Thánh Inhã trước khi hoán cải

23/06/2021


THÁNH INHÃ TRƯỚC KHI HOÁN CẢI

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Mục lục

Dẫn nhập. 1

I. Inhã mở mắt chào đời 2

II. Tuổi thơ của thánh Inhã. 3

III. Thọ giáo tại hoàng cung Arévalo. 5

IV. Phục vụ triều đình tại Navarra. 8

V. Dấu ấn thời trẻ của Inhã trong Linh đạo Inhã. 9

Tạm kết


Dẫn nhập

Tuổi thơ và thời thanh thiếu niên luôn là thời gian quan trọng quyết định đến nhân cách của một con người. Tuy thời gian này chúng ta không có, hoặc rất ít những cống hiến, nhưng đó lại là nền móng để dựng xây thành công của chúng ta sau này. Có lẽ vì lý do này mà 12 năm trên ghế nhà trường và những năm đại học như những tháng ngày đổ móng cho một đời người. Chắc chắn vì lý do này mà giáo dục từ phía xã hội và Giáo hội, ai cũng để tâm để trau dồi nhân cách và trí thức cho người trẻ.

Trong truyền thống của người Do Thái, 12 tuổi là thời gian đánh dấu sự trưởng thành của một con người ở phương diện tôn giáo. Bởi đó câu chuyện Đức Giêsu lúc 12 tuổi lên đền thờ, cho thấy Đức Giêsu bước vào giai đoạn ý thức mãnh liệt về sứ mạng Chúa Cha trao phó: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? (x. Lc 2,41-52). Từ ý thức đó, Đức Giêsu tiếp tục được dạy dỗ, và ngài tự trau dồi để chờ ngày chính thức loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Trong câu chuyện của bất kỳ ai cũng thế, dường như thời thơ ấu, thanh thiếu niên luôn lưu lại trên nhân cách của mình về sau. Kể cả những sai lầm, tội lỗi hoặc thất bại trong quá khứ cũng có khi làm bài học để những ai dám đứng lên, để dựng xây tương lai tốt đẹp cho riêng mình. Bởi thế chúng ta đều yêu quý thời gian đổ nền này. Đó không chỉ là kỷ niệm đẹp, nhưng còn là yếu tố giúp ta thành công trong suốt quảng thời gian về sau.

Về mặt học thuật, chúng ta thấy nhà tâm lý Erik Erikson nói về 8 giai đoạn phát triển của tâm lý con người. Trong đó giai đoạn thanh thiếu niên (adolescence, từ 13 đến 19 tuổi) ảnh hưởng nhất đến căn tính (identity) của một người[1]. Lawrence Kohlberg, nhà tâm lý người Mỹ cũng nói về các giai đoạn phát triển về luân lý trong con người (Kohlberg's stages of moral development)[2] về phân biệt thần loại (good spirit và evil spirit) xem tác động của trần thế trên tâm hồn của chúng ta. Jean Will Fritz Piaget (1896-1980), nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ, nghiên cứu về nhận thức luận với trẻ em. Lý thuyết về phát triển nhận thức và góc nhìn nhận thức luận của Piaget được gọi chung là “Nhận thức luận di truyền”. v.v.

Vài lời dẫn trên đây, tôi muốn nói đến cuộc đời thánh Inhã, Đấng sáng lập Dòng Tên. Chúng ta ít để ý đến tuổi thơ hoặc thời trẻ của các vị thánh; tuy nhiên, đó thực sự là thời gian cho các ngài xây dựng đời sống thánh thiện sau này của họ. Chẳng hạn thánh Inhã mà chúng ta sắp tìm hiểu đây. Vài ví dụ:

1. Chúng ta vẫn gọi thánh Inhã là vị “thánh của chiến sĩ, của hiệp sĩ”, bởi thời thanh thiếu niên của Ngài gắn liền với điều ấy. Trong sách Tự Thuật, chàng trai Inhã khởi đầu câu chuyện bằng một lời giới thiệu rất tổng quát: “Cho đến năm 26 tuổi[3], Inhã chỉ mải mê với những chuyện phù phiếm thế gian, đặc biệt là ham mê võ nghệ, với ước ao mãnh liệt và phù phiếm là được nổi tiếng.” Xét về đời sống thiêng liêng, chặng đường trên dưới 30 năm đầu đời của Inhã không có gì nổi bật, nếu không muốn nói là mắc nhiều sai lầm. Tuy nhiên, trên con đường tiến thân trong môi trường quý tộc, đó lại là một quãng thời gian được đầu tư bài bản với một mục đích rất rõ ràng: trở thành hiệp sĩ triều đình.

2. Chúng ta biết trong Linh Thao, Inhã đòi hỏi lòng quảng đại đối với Thiên Chúa, bởi điều này Inhã được trui rèn và sống với điều này thời còn vung gương múa kiếm phục vụ vua trần gian. Về sau Inhã viết: “Người luyện tập Linh Thao, sẽ được nhiều ích lợi, nếu bước vào với lòng quảng đại và hào hiệp với Ðấng tạo Hóa và Chúa mình.” (LT 5)

3. Sau cùng nhưng chưa hết, chúng ta thấy Inhã chỉ ra những chiến thuật bài binh bố trận của kẻ thù là ma quỷ[4]. Để chiến thắng, chúng ta cũng phải dùng những chiến thuật để chống lại thế lực quỷ ma này. Đó là kinh nghiệm một thời binh nghiệp của Inhã.

I. Inhã mở mắt chào đời

Inhã sinh năm 1491 (trước ngày 23 tháng 10) tại lâu đài Loyola ở tỉnh Guipúzcoa nước Tây Ban Nha. Tên đầy đủ của ngài là Iñigo López de Loyola. Cha ngài là ông Beltrán Ibánez de Onaz[5], mẹ ngài là bà Marina Sánchez de Licona. Inhã là con út trong số 13 anh chị em gồm 9 trai và 4 gái.

 Về tình hình thế giới, sau năm Inhã chào đời, Christopher Columbus (1451-1506) khám phá ra Châu Mỹ. Đây cũng là thời gian lộn xộn nhất của Giáo hội Công giáo với sự chia rẽ của Martin Luther (1483-1546). Chính trị phải kể đến sự tranh giành quyền lực đất đai của các cường quốc giữa Pháp, Ý, Anh và Tây Ban Nha. Đó cũng là thời gian của phong Trào Phục Hưng và Chủ Nghĩa Nhân Văn[6]. Inhã dĩ nhiên, như một trẻ thơ, hoàn toàn không để ý đến thế sự ngoài kia. Ngài may mắn được cung phụng trong một gia đình khá giả, đạo đức và có tầm ảnh hưởng.

Về kinh tế, gia đình Loyola phải kể là giàu có, gia đình Loyola có nhiều bất động sản, cộng với truyền thống gia đình quý tộc, có công với triều đình, nên nhận được nhiều bổng lộc. Đạo đức vì thời đó người Tây Ban Nha nói chung, và sứ Basco của  Inhã nói riêng, một lòng trung thành với Giáo Hội. Họ đọc kinh hằng ngày, dự lễ mỗi Chúa Nhật, sùng kính Đức Mẹ, năng đi hành hương. Trong gia đình vùng của Inhã ai cũng có ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ. Nhất là với gia đình trung thượng lưu, tôn giáo như là chuẩn mực để người khác nhìn vào mà ngưỡng mộ. Về mặt ảnh hưởng, sau chiến thắng Beotíbar năm 1321, dòng họ Loyola được vua Alfonso XI phong hiệp sĩ và từ đó họ một lòng gắn bó chặt chẽ với triều đình Tây Ban Nha. Cũng từ đó, gia đình Loyola được hưởng một đặc ân là gởi một người con trai đến thụ huấn trong lâu đài của một trong những quan chức cao cấp nhất của triều đình, mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

Mở ngoặc nơi đây, tuy đạo đức, nhưng xứ Basco có hai tật xấu gần như cố hữu là bài bạc và phóng đãng. Riêng dân Azpeitia quê của Inhã còn thêm tật gây gỗ. Sau khi hoán cải, Inhã có lần về quê nhà để góp ý với chính quyền về tệ nạn này. Xứ Basco (giờ là cộng đồng tự trị) là vùng lãnh thổ giáp với Pháp, được ngăn cách bởi dãy Pyrénées. (Basco vẫn là 1 phần của nước Tây Ban Nha, chứ không phải một quốc gia độc lập).

Gia đình Inhã thực sự khá giả tại Loyola. Ngày nay Loyola là một vùng quê mùa, hẻo lánh, nhưng vì có lâu đài Loyola nên lượng du khách đến đây nhiều hơn. Tuy nhiên, 500 năm trước, Loyola ở giữa một thung lũng dài cong, chỗ sâu nhất là con sông Urola, phải nhờ độ cao mới đủ sức chạy cối xay và lò rèn. Một thung lũng như bao thung lũng khác, giữa vùng đồi núi chập chùng. Mùa xuân và mùa hạ mặc bộ áo rừng cây xanh mướt. Mùa thu thì áo ấy thay màu rồi tàn úa. Ngày nay lâu đài vẫn còn tồn tại và thuộc quyền sở hữu của dòng Tên. (Có một nhà thờ do dòng Tên cai quản và một cộng đoàn dòng Tên ở đây, tại lâu đài này. Ngoài ra, nó cũng được xem như viện bảo tàng, cho khách đến tham quan thánh tích của Inhã).

Công tử Lope García de Onaz kết hôn với tiểu thư Inés de Loyola và lâu đài Loyola được tặng làm của hồi môn. Cặp vợ chồng Onaz-Loyola có được duy nhất một người con gái cũng tên là Inés như mẹ. Người này kết hôn với một người trong cùng dòng tộc tên là Juan Pérez, và sinh được 7 người con trai. Chúng ta không biết ông nội thánh Inhã Juan Pérez IV qua đời năm nào. Về cha mẹ của Inhã, ngày 13.7.1467, Beltrán Yánez kết hôn với Marina Sáenz de Licona. Bà là con gái một nhà trí thức, tiến sĩ luật, thành viên Hội Đồng Hoàng Triều Castilla. Đúng là môn đăng hộ đối! Phải thừa nhận rằng Inhã may mắn được sinh trong một gia đình có truyền thống trung thành với vua và hết lòng với đạo. Đúng là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh!

II. Tuổi thơ của thánh Inhã

Có lẽ theo thói quen thời đó, Iñigo López de Loyola được rửa tội ngay sau ngày sinh tại nhà thờ giáo xứ Azpeitia[7], và được nhận tên chính thức là Iñigo[8] (tại Việt Nam quen gọi là thánh Inhã /hoặc Inhaxiô thành Loyola). Trong Tự Thuật và nhiều tài liệu khác, Inhã ít/thậm chí không hề khi nhắc đến mẹ ruột của mình, có lẽ vì bà mất sớm, nên hình ảnh của bà không đọng lại trong tuổi thơ của Inhã. Chúng ta biết tuổi thơ của Inhã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hai người phụ nữ: bà vú nuôi và chị dâu.

Thời Trung cổ, các gia đình hào mục, quý tộc có thói quen gửi cho vú nuôi chăm sóc con của mình. Sử liệu cho biết vú nuôi của Inhã là vợ một người thợ rèn. Tên của người vú nuôi này là María de Garín. Đừng quên thời chinh chiến gươm đao, thợ rèn là một nghề cực nhọc nhưng được coi trọng vì họ chế tạo vũ khí. Bà là một phụ nữ rất khỏe mạnh và rất đạo hạnh. Có lẽ 7 năm đầu đời được bà chăm sóc, Inhã ít nhiều được nuôi dưỡng bởi lòng thánh thiện của bà. Bà dạy ngài cầu nguyện với Chúa Giêsu, với Đức Mẹ, với thánh Phêrô và thánh Gioan. Bà cũng thường đưa Inhã đến nhà nguyện gần nhà để cầu nguyện với Đức Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu. Người đời vẫn truyền nhau rằng mỗi lẫn Inhã đến bức tượng này, ngài đều đọc kinh Lạy Nữ Vương[9]. (Phải chăng chính bà vú nuôi đã dạy cho ngài kinh này!?)

Khi ở nhà bà vú nuôi với tuổi tò mò của một trẻ nhỏ, Inhã chắc chắn thấy được lò rèn, thấy nhiều thanh gươm, người ta chế tạo vũ khí, v..v Điều này rất hợp lý vì nhiều năm về sau, Inhã thú nhận mình rất thích binh đao thế sự, chăm chỉ luyện gươm, đấu kiếm. Thêm nữa, sau này Inhã viết câu rất hay: “Sự bách hại là cái bễ (lò rèn) thổi bùng lên ngọn lửa nhân đức, nếu thiếu nó – xin Chúa đừng cho điều ấy xảy ra – sức lực của chúng ta sẽ tàn lụi đi và không làm được việc cho đúng.”[10]

Năm 1498, lúc này Inhã lên 7 tuổi, anh ngài là Martín García kết hôn với tiểu thư Magdalena de Araoz (em gái của thái tử Charles V). Trong thời gian này, Inhã được đưa về chung sống với anh chị. Điều này đồng nghĩa với việc Inhã được học tiếng Castellano[11] và theo phong cách quý tộc tại lâu đài Loyola. Tôi chưa có dịp đến lâu đài này, nhưng nghe người ta kể và trong sách cũng nói: Lâu đài Loyola gồm tầng trệt và ba tầng lầu. Tầng trệt được dùng làm nơi để đồ đạc; tầng lầu 1 dành cho gia nhân, nhà bếp, và võ khí; tầng lầu 2 có phòng ông bà chủ, phòng ăn và phòng tiếp khách; tầng lầu 3, trên nhất, gồm các phòng cho con cái và phòng cho khách. Như vậy thánh I-nhã ở tầng cao nhất, sát mái. Bên trong nhà từ trần tới sàn và cầu thang, tất cả đều bằng gỗ quý.

Tỉnh Guipúzcoa, nơi Inhã sống có lẽ ít xảy ra chiến sự. Tuy nhiên do tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau mà hai phe từ các gia đình hào mục ở đây đấu đá lẫn nhau. Dẫu sao đó là chuyện mà thời thơ ấu của Inhã chưa chịu tác động nhiều.

Sau 7 tuổi, Inhã được chị dâu Magdalena chăm sóc. Nếu có giờ, chúng ta có thể đọc tiểu sử thú vị của người chị dâu này, một người sống đạo đức, cung cách hành xử nhã nhặn. Magdalena cũng chính là người chăm sóc cho Inhã lúc dưỡng thương, sau trận chiến ở Pamplona. Lúc ấy Inhã nhờ chị dâu tìm sách kiếm hiệp để giết thời gian, nhưng chính chị này đã đưa cho Inhã hai cuốn sách làm thay đổi cuộc đời Inhã: Hạnh các thánh và cuộc đời Chúa Giêsu. Cha Nadal, một trong những người kề cận thánh Inhã nhận xét về Magdalena như sau: 

Inhã trải qua tuổi niên thiếu ở nhà, ngoài anh chị, Inhã còn được một thầy giáo hướng dẫn. Thay thế mẹ ngài ở gia đình là người chị dâu vừa xinh đẹp vừa đạo hạnh, lại được sống và giáo dục một thời gian trong hoàng cung cho tới ngày kết hôn. Có hai nét đặc biệt nơi bà[12]: (1) cung cách xử sự nho nhã của các mệnh phụ và tiểu thư trong đình; (2) đời sống đạo hạnh trí thức hơn, có một số sách đạo, (trong đó hai cuốn nói trên đã ảnh hưởng lớn đến cuộc hoán cải của thánh Inhã). 

Với sự chỉ bảo của Magdalena, Inhã tiến rất nhanh trong ngôn ngữ cũng như cung cách hành xử xứng với con nhà quý tộc. Từ cách ăn mặc, nói năng, cho đến lối sống và suy nghĩ, Inhã đều xứng đáng với truyền thống gia đình. Nếu đã xem phim cuộc đời thánh Inhã, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra cách xưng hô, chào hỏi, ăn uống, cưỡi ngựa, cách tiếp khách, v.v. của Inhã đều rất chuẩn mực.

Ngoài ra thời gian này, có lẽ Inhã phải học tiếng Latinh, vì gia đình muốn cho ngài làm linh mục để hưởng giáo bổng. Số là vì thời đó, con gái thì theo chồng, nên không được quyền thừa kế; chỉ có con trai đầu mới được quyền thừa kế. Do đó, Inhã muốn tiến thân không gì khác hơn là chọn 1 trong ba hướng đi này: triều đình, hàng hải và giáo hội. Chúng ta thấy có vẻ Inhã đã chọn “binh” cả hai con đường: thành giáo sĩ và theo đời binh nghiệp. Thật ra, Inhã chỉ chọn binh nghiệp chứ không chọn giáo sĩ. Việc ngài chịu chức cắt tóc có lẽ 1 phần vì gia đình muốn, hoặc chỉ vì nhắm đến mục tiêu được hưởng giáo bổng. Nên Inhã tự xưng là giáo sĩ “giáo phận Pamplona”, nhưng điều này không quan trọng cho bằng phục vụ trong triều đình.

Theo Pedro de Leturia[13], các dấu ấn của thời niên thiếu nơi thánh Inhã là: (1) đức tin vững chắc: sau này ngoan đạo và luôn phục tùng giáo quyền; (2) thích ca nhạc; (3) thích đồng quê và thiên nhiên, mặc dầu sau này thường phải sống ở thành thị; (4) quen dùng tiếng Basco.

III. Thọ giáo tại hoàng cung Arévalo

Chắc chắn để vào được hoàng cung, người ta phải quen biết. Đối với Inhã cũng không ngoại lệ. Bộ trưởng tài chính của triều đình Castilla, và thuộc lớp quý tộc quyền thế bậc nhất tại Tây Ban Nha thời ấy, gửi thư đề nghị Don Beltran, cha Inhã, gửi Inhã đến làm tiểu đồng tại triều đình. Họ dự tính là sau này sẽ tiến cử Inhã vào triều đình. Với lời đề nghị này, Inhã rời gia đình để vào thụ giáo tại Hoàng cung tại Arévalo. Từ đây Inhã chính thức là hiệp nhi (a page), bước đầu để trở thành hiệp sĩ.

Hiện nay, Arévalo là một thị trấn với chừng 10 ngàn dân cư, thuộc tỉnh Ávila, nước Tây Ban Nha, cách thành phố Ávila (quê của thánh Têrêsa thành Ávila) 50 km về hướng bắc, cách thủ đô Madrid 125 km về hướng tây bắc. Đây là thành phố nổi tiếng về địa chính trị cũng như văn hóa vào thời Inhã. Nhiều người nổi tiếng cũng xuất thân từ đây: Nữ hoàng Isabel Công giáo (+1504), Thái hậu Isabel de Avis (+1496), hoàng tôn Fernando (1503-1564), v.v. Người đương thời truyền tụng hai câu văn nói lên tầm quan trọng của Arévalo: “Ai muốn làm bá chủ Castilla, phải chiếm được Arévalo và Olmedo; và muốn giữ được Castilla, điều quan trọng nhất là thành và lãnh địa Arévalo.”

Inhã đến đây lúc mấy tuổi?

Theo cha  Ribadeneira, người viết sử Dòng Tên, thì: “Sau những năm đầu của tuổi thơ”, thánh Inhã “được thân phụ gởi đến triều đình Các Quân Vương Công Giáo”. Cha Polanco, thư ký của Inhã thì cho rằng khi “được gởi đến triều đình của vua”, ngài mới chỉ “biết đọc biết viết”. Hiện nay hầu hết các tác giả cho là ngài đến Arévalo trong năm 1506. Như vậy lúc này Inhã 15 tuổi[14]. Thú vị là sử sách còn miêu tả diện mạo của Inhã lúc này:

- Vóc dáng dưới trung bình (sau này ngài cao 1,56 mét);

- Tóc hung, khuôn mặt tròn, đẹp trai;

- Ăn mặc bảnh bao, chải chuốt;

- Sức khỏe tốt, đi bộ giỏi;

- Thông minh, nhanh nhẹn;

- Học vấn: biết đọc và viết thông thạo tiếng Castellano (Tây Ban Nha), ngôn ngữ của triều đình và giới quý tộc;

- Biết cưỡi ngựa;

- Tính tốt: quảng đại, cầu tiến;

- Tật xấu: ham danh và hay gây gổ.

Đừng quên 12 tuổi Đức Giêsu đã ý thức được sứ mạng của mình. Thời xưa có lẽ người ta suy nghĩ chín chắn sớm hơn thời nay. Do đó, chúng ta thấy Inhã 15 tuổi, cái tuổi “sôi sục những mơ tưởng và hy vọng” của tuổi thiếu niên, đứng trước nhiều cơ hội, sẽ thành danh sau này.

Có lẽ Inhã ít nhiều bị choáng ngợp với môi trường mới. Từ mảnh đất thanh bình nơi núi rừng vi vu, Inhã chính thức bước vào phố thị, vào cung điện, vào hệ thống dinh thự nguy nga tráng lệ. Đó thuộc về giới thượng lưu, cách một trời một vực so với giới quý tộc như Inhã. Dẫu sao, chúng ta hãy để ý rằng chính nơi đây, nhân cách Inhã thực sự được định hình. Hơn nữa, chính thời gian này, và 10 năm sau đó, Inhã đã thấu đạt được nhiều bài học quan trọng. Để sau đó, Inhã dùng lại rất nhiều từ ngữ trong đời binh nghiệp áp dụng vào đời sống thiêng liêng. Ví dụ: Phục vụ, Trung thành,  Chiến thuật, Chiến đấu, Khao khát, Quảng đại và hào hiệp, Sẵn sàng, Lòng ao ước, Hai cờ hiệu, Luyện tập, Ðặt mình vào khung cảnh, Vua hằng sống, Vua trần gian.

Chương trình đào tạo tại hoàng cung

Tuy sử liệu ở đây hiếm khi nói về Inhã, nhưng qua chương trình đào tạo, chúng ta thấy có những điểm cần lưu ý:

1. Các học sinh được đào tạo để trở thành nhà lãnh đạo. Chương trình đào tạo khá toàn diện, gồm các môn: quản trị, kiếm thuật, khiêu vũ, giao tiếp, ca nhạc, văn thơ. Vì là hoàng cung danh tiếng, nên họ đã mời những vị giáo sư cực giỏi về dạy. Về sau với cương vị là bề trên Dòng mới thành lập, Inhã đã sử dụng tài lãnh đạo này một cách tuyệt vời.

2. Cưỡi ngựa, đấu kiếm phải là kỹ năng căn bản, học sinh nào cũng cần phải biết. Về khoản này, Inhã cũng rất chuyên nghiệp.

3. Về văn chương, Inhã chắc chắn biết đọc và viết tốt. Dọc theo cuốn Tự Thuật, chúng ta thấy vài lần Inhã nhận mình là người viết chữ đẹp. Ngài đã viết sách Linh Thao năm 32 tuổi tại Manresa. Sau thời gian đại học Paris sau này, Ngài đã viết Hiến Chương, hàng trăm bức thư.

4. Giao tiếp là đặc nét của chương trình đào tạo, không thể xuề xòa. Sau khi hoán cải, Inhã không chỉ tiếp xúc được giới tội lỗi, bình dân, nhưng còn thành công với những bậc vua chúa, quan quyền.

5. Ngài cũng phải học về luật pháp và quản trị. Có lẽ vì điều này mà về sau Inhã biết cách quản trị và điều hành Dòng.

Với vài điểm trên, chúng thấy thấp thoáng nơi Inhã một phong cách hiệp sĩ, văn võ song toàn. Cần lưu ý thêm ở đây là Inhã đang ở trong cái nôi của những giá trị phong kiến như: lòng trung thành, lòng dũng cảm, quảng đại, sự cam kết, sẵn sàng chịu đựng để phục vụ lãnh chúa. Cũng phải thừa nhận rằng thế giới phồn hoa ấy là chốn phù phiếm của trần gian: chạy theo hư danh trần thế, tự cao tự đại, phù phiếm, kiêu hãnh, rượu chè, tán tỉnh và một cuộc sống vô luân. Năm 1515, Inhã về quê Azpeitia để mừng lễ Tro. Ở đây, Inhã và anh trai là linh mục Pero đã tham gia vào một vụ bạo động có mưu tính trước. Sự việc diễn ra như thế nào không ai biết. Chỉ biết là Inhã là người cầm đầu trong vụ này, nên để bảo vệ mình khỏi án phạt, Inhã đã lánh sang Pamplona, nhờ vị Giám Mục để được xử khoan hồng! Anh của ngài vì là linh mục nên chỉ được xét xử theo luật giáo hội. Inhã cũng mượn danh là “giáo sĩ” vì đã chịu chức cắt tóc, gia đình lại có thế giá, nên cũng thoát tội.

Dẫu sao Inhã chỉ thực sự thủ đắc được phong cách hiệp sĩ ở Arévalo. Nói theo ngôn ngữ tuổi giới trẻ ngày nay là: Inhã có “thần thái” hiệp sĩ. Chúng ta biết thời Trung Cổ hiệp sĩ vốn là chức danh được nhiều người quý mến. Hiệp sĩ thường được tách khỏi các thành phần xã hội và biến dần thành một giai tầng quí tộc cha truyền con nối. Khi lên 7 tuổi, con trai của một hiệp sĩ được vào sống trong dinh lãnh chúa để học làm hiệp nhi (Page, học sống theo lối hiệp sĩ). Inhã đã bắt đầu ngay từ giai đoạn này. Lên 14 tuổi, làm hiệp sinh (Knappe), học sử dụng vũ khí qua các cuộc săn bắn và các buổi huấn luyện. Năm 21 tuổi, sau khi ăn chay cầu nguyện, chàng hiệp sinh được gia nhập hàng hiệp sĩ (Knight). Trong thánh lễ gia nhập trọng thể, hiệp sĩ phải thề trung thành phục vụ nhà vua và vương quốc, bảo vệ đức tin, bảo vệ phụ nữ góa bụa và trẻ mồ côi, phải can đảm, chính trực, khiêm nhu và từ tốn[15]. Lời thề này đã ăn sâu vào cung cách phụng sự Thiên Chúa của Inhã sau này.

Như vậy, hiệp sĩ phải trung thành phục vụ cho một hoàng đế hay lãnh chúa trần gian nào đó. Cha Ribadeneira, người đầu tiên viết tiểu sử Inhã, đã phác họa chân dung Inhã trong thời gian này như sau: “Một chàng trai trẻ lịch thiệp, vui tính, rất tài tử với áo quần bảnh bao và lối sống tử tế.”[16] Phải chăng với tính cách đó, sau khi hoán cải, Inhã càng có lòng thương người và luôn lịch sự, nhã nhặn trong mối tương quan. Ngoài ra, cha Juan Polanco (thư ký Inhã) viết rằng: “Trong suốt những năm Inhã sống ở Arevalo, ngài gắn liền với đức tin Công Giáo nhưng không sống đúng lý tưởng ấy và ngài tỏ ra dễ dãi trong chuyện bài bạc, phụ nữ, tranh chấp và sử dụng vũ khí.”[17]

Về đường tình duyên thì sao?

Trong Tự Thuật (TT 6), Inhã thú nhận rằng: “Inhã thường mơ tưởng đến điều phải thực hiện để hầu hạ một tiểu thơ, những phương tiện phải vận dụng để có thể đi đến quê hương nàng ở, những bài thơ và những ngôn từ mà ông phải thưa thốt với nàng, những chiến công phải chiếm đoạt được để hầu hạ nàng.” Chúng ta biết Inhã đã quá ảo tưởng vì nàng tiểu thư ấy không môn đăng hộ đối với ngài[18]. Về sau người ta cho rằng đó là công chúa Catarina[19] của nước Bồ Đào Nha.

Khi Inhã đã hoán cải, công chúa Catarina kết hôn với vua João III, và trở thành hoàng hậu nước Bồ Đào Nha (năm 1524). Khi Inhã làm tổng quản Dòng Tên, ngài rất biết ơn Catalina và vua João III về sự ủng hộ và đóng góp của họ cho Dòng. Chính vua João III đã đề nghị Inhã gửi người đi châu Á và thánh Phanxicô Xaviê đã được chọn. Nhờ vào sự hậu thuẫn của hai vợ chồng này mà ngài có tàu lên đường truyền giáo từ Lisbon đến Ấn Độ!

IV. Phục vụ triều đình tại Navarra

Vì vài lý do chính trị lùm xùm sau khi vua Fernando Công Giáo qua đời (23-1-1516), Inhã được phó vương Navarra chào đón. Navarra là mảnh đất cửa ngõ giao thông giữa Pháp và Tây Ban Nha. Ai chiếm được Navarra, xem như nước ấy bá chủ Châu Âu. Tại đây có thành Pamplona rất nổi tiếng liên quan đến trận đánh sinh tử vài năm sau đó của Inhã.

Inhã đến Navarra 1517 và ở đây 4 năm. Nếu ở Loyola hoặc Arévalo yên bình bao nhiêu, thì tại Navarra này lại phức tạp bấy nhiêu. Vì là vùng đất của tranh chấp quân sự, nên chắc chắn Inhã đã gặp được nhiều vị tướng lãnh, bàn nhiều chuyện liên quan đến chiến sự và Inhã cũng vướng vào “những chuyện phù phiếm thế gian”.

Lúc này các liên minh nổi dậy chống lại tân vương là Charles V[20] (1519-1556) ở Castile. Lý do là vì Charles bị xem là vua ngoại lai (từ xứ Flanders, Netherlands trở về làm vua). Vì đã có kinh nghiệm, hoặc quen biết những vùng đất này, nên Inhã được cử đi để thương thuyết và có kế sách tốt nhất cho Navarra. Có lẽ vì cơ hội này mà Inhã thực sự trở nên nổi tiếng cả về độ ăn chơi lẫn đối ngoại. Về độ ăn chơi, chúng ta không có nhiều sử liệu ghi lại, chỉ biết là sau khi hoán cải, Inhã đã bị dằn vặt rất nhiều về những tội lỗi trong quá khứ. Về đối ngoại, một trong những mục đích là nếu thành công, Inhã có quyền hỏi cưới người mà Inhã hằng yêu trộm nhớ.

Trong những rối ren nội bộ, Francis I (vua Pháp) nhận thấy đây là cơ hội tốt nhất để tấn công Navarra, mở đường tấn công Tây Ban Nha. Trước đó pháo đài Pamplona đã nhanh chóng được xây để khẳng định chủ quyền. Lúc quân Pháp tấn công, pháo đài này vẫn chưa hoàn tất, còn hở một lỗ lớn vốn đủ cho một lực lượng xông vào chiếm lấy. Vào ngày 20 tháng 5 năm 1521, đoàn pháo binh tinh nhuệ nhất Châu Âu bấy giờ đã đặt các khẩu pháo bên ngoài tường pháo đài Pamplona, ở Tây Ban Nha. Bên ngoài, quân lính yêu cầu những người đang trấn thủ bên trong nên đầu hàng. Hiệp sĩ Inhã và một số binh lính quyết định không chịu thua. Chỉ sau 6 giờ nã pháo của quân đội Pháp vào pháo đài, phần cuối cùng của tường thành đã bị vỡ vụn. Lúc quân bộ binh chuẩn bị ập vào trong thành, Inhã đã ngã quỵ khi đang cố rút gươm để chiến đấu. Chân phải của Inhã đã bị gãy do quả đạn pháo. Binh lính trong thành lúc đó cũng đầu hàng quân Pháp.

Thật may mắn cho Inhã vì sau đó ngài được đưa về gia đình tại Loyola để chữa trị và dưỡng thương. Những ngày tháng đó, từ người theo đời binh nghiệp, ngài trở nên người lính mới của Đức Giêsu. Sau hành trình dài hoán cải, thánh Inhã và nhóm bạn, cũng như Dòng Tên, cùng với Giáo Hội ra sức giúp đỡ các linh hồn.

Năm 2021 này, nhân kỷ niệm 500 biến cố cột mốc này, Dòng Tên mở năm thánh với mục đích như cha Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, Arturo Sosa, chia sẻ: “Khao khát của tôi trong tâm điểm của năm thánh Inhã là giúp chúng ta lắng nghe được tiếng Thiên Chúa đang mời gọi mỗi người. Chúng ta hãy để Thiên Chúa lao tác trong hành trình hoán cải của mỗi người, được gợi hứng từ kinh nghiệm cá nhân của thánh Inhã.

V. Dấu ấn thời trẻ của Inhã trong Linh đạo Inhã

Truyện xưa kể rằng đệ tử hỏi nhà sư về giác ngộ. Trước khi giác ngộ, con thấy thầy ngày nào cũng gánh nước tưới rau, vậy sau khi giác ngộ thầy làm gì? Thầy nhìn đệ tử và từ tốn trả lời: “Thì thầy vẫn gánh nước tưới rau thôi!”

Nếu hiểu giác ngộ ở một mức độ nào đó gần giống hoán cải, là bừng tỉnh, là hiểu được con đường chân lý dành cho cuộc đời mình, thì Inhã hoàn toàn khác so với nhà sư trên đây. Inhã tuy có dùng nhiều từ liên quan đến thời trẻ và thời binh nghiệp, nhưng với nội dung hoàn toàn khác nhau. Một mặt hoán cải là sửa chữa lại sai lầm và thay đổi cách sống để trở nên tốt hơn. Mặt khác, hoán cải theo tinh thần Kitô giáo là trở về với Thiên Chúa và sống theo lời mời gọi của Đức Giêsu: “nên hoàn thiện như Cha là Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,48). Trên con đường này, Inhã từ bỏ mọi sự để hiến dâng, cuộc đời về sau của Inhã hoàn toàn khác!

Nếu lấy mốc Inhã đang dưỡng thương trên giường bệnh ở Loyola (từ tháng 6 năm 1521) để so sánh hai giai đoạn trước và sau đó, chúng ta sẽ thấy những điều thú vị. Cụ thể, Inhã không chỉ để Chúa biến đổi chính tâm hồn mình, nhưng Inhã còn “rửa tội” cho những từ ngữ nhà binh, để áp dụng vào đời sống thiêng liêng.

Chúng ta thử đi vào hai cột so sánh dưới đây:

Trước Khi hoán cải

Sau khi hoán cải

Phục vụ, phụng sự

Inhã chạy theo danh vọng trần gian và sẵn lòng phục vụ vua chúa quan quyền, phục vụ triều đình như là bổn phận của người hiệp sĩ. Thậm chí sẵn sàng phục vụ, hầu hạ một tiểu thư mà ngài hằng thầm thương trộm nhớ. Được phục vụ trong triều đình, cho người mình yêu, quả là vinh dự cho Inhã.

Inhã vẫn dùng từ phục vụ, nhưng đối tượng luôn là Thiên Chúa và các linh hồn. Trong Tự Thuật, Inhã có “khát vọng lớn lao nhằm phục vụ Thiên Chúa ở mọi sự mà mình nhận biết được.”

Trong Linh Thao Inhã thường xuyên nhắc đến từ phục vụ hay phụng sự (serve): “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình.” (Lt 23, 46, 97, 135, v.v.)

- Câu châm ngôn của Inha cũng rất nổi tiếng mà chúng ta quen dùng: “Trong mọi sự yêu thương và phục vụ - En todo amar y servir.”

Trung thành

Là hiệp sĩ, Inhã một mực trung thành với nhà vua và lời hứa bảo vệ chính nghĩa. Suốt đời binh nghiệp, trung thành như là kim chỉ nam để Inhã phấn đấu và luyện tập.

Lúc này, trung thành với Thiên Chúa không chỉ là không phạm tội, nhưng còn là làm sao để cho vinh danh Thiên Chúa hơn trong việc giúp đỡ các linh hồn.

Trong cầu nguyện, Inhã cũng nhắc người cầu nguyện cần giữ lòng trung thành cả về giờ giấc lẫn sự tập trung để ở lại trong Thiên Chúa.

Chiến đấu, chiến thuật

Có lẽ từ này không chỉ để nói, nhưng chính Inhã đã ra trận, chạm trán với quân thù. Chiến tranh cần hiệp sĩ, cần binh lính. Inhã đã một thời theo đời binh nghiệp, thì việc am hiểu chiến sự hoặc bày binh bố trận của đối phương là điều dễ hiểu.

Nếu có mặt ở trận chiến tại Pamplona, chúng ta thấy máu anh hùng chiến đấu của Inhã luôn dâng trào. Quyết không đầu hàng, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh!

Chiến đấu cũng là từ quan trọng trong Kinh Thánh (Lc 13,24, Ga 18,36, Kh 12,v.v) Chính thánh Phaolô cũng dùng nhiều lần từ này[21] (Tm 6,12-15, Eph 6,12,...)

Trong Linh Thao, Inhã dành nhiều số để giúp người khác có cảm nghĩ chân chính trong Giáo hội chiến đấu (352-370).

Với Inhã, khi trở nên chiến sĩ của Đức Giêsu, ngài cũng lên đường để chiến đấu với chính mình, với ma quỷ. Nhất là trong cơn sầu khổ, Inhã mời gọi người ta càng ra sức chiến đấu để lướt thắng kẻ thù.

Có lẽ điều này cho thấy Inhã am tường chiến thuật của ma quỷ: quy tắc XIV: Kẻ thù lại còn xử sự như một tướng quân để thắng và cướp những gì nó muốn. Ví như một vị chỉ huy cầm đầu đội quân, sau khi đặt doanh trại và xem xét lực lượng hoặc cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào điểm yếu nhất; thì cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét những nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và các nhân đức luân lý khác của ta, và điểm nào nó thấy ta yếu nhất và dễ nguy nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ ta. (LT 327) 

Khao khát, quảng đại và hào hiệp

Đó là đặc tính của một hiệp sĩ. Trong trận chiến tại Pamplona, chúng ta thấy Inhã khao khát chiến thắng, sẵn lòng quảng đại hy sinh để:1. lấy lòng người tình trong mộng, 2. bảo vệ quê hương đất nước.

Quảng đại và hào hiệp là điều kiện để làm Linh Thao. “Người luyện tập Linh Thao, sẽ được nhiều ích lợi, nếu bước vào với lòng quảng đại và hào hiệp với Ðấng tạo Hóa và Chúa mình.” (LT 5)

Inhã viết: “Bạn càng gắn kết với Thiên Chúa và hết lòng xả thân phụng sự Đấng Chí Thánh bao nhiêu, Thiên Chúa sẽ càng quảng đại với bạn bấy nhiêu.”

Hai cờ hiệu

Thời Trung Cổ và trong chiến đấu, lá cờ thật quan trọng để chiến sĩ hướng về. Đó là biểu tượng mời gọi người chiến sĩ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Gia đình Inhã cũng có huy hiệu, nơi Inhã phục vụ cũng có ngọn cờ nói lên căn tính của mình.

Sau này, Inhã dùng lại biểu tượng cờ hiệu như sau:

Bên kia là cờ của Luxiphe, kẻ tử thù của bản tính loài người chúng ta:

- Ngược lại, Luxiphe cũng gọi và muốn cho mọi người ở dưới cờ của nó.

- Suy nghĩ về những điều hắn nói với lũ qủy, và về sự hắn khuyến khích chúng quăng lưới và xiềng xích như thế nào; rằng trước hết chúng phải cám dỗ về sự ham muốn của cải, như phần nhiều trường hợp thường xảy ra, để người ta dễ đi đến hư danh thế gian hơn, và sau đó đến kiêu ngạo cả thể; như thế, bậc thang thứ nhất là của cải, bậc thứ hai là danh vọng, bậc thứ ba là kiêu ngạo, và từ ba bậc thang này hắn đưa vào mọi nết xấu khác.

Thánh Inhã đã dùng hình ảnh cờ hiệu để làm một bài suy niệm quan trọng trọng Linh thao (136-148). Trong đó:

Một bên là cờ của đức Kitô, vị chỉ huy tối cao và chúa chúng ta:

- Ở đây là Chúa Kitô kêu gọi và muốn cho mọi người ở dưới cờ của Ngài.

- Ðặt mình vào khung cảnh, nhìn xem nơi chốn. Ở đây là nhìn xem một doanh trại vĩ đại bao hết miền Giêrusalem, nơi có vị chỉ huy tối cao của những người lành là Ðức Kitô, Chúa chúng ta; một doanh trại khác ở miền Babylon, nơi có tên cầm đầu các kẻ thù là Luxiphe.

Vua Hằng Sống và vua trần gian

Phần lớn tuổi thanh xuân của Inhã muốn phục vụ vua trần gian. Đó là truyền thống của gia đình hiệp sĩ, và đã thấm vào máu thịt của Inhã. Để phục vụ vua chúa trần gian, Inhã mới đi vào đời hiệp sĩ, sẵn sàng luyện tập. Lý do là Inhã muốn được nổi danh. Đỉnh cao danh vọng ấy chỉ có thể bám vào vị vua chúa nào đó.

Khi hoán cải, Inhã quay 180 độ về đối tượng phục vụ. Thay vì vua trần gian, nay là Vua Hằng Sống, đó chính là Đức Giêsu Kitô. Việc thay ngôi đổi chủ này khiến Inhã đã rất vất vả ở gian đoạn ban đầu. Đó là lời mời gọi ở đầu tuần 2 của Linh Thao: nếu tiếng gọi của vua đời tạm đối với thần dân mà còn phải để ý tới, thì điều này còn đáng để ý hơn biết bao: đó là nhìn ngắm Chúa Kitô, Vua Hằng Sống, và trước mặt Ngài, cả thế giới; Ngài kêu gọi hết thảy và từng người một; Ngài phán: “Ý Ta là muốn chinh phục cả thế gian và mọi kẻ thù địch, và nhờ thế mà vào trong vinh quang của Cha Ta; bởi vậy, ai muốn theo Ta, phải lao nhọc cùng Ta, để khi đã theo Ta trong gian khổ, cũng được theo Ta trong vinh quang.” (LT 95)

Có thể so sánh thêm: Vâng phục, đối thoại, chinh phục, canh thức, phân định điểm mạnh điểm yếu của đối phương, của ma quỷ, v.v

Trên đây là một vài ví dụ điển hình về những gì Inhã đã “thừa hưởng” từ quá khứ. Để trong Thiên Chúa và với ơn Chúa, Inhã đã thành công trong hoàn trình hoán cải. Hơn nữa, nhưng từ ngữ đó mà ngày nay trong linh đạo Inhã còn được gọi với những danh xưng chất chứa nhiều đặc sủng và đã trở thành con đường, thành công cụ thiêng liêng để giúp các linh hồn. Trong những bài thuyết trình tới, chúng ta sẽ có dịp đi vào cụ thể từng chủ đề liên quan đến linh đạo Inhã. Tạ ơn Thiên Chúa đã huấn luyện Inhã từ một thiếu nhi trở thành một hiệp sĩ thực thụ, trong môi trường văn ôn võ luyện, Inhã đã kín múc được từng ấy chất liệu để Thiên Chúa dùng và làm nên một linh đạo Inhã. Tất cả cho vinh danh Thiên Chúa hơn!

Tạm kết

Đến đây hy vọng chúng ta biết thêm về thời thơ ấu, về tuổi mộng mơ và đi theo con đường hư danh thế tục của Inhã. Đúng là chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai. Quá khứ ấy cho thánh Inhã những bài học kinh nghiệm để từ thế giới trần gian, Thiên Chúa đã mang Inhã bước vào con đường hoán cải, nên thánh. Với con người mới, là chiến sĩ mới, Inhã (cũng như Dòng Tên sau này) đã trở lại thế giới để làm mọi sự cho vinh danh Chúa hơn, với “mục đích của Dòng là, nhờ ơn Chúa, không những chăm lo cho anh em trong Dòng được cứu độ và nên hoàn thiện, nhưng cũng nhờ ơn Chúa, còn hết sức xả thân cho tha nhân được cứu độ và nên hoàn thiện nữa.” (HP 3).

WHĐ (23.6.2021)


Tài Liệu tham khảo

  Dalmases de Candido SJ, Ignatius of Loyola, Founder of the Jesuits, His Life and Work, 1985.

  Hoàng Sóc Sơn, Tự Do Yêu Mến Và Phục Vụ, Nhà Tập Thánh Tâm (lưu hành nội bộ), 2006. (bài viết tham khảo nhiều từ tập sách này)

  Thánh Inhã, Tự Thuật, Lê Quang Chủng SJ, chuyển ngữ.

  Thánh Inhã, Linh Thao, bản dịch của Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ và Mai Sơn (Mariano Manso, SJ), 2005.

  Ignatius Loyola và Dòng Tên, Bản tổng kết Linh đạo I-nhã (học với cha Emilio) năm 2012.

  Lê Đắc Thắng, S.J and Phạm Đình Ngọc, S.J, Khởi Nghiệp với Thánh Inhã - Người sáng lập D òng Tên, Tôn Giáo, 2021.



[3] Cột mốc đánh dấu sự thay đổi lớn trong cuộc đời I-nhã là biến cố xảy ra ở Pamplona. Các sử gia đều nhất trí cho biết vào dịp thành Pamplona bị quân Pháp tấn công, ngày 20-5-1521, Inhã đã 30 tuổi chứ không phải 26 tuổi.

[4] Linh Thao 140-147

[5] Ông qua đời (1506) khi Inhã 16 tuổi.

[6] Chẳng hạn vài vĩ nhân có tầm ảnh hưởng trong thời của Inha và tận sau này: Leonardo da Vinci (1452-1519), Nicolas Copernicus (1473-1543), Desiderius Erasmus (1466-1536), Teresa de Jesus (Avila) (1515-1582)

[7] Azpeitia là một đô thị trong tỉnh Guipúzcoa thuộc cộng đồng tự trị Xứ Basco, Tây Ban Nha. Dân số là 13.708 (2001) người.

[8] Do cha xứ Juan de Zabala đặt và vị thánh bảo trợ của Inhã là cha viện trưởng dòng Biển Đức Eneco de Ona.

[9] J.M. Pérez Arregui, San Ignacio en Azpeitia, monographía histórica, Madrid 1921, trang 25.

[10] Patrick J. Ryan, Thoughts of St. Ignatius Loyola for Every Day of the Year, 2006. (Ngày 13 tháng 6).

[11] Tên gọi khác của tiếng Tây Ban Nha, khác với tiếng Basco mà Inhã dùng từ bé.

[12] Trích lại: Hoàng Sóc Sơn, Thánh Inhã, tự do để yêu mến và phục vụ, lưu hành nội bộ, 2006 (chương I)

[13] Trích lại của Hoàng Sóc Sơn: El gentilhombre Inigo Lopéz de Loyola, Labor 1949, trang 48. 

[14] Đây cũng là năm sinh của thánh Phanxicô Xavier và thánh Phêrô Faber, hai người bạn thân thiết của Inhã từ môi trường đại học Paris.

[15] Josef Holzer, Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Qua 100 Trình Thuật, Đinh Phan Cư – Phạm Hồng Lam dịch, 2001, trang 174

[16] Dalmases de Candido SJ, Ignatius of Loyola, Founder of the Jesuits, His Life and Work, 1985.32.

[17] Trích trong tập tài liệu của Tập Sinh SJ khi học với cha Emiliô.

[18] Trong phim thánh Inhã, chính người này tặng cho Inhã chiếc khăn mùi xoa.

[19] Cũng có thể là một người khác: Công chúa Leonor của Áo. Dù ai trong hai người này cũng ở địa vị quá cao so với Inhã.

[20] Ông này là cháu ngoại của vua Fernando – Tây Ban Nha, và là cháu nội của vua Maximilan của Đức.

[21] “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ác thần, vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần dữ từ tận chốn trời cao” (Eph 6,11-12)

LỊCH PHỤNG VỤ