Những điểm quan trọng về "đời sống kinh tế" trong Giáo huấn Giáo hội Công giáo

01/07/2021


NHỮNG ĐIỂM QUAN TRỌNG VỀ "ĐỜI SỐNG KINH TẾ" TRONG GIÁO HUẤN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
(Tóm lược Chương VII - Đời sống kinh tế trong cuốn “Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo”)

Tác giả: Linh mục Đaminh Lê Đức Thiện, O.P.

Mục lục

I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH. 1

      1. Con người, sự nghèo nàn và giàu có. 1

      2. Của cải có là để chia sẻ. 1

II. LUÂN LÝ VÀ KINH TẾ. 2

III. SÁNG KIẾN CÁ NHÂN VÀ SÁNG KIẾN KINH DOANH. 2

      1. Doanh nghiệp và các mục tiêu của doanh nghiệp. 2

      2. Vai trò của các chủ doanh nghiệp và việc quản lý. 3

IV. CÁC ĐỊNH CHẾ KINH TẾ PHỤC VỤ CON NGƯỜI 3

      1. Vai trò của thị trường tự do. 3

      2. Hành động của Nhà nước. 4

      3. Vai trò của các đoàn thể trung gian. 4

      4. Tiền tiết kiệm và hàng tiêu dùng. 4

V. “NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ” TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ. 5

      1. Toàn cầu hoá: những cơ may và rủi ro. 5

      2. Hệ thống tài chính quốc tế. 5

      3. Vai trò của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu. 6

      4. Một sự phát triển toàn diện trong tình liên đới 6

      5. Nhu cầu cần phải được đào tạo nhiều hơn nữa về giáo dục và văn hoá. 6

VI. CÂU HỎI GỢI Ý HƯỚNG ĐẾN HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

 

I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH

1. Con người, sự nghèo nàn và giàu có

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, người ta tìm thấy hai thái độ đối với của cải kinh tế và sự giàu có (Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, số 323): 

- Một đàng là thái độ quý trọng, coi của cải vật chất là điều cần thiết cho cuộc sống.

- Đàng khác, của cải kinh tế và sự giàu có tự chúng không bị lên án mà đúng hơn là việc lạm dụng chúng mới đáng bị lên án.

Nhưng đặc biệt, với những ai nhìn nhận mình “nghèo nàn” trước mặt Thiên Chúa, bất kể hoàn cảnh sống thế nào, sẽ được Thiên Chúa quan tâm. Nói rõ hơn, nếu chủ trương tìm kiếm hay đón nhận với tinh thần tôn giáo, người nghèo sẽ được mở mắt hầu có thể nhận biết trật tự sáng tạo thể hiện qua đời sống xã hội theo một cung cách mới, trong công lý, tình huynh đệ, sự liên đới và chia sẻ (324).

Như thế, các hoạt động kinh tế và sự tăng trưởng vật chất, trong ánh sáng mạc khải, cần được xem xét và thực hiện như một lời đáp trả với lòng tri ân ơn gọi mà Thiên Chúa đặt để trong mỗi cá nhân, để phục vụ con người và xã hội. Đó thực sự là cách sống “giàu có” trước mặt Thiên Chúa (325, 326).

Đặc biệt nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta sẽ hiểu đúng đắn sự phát triển xã hội dựa trên nền nhân bản toàn diện và tình liên đới (327).

2. Của cải có là để chia sẻ

“Vì ham mê tiền bạc là cội rễ mọi điều xấu xa; chính vì có sự thèm muốn ấy mà nhiều người đã lạc xa đức tin” (1 Tm 6,10), nên của cải, dù được sở hữu một cách chính đáng, luôn luôn có mục tiêu phổ quát; bất cứ hình thức tích trữ nào không chính đáng đều trái đạo đức, vì như thế là công khai đi ngược lại mục tiêu phổ quát đã được Tạo Hoá ấn định cho mọi của cải (328). 

Nói rõ hơn, của cải sẽ hoàn thành chức năng phục vụ con người khi chúng được hướng tới việc đem lại ích lợi cho người khác và cho xã hội. Như thế, chúng ta, cách riêng đối với những ai hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và có được của cải, cần ý thức mình chỉ là người quản lý những tài sản Thiên Chúa đã giao (329, 328).

II. LUÂN LÝ VÀ KINH TẾ

“Hoạt động kinh tế” và “Cách ứng xử có luân lý” có mối quan hệ tất yếu, hay thực ra là quan hệ nội tại: những mục tiêu trước mắt phải lệ thuộc vào mục tiêu trên hết và sau hết của chúng ta. Nói rõ hơn, trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, chúng ta phải tôn trọng và phát huy phẩm giá và ơn gọi đầy đủ của con người, cũng như sự an sinh của toàn xã hội, vì con người là nguồn cội, là trung tâm và là mục tiêu của toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội (330, 331).

Nói cách khác, chiều hướng luân lý của kinh tế cho chúng ta thấy rằng hiệu năng kinh tế và việc đẩy mạnh sự phát triển của con người trong tình liên đới không phải là hai mục tiêu tách rời nhau hay phải chọn một trong hai, mà chỉ là một mục tiêu không thể phân chia. Nghĩa là khi thực hiện hoạt động kinh tế như là một điều chính đáng, chúng ta không thể chấp nhận đạt được mức tăng trưởng kinh tế bằng cách hy sinh nhiều con người, hy sinh cả một dân tộc hay một nhóm xã hội nào đó (332).

Như thế, nếu hoạt động kinh tế phải có tính luân lý, thì hoạt động ấy phải hướng tới mọi người và mọi dân tộc (333).

Việc nhận định “kinh tế lấy việc phát triển sự giàu có và làm cho sự giàu có mỗi ngày một tăng lên, không chỉ về lượng mà cả về chất, làm mục tiêu của mình” sẽ mang tính luân lý nếu nó giúp con người được phát triển toàn diện trong sự liên đới và giúp xã hội (nơi mọi người sinh sống và làm việc) cũng được phát triển như thế (334).

Bên cạnh đó, cần ý thức rằng tình trạng mọi mặt hàng vật chất có sẵn tới mức thái quá nhằm phục vụ cho ích lợi của một số tập thể trong xã hội sẽ làm cho dân chúng dễ dàng trở thành nô lệ cho sự ‘chiếm hữu’ và sự thoả mãn tức thời… Đây chính là cái được gọi là văn minh “tiêu thụ” hay “chủ nghĩa tiêu thụ” (334).

Ngoài ra, khái niệm “chủ nghĩa tư bản” cần được nhìn nhận theo hướng này: đó là một hệ thống kinh tế nhìn nhận vai trò căn bản và tích cực của kinh doanh, nhìn nhận thị trường, quyền tư hữu và trách nhiệm về hậu quả đối với các phương tiện sản xuất, cũng như sự sáng tạo tự do của con người trong địa hạt kinh tế. Chủ nghĩa tư bản theo nghĩa trên có thể được gọi bằng những từ ngữ khác: “kinh tế thương mại”, “kinh tế thị trường”, hay đơn giản hơn là nền “kinh tế tự do” (335).

III. SÁNG KIẾN CÁ NHÂN VÀ SÁNG KIẾN KINH DOANH

Giáo hội ủng hộ và khuyến khích mỗi cá nhân đưa ra sáng kiến cách tự do và có trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế nếu đạt được sự hoà hợp giữa công ích đang theo đuổi với loại hình hoạt động kinh tế do sáng kiến ấy đưa ra, vì điều này được xem như là hành vi phản ánh nhân tính của con người, là những chủ thể sáng tạo và có tương quan (336).

Những sáng tạo trong chiều hướng đó sẽ giúp nhân loại có thể khám phá ra tiềm năng sản xuất của trái đất và nhiều phương cách khác nhau để thoả mãn các nhu cầu của con người (337).

1. Doanh nghiệp và các mục tiêu của doanh nghiệp

Doanh nghiệp, khi đã hội đủ điều kiện về những điều khoản kinh tế và theo tiêu chuẩn kinh tế để tìm lợi nhuận cách chính đáng, phải đảm bảo đồng thời hai việc (338):

- Phục vụ công ích của xã hội thông qua việc sản xuất hàng hoá hữu ích và cung cấp các dịch vụ (mục tiêu kinh tế)

- Tạo cơ hội gặp gỡ, hợp tác và phát huy hơn nữa khả năng của những người cùng tham gia (mục tiêu xã hội và luân lý).

Giáo Hội thừa nhận vai trò thích đáng của lợi nhuận, coi đó như chỉ số đầu tiên cho biết một doanh nghiệp hoạt động tốt (340). Tuy nhiên, doanh nghiệp được nhắc nhớ rằng:

- Phải bảo vệ phẩm giá của những người đang làm việc ở những cấp khác nhau trong cùng một doanh nghiệp (340, 344).

- Phải nhắm đến lợi ích của hết mọi người. Không được chỉ thoả mãn những quyền lợi cá nhân của riêng ai (339, 344).

- Phải hướng đến sự “phát triển đích thực”: đó là sự phát triển mà mọi quốc gia trên thế giới đều tham gia (342).

Giáo hội không chấp nhận tình trạng cho vay nặng lãi, và tuyên bố đó là điều cần phải lên án về mặt luân lý (341).

2. Vai trò của các chủ doanh nghiệp và việc quản lý

Giáo hội nhắc nhớ các chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp cần:

- Có tinh thần trách nhiệm, biết tạo sự hợp tác và sẵn sàng thúc đẩy sự sáng tạo (343) đối với nhân viên.

- Cố gắng tổ chức lao động thế nào để thăng tiến gia đình, đặc biệt là giúp các bà mẹ trong việc chu toàn nghĩa vụ riêng của họ (345).

- Cố gắng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các hàng hoá được sản xuất và tiêu thụ, chất lượng của các dịch vụ cần cung ứng cho con người, chất lượng của môi trường và chất lượng của đời sống nói chung (345).

IV. CÁC ĐỊNH CHẾ KINH TẾ PHỤC VỤ CON NGƯỜI

Giáo hội nhắc nhở mỗi chủ thể kinh tế cá nhân cũng như xã hội, nhà sản xuất lẫn người tiêu thụ phải có trách nhiệm và sự hợp lý trong việc sử dụng các nguồn lực (hàng hoá và dịch vụ), đặc biệt đối với tài nguyên thiên nhiên đang trở nên khan hiếm về số lượng (346).

1. Vai trò của thị trường tự do

Giáo hội xác nhận một thị trường tự do với đặc tính cạnh tranh lành mạnh là điều tích cực, thậm chí đó là một công cụ không thể thay thế được để điều hoà các hoạt động bên trong của hệ thống kinh tế (349), nên cần tạo những điều kiện cho phép các tiềm năng ấy được sử dụng cách cụ thể (350). Thị trường hoạt động theo hướng trên thực sự chính là một công cụ hữu hiệu để con người đạt được các mục tiêu quan trọng của công lý (347).

Nhưng lợi nhuận riêng lẻ của một tổ chức kinh tế, dù có hợp pháp đến đâu, cũng không bao giờ trở nên mục tiêu duy nhất của thị trường. Tính cạnh tranh của thị trường có một mục tiêu khác, thuộc về một trật tự cao hơn: sự hữu ích cho xã hội; là điều được hình thành dựa trên lương tâm của mỗi cá nhân và trách nhiệm của chính quyền (348). Chính vì thế, thị trường cần phải bám chặt vào các mục tiêu đạo đức của nó, nhằm bảo đảm và quy định cách thích hợp không gian mà trong đó thị trường có thể hoạt động một cách độc lập (349).

2. Hành động của Nhà nước

Không kể những tình huống ngoại lệ mà Nhà nước phải thi hành “chức năng thay thế”, còn lại, hành động của Nhà nước và các cơ quan công quyền khác phải ăn khớp với cả hai nguyên tắc: bổ trợ và liên đới (351).

Điều trên nhằm bảo đảm chắc chắn cho sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, cũng như một hệ thống tiền tệ ổn định và các dịch vụ công cộng hữu hiệu. Nói rõ hơn, thị trường tự do chỉ có thể tạo ảnh hưởng có lợi trên toàn bộ công chúng (353) chỉ khi Nhà nước chấp nhận một nền pháp chế thích hợp, đồng thời phải hướng dẫn các chính sách kinh tế và xã hội sao cho Nhà Nước không can dự vào các hoạt động thị trường khác nhau, và sao cho khi thực hiện các hoạt động ấy, người ta không bị và mãi mãi không bị khống chế bởi các kiến trúc thượng tầng và các sự kiềm chế độc tài (352).

Để tránh tình trạng tước đoạt tinh thần trách nhiệm khỏi công dân, cũng như tránh thói quan liêu của các cơ quan chính quyền, cần phải luôn luôn quyết tâm bền bỉ tạo được một thế quân bình thích đáng giữa sự tự do của cá nhân với hành động của chính quyền (vừa được coi như một sự can thiệp trực tiếp vào các vấn đề kinh tế, vừa được đánh giá như một cách hỗ trợ sự phát triển kinh tế) (354).

Nhà nước, với phẩm chất thanh liêm và chính xác (công bằng - hợp lý), khi thực hiện việc quản lý và phân phối lại các nguồn lợi chung có được từ thuế (được hình thành từ nghĩa vụ và sự liên đới của mọi người), phải trở thành nhân tố bảo đảm cho hệ thống an sinh và bảo vệ xã hội, đặc biệt phải nhắm đến mục đích trên hết là bảo vệ các gia đình và những thành phần yếu kém nhất của xã hội (355).

3. Vai trò của các đoàn thể trung gian

Hệ thống kinh tế - xã hội khi được yêu cầu nhắm đến công ích bằng những hoạt động công, hoạt động tư và những hoạt động tư phi lợi nhuận, sẽ cần sự hỗ trợ và định hướng bởi nhiều đoàn thể trung gian. Vì trên thực tế, có những trường hợp sẽ không thể phụ thuộc các cơ chế máy móc của thị trường, thậm chí cũng không thể chỉ tuỳ thuộc thẩm quyền Nhà Nước. Vai trò của những đoàn thể trung gian là giúp hoạt động kinh tế xã hội vừa đạt hiệu quả, vừa hướng đến ích chung mà vẫn tôn trọng Nhà Nước và thị trường (356).

Có những hoạt động kinh tế cần đến sự hỗ trợ của những tổ chức tư nhân phi lợi nhuận. Nhà Nước được mời gọi hãy tôn trọng các tổ chức ấy đúng với bản chất của chúng và sử dụng những nét khác biệt của chúng (357).

4. Tiền tiết kiệm và hàng tiêu dùng

Những quyết định lựa chọn mua sắm, tiết kiệm hay đầu tư (trong bối cảnh chủ nghĩa tiêu thụ đang bành trướng) sẽ luôn ảnh hưởng đến tự nhiên và nhân loại (đặc biệt đối với người nghèo và các thế hệ tương lai, là những người có nguy cơ phải sống trong một môi trường tự nhiên đã bị chủ nghĩa tiêu thụ thái quá và vô trật tự tàn phá). Đó là lý do khiến Giáo hội mời gọi (358, 359, 360):

Những người tiêu thụ có khả năng mua sắm rộng rãi cần sử dụng sức mua sắm trong khuôn khổ những đòi hỏi luân lý về công lý và liên đới, cũng như trong khuôn khổ các trách nhiệm xã hội cụ thể. 

Các nhà đầu tư và sản xuất nên có những lựa chọn mang tính luân lý và văn hoá.

Mọi người tiêu thụ nói chung, khi chọn lựa sản phẩm, cần lưu ý đến điều kiện làm việc của các nhân công tạo nên sản phẩm và mức độ bảo vệ môi trường tự nhiên tại nơi công ty hoạt động…

V. “NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ” TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Toàn cầu hoá: những cơ may và rủi ro

Sự toàn cầu hoá về kinh tế và tài chính có thể tạo ra những kết quả khả dĩ mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại (tiến trình trao đổi thương mại, các giao dịch tài chính được tăng tốc và lan rộng khắp thế giới), đồng thời cũng đem đến những rủi ro gắn liền với những chiều hướng mới trong các quan hệ thương mại và tài chính (xu hướng bất bình đẳng ngày càng tăng cao giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển, cũng như ngay trong chính các nước đã công nghiệp hoá, quyền lợi và nhu cầu của người nghèo dễ bị làm lơ; “người giàu càng giàu hơn và người nghèo càng nghèo hơn”) (361, 362, 364).

Vì thế, thách đố đặt ra cho nhân loại trong “kỷ nguyên toàn cầu hoá” là làm sao bảo đảm cho việc toàn cầu hoá diễn ra trong sự liên đới để đạt đến công ích và mục tiêu phổ quát của của cải, nghĩa là cố gắng không để ai (nhất là người nghèo) bị gạt ra ngoài, đồng thời giảm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia về sự phát triển kinh tế và xã hội (363, 364).

Giáo hội khẳng định chỉ có thể duy trì sự liên đới tương xứng trong kỷ nguyên toàn cầu hoá này khi người ta:

- Ý thức bảo vệ các quyền của con người, bắt đầu từ những điều cốt lõi và cơ bản, như: quyền có lương thực và nước sạch, quyền có nhà ở và được an toàn, quyền tự quyết và độc lập, …, là những điều còn lâu lắm mới được bảo đảm và thực hiện (365).

- Tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hoá, tôn trọng các quyền của cá nhân và của các dân tộc, cũng như bảo đảm có sự phân phối công bằng các nguồn lợi ngay trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Đặc biệt, không được lấy đi của người nghèo những gì đối với họ vẫn còn quý giá, kể cả tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của họ, vì những niềm tin tôn giáo chân chính là biểu hiện rõ ràng nhất tự do của con người (366, 367).

- Không để các thế hệ sau phải chịu gánh nặng trang trải các phí tổn hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (368).

2. Hệ thống tài chính quốc tế

Lịch sử cho thấy nếu không có những hệ thống tài chính tương xứng, thì sẽ không có sự tăng trưởng kinh tế.

Nhưng có những hệ thống tài chính phạm sai lầm vì cho rằng chỉ có mình mới là điểm quy chiếu mà không liên kết với những nền tảng thật của nền kinh tế, từ đó kéo theo nhiều quốc gia (đặc biệt những quốc gia yếu kém) không chỉ bị loại khỏi các tiến trình, mà còn phải chịu các hậu quả tiêu cực do sự bất ổn tài chính gây ra (369).

3. Vai trò của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu

Trong tiến trình toàn cầu hoá, Nhà nước của mỗi quốc gia mất dần hiệu năng trong việc điều khiển sự năng động của các hệ thống tài chính và kinh tế của quốc gia (370). Khi ấy, cộng đồng quốc tế (bằng các phương thế chính trị và pháp lý hữu hiệu, nhằm hướng dẫn các tiến trình kinh tế của toàn thể nhân loại được tăng trưởng trên nền tảng về luân lý, dân sự và văn hoá (372) phải dấn thân trong vai trò hướng dẫn để toàn thể gia đình nhân loại (kể cả các dân tộc và các quốc gia không mấy quan trọng trong thị trường quốc tế, nhưng lại đang bị đè nặng bởi các nhu cầu cấp thiết và đáng lo nhất, và vì thế phải cậy nhờ vào sự giúp đỡ của các quốc gia khác để phát triển) có thể cùng nhau đạt được công ích (371).

4. Một sự phát triển toàn diện trong tình liên đới

Thực tế đã cho thấy:

- Những bất bình đẳng xã hội, thậm chí tới mức sống cơ cực và nghèo khổ, đều xuất hiện trong cả các nước giàu lẫn trong các nước kém phát triển hơn.

- Nền văn hoá cá nhân chủ nghĩa (kể cả ở mức độ quốc gia) sẽ không thể tồn tại lâu trước khuynh hướng toàn cầu hoá trong hầu hết mọi chiều kích kinh tế xã hội nên Giáo hội mời gọi nhân loại cùng hướng đến một sự phát triển toàn diện trong tình liên đới, nghĩa là xây dựng một nếp sống thích đáng hơn thông qua việc lao động chung, nâng cao phẩm giá và sự sáng tạo của mỗi người một cách cụ thể, cũng như giúp mỗi người có khả năng đáp lại thiên chức riêng của mình, từ đó đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa (373).

Thật vậy, sự phát triển nhân bản hơn trong tình liên đới sẽ đem lại lợi ích cho không những các nước nghèo, mà đồng thời cũng đem lại sự thăng tiến về nhiều mặt cho chính các nước giàu (374).

5. Nhu cầu cần phải được đào tạo nhiều hơn nữa về giáo dục và văn hoá

Giáo hội khẳng định rằng: việc “tăng cường nhận thức về Thiên Chúa và ý thức về bản thân mình nhiều hơn” chính là cơ sở để “thực hiện bất cứ sự phát triển nào của xã hội loài người” (375). 

Thật vậy, vì các hệ thống kinh tế (trong khi phát triển) không hề có các tiêu chuẩn để giúp con người có sự phân biệt đúng đắn đối với những nhu cầu của mình, trong khi sự nhận thức về Thiên Chúa và về bản thân sẽ hướng chúng ta đến tính toàn diện về con người, trong đó mọi chiều hướng của hữu thể con người đều được tôn trọng, các chiều hướng vật chất và tự nhiên phải tuỳ thuộc các chiều hướng nội tâm và tinh thần (376). 

Chính vì thế, công việc đào tạo về giáo dục và văn hoá là hết sức cấp bách. Đó là việc giáo dục người tiêu thụ biết sử dụng quyền lựa chọn của mình một cách có trách nhiệm, là việc đào tạo một ý thức trách nhiệm mạnh mẽ nơi các nhà sản xuất và nơi dân chúng (cách riêng khi sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng), là việc giúp các cơ quan chính quyền ý thức đúng về vai trò của mình trong từng lĩnh vực và từng tình huống (377).

VI. CÂU HỎI GỢI Ý HƯỚNG ĐẾN HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

1. Các hoạt động kinh tế và sự tăng trưởng vật chất có thể được xem như công việc phục vụ hay đơn thuần chỉ nhắm đích lợi nhuận và tiêu thụ?

2. Đâu là nguyên nhân dẫn đến hoạt động kinh doanh các mặt hàng giả và các loại thực phẩm bẩn đang lan tràn như hiện nay? Trách nhiệm thuộc về ai?

3. Đời sống kinh tế cần thiết phải gắn liền với công bằng xã hội và sự phát triển con người toàn diện. Tình trạng chênh lệch khủng khiếp giữa người giàu và người nghèo cũng như tội ác tham nhũng đang rất phổ biến trong xã hội Việt Nam. Là Kitô hữu hay người thiện chí, chúng ta có thể làm gì để đẩy lui vấn nạn này?

 Nguồn: ubclhb.com 
Website của 
Ủy ban Công lý và Hòa bình / HĐGMVN

LỊCH PHỤNG VỤ