Thánh Phêrô Trương (Phạm) Văn Thi, tử đạo ngày 21 tháng 12 năm 1839

20/12/2022

Thánh Phêrô Trương (Phạm) Văn Thi, tử đạo ngày 21 tháng 12 năm 1839

Thánh

PHÊRÔ TRƯƠNG (PHẠM) VĂN THI

Linh mục (1763 - 1839)

Ngày tử đạo: 21 tháng 12

Dù thế nào mặc lòng, khi có người đau ốm nặng nguy tử, các con cũng phải đón cha đi xức dầu bệnh nhân, kẻo gây thiệt hại linh hồn người bệnh.

Thánh Phêrô Trương Văn Thi sinh năm 1763 tại xứ Kẻ Sở, Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Dù xuất thân từ gia đình nghèo nhưng cha mẹ có lòng đạo đức, sốt sắng. Dòng họ của cha cũng có một người chịu tử vì đạo, đó là thầy Đường, là con anh ruột của cha Thi. Cha Thi chịu chức linh mục lúc bốn mươi ba tuổi.

Cha mẹ cha Thi nghèo, cho con đi chăn bò cho dòng Mến Thánh Giá Kẻ Đầm. Các nữ tu thấy cậu có đức tính tốt nên xin cha xứ nuôi và cho vào nhà xứ (nhà Đức Chúa Trời). Bấy giờ cậu mới được mười hai tuổi. Cậu Thi ngày càng thêm sốt sắng nhân đức, nên bề trên cho vào nhà trường học hành, về sau làm thầy giảng. Chẳng bao lâu, bề trên gọi thầy Thi vào chủng viện và thầy được lãnh nhận thánh chức linh mục vào ngày 22-3-1806, lúc 43 tuổi. Sau khi chịu chức, cha Thi được cử đi coi sóc xứ Sông Chảy, tỉnh Phú Thọ và ở đấy hai mươi bảy năm.

Giáo hữu đã làm chứng về cha rằng: Cha Thi là người rất nhân đức và sống khó nghèo. Cha dâng Thánh lễ cách nghiêm trang, sốt sắng, thường ăn chay các ngày thứ Sáu trong tuần.

Đức cha Du[1] khen cha Thi rằng: Cha Thi đã già nhưng người sống mực thước và giữ các lễ phép kỹ càng lắm. Đức cha Khiêm[2] làm chứng: Năm 1835 tôi mới biết cha Thi. Tôi thấy người rất sốt sắng và giữ mực thước trong cách cư xử. Người rất hiền lành và khôn ngoan.

Vì có lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng, giáo dân không dám mời cha đi giúp các bệnh nhân. Khi nghe tin, cha rất buồn và nhắc nhở các tín hữu: “Dù thế nào mặc lòng, khi có người đau ốm nặng nguy tử, các con cũng phải đón cha đi xức dầu, kẻo gây thiệt hại linh hồn người bệnh”.

Năm 1833, khi cha được 70 tuổi, bề trên đổi cha về xứ Kẻ Sông. Bấy giờ đang cấm đạo ngặt, đến nỗi cha phải ẩn ở nhà các giáo hữu. Cha Thi coi sóc xứ Kẻ Sông được bảy năm thì bị lý Pháp cùng bốn đầy tớ bắt cùng với cha Dũng Lạc đang khi hai cha đến xưng tội với nhau. Thấy cha Thi bị bắt, cha Dũng Lạc cũng xưng là đạo trưởng và bị bắt giải về huyện Bình Lục.

Các tín hữu lo tiền để chuộc hai cha nhưng lại bị quan huyện bắt lại vào ngày 10-10-1839. Có giáo hữu định cầm cố cả cơ nghiệp để lấy tiền mà chuộc hai cha, đồng thời viết thư cho cha Lạc rằng: “Lạy cha! Cha chịu tử vì đạo thì được một mình cha lên Thiên Đàng, nhưng nếu cha còn ở lại thì chúng con được nhờ, xin cha nghĩ lại”. Người nhà quan cũng đã nói rằng: “Hễ khi có tiền, thì chúng tôi bỏ người vào võng mà võng ra”. Thế nhưng cha Lạc cấm và nói: “Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba nên quyết vâng ý Đức Chúa Trời định cho tôi làm vậy. Đừng chuộc tôi làm gì”.

Qua ba ngày, quan huyện giải cha lên Kẻ Chợ. Bởi vì cha Thi đã già và yếu đuối, quan huyện bảo giáo hữu thuê võng cho cha, còn cha Lạc thì mang gông đi chân không. Đến tỉnh, hai cha bị tra hỏi ba lần. Quan án bảo bước qua thập giá để quan tha nhưng các cha cương quyết không chịu.

Hai cha biết chắc mình sẽ bị xử trảm nên đọc kinh cầu nguyện, dọn mình chịu chết. Cha Thi yếu lắm, chỉ nằm nghỉ. Cha Lạc tươi tỉnh vui vẻ như khi ở nhà và yên ủi cha già rằng: “Ta hãy chịu khó ít nữa để ta được gặp Cha Cả”.

Ngày 16-11-1839, ông tổng Thìn dẫn cha Trân đưa Mình Thánh vào cho hai cha. Ngày 21-12-1839, hai cha bị đưa ra cửa ô Cầu Giấy. Cha Thi cùng cầu nguyện với cha Lạc, rồi cha bảo với lý hình: “Tôi đã xong rồi, các ông cứ việc”. Cha Thi bị trói vào cọc rồi bị xử trảm.

Linh mục Phêrô Trương Văn Thi được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ




[1] Đức cha Du: Đức Giám mục Tây Đàng Ngoài, Jean Marie Havard Du.

[2] Đức cha Khiêm: Đức cha Charles Hubert Jeantet (1858 - 1861).

LỊCH PHỤNG VỤ