Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2023
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY HOÀ BÌNH THẾ GIỚI NĂM 2023
Vatican News Tiếng Việt
Vatican News (16.12.2022) - Ngày 16/12/2022 Đức Thánh Cha Phanxicô đã
công bố sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 56, được cử hành vào ngày 1
tháng 1 năm 2023. Trong sứ điệp Đức Thánh Cha nhắc lại rằng tất cả các cuộc khủng
hoảng đều có mối liên hệ với nhau và chúng ta không được quên bất kỳ cuộc khủng
hoảng nào, nhưng hãy hành động vì lợi ích của nhân loại.
SỨ ĐIỆP CỦA
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NGÀY THẾ GIỚI HOÀ BÌNH LẦN THỨ 56
01/01/2023
Không ai
có thể được cứu một mình.
Bắt đầu lại từ Covid-19 để cùng nhau vạch ra những con đường hòa bình
"Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến,
anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày
của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm" (1 Tx 5,1-2)
1. Với những lời này, Thánh Tông Đồ Phaolô mời gọi
cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca, trong khi chờ đợi gặp gỡ Chúa, hãy kiên định, với
đôi chân và trái tim đứng vững trên trái đất, có khả năng chăm chú nhìn vào thực
tại và các biến cố của lịch sử. Vì thế, ngay cả khi những biến cố trong cuộc sống
của chúng ta có vẻ quá bi thảm và chúng ta cảm thấy bị đẩy vào đường hầm tăm tối
và khó khăn của bất công và đau khổ, chúng ta được mời gọi để giữ cho tâm hồn
mình rộng mở với niềm hy vọng, tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng hiện diện, đồng
hành với chúng ta cách dịu hiền, nâng đỡ chúng ta khi mệt mỏi và trên hết, hướng
dẫn hành trình của chúng ta. Vì lý do này, Thánh Phaolô không ngừng khuyên cộng
đoàn hãy tỉnh thức, tìm kiếm sự thiện, công bình và sự thật: "Vậy, chúng
ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ"
(5,6). Những lời của thánh nhân là một lời mời gọi hãy luôn tỉnh thức và đừng
khép kín trong sự sợ hãi, buồn phiền hay cam chịu, đừng để bị phân tâm hay nản
lòng nhưng ngược lại, hãy như những người lính canh có thể tỉnh thức và sẵn
sàng để nhìn thấy ánh sáng đầu tiên của bình minh, nhất là vào những giờ đen tối
nhất.
2. Covid-19 nhấn chìm chúng ta trong đêm tối. Nó
làm mất ổn định cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đảo lộn các kế hoạch và thói
quen của chúng ta, đồng thời phá vỡ sự yên bình bề ngoài của cả những xã hội
giàu có nhất, tạonên sự mất định hướng và đau khổ và gây ra cái chết cho rất
nhiều anh chị em của chúng ta.
Bị đẩy vào vòng xoáy của những thách đố bất ngờ
và vào một tình cảnh khó hiểu ngay cả từ quan điểm khoa học, các nhân viên y tế
trên thế giới đã nỗ lực hành động để xoa dịu nỗi đau của nhiều người và cố gắng
khắc phục nó; các chính quyền chính trị cũng thế, họ đã phải áp dụng các biện
pháp đáng kể về mặt tổ chức và điều hành các nỗ lực ứng phó với tình trạng khẩn
cấp.
Ngoài các chiều kích thể lý, Covid-19 đã gây nên
tình trạng bất ổn chung nơi nhiều cá nhân và gia đình; thời gian dài bị cô lập
và nhiều hạn chế khác nhau về quyền tự do đã góp phần gây ra tình trạng bất ổn
này, với những tác động lâu dài đáng kể.
Chúng ta cũng không thể quên những rạn nứt trong
trật tự kinh tế và xã hội của chúng ta mà đại dịch đã phơi bày, khi cho thấy những
mâu thuẫn và bất bình đẳng. Nó đe dọa sự bảo đảm trong công việc của nhiều cá
nhân và làm trầm trọng thêm vấn đề cô đơn ngày càng gia tăng trong xã hội của
chúng ta, đặc biệt là đối với những người nghèo và những người khốn khó. Ví dụ
chúng ta nghĩ đến hàng triệu người lao động phi chính thức ở nhiều nơi trên thế
giới bị không có việc làm và không có bất kỳ sự hỗ trợ nào trong thời gian
phong tỏa.
Hiếm khi các cá nhân và xã hội đạt được tiến bộ
trong những hoàn cảnh tạo ra cảm giác tuyệt vọng và cay đắng như thế: thực tế,
nó làm suy yếu những nỗ lực vì hòa bình và gây ra những xung đột xã hội, thất vọng
và bạo lực đủ loại. Theo nghĩa này, đại dịch dường như đã làm đảo lộn cả những
khu vực yên bình nhất trên thế giới của chúng ta, và phơi bày vô số sự mong
manh.
3. Sau ba năm, đã đến lúc đặt câu hỏi, học hỏi,
trưởng thành và để bản thân chúng ta được biến đổi như là những cá nhân và cộng
đồng; đây là thời điểm đặc biệt để chuẩn bị cho "ngày của Chúa". Tôi
đã có cơ hội nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi
những thời điểm khủng hoảng mà vẫn như trước: hoặc chúng ta sẽ tốt hơn hoặc sẽ
tệ hơn. Hôm nay chúng ta được mời gọi để tự hỏi: chúng ta đã học được gì từ
tình cảnh đại dịch này? Chúng ta sẽ phải đi những con đường mới nào để từ bỏ xiềng
xích của những thói quen cũ, để chuẩn bị tốt hơn, để dám làm những điều mới?
Chúng ta có thể nhìn thấy những dấu hiệu nào của sự sống và hy vọng để giúp
chúng ta tiến về phía trước và cố gắng biến thế giới của chúng ta thành một nơi
tốt đẹp hơn?
Chắc chắn, sau khi đã trực tiếp cảm nghiệm sự
mong manh phân biệt thực tại của con người và cuộc sống cá nhân của chúng ta,
chúng ta có thể nói rằng bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Covid-19 là
nhận thức rằng tất cả chúng ta đều cần nhau, rằng kho báu lớn nhất của chúng
ta, nhưng cũng mỏng manh nhất của chúng ta, là tình huynh đệ của con người, được
thiết lập trên tư cách là các anh chị em, con cái của Chúa, và không ai có thể
tự cứu mình. Do đó, điều khẩn cấp là phải cùng nhau tìm kiếm và cổ võ các giá
trị phổ quát có thể hướng dẫn sự phát triển của tình huynh đệ nhân loại này.
Chúng ta cũng học được rằng sự tin tưởng mà chúng ta đặt vào sự tiến bộ, công
nghệ và hiệu quả của sự toàn cầu hóa không chỉ quá mức mà còn biến thành sự
sùng bái cá nhân và ngẫu tượng, làm tổn hại đến chính lời hứa về công bằng, sự
hòa hợp và hòa bình mà chúng ta đã hết sức tìm kiếm. Trong thế giới phát triển
nhanh chóng của chúng ta, các vấn đề phổ biến về bất bình đẳng, bất công, nghèo
đói và phân biệt đối xử tiếp tục gây ra tình trạng bất ổn và xung đột, đồng thời
tạo ra bạo lực và thậm chí là chiến tranh.
Một mặt, đại dịch đã cho thấy rõ tất cả những vấn
đề đã nêu trên, mặt khác, nó cũng có những tác động tích cực. Những điều này
bao gồm việc quay trở lại cần có với sự khiêm nhường, suy nghĩ lại về một thái
độ tiêu dùng và một ý thức mới về tình liên đới, điều đã khiến chúng ta nhạy cảm
hơn với nỗi đau khổ của người khác và nhu cầu của họ. Chúng ta cũng có thể nghĩ
đến những nỗ lực, mà trong một số trường hợp thực sự là anh hùng, được thực hiện
bởi tất cả những người đã làm việc không mệt mỏi để giúp mọi người có thể thoát
khỏi cuộc khủng hoảng một cách tốt nhất có thể.
Từ kinh nghiệm này xuất phát một nhận thức mạnh
mẽ mời gọi tất cả, các dân tộc và các quốc gia, đặt lại ở vị trí trung tâm từ
ngữ “cùng nhau”. Bởi vì chính cùng với nhau, trong tình huynh đệ và liên đới,
chúng ta xây dựng hòa bình, đảm bảo công lý và thoát khỏi những thảm họa lớn nhất.
Thật vậy, những phản ứng hiệu quả nhất đối với đại dịch đến từ các nhóm xã hội,
các tổ chức công và tư, cũng như các tổ chức quốc tế biết đặt qua một bên lợi
ích cụ thể của họ và tham gia vào các lực lượng để đối phó với các thách đố. Chỉ
có nền hòa bình phát xuất từ tình yêu thương huynh đệ và vô vị lợi mới có thể
giúp chúng ta vượt qua những khủng hoảng cá nhân, xã hội và toàn cầu.
4. Mặc dù vậy, vào đúng thời điểm mà chúng ta
dám hy vọng rằng những giờ phút đen tối nhất của đại dịch Covid-19 đã qua đi,
thì một thảm họa khủng khiếp mới lại giáng xuống nhân loại. Chúng ta đã chứng
kiến sự tấn công dữ dội của một tai họa khác: một cuộc chiến khác, ở một mức
độ nào đó giống như cuộc chiến của Covid-19, nhưng được thúc đẩy bởi những chọn
lựa sai lầm của con người. Cuộc chiến ở Ucraina đang mang đến những nạn nhân vô
tội và gieo rắc sự bất an, không chỉ giữa những người bị ảnh hưởng trực tiếp,
mà còn lan rộng và không chừa một ai, kể cả những người ở cách xa hàng ngàn cây
số cũng phải chịu những tác động phụ của nó - chúng ta chỉ cần nghĩ đến sự thiếu
hụt ngũ cốc và giá nhiên liệu.
Rõ ràng, đây không phải là thời kỳ hậu Covid mà
chúng ta đã hy vọng hoặc mong đợi. Thực tế là cuộc chiến này, cùng với tất cả
các cuộc xung đột khác trên toàn cầu, là một bước thụt lùi cho toàn thể nhân loại
chứ không chỉ cho các bên liên quan trực tiếp. Trong khi vắc-xin cho Covid-19
đã được tìm ra, các giải pháp phù hợp cho cuộc chiến vẫn chưa được tìm thấy. Chắc
chắn, vius chiến tranh khó khắc phục hơn virus làm tấn công cơ thể chúng ta, bởi
vì nó không đến từ bên ngoài chúng ta, nhưng từ bên trong trái tim con người bị
tội lỗi làm hư hỏng (x. Tin Mừng Marcô 7,17-23).
5. Vậy chúng ta được yêu cầu làm gì? Trước hết,
hãy để trái tim của chúng ta được thay đổi bởi kinh nghiệm của chúng ta về cuộc
khủng hoảng, để Thiên Chúa, vào thời điểm này trong lịch sử, biến đổi các tiêu
chí thông thường của chúng ta về thế giới và thực tại xung quanh. Chúng ta
không còn có thể chỉ nghĩ đến việc dành không gian cho lợi ích cá nhân hoặc quốc
gia của mình; thay vào đó, chúng ta phải suy nghĩ về lợi ích chung, nhận ra rằng
chúng ta thuộc về một cộng đồng lớn hơn, và mở rộng tâm trí và trái tim của
chúng ta cho tình huynh đệ nhân loại phổ quát. Chúng ta không thể tiếp tục chỉ
tập trung vào việc bảo vệ chính chúng ta; đúng hơn, đã đến lúc tất cả chúng ta
phải nỗ lực chữa lành xã hội và hành tinh của chúng ta, đặt nền móng cho một thế
giới công bằng và hòa bình hơn, đồng thời cam kết nghiêm túc theo đuổi một điều
tốt đẹp thực sự của chung mọi người.
Để làm được điều này và để có một cuộc sống tốt
đẹp hơn sau đại dịch Covid-19, chúng ta không thể bỏ qua một thực tế cơ bản, đó
là nhiều cuộc khủng hoảng về đạo đức, xã hội, chính trị và kinh tế mà chúng ta
đang trải qua đều có mối liên hệ với nhau và những điều mà chúng ta xem là những
vấn đề tách biệt lại thực sự là nguyên nhân và ảnh hưởng của nhau. Do đó, chúng
ta được kêu gọi đương đầu với những thách đố của thế giới chúng ta trong tinh
thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn. Chúng ta phải xem lại vấn đề đảm bảo sức khỏe
cộng đồng cho mọi người. Chúng ta phải cổ võ các hành động thúc đẩy hòa bình và
chấm dứt các cuộc xung đột và chiến tranh đang tiếp tục sinh ra nghèo đói và chết
chóc. Chúng ta cần khẩn trương chung tay chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta
và thực hiện các biện pháp rõ ràng và hiệu quả để chống biến đổi khí hậu. Chúng
ta cần chiến đấu với virus bất bình đẳng và đảm bảo lương thực cũng như công việc
xứng đáng cho tất cả mọi người, hỗ trợ những người thậm chí không có mức lương
tối thiểu và đang gặp rất nhiều khó khăn. Bi kịch các dân tộc bị đói khiến
chúng ta bị thương tổn. Chúng ta cũng cần phát triển các chính sách phù hợp để
chào đón và hội nhập những người di cư và những người mà xã hội của chúng ta loại
bỏ. Chỉ bằng cách quảng đại đối phó với những tình huống này, với một lòng vị
tha được linh hứng bởi tình yêu vô biên và nhân hậu của Thiên Chúa, chúng ta mới
có thể xây dựng một thế giới mới và góp phần mở rộng vương quốc của Người, là một
vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình.
Khi chia sẻ những suy nghĩ này, tôi hy vọng rằng
trong Năm Mới sắp tới, chúng ta có thể bước đi cùng nhau, trân trọng những bài
học mà lịch sử đã dạy cho chúng ta. Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới
những Người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, những Người đứng đầu các Tổ chức Quốc
tế và những nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau. Tôi cầu chúc tất cả những
người nam nữ thiện chí, như là những nghệ nhân của hòa bình, hoạt động từng
ngày, để biến năm nay thành một năm tốt đẹp! Xin Đức Maria Vô Nhiễm, Mẹ Chúa
Giêsu và Nữ Vương Hòa Bình, cầu bầu cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2022
Phanxicô
Nguồn: vaticannews.va/vi
- Hoạt động ngoại giao của Đức Thánh Cha và Toà Thánh trong 10 năm qua ( 16/03/2023)
- Thành ngữ “các dấu chỉ thời đại” có nghĩa là gì? ( 11/03/2023)
- Tiếp kiến chung 08-02-2023 – Đừng khai thác bóc lột Châu Phi nữa! ( 08/02/2023)
- Diễn văn của Đức Thánh Cha với những người di tản nội địa của Nam Sudan ( 05/02/2023)
- Diễn văn của Đức Thánh Cha trước các cấp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Nam Sudan ( 04/02/2023)
- Đức Thánh Cha Phanxicô: Diễn văn dành cho ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh ( 10/01/2023)
- Diễn văn của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trước nghị viện Bundestag, Đức ( 02/01/2023)
- Học tập Thông điệp Laudato Si’ bài 11: Xoa dịu tiếng rên xiết của người nghèo ( 04/12/2022)
- Thông điệp Pacem in Terris và Lời kêu gọi hoà bình ( 22/11/2022)
- ĐHY Czerny: Chức năng giáo dục của Thánh Kinh là đào tạo về công lý ( 30/10/2022)