Tông hiến Praedicate Evangelium và việc thúc đẩy các vùng truyền giáo

15/06/2022


THÚC ĐẨY CÁC VÙNG TRUYỀN GIÁO
Loan truyền và phổ biến Tin mừng cho nhiều người

D. D. Emmons

Theo các văn kiện của Công đồng Vatican II (1962–1965), việc loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô cho toàn thế giới là “một phận vụ rất quan trọng và thánh thiện” của Giáo hội (x. Sắc lệnh Ad Gentes, số 29). Trách nhiệm truyền giáo này không thay đổi trong suốt 2.000 năm qua; ngày nay, người Kitô hữu chỉ chiếm khoảng một phần ba tín đồ các tôn giáo thế giới, vì thế vẫn cần các nhà truyền giáo tiếp tục loan báo sứ điệp thánh thiêng của Đấng Cứu Thế.

Trong Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu Thế) năm 1990, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II (1978–2005) đã viết: “[Hoạt động truyền giáo] là một trong những hoạt động căn bản của Giáo hội: nó là một hoạt động thiết yếu và không bao giờ chấm dứt. Thật vậy, Giáo hội ‘không thể rút lui khỏi sứ vụ vĩnh viễn của mình trong việc mang Phúc âm đến cho các đám đông dân chúng – cho cả hằng triệu triệu người nam nữ – thành phần chưa biết đến Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc của nhân loại” (số 31).

Vào ngày 19/3/2022, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh nhiệm vụ chính yếu này của Giáo hội trong Tông hiến Praedicate Evangelium (Các con hãy loan báo Tin mừng), trong đó ngài cải tổ Giáo triều Vatican, thành lập Bộ Loan báo Tin mừng (Dicastery of Evangelization). Tông hiến có hiệu lực vào Chúa nhật 05/6/2022, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Bộ Loan báo Tin mừng

Công cuộc truyền giáo trên thế giới của Giáo hội Công giáo được điều hành bởi Bộ Loan báo Tin mừng. Trong hơn 350 năm, cơ quan này được gọi là Bộ Truyền bá Đức tin (Congregation for the Propagation of the Faith hay đơn giản là Propaganda Fide). Sau cuộc cải tổ Giáo triều năm 1967, nó được đổi tên thành Bộ loan báo Tin mừng cho các dân tộc (Congregation for the Evangelization of Peoples – CEP). Với việc ban hành Tông hiến Praedicate Evangelium, và tái cấu trúc Giáo triều sau đó, Bộ này được sát nhập với Hội đồng Tòa thánh cổ võ tái truyền giảng Tin mừng (Pontifical Council for Promoting the New Evangelization), để thành một cơ quan hợp nhất có tên là Bộ loan báo Tin mừng.

Mặc dù ở thời điểm viết bài này, chỉ có ít thông tin về tổ chức và nhân sự, nhưng Bộ loan báo Tin mừng sẽ gồm hai phân bộ: “Phân bộ đặc trách các vấn đề cơ bản trong việc loan báo Tin mừng trên thế giới” với những trách nhiệm tổng quát gồm việc tìm ra những cách thức hiệu quả để cổ võ hoạt động truyền giáo, việc phục vụ và hỗ trợ những nỗ lực của các giáo hội địa phương nhằm truyền bá Tin mừng cho mọi người thuộc mọi nền văn hóa, kể cả những người đã lìa bỏ Giáo hội, và việc xác định cũng như phổ biến các phương pháp huấn giáo hiệu quả nhất. Phân bộ thứ hai, đặc trách về việc loan báo Tin mừng cho dân ngoại và các giáo phận mới, tập trung vào các lãnh thổ thuộc thẩm quyền do Bộ loan báo Tin mừng các dân tộc chịu trách nhiệm công cuộc truyền giáo cơ bản.

Trong một động thái khác thường, Đức Giáo hoàng sẽ đảm nhận vai trò Tổng trưởng của cơ quan gồm hai phân bộ này, với mỗi phân bộ sẽ do một vị Quyền bộ trưởng đảm trách và tường trình cho Đức Giáo hoàng. Khi đảm nhận vai trò đứng đầu và hợp nhất hai cơ quan này, Đức Giáo hoàng đang ra hiệu cho thế giới, nhắc nhở mọi người Công giáo, rằng sứ mạng căn bản của Giáo hội là rao truyền sứ điệp Đức Giêsu Kitô, truyền bá Tin mừng cho hết mọi người mọi nơi.

Đào tạo sứ mạng truyền giáo giai đoạn đầu

Đến thế kỷ XVII, các nhà thám hiểm  châu Âu ngày càng khám phá nhiều vùng đất và dân tộc mới, đặc biệt là ở châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Phần lớn, người dân ở những vùng đất mới được khai phá này chưa bao giờ nghe đến Đức Giêsu, và các nhà truyền giáo Công giáo đã sớm mang Tin mừng đến cho cư dân bản địa. Một số nhà truyền giáo đầu tiên là nam giới và sau đó có thêm nữ giới, tất cả đã dành trọn cuộc đời mình cho việc truyền giáo.

Trong suốt giai đoạn này, Giáo hội Công giáo cũng đang bắt đầu cuộc cách mạng đối lại phong trào Cải cách của Tin Lành vào thế kỷ XVI. Một phần không nhỏ trong công cuộc truyền giáo của Giáo hội là đem đức tin Công giáo trở lại cho những người đã rời bỏ Giáo hội để theo Tin Lành. Do đó, luôn luôn cần đến các nhà truyền giáo ở cả bên ngoài và trong châu  Âu. Để kiểm soát và tổ chức tốt hơn phong trào đang diễn ra này, một thực thể duy nhất của Giáo hội đã được Đức Giáo hoàng Grêgôriô XV (1621–1623) thiết lập qua Tự sắc Inscrutabili Divinae vào năm 1622. Thực thể Giáo hội này, được biết đến vào thời điểm đó là Bộ Truyền bá Đức tin (Propaganda Fide), có nhiệm vụ điều phối và chỉ đạo hoạt động truyền giáo của Giáo hội.

Nhằm tạo điều kiện cho việc mở rộng chương trình loan báo Tin mừng này, ngày càng có nhu cầu đào tạo các nhà truyền giáo cách xứng hợp. Từ thời Công đồng Nicea năm 325, Giáo hội đã quan tâm dành một khoảng thời gian ngắn để hướng dẫn cho những người được lựa chọn để trở thành nhà truyền giáo hoặc linh mục [xem Canon 2]. Năm 1627, Đức Giáo hoàng Urbanô VIII (1623–1644) đã thiết định chương trình đào tạo đầu tiên của Vatican; ngài đã giám sát sự phát triển của một trường đào tạo ở Rôma có tên Giáo hoàng Chủng viện Urbano, đặc biệt lưu tâm đến vai trò truyền giáo của Giáo hội. Các sinh viên ban đầu là người châu Âu, nhưng nhu cầu nhanh chóng lớn mạnh đến mức nhiều thanh niên từ các nước truyền giáo khác nhau được gửi tới Rôma để được đào tạo, kể cả được thụ phong linh mục.

Sau đó, Giáo hội, và Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV (1914–1922), nhận thấy rằng việc giảng dạy Tin mừng và mở rộng vai trò của Giáo hội đạt được nhiều thành quả nhất nhờ những người bản địa nơi có cơ sở truyền giáo Công giáo, “. . . bất cứ ai chịu trách nhiệm một công cuộc truyền giáo . . . phải đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm và đào tạo các ứng sinh [địa phương] cho thừa tác vụ thánh” (Tông thư Maximum Illud, số 14).

Hỗ trợ loan báo Tin mừng

Các phương pháp hiện thời để hỗ trợ Bộ loan báo Tin mừng cho các dân tộc, từ đó [hỗ trợ] các hội truyền giáo, được nêu ra trong Tông hiến Pastor Bonus (Mục tử nhân lành) do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II ban hành tháng 6 năm 1988. Văn kiện viết: “để thúc đẩy sự phối hợp truyền giáo, thậm chí thông qua việc quyên góp hiệu quả và phân phối đồng đều các khoản trợ cấp, Bộ chính yếu sử dụng các Hội Giáo hoàng truyền giáo, cụ thể là Hội Truyền bá Đức tin (Society for the Propagation of the Faith), Hội Truyền giáo thánh Phêrô Tông đồ (Society of St. Peter the Apostle), và Hội Nhi đồng Truyền giáo (Missionary Childhood Association), cũng như Liên hiệp Giáo hoàng Truyền giáo (Pontifical Missionary Union of the Church)” (Điều 91).

Tông hiến Praedicate Evangelium của Đức Giáo hoàng Phanxicô canh tân sự xếp đặt này và giao các Hội Giáo hoàng Truyền giáo cho phân bộ đặc trách loan báo Tin mừng cho dân ngoại và các giáo phận mới (x. Điều 67).

Các hội Giáo hoàng Truyền giáo này đã phát triển từ đầu thế kỷ XIX:

Hội Truyền bá Đức tin được chân phước Pauline Jaricot sáng lập năm 1822. Ý tưởng ban đầu của chị Pauline là gây quỹ và hỗ trợ tài chính cho các hội truyền giáo hải ngoại của Pháp. Ngày nay, mọi người Công giáo đều có cơ hội trở nên thành viên của Hiệp hội rất thành công này cũng như đóng góp tài chính để hỗ trợ nhu cầu truyền giáo trên toàn thế giới, đặc biệt cho Giáo hội tại Phi châu, Á châu, các đảo Thái Bình Dương và các khu vực Mỹ Latinh.

Hội Giáo hoàng Nhi đồng Truyền giáo cung cấp nhiều chương trình hỗ trợ về giáo dục, y tế và dinh dưỡng cho hơn ba triệu trẻ em trong các vùng truyền giáo Công giáo. Hội được Đức cha giáo phận Nancy, Pháp – Charles de Forbin-Janson, thành lập năm 1843 với khẩu hiệu “trẻ em giúp trẻ em”. Trẻ em sống ngoài các nước truyền giáo được dạy cho biết về các bạn nhỏ cùng trang lứa ở các nước truyền giáo và khuyến khích cầu nguyện cũng như tham gia giúp đỡ bằng nhiều cách thức, bao gồm việc hỗ trợ tài chính cho các trẻ em trong các nước truyền giáo –và như thế, “trẻ em giúp trẻ em”.

Hội Truyền giáo thánh Phêrô Tông đồ do hai nữ giáo dân Pháp thành lập năm 1889 là mẹ con Cô Jeanne Bigard. Hội nhằm hỗ trợ những nam ứng sinh tại các Giáo hội thuộc miền truyền giáo muốn trở thành linh mục – nghĩa là giúp họ trong tiến trình đào tạo và các nhu cầu tài chính. Chương trình này nỗ lực tạo điều kiện cho ứng viên để có thể trở thành linh mục và cũng trợ giúp sau khi thụ phong.

Liên hiệp Giáo hoàng Truyền giáo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò truyền giáo trong Giáo hội nơi các linh mục và tu sĩ, những nhà giáo và giáo lý viên, cũng như để truyền cảm hứng cho họ trở thành những nhà truyền giáo, và để khuyến khích những ai đang trong chương trình được tiếp tục công việc. Liên hiệp được chân phước Paolo Manna thành lập năm 1916 với mục đích giáo dục các tín hữu về công việc của các hội truyền giáo và các nhà truyền giáo. 

Ngoài các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, mỗi giáo phận có sứ mạng điều phối, thúc đẩy và hỗ trợ vai trò truyền giáo của CEP. Những sứ mạng này rất hữu ích trong việc giáo dục và hiệp nhất các tín hữu trong cầu nguyện và trong việc quyên góp ngân quỹ cần thiết cho các hội truyền giáo.

Khánh nhật truyền giáo thế giới

Trong toàn Giáo hội, Chúa nhật áp Chúa nhật cuối tháng Mười được ấn định là Khánh nhật truyền giáo thế giới. Mục đích là để người Công giáo khắp nơi cử hành và cầu nguyện cho các hội truyền giáo và nhà truyền giáo. Đây cũng là ngày gây quỹ lớn nhất và duy nhất cho công cuộc truyền giáo của Bộ loan báo Tin mừng cho các dân tộc. Mọi người Công giáo có cơ hội đóng góp cho các chương trình truyền giáo qua việc đóng góp đặc biệt ở cấp giáo xứ. Khoảng đóng góp trung bình hàng năm tại Mỹ là 50 triệu đôla. Khánh nhật truyền giáo thế giới đã được các Đức giáo hoàng khích lệ từ năm 1926. Trong sứ điệp Khánh nhật truyền giáo thế giới năm 2022, Đức Phanxicô nhắn gửi các tín hữu “tôi tiếp tục mơ về một Hội thánh hoàn toàn truyền giáo, và một kỷ nguyên mới của hoạt động truyền giáo giữa các cộng đoàn Kitô hữu” (Số 3).

2022 – Năm đặc biệt cho vai trò truyền giáo của Giáo hội

Năm 2022 sẽ đánh dấu một số sự kiện quan trọng trong lịch sử lâu dài, mặc dù qua những tên gọi khác nhau, của Bộ Loan báo Tin mừng và bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo: kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ loan báo Tin mừng cho các dân tộc; Hội Truyền bá Đức tin đánh dấu 200 năm thành lập, và vào ngày 22/5, Đấng sáng lập của Hội là chị Pauline Jaricot được phong chân phước; kỷ niệm 100 năm ngày Hội Truyền bá Đức tin, Hội Nhi đồng Truyền giáo và Hội Truyền giáo thánh Phêrô được trở thành hội “thuộc Giáo hoàng”; và năm 2022 là kỷ niệm 150 năm sinh nhật của Chân phước Paolo Manna, Đấng sáng lập Liên hiệp Giáo hoàng Truyền giáo.

D.D. EMMONS viết từ Pennsylvania

Phụ lục: Vatican II và Bộ Loan báo Tin mừng

Công đồng Vatican II đã làm rõ vai trò truyền giáo của Giáo hội: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, vì chính Giáo hội được khởi sinh từ việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG, số 2).

Về vai trò của Bộ Loan báo Tin mừng, các nghị phụ Vatican II đã viết: “Đối với các xứ truyền giáo cũng như tất cả các hoạt động truyền giáo, chỉ một cơ quan Toà Thánh có thẩm quyền, đó là “Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin”, [ngày nay có tên là Bộ Loan báo Tin mừng] đảm trách việc điều hành và phối hợp công cuộc truyền giáo cũng như sự hợp tác truyền giáo trên toàn thế giới. . .

Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cũng phải cổ võ ơn kêu gọi và tinh thần truyền giáo, lòng nhiệt thành và việc cầu nguyện cho các vùng truyền giáo, đồng thời cũng phổ biến những thông tin chính thức và đầy đủ về các vùng truyền giáo. Thánh Bộ cũng phải kêu gọi và phân bổ các nhà truyền giáo đến những nơi có nhu cầu khẩn cấp hơn. Phải sắp đặt kế hoạch hoạt động cho hợp lý, đưa ra những tiêu chuẩn hướng dẫn và những nguyên tắc thích nghi cho việc rao giảng Tin Mừng, đồng thời đẩy mạnh công cuộc truyền giáo. Thánh Bộ phải phát động và phối hợp để việc lạc quyên có kết quả và phân phối tùy theo nhu cầu hay lợi ích . . .” (AG, số 29).

Ban học tập Sao Biển
Chuyển ngữ từ:
thepriest.com

Nguồn: stellamaris.edu.vn (13.6.2022)

LỊCH PHỤNG VỤ