Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh - Tháng 1/2010, Tuần 1

02/01/2010

Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh - Tháng 1/2010, Tuần 1

Tháng 1/2010

 

Tuần 1: Tìm về cội nguồn, Giáo Hội ý thức mình thuộc về Chúa, được hình thành từ ý định muôn đời của Chúa Cha, là công trình của Chúa Con và Chúa Thánh Thần



P H Ầ N   M Ộ T

VỀ NGUỒN ĐỂ KHÁM PHÁ LẠI BẢN CHẤT VÀ SỨ MẠNG

Cùng với Giáo Hội, chúng ta tìm về cội nguồn và hướng về cùng đích để khám phá lại bản chất và sứ mạng của mình, để biết rõ mình là ai và hiện diện để làm gì; nhờ đó, ý thức được vai trò và nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội – tránh những phê phán và đòi hỏi không đúng đắn đối với Giáo Hội.

ĐỀ TÀI 1: GIÁO HỘI Ý THỨC MÌNH LÀ MỘT THỰC TẠI THIÊNG LIÊNG

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Trong Năm Thánh 2010, Giáo Hội Việt Nam muốn thực hiện một cuộc canh tân toàn diện. Để canh tân cách toàn diện, Giáo Hội phải biết mình là ai và có mặt trên thế giới để làm gì. Muốn thế, Giáo Hội phải tìm về cội nguồn và cùng đích của mình là Thiên Chúa. Khi tìm về cội nguồn, Giáo Hội Việt Nam ý thức mình là một với Giáo Hội Phổ Quát và có mặt trên thế giới không do ý muốn của bất kỳ một cá nhân hay tập thể nào, nhưng do lòng nhân hậu của Chúa Cha muốn cho mọi người được nhận biết và quy tụ trong Chân Lý Tình Yêu là chính Ngài.

Giáo Hội được hình thành từ ý định muôn đời của Chúa Cha hằng hữu, là công trình của Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Ep 1,3-14). Giáo Hội là cộng đoàn được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, được Chúa Giêsu cứu chuộc và giao hòa với Thiên Chúa bằng giá máu của mình, được Thánh Thần làm cho sinh động và trang bị bằng muôn vàn ân sủng để kết hợp với Đức Kitô ngày một hơn (x. Rm 12,3-8 ; Ep 4,7-13 ; 1 Cr 12,4-11). Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” của Công đồng Vaticanô II xác định Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Ba Ngôi nghĩa là được quy tụ “do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” và được thiết lập như “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.”

Vì vậy, sự quy tụ của Giáo Hội hoàn toàn khác hẳn với bất cứ cộng đồng chính trị hay kinh tế nào của nhân loại, và Giáo Hội cũng không đơn thuần là một tổ chức nhân đạo do con người chủ xướng. Giáo Hội là một thực tại xã hội nhưng trước hết và trên hết là một thực tại mầu nhiệm. Để diễn tả phần nào mầu nhiệm này, Giáo Hội tự giới thiệu như là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Muốn dấn thân vào một cuộc canh tân toàn vẹn, Giáo Hội Việt Nam phải bắt đầu từ đâu?

T. Giáo Hội phải tìm về cội nguồn và cùng đích của mình là Thiên Chúa để biết mình là ai và có mặt tại Việt Nam để làm gì.

2-H. Quy chiếu vào Thiên Chúa, Giáo Hội Việt Nam nói mình là ai?

T. Giáo Hội Việt Nam ý thức mình là một với Giáo Hội Phổ Quát và có mặt không do ý muốn của bất kỳ một cá nhân hay tập thể nào, nhưng do lòng nhân hậu của Chúa Cha muốn cho mọi người được nhận biết và quy tụ trong Chân Lý Tình Yêu là chính Ngài. Giáo Hội biết rằng mình được khai sinh từ mầu nhiệm Ba Ngôi và được thiết lập như “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.”

3-H. Giáo Hội nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng khác với cộng đồng chính trị hay kinh tế ở những điểm nào?

T. Giáo Hội khác hẳn với cộng đồng chính trị hay kinh tế vì được quy tụ do sáng kiến của Thiên Chúa và để phục vụ cho công trình cứu độ của Ngài.

4-H. Nhờ đâu mà Giáo Hội có mặt tại Việt Nam?

T. Giáo Hội có mặt tại Việt Nam nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần xuyên qua lịch sử truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo và làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.”

5-H. Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” của Công đồng Vaticanô II xác định thế nào về nguồn gốc của Giáo Hội?

T. Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” của Công đồng Vaticanô II xác định Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Ba Ngôi, nghĩa là từ sáng kiến của Chúa Cha, khôn ngoan của Chúa Con và tình yêu của Chúa Thánh Thần.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Tại sao muốn canh tân cách toàn vẹn, Giáo Hội Việt Nam lại phải tìm về cội nguồn và cùng đích của mình là Thiên Chúa?

2. Nhiều người mong muốn và đòi hỏi Giáo Hội dấn thân vào các hoạt động chính trị và xã hội như một tổ chức hay một thế lực. Đòi hỏi ấy, theo bạn, có đúng không? Tại sao?

3. Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng quan niệm thế nào về trách nhiệm của Giáo Hội trước các vấn đề chính trị và xã hội ?


LỊCH PHỤNG VỤ