Metanoia và lời kêu gọi đổi mới tâm thần

12/12/2022


METANOIA VÀ LỜI KÊU GỌI ĐỔI MỚI TÂM THẦN

Đức Hữu

WGPBC (11.12.2022) - Khi Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời, điều kiện căn bản và duy nhất để đón nhận đó là sám hối. “Sám hối vì nước trời đã gần đến”. Chữ Sám hối trong Kinh Thánh có nghĩa rất là sâu và trọn vẹn. Sám hối không phải chỉ là xưng tội như một sự tẩy rửa định kỳ, cũng không phải là gồng lên để thay đổi nếp sống sai trái của mình. Sâu xa hơn hết đó là thay đổi não trạng, thay đổi tinh thần. Sám hối trong Kinh Thánh là Metanoia. Meta - Lật ngược lại; noia - Tinh thần của mình. Khi để cho Chúa Thánh Thần thay đổi tinh thần, não trạng, cách suy nghĩ quen thuộc của mình, lúc ấy ta mới có thể nhận ra nước trời.

Trong Tin Mừng, chúng ta dễ một sự đảo ngược với lại cách suy nghĩ, đảo ngược lại với giá trị, đảo ngược lại với cách mà chúng ta vẫn hay phán đoán và nhận định. Nếu không tinh ý, chúng ta không thể nhận ra. Con người nhiều khi tưởng điều Chúa dạy cũng giống với cách suy nghĩ bình thường của mình. Chỉ khi nào biết suy nghĩ, cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta mới khám phá ra những điều hay điều phải.

Sứ điệp của Nước Trời trong bầu không khí Mùa Vọng tuần thứ III tiếp tục là lời kêu mời sám hối tỉnh thức vì Chúa đến bất ngờ, không giống với suy nghĩ của chúng ta. Con người thời công nghệ có thể đo đạc, tính toán những biến cố thiên văn một cách tương đối chính xác, nhưng giờ Chúa đến, hẳn là không một phàm nhân nào có thể tiên đoán được. Lời Chúa hôm nay cho thấy Chúa đến không chỉ bất ngờ về phương diện thời gian mà không gian Chúa đến cũng bất ngờ luôn. Chúa đến không phải ở nơi đền đài, không phải ở nơi xa hoa, không phải ở nơi cao trọng, cũng không phải là đền thờ mà là sa mạc đồng khô cỏ cháy, là vùng đất hoang.

Nơi Chúa đến là vậy đó. Việc của những người nghênh đón là làm cho nơi ấy tưng bừng nở hoa và hãy hân hoan nhảy múa reo hò. Vùng đất hoang là nơi mà có lẽ không ai ngờ tới. Nào ai ngờ ơn Cứu độ của Chúa lại được thực thi một cách trọn vẹn tạ nơi mà con người lãng quên. Gioan Tẩy giả là một người mà Đức Giêsu nói “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả”. (Mt 11,11). Đàng khác, Kinh Thánh cũng nói về Gioan: Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta (Ml 3,1). Ấy thế mà con người cao cả và trọng vọng như vậy, con người được Chúa sai đến cũng vẫn phải metanoia, vẫn phải thay đổi não trạng, thay đổi tinh thần, thay đổi cách nghĩ để có thể nhận ra Nước Trời đã đến.

Gioan Tẩy giả rao giảng Đức Giêsu là Đấng Mêsia được sai đến; nhưng cuối cùng ông cũng phải bị nhốt trong tù, và phải chết vì sự nhu nhược của Hêrôđê[1]. Cuộc đời của Gioan là một cuộc đời trái ngang. Ông hết lời rao giảng về một Đấng quyền năng, nhưng rồi cuối cùng, quyền năng chưa thấy mà chính mình đang bị tù tội. Đúng là một sự phi lý với lý trí phàm nhân. Chính vì không thấy được sự oai hùng như mong đợi về một Đấng Mêsia, Gioan phải sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?”(Mt 11,3). Gioan vẫn nghĩ Chúa Giêsu phải làm điều gì đó oai hùng, kinh thiên động địa. Tuy nhiên, Đức Giêsu có một câu trả lời hoàn toàn không như họ mong đợi: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta” (Mt 11,4). Kẻ cùi, kẻ mù, kẻ què, kẻ câm điếc đó là sa mạc, là đồng khô cỏ cháy và điều Đức Giêsu muốn đó là hãy làm cho sa mạc nở hoa. Không ai khác, chính Gioan Tẩy Giả cũng phải lật lại cái suy nghĩ của mình để có thể sám hối và đón nhận Nước Trời.

Chúng ta, những người Kitô hữu cũng nhìn lại lối và cách mà chúng ta chờ đợi chúa đến. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn để đánh giá vấn đề, có một thói quen xấu ăn sâu vào trong tâm trạng khảm của mỗi người: Đó là thói quen “nhìn ngang”. Điều này nghĩa là chúng ta chỉ biết nhìn anh chị em của mình trong một sự so sánh. Thấy ai hơn mình ta vẫn dễ sinh lòng ghen tương. Thấy ai thua mình, một cách nào đó sâu xa, ta vẫn có một chút thương, nhưng là thương với một tấm lòng thương hại. Chữ thương hại bao hàm trong đó một chút tự hào và quy về bản thân. Câu hỏi mà Gioan kêu môn đệ hỏi Chúa Giêsu hàm chứa một tư tưởng kiểu: “Tôi đã rao giảng rồi, tôi đã chuẩn bị rồi mà không thấy Chúa quyền năng chi hết. Tôi rao giảng về vậy tại sao tôi lại phải ở tù thế này? Tại sao những điều tôi rao giảng lại cảm thấy như không đúng nữa?”  Đó là lối quy vào mình để rồi nhìn ngang để so sánh, để hơn thua. Đó là một cám dỗ trong hành trình làm Kitô hữu của chúng ta. Một khi cái tôi vẫn là trung tâm của thế giới, cái tôi là cái rốn của vũ trụ thì “chưa ăn thua”. Là Kitô hữu, ta phải để Metanoia lật lại suy nghĩ của mình, lật lại não trạng của mình để thấy Chúa; thấy cách làm việc của Chúa, thấy tình thương của Chúa. Sống đời nhân chứng không được phép quy về cái tôi mà là quy về Chúa. Nếu ta nhìn những người đau khổ, những người nghèo ta phải nghiệm ra sa mạc đồng khô cỏ cháy, và từ đó Chúa sẽ tưới gội để sa mạc nở hoa qua ước mong sao Chúa thương họ, Chúa cứu họ. Thương người khác không phải một qua một chút thương hạt nhưng thực chất đó là sự tự hào về bản thân. Nhìn ra những điều những người cao cả tốt đẹp để ta biết tạ ơn Chúa về những kỳ công người đã làm nơi tha nhân. Khi ấy, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra  những gì ta làm đó là của Chúa chứ không phải quy vào ta để rồi có một chữ so sánh điều gì đó đây.

Thái độ nhìn ngang một cách nào đó chính là tính ích kỷ của bản thân. Chính vì thế, con người cần phải metanoia, phải thay đổi não trạng, nhờ thánh thần của Chúa để nhận ra Nước Trời. Nước Trời hôm nay ta khám phá ra chính là nhìn vào những người điếc, người mù, người què, người phong… để nhận ra dấu hiệu Chúa đang ở đó, để nhận ra quyền năng và Tình yêu của Chúa nơi đó. Tình yêu và quyền năng của Chúa không phải là nơi hay cách thức mà chúng ta thường hay nghĩ.

Xin Chúa cho chúng con khám phá ra Chúa đang đến và biết mở lòng biết chờ đợi Chúa đến nơi chúng con.

Nguồn: gpbuichu.org



[1] Để dọn đường cho Chúa Giêsu đến cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã cho bà Ysave son sẻ được sinh con. Người con đó là Gioan Tẩy giả. Lớn lên, ngài vào sống khổ hạnh trong sa mạc: Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn (Mt 3,4).

Năm 29 tuổi, thánh nhân đến sông Giođan, rao giảng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và lãnh phép rửa sám hối của Ngài, để dọn lòng xứng đáng đón rước Chúa Cứu thế. Nhiều người đã đến lãnh nhận phép rửa thống hối, và xin ngài chỉ dạy cách thế để hoán cải đời sống. Chính Chúa Giêsu khi bắt đầu đi rao giảng Nước Trời, cũng đến nhờ Ngài làm phép rửa, để được Chúa Thánh Thần tấn phong làm Đấng Cứu Thế, và Chúa Cha công khai nhìn nhận là Con Yêu Dấu.

Thời điểm Gioan Tẩy Giả làm phép rửa sám hối bên bờ sông Giođan trùng hợp với lúc Hêrôđê Antipa làm quận vương cai trị xứ Galilêa. Cuộc sống của ông có nhiều lầm lỗi và lầm lỗi lớn nhất mà ai cũng biết đó là ông ngang nhiên lấy vợ của anh làm vợ của mình. Người đàn bà xấu nết đó là bà Hêrôđia. Thấy vậy, Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng công khai cảnh cáo và ngăn cản. Việc đó đã đến tai Hêrôđia làm cho bà hết sức tức giận. Bà đã yêu cầu Hêrôđê bắt giam Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả đã bị bắt giam nhưng bà ta vẫn chưa vừa lòng. Biết Gioan Tẩy Giả là một con người không thể mua chuộc cho nên bà luôn tìm dịp để giết ngài. Và đây là dịp. Chúng ta hãy nghe thánh sử Márcô thuật lại việc làm này của Hêrôđia:

Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrođê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilêa. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái:

- Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.

Vua lại còn thề:

- Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước, cũng được.

Cô gái đi ra hỏi mẹ

- Con nên xin gì đây?

Mẹ cô nói:

- Đầu Gioan Tẩy giả.

Lập tức cô vội trở vào, đến bên nhà vua và xin rằng:

- Con muôn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy giả, đặt trên mâm.
Nhà vua buồn lắm, nhưng vì lời thề, và khách dự tiệc, nên chẳng muốn thất hứa với cô. Lập tức vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm, trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ “. (Mc. 6,2128).
Thánh Hiêrônimô còn cho chúng ta biết thêm một chi tiết thú vị này: Sau khi nhận được đầu của Gioan Tẩy Giả, Hêrôđia đã lấy giao cạy miệng thánh nhân ra và đâm một nhát thấu qua cái lưỡi đã dám nói lên những lời xúc phạm đến bà.

Thánh Linh mục Bêđa khả kính đã giải thích ý nghĩa cái chết của ngài như sau:

“Đấng thánh loan báo Chúa sinh ra, rao giảng và chịu chết, đã tỏ cho chúng ta thấy một sức mạnh xứng đáng được Chúa nhìn. Như lời Kinh Thánh chép: “Theo nhãn giới người phàm, thì người đã gặp nhiều đau khổ, nhưng hy vọng của người đã tràn đầy bất tử.”

LỊCH PHỤNG VỤ