Bài Ðọc I: Hc 27, 33 - 28, 9

“Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”.

Trích sách Đức Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.


Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9

“Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.


Phúc Âm: Mt 18, 21-35

“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm:

Các tôn giáo đều dạy người ta tha thứ cho người làm hại mình.

Trong cuốn Đạo Đức Kinh, Lão Tử dạy: “Dĩ đức báo oán.”

Phật giáo cũng đề cao lòng khoan dung để được thanh thản.

Qua dụ ngôn trên đây, Đức Kitô dạy ta phải tha thứ.

Hơn nữa, Ngài còn cho biết tại sao ta phải tha thứ cho anh em.

Không phải chỉ để oán tiêu tan hay buông bỏ phiền não,

nhưng đơn giản là vì có một tương quan bộ ba gắn bó chặt chẽ

giữa Thiên Chúa, tôi, và người anh em của tôi.


Đức Giêsu kể chuyện anh đầy tớ nợ nhà vua món tiền cực lớn.

Mười ngàn yến vàng tương đương với sáu mươi triệu ngày công.

Người ấy phải làm một trăm sáu mươi bốn ngàn năm mới trả nổi!

Chúng ta không hiểu tại sao anh lại nợ vua món tiền lớn như vậy.

Dù bán anh, bán vợ con, và toàn bộ tài sản của anh cũng chẳng đủ.

Dám hứa trả cho hết số nợ đó là một lời nói dối trơ trẽn (Mt 18,26).

Chỉ một người có thể giải quyết được vấn đề, đó là nhà vua.

Cần một tấm lòng để có thể xóa sạch món nợ trong phút chốc.

Vì chạnh lòng thương, nên nhà vua đã tha nợ và thả anh ta.

Biết đâu sau này anh lại được nhà vua trọng dụng.


Nhưng anh đầy tớ này lại không có lòng thương xót như chủ anh.

Anh không thể tha cho một đầy tớ khác của chủ,

nợ anh một món tiền chỉ bằng hơn ba tháng lương,

dù người đó đã làm y như anh: đã sấp mình, năn nỉ xin tha nợ.

Món nợ này quá nhỏ so với món nợ anh vừa được tha,

nhưng anh vẫn quyết đòi cho bằng được.

Vì không chấp nhận trì hoãn nên anh tống người bạn đó vào ngục.

Câu chuyện đến tai ông chủ, và điều bất ngờ đã xảy ra.

Ông kêu anh lại và gọi anh là “tên đầy tớ độc ác.” 

Ông nổi cơn thịnh nộ và rút lại quyết định tha nợ cho anh.

Như thế, món nợ vẫn còn nguyên, và anh sẽ chẳng bao giờ trả hết.

Ông chủ cho biết lý do khiến ông nổi giận và đổi ý:

“Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta,

há ngươi lại chẳng phải thương xót bạn ngươi,

như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33).

Tội của anh đầy tớ này là tội không có lòng thương xót như chủ.


Dụ ngôn trên đây của Đức Giêsu đòi chúng ta đối xử với nhau

như chính Thiên Chúa đã đối xử với từng người chúng ta.

Tha thứ bắt nguồn từ lòng thương xót.

Tha thứ cho tha nhân được đặt nền

trên tình thương mà mỗi người cảm nhận được từ Thiên Chúa.

Càng cảm nhận mình được Chúa xót thương và tha thứ

ta càng dễ cư xử tương tự với tha nhân.

Càng biết mình đã được tha món nợ lớn

ta càng dễ tha những món nợ nhỏ của anh em.

Tất cả nền luân lý Kitô giáo mời ta bắt chước chính Thiên Chúa.

Hoàn thiện như Ngài, thương xót như Ngài (Mt 5,48; Lc 6,36),

nhân hậu với kẻ xấu và bất chính như Ngài (Mt 5,45; Lc 6,35),

kiên nhẫn với cỏ lùng như Ngài (Mt 13,29-30),

tha thứ cách quảng đại như Ngài (Mt 18,22.27).


Bài Tin Mừng hôm nay thật là một tin mừng,

vì dạy chúng ta cách để vào Nước Trời, đó là tha thứ.

Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ cho ta từ trước rồi,

vấn đề là làm sao giữ được ơn ấy cho đến ngày nhắm mắt.

Chúng ta chỉ giữ được nếu chấp nhận chuyển đi cho tha nhân.

Chuyển đi là cách duy nhất để giữ lại (Mt 6,14-15).

Đức Thánh Cha kêu gọi người ta đừng dùng tôn giáo

như phương tiện để kích động lòng thù ghét, cuồng tín cực đoan,

nhưng như con đường để diễn tả lòng bao dung tha thứ.

 

Cầu nguyện:


Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

đón nhận những người khác

là điều vượt quá sức con,

vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.


Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.


Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

mà yêu mến người khác

làm cho tim con đau nhói,

vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau

và những giới hạn của bản thân con.


Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa,

và đừng để con quên lời Chúa dạy:

“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

Là làm cho chính Ta.”

(Tạp chí Prier)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J