Thánh

VINHSƠN PHẠM VĂN DƯƠNG

Thu thuế (1821 - 1862)

Ngày tử đạo: 06 tháng 6

Tôi luôn tuân phục lệnh vua quan trong những điều phải lẽ, còn việc bắt tôi phải từ bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa của tôi thì tôi không thể vâng lệnh vua mà chối bỏ Chúa tôi được.

Thánh Vinhsơn Phạm Văn Dương sinh năm 1821 tại xứ Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình. Ông lập gia đình và sinh được 3 người con. Ông giữ đạo tốt lành và giáo dục con cái sống đức tin. Ngoài việc canh tác ruộng nương như mọi nông dân khác, ông còn kiêm thêm việc thu thuế trong làng.

Sau chiếu chỉ Phân sáp của vua Tự Đức vào tháng 8 năm 1861,  cuối tháng 09 năm 1861, ông Phạm Văn Dương và nhiều tín hữu bị bắt, bị phân sáp vào làng Mỹ Nhuệ. Suốt 9 tháng bị nhục hình, ông nhất quyết không bước qua Thánh Giá. Tại công đường, quan tra hỏi: “Là người làm việc thu thuế cho triều đình, mi phải làm gương tuân lệnh vua mà từ bỏ đạo Giatô mới phải, tại sao lại ngoan cố, chống lại lệnh triều đình?” Ông đáp: “Thưa quan, tôi luôn tuân phục lệnh vua quan trong những điều phải lẽ, còn việc bắt tôi phải từ bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa của tôi thì tôi không thể vâng lệnh vua mà chối bỏ Chúa tôi được”.

Ngày 06-6-1862, người thu thuế Vinhsơn Phạm Văn Dương lãnh án thiêu sinh. Thi hài của thánh nhân được các tín hữu an táng ngay nơi tử đạo, sau được cải táng về Nhà thờ Thánh Vinh Sơn, xứ Kẻ Mèn.

Người nông dân và thu thuế Vinhsơn Phạm Văn Dương được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ