc độ tự vựng, “kiêm ái” (兼愛), “kiêm” (兼) tức là “gồm”, xem ai cũng như mình, trái với “biệt” (別) là chia rẽ, xem mình phân biệt với người, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người, vị kỷ. “Ái” (愛) tức là “yêu”, trái với “ố” (恶) là ghét. Do đó kiêm ái là yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt địa vị cao thấp, thân sơ, giàu nghèo, và yêu mọi người như yêu mình. Kiêm ái đem đến cái li cho thiên h, giúp nước được tr (治). Vì khi đó mi người xem người khác như mình; xem nhà người khác như nhà mình; xem nước người khác như nước mình; nếu yêu thương nhau như thế thì không còn nhng điu lon…. Ngược li, nếu không “kiêm ái” thì cái ha lon (乱) xy đến cho thiên h. Vì mi người ch làm li cho mình mà làm hi cho người”.[27]

Cũng theo Mặc Tử, những kẻ chia rẽ nhau, làm thiệt hại cho nhau thuộc phái “biệt”. “Kiêm” tức là gồm, trái lại với “biệt” là rẽ. “Ái” tức là yêu, trái lại với “ố” là ghét, chỉ về tấm lòng thương mến lẫn nhau của loài người. “Kiêm ái” là yêu hết mọi người. Để so sánh và xác minh ý nghĩa của “kiêm” khác với “biệt”, Mặc Tử đưa ví dụ một kẻ sĩ hay ông vua theo phái “biệt” thấy người đói không cho ăn, rét không cho mặc, ốm đau không thăm nuôi, chết không chôn cất. Và Mặc Tử quả quyết rằng dù thuộc phái “biệt” nhưng cũng gửi cha mẹ, vợ con vào nhà kẻ sĩ hay đi theo ông vua phái “kiêm”. Dù chê bai nhưng khi kén chọn thì vẫn muốn đi theo phái “kiêm”.

Ngoài đức “kiêm ái”, một triết lý sâu xa nữa đáng để chúng ta suy tư trong dòng tư tưởng này là ý nghĩa của chữ “Nhân” trong mối quan hệ giữa người và người. “Chữ Nhân (人) rất đơn giản: trái một nét, phải một nét, âm một nét, dương một nét, nhưng nó không chỉ là danh từ “con người”, mà còn bao hàm cả cách làm người. Trong chữ Nhân có hai nét cùng nhau nương tựa, cùng nhau dìu dắt, cùng nhau đồng hành thì là con người. Chữ Nhân (人) còn xuất hiện với tư cách là một bộ thủ, thường được gọi là bộ “Nhân đứng” (亻). Từ một chữ Nhân có thể thấy được rất nhiều chữ khác, miêu tả những mối quan hệ khác nhau giữa người với người. Hai người gần gũi thì gọi là “Nhân” (仁 – Nhân ái). Giữa hai người cần sự nhân ái, tương trợ lẫn nhau. Một người yêu mến và bảo hộ người khác mới có được đức “Nhân” (仁). Còn khi có nhiều người hơn thì gọi là “chúng” (眾 – quần chúng), chữ này có ba chữ nhân ở phía dưới, ở trên thì có một con mắt. Điều đó có nghĩa là có nhiều người thì cần phải quản lý. Xã hội đông lên thì cần có trật tự. Như vậy, bài học về cách đối nhân xử thế chính là: một người thì phải tu dưỡng bản thân, hai người thì cần xử lý tốt mối quan hệ đôi bên, nhiều người thì ai nấy đều cần giữ tròn chức trách bổn phận của mình”.[28]

2. Thuyết kiêm ái

Trong sách “Mặc Tử” có ba thiên bàn về “kiêm ái” (kiêm ái thượng, trung, hạ). Trọng tâm lý thuyết của Mặc Tử chính là ở điểm thực hành tương ái, công lợi. "Chủ nghĩa kiêm ái của Mặc Tử cốt yếu ở mấy chữ này: "kiêm tương ái, giao tương lợi", nghĩa là "yêu lẫn nhau, làm lợi cho nhau". Có yêu lẫn nhau, mới làm lợi lẫn cho nhau; có làm lợi lẫn cho nhau, mới thực hành được cái yêu lẫn nhau. Người về sau khi nhắc tới Mặc Tử là nhắc tới học thuyết “kiêm ái” của ông. “Từ xưa tới nay, hễ nhắc đến Mặc Tử thì ai cũng nghĩa ngay đến thuyết “kiêm ái”: mọi người đều yêu thương nhau như chính bản thân mình, không phân biệt người và ta; kiêm ái là gốc, còn “tôn thiên” (tôn kính trời), “minh quỷ” (tin có quỷ thần), “tiết dụng” (bớt tiêu xài), “phi nhạc” (chê nhạc là vô ích, có hại), “phi công” (mạt sát sự đánh chiếm nước người) … chỉ là những chi nhánh thôi. Ông muốn cứu loạn cho thiên hạ, cho nên suốt đời lo thuyết phục các nước lớn đừng đánh nước nhỏ, và cứu những nước nhỏ bị xâm chiếm. Kiêm ái là lý thuyết, phi công là thực hành; kiêm ái để gây lợi, phi công để trừ lại”.[29]

Như vậy, bối cảnh cho sự ra đời của thuyết kiêm ái là sự loạn lạc trong xã hội vì tư lợi mà ra. Người trong một nhà không yêu nhau mà chỉ nghĩ đến lợi riêng của mình. Vua tôi trong triều đình không yêu nhau mà chỉ nghĩ đến lợi của riêng mình. Nước này không yêu nước khác chỉ vì cái lợi của mình. “Thái độ tự tư tự lợi đó, Mạc gọi là “biệt”: phân biệt mình và người, chỉ yêu mình mà không yêu người. Biệt là bậy, nó gây chia rẽ lẫn nhau, làm hại lớn cho thiên hạ. Phải thay nó bằng “kiêm”: “Kiêm dĩ dịch biệt”. “Kiêm” là gồm, gồm yêu mọi người, coi ai cũng như mình, làm lợi cho mọi người. “Biệt” hại cho thiên hạ bao nhiêu thì lợi cho thiên hạ bấy nhiêu: “Nếu thiên hạ đều gồm yêu lẫn nhau (kiêm tương ái), ai nấy đều yêu người như yêu thân mình thì còn kẻ bất hiếu nữa không? Coi cha anh và vua như thân mình thì làm gì còn kẻ bất hiếu? Còn kẻ bất từ nữa không? Coi con em và bề tôi như thân mình thì làm gì còn kẻ bất từ? Cho nên sự bất hiếu, bất từ sẽ không còn có nữa. Còn trộm cướp không? Đã coi nhà người như nhà mình thì còn ai trộm nữa? Đã coi thân người như thân mình thì còn ai ăn cướp nữa? Cho nên sự ăn trộm ăn cướp sẽ không có nữa (Kiêm ái thượng)”.[30] 

“Biết rõ căn bệnh rồi nay chỉ cần dùng thang thuốc “Kiêm ái” là bệnh tự nhiên khỏi. Vậy bổn phận vua, quan, cha, anh … người trên là phải khuyên nhủ, thúc giục, tuyên truyền, dạy dỗ cho thiên hạ làm điều Nhân, Nghĩa, tức là yêu mến và làm lợi lẫn cho nhau. Phải giảng giải, lý luận cho mọi người biết rằng làm điều Nhân, Nghĩa tức là tự yêu mình, mình tự làm lợi cho mình. Vì yêu người tất được người yêu, làm lợi cho người tất được người làm lợi cho. Kinh Thi có câu: “Không có thù nào chẳng trả, không có ơn nào chẳng đền, cho ta quả đào, ta trả quả mận””.[31]

Vì thế, để xã hội thái bình thạnh trị, mọi người cần phải sống “kiêm ái” như một cái đức bao trùm hết mọi quan hệ từ vua chí dân, mở rộng ra nước này với nước khác. “Kiêm ái như là cái đc căn bn, bao gm tt c các đc khác như hu, trung, t, hiếu, hu, đ (vua-quan-ph mu-con cái- anh em-bng hu) đ xã hi được tr (Kiêm Ái). Vì thế kiêm ái phi là đo ca thánh vương, đ giúp cho thiên h được đi tr (Kiêm Ái Trung). Sng kiêm ái ph quát s mang đến li ích ph quát, bình đng xã hi, thiên h đng li, ca cải ngang nhau”.[32]

Trong các tương quan cha con, anh em, vua tôi, gic cướp, nếu không yêu nhau thì s gây ra bt hòa, tranh dành, cướp bóc, bt trung, bt hiếu, da nt k yếu, la lc (Thiên Chí Trung). Cái lon t đó mà ra, làm hi cho mi người, cho quc gia. Vì thế Mc T nói, ging như người thy thuc cn phi biết bnh t đâu ra mi tr được, thánh nhân (圣 人) tr nước cũng phi biết ha lon t đâu mà ra, đ ri mi cha được, và nguyên nhân lon đó là do con người không yêu thương nhau mà ra (Kiêm Ái Thượng). Tóm li, kiêm ái là yêu người như yêu chính bn thân mình, không phân bit ranh gii. Mt thế gii mà ai ny đu sng kiêm ái như thế s không có tranh giành, xung đt, ích k, ganh t, hp hòi, không hi ln nhau, đó là mt thế gii thái bình thnh trị”.[33]

3. Nhận xét và phê bình

Tuy nhiên, học thuyết của Mặc Tử đã có những hạn chế trước tiên là tính chất không tưởng của nó. “Cái tính ưa chuộng hòa bình bao giờ cũng quý, vì loài người sinh ra không phải để chém giết nhau. Nhưng cái tính ấy lại có thể biến thành tính nhu nhược, cẩu thả, lây lất, nhẫn nhục, vô sĩ, khiến người ta ngộ sự không có chút lòng hăng hái phấn đấu nào. Nhưng ngày nay, những điều kiện sinh hoạt mới bắt người ta phải cạnh tranh, phải phấn đấu để mưu sống còn, những cuộc tranh đấu về kinh tế, về chính trị, về xã hội, ta thấy xuất hiện một ngày một nhiều. Vậy nên chủ nghĩa vô vi của Lão Tử, chủ nghĩa trung dung của Khổng Tử, chủ nghĩa phi chiến của Mặc Tử, chủ nghĩa từ bi của Thích Ca, đối với người thời nay, họ cho là những lý thuyết mộng tưởng vu khoát”.[34]

Quan niệm về tình yêu bao gồm của Mặc Tử khác với tình yêu đại đồng của Khổng Tử. “Chủ nghĩa “kiêm ái” của Mặc Tử và chủ nghĩa “đại đồng” của Khổng Tử, về phần lý luận, thì hoàn toàn giống nhau. Nhưng chủ nghĩa đại đồng của Khổng Tử không hy vọng thực hành ngay, phải đợi tiến hóa dần dần đến đời “thái bình” mới thực hành được. Mặc Tử thì nói quả quyết ngay rằng: ngoài chủ nghĩa “thực hành kiêm ái”, không nên có một chủ nghĩa khác”.[35] Tình yêu theo Khổng Tử xuất phát từ những vòng đồng tâm khởi đi từ gia đình và trải rộng ra những chu vi rộng lớn hơn: những mối tương quan của công việc, xóm làng, quốc gia và cuối cùng là thế giới. Như vậy sự ưu tiên trước hết dành cho những người thân thuộc là những người xứng đáng với tình yêu và sự nâng đỡ của chúng ta nhất, rồi mới đến những người mà ta có mối quan hệ xã hội. Tình yêu của Khổng học là một tình yêu có phẩm trật tùy theo vị trí của họ trong xã hội. Câu nói nổi tiếng của Khổng tử là “Tứ hải giai huynh đệ”: câu này không thể hiểu như là sự bình đẳng lý tưởng cho mọi người mà là một lý tưởng của lòng khoan dung theo một trật tự bất bình đẳng. Thật vậy, tình nghĩa anh em hay “fraternité” theo Hán tự là “huynh đệ” (兄弟), gồm có hai từ: huynh (anh) và đệ (em). Như vậy đối với Khổng Tử, mối tương quan anh/em này thuộc bản tính bất bình đẳng; em phải tôn kính anh và anh phải bảo vệ và khuyên bảo em. Còn tình yêu của Mặc Tử là một tình yêu bao quát, (kiêm ái, 兼愛), một tình yêu không có sự chọn lựa thiên vị giữa những người được yêu nhưng trải rộng cách bình đẳng đến cả nhân loại.[36]

Một xã hội tốt đẹp hơn không chỉ nhờ cải thiện đạo đức mà còn nhiều mặt khác. Hơn nữa, Mặc Tử lấy cái lợi làm tiêu chuẩn cho việc phân định, thế nhưng ranh giới của lợi rất mong manh vì đụng chạm đến tham vọng của con người. “Mặc học nếu nghịch với Nho học, cũng chẳng phải là chuyện đáng lấy làm lạ lùng. Đó là lẽ tự nhiên và tất nhiên. Bởi vì Nho học xuất hiện để bênh vực quyền lợi cho phái sĩ biệt và tân địa chủ là những người mới ra cầm quyền chính thời bấy giờ, mà Mặc học thì xuất hiện để ủng hộ lớp công nông bị nhà cầm quyền thử thời khinh thị”.[37]

“Khi Tư Mã Thiên soạn sách Sử ký không thèm dành cho Mặc Tử lấy một chỗ nhỏ trong tác phẩm của mình. Lại chỉ nói phớt qua, không phải để khen Mặc Tử, mà là để khen Mạnh Tử và Tuân Tử là những nhà Nho học đã có công đánh đổ học thuyết của Mặc Tử. Nhất là Mạnh Tử. Mạnh Tử bảo rằng: Mặc Tử kiêm ái coi cha cũng như người đi đường, thành ra vô phụ. Rồi cứ nhè chỗ vô phụ đó mà bài xích mãi. Chính Mạnh Tử thường tự phụ rằng suốt đời làm việc để đánh đổ Mặc học … để làm sáng tỏ Khổng Tử. Phái Nho vốn đông (Khổng Tử dạy tới 3.000 học trò) và ở khắp chỗ, lẽ tất nhiên hưởng ứng với Mạnh Tử để đả đảo Mặc học. Ngay như Tư Mã Thiên, sở dĩ không chép chuyện Mặc Tử cũng vì Tư Mã Thiên là một nhà Nho. Người ta bảo Mặc học bị mai một là vì cuộc tổng công kích của phái Nho”.[38]

Sau này phái Hậu Mặc cũng chỉ ra rằng đặc trưng cơ bản của “kiêm ái” là gồm yêu hết thảy mọi người như nhau và lợi ích là tiêu chuẩn để xem xét ý thức và hành động của con người ta có “kiêm ái” hay không. Không những thế họ còn cho rằng ngay cả những phạm trù đạo đức như: trung hiếu, chí công v.v…, cũng phải lấy mục đích làm lợi người là tiêu chuẩn trên hết. Thiên “Kinh thượng” viết: “Hiếu là lợi cha mẹ; trung là lợi vua; công là lợi dân”. Nhưng trước sự phê phán, công kích của các triết gia thuộc các trường phái triết học khác thời bấy giờ như Mạnh Kha, Tuân Hống, Hàn Phi v.v …, và để cho học thuyết “kiêm ái” của Mặc gia phù hợp với điều kiện lịch sử xã hội mới, phái Hậu Mặc đã bổ sung và điều chỉnh thuyết “kiêm ái”, rằng: kiêm ái là gồm yêu và làm lợi cho tất cả mọi người như nhau, nhưng có sự phân biệt thân sơ, trên dưới, gần xa, già trẻ”.[39]

Chủ nghĩa Kiêm ái của Mặc Tử giống với tứ vô tâm lượng[40] Từ, Bi, Hỷ, Xả của Phật giáo nên đời Đường người ta thường gọi Phật giáo là Mặc giáo. Còn đối với đức Bác ái Kitô giáo? “Nghĩa Kiêm ái của Mặc Tử so với nghĩa bác ái của Chúa Jésus Christ chẳng khác gì nhau mấy. Nhất là nghĩa tôn thiên của Mặc Tử thì giống hệt quan niệm của Chúa Jésus Christ về Trời. Jésus Christ nói: Không ai toàn thiện, toàn mỹ được bằng Chúa Trời; Mặc Tử nói: Vật vô toàn mỹ, ý nghĩa cũng tương đương. Nhận thấy chỗ đó, cố Wieger là một nhà bác học Pháp, tác giả sách “Trung Hoa tôn giáo triết sử học” (Histoire des croyances religieuses et des opions philosophiques en Chine) đã nói rằng: “Mặc Tử là một học giả duy nhất ở Trung Hoa mà người ta có thể cho rằng có lòng tin ở Chúa Trời …. Mặc Tử là một người cao thượng, một nhà tuyên truyền Nhân Nghĩa duy nhất tại Trung Hoa”.[41]

KẾT

Thông điệp này về tình huynh đệ này cần được đọc để bổ túc cho những thông điệp trước đây của Đức Phanxicô. “Nó đề cập đến những đề tài cổ điển của các thông điệp xã hội, nhưng với một cung giọng bi thảm và chính trị hơn là thông điệp Caritas in Veritate, có lẽ vì tác giả xuất thân từ châu Mỹ Latinh. Người ta thấy gần gũi với Thánh Phanxicô Assisi, tầm quan trọng của đối thoại và gặp gỡ giữa các văn hóa và tôn giáo trong sự đa dạng muôn sắc, sự dấn thân chính trị vào công ích, khước từ não trạng cặn bã, mị dân và tân tự do, việc ưu tiên chọn lựa người nghèo”.[42]

Tài liệu “Tình huynh đệ phổ quát và trong đại dịch”[43] của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, ngày 30 tháng Ba 2020, nói rằng: “Chúng ta đang đau đớn sống trong một mâu thuẫn chưa từng mường tượng ra được: để sống còn qua cơn đại dịch ta buộc phải cách ly với nhau, nhưng nếu khi ta học biết sống cách ly với người khác thì ta lại nhanh chóng nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta chính yếu là cuộc sống với người khác”. Khi đang cố gắng xây dựng một humana communitas, một cộng đoàn nhân loại, thì cơn đại dịch đã cho ta thấy sự mỏng dòn và yếu đuối của kiếp người. Ta phải khiêm nhường nhìn nhận sự hạn chế của con người trước con “virus vô hình dường như đang cười nhạo mọi tự kiêu tự mãn của con người”.[44] Vượt qua nó một lần không có nghĩa là ta có quyền tự mãn rằng sẽ mãi “bất khả chiến bại” nên kiêu ngạo mỉa mai những bước đi thận trọng khác để rồi buộc phải muối mặt lặng thinh khi đến lượt mình nếm mùi thất bại!

Những thế hệ tương lai sẽ nhớ đến Fratelli Tutti như là “Thông điệp của đại dịch”, dù được phác thảo trước làn sóng khủng hoảng Covid-19. Đức Phanxicô giải thích ở chương mở đầu, với tiêu đề “Những đám mây đen trên thế giới khép kín”, rằng từ lâu ngài đã mong muốn thách đố thế giới vượt qua những chia rẽ nghiêm trọng dưới những hình thức như chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại hay phân biệt chủng tộc. Thật sự, thảm kịch đại dịch Covid-19 mà thế giới đang trải qua hiện nay đã làm sống dậy ý nghĩa rằng chúng ta mà một cộng đoàn toàn cầu, tất cả cùng trên một chiếc thuyền, nơi mà những vấn đề của một người cũng là vấn đề của tất cả những người khác. Một lần nữa chúng ta nhận thấy rằng không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau…. “Trong cơn giông bão này, những kiểu mẫu mặt nạ che giấu cái tôi của chúng ta, cái tôi luôn chăm chút dáng vẻ bên ngoài, đã bị rơi xuống, để rồi một lần nữa cho thấy cái cảm thức không thể chối bỏ và cũng thật tốt lành, đó là cảm thức chúng ta thuộc về nhau, là anh chị em với nhau” (số 32).

GỢI Ý THẢO LUẬN

1. Những tương đồng và khác biệt giữa tình huỵnh đệ Kitô giáo và thuyết “Kiêm ái” của Mặc Tử?

2. Tài liệu “Đại dịch và tình huynh đệ phổ quát”, ngày 30 tháng Ba 2020, của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, đã viết: “Chúng ta cũng không quên những người đã lựa chọn cách tích cực và can đảm để bảo vệ và nuôi dưỡng tình huynh đệ. Đó là những ông bố bà mẹ của các gia đình, người già và người trẻ; đó là những người, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, vẫn tiếp tục làm công việc của mình một cách trung thực và tận tâm; đó là hàng ngàn tình nguyện viên đã không ngừng phục vụ; lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo vẫn tiếp tục phục vụ những người được giao phó cho họ chăm sóc, ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của mình, như câu chuyện của rất nhiều linh mục đã chết vì Covid-19”. Hãy chia sẻ những câu chuyện và những suy tư về tình huynh đệ Kitô giáo trong cơn đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới.

 

[1] “Người thông thái là con gà gáy sáng của hoàn vũ: Ông đánh thức những người còn mê ngủ!” (Wise man is the rooster of the universe: He awakens the unawake!) – Mehmet Murat Ildan, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ.
[2] “Con gà trống nói: “Tôi sẽ gáy nhưng mặt trời có mọc không thì có Trời mà biết!” (The rooster said, "I shall cry but whether the sun rises God knows) – Tục ngữ Georgia.
[3] Cf. Ratzinger, J., “Fraternité”, trong M. Viller et al. (eds.), Dictionnaire de spiritualité ascétique et mystique doctrine et histoire, vol. 5, Paris 1964, col. 1141–1167.
[4] Tuy cũng phải khấu trừ đi lời nói quá của sử gia Josephus, Against Apion, ii, 39.
[5] Xem Horace, Satires, I:4, 142; Persius, Satires, 5:178-84; Juvenal, Satires, 3: 12-16; 14: 96-106.
[6] Xem Shailer Mathews, The Social Teaching of Paul. VI. The Christian Fraternity, The Biblical World, Volume 20, Number 1 Jul., 1902, tr. 31-47.
[7] Xem mục “Brother in Christ”, trong New Catholic Encyclopedia, Gale, 2003.
[8] Theo Wojciech Kućko, “Fraternity in the Teaching of Pope Francis”, trong Collectanea Theologica, 90 (2020) no. 5, tr. 701–740.
[9] Cf. P. Pietrusiak, “Kościół jako fraternitas według Cypriana z Kartaginy”, Roczniki Teologii Katolickiej 10 (2011),” 69
[10] Jacques Schlosser, "Aimez la fraternité (1 P 2,17): à propos de l'ecclésiologie de la première lettre de Pierre”, trong À la recherche de la Parole. Études d’exégèse et de théologie biblique (Lectio Divina 207), Cerf, Paris, 2006.
[11] Populorum Progressio, các số 43–44, 66–67, 71–75, 78–79, 85–87.
[12] Cf. Gioan Phaolô II, “Epistula al Venerato Fratello Cardinale Agostino Casaroli, Segretario di Stato” (20 novembre 1982), AAS 75 (1983), 124–125.
[13] Cf. Gioan Phaolô II, “Apostolic Constitution Pastor bonus,” art. 145
[14] Phanxicô, “Fraternity, the Foundation and Pathway to Peace. Message for the Celebration of the World Day of Peace” (1 January 2014), http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/peace/documents/papa–francesco_20131208_messaggio–xlvii–giornata–mondiale–pace–2014.html 
[15] Cf. C. Theobald, Theobald, C., Fraternità. Il nuovo stile della Chiesa secondo Papa Francesco, Magnano 2016. tr. 60
[16] Evangelii Gaudium, số 87.
[17] C. Theobald, “Mistica della fraternità. Lo stile nuovo della Chiesa e della teologia nei documenti programmatici del pontificato”, Il Regno – Attualità (2015) No. 9, Mistica della fraternità,” tr. 581–582.
[18] Evangelii Gaudium, số 91.
[19] Cf. Laudato si’, 233; C. Theobald, “Mistica della fraternità,” 582
[20] Michel de Certeau, S.J., La fable mystique, Gallimard, Paris, 1982.
[21] Phan Tấn Thành, “Tình huynh đệ Kitô giáo”, trong Thời sự thần học, số 91, 2021, tr. 134.
[22] Theo thông lệ, các tài liệu giáo hoàng thường được đặt tên theo vài chữ đầu tiên, tiếng Latinh gọi là “incipit”.
[23] Phanxicô Assisi, Early Documents. vol. I: The Saint, Regis J. Armstrong, J. A. Wayne Hellmann, William J. Short biên tập, New York - London - Manila 1999, 128-137.
[24] Xem Sr Miriam Cunha Sobrinha, “To Recover Authentic Values”, L’Osservatore Romano, Friday, 19 March 2021, n. 12, tr. 8.
[25] Từ Catholic (Công giáo), xuất phát từ tính từ Hy Lạp καθολικός (chung, phổ quát, 'universal'). Tính từ này lại đến từ καθόλου (về toàn thể, thuộc về toàn thể, chung) là từ kết hợp giữa hai từ Hy Lạp là κατά (về, about) và ὅλος (toàn thể, 'whole'). Từ “Công giáo” (Catholic), tiếng Latinh là catholicus, được Thánh giáo phụ Ignatiô Antiokia sử dụng lần đầu tiên trong cuốn Letter to the Smyrnaeans (khoảng 110 AD).
[26] Theo nghiên cứu của Giáo sư Hồ Thích, tác giả “Trung quốc Triết học sử”.
[27] Nguyễn Đăng Trung, S.J., Thuyết kiêm ái của Mặc Tử,
https://sjjs.edu.vn/thuyet-kiem-ai-cua-mac-tu/ 
[28] Xem Thiên Cầm, “Tản mạn vài điều thú vị về chữ “Nhân””,
https://trithucvn.org/van-hoa/tan-man-vai-dieu-thu-vi-ve-chu-nhan.html 
[29] Nguyễn Hiến Lê, Mặc học, Nxb. Văn Hóa, 1995, tr. 83
[30] Nguyễn Hiến Lê, Ibid., tr. 100-102
[31] Lê Văn Hòe, Học thuyết Mặc Tử, Quốc học thư xã, 1942, tr. 77-78.
[32] Dương Nhất Dân, Mặc Tử Tung Hoành, Thánh Khang và Tiến Thành dịch, Nxb. Thanh Hóa, 2014, tr. 16.
[33] Nguyễn Đăng Trung, S.J., Ibid.
[34] Đào Duy Anh, Việt Nam Văn hóa sử cương, Quan Hải tùng thư, Huế, 1938, tr. 234
[35] Lời tựa của cụ Nguyễn Tất Tố trong Lê Văn Hòe, Học thuyết Mặc Tử, Quốc học thư xã, 1942.
[36] Xem Anne Cheng, Histoire de la pensée chinoise”, Seuil, 1997, tr. 71-73; Cyrille J-D Javary, “100 mots pour comprendre les Chinois” Albin Michel, Paris, 2008, mục “frère aîné”, tr. 121-122.
[37] Lê Văn Hòe, Học thuyết Mặc Tử, Quốc học thư xã, 1942, tr. 23.
[38] Lê Văn Hòe, Ibid., tr. 104-105.
[39] Phạm Lan Anh, Những tư tưởng cơ bản trong học thuyết “kiêm ái” của Mặc Tử và ý nghĩa của chúng trong xây dựng đạo đức mới của người Việt Nam hiện nay, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Triết học, 2011tr. 36-37
[40] Nghĩa là 4 cái tâm rộng lớn vô cùng, giúp chúng ta thoát khỏi các thứ hẹp hòi, phiền não, tạo nên sự thương yêu rộng lớn bao trùm đến vô lượng chúng sinh, và tìm phương cứu khổ cho tất cả chúng sinh.
[41] Lê Văn Hòe, Học thuyết Mặc Tử, Quốc học thư xã, 1942, tr. 100-101.
[42] Marcel Rémon, S.J., “Thông điệp Fratelli Tutti, Tóm lược giáo huấn xã hội của Đức thánh cha Phanxicô”, trong Thời sự thần học, số 91, 2021, tr. 192.
[44] TGM. Giuse Nguyễn Năng, Thư mục vụ “Chúng ta đóng cửa nhà thờ chứ không đóng cửa lòng”, ngày 27 tháng Bảy 2021.
LỊCH PHỤNG VỤ