Lời kinh cầu hồn trong văn hóa Việt Nam

10/11/2009

Lời kinh cầu hồn trong văn hóa Việt Nam


Lời kinh cầu hồn trong văn hóa Việt Nam

(Suy tư nhân tháng cầu hồn 2009)

Tại một số giáo phận miền Bắc, nhất là các Giáo phận do các Thừa sai dòng Đa-minh truyền giáo trước đây, nhiều tín hữu rất quen thuộc với kinh “ Phục ” cầu nguyện cho người đã qua đời. Có thể nói đây là một cố gắng tuyệt vời của ông cha ta để “hội nhập văn hóa” trong kinh nguyện. Với cung giọng ngân nga trầm bổng, lúc khoan lúc nhặt, lời kinh đưa chúng ta vào một bầu khí linh thiêng, siêu thoát. Với những âm vang nghiêm trang sâu lắng, lời kinh dẫn chúng ta về tham dự một lễ tế cổ xưa. Có người cho rằng kinh Phục của người Công giáo đã được soạn thảo với sự cộng tác của một vị sư phật giáo trở lại Đạo[1], nhờ đó mà nội dung và cung giọng rất gần với những bài tế cô hồn.

Một bài văn tế thường gồm bốn phần :

Lung khởi: mở đầu, thường bắt đầu bằng chữ Hỡi ôi, sau đó là lời than vãn

Thích thực: mở đầu bằng chữ “Nhớ linh xưa” sau đó là phần tuyên xưng công trạng của người đã quá vãng

Ai vãn: mở đầu bằng “khá thương thay” sau đó là niềm thương tiếc và cảm phục.

Kết: nói lên tâm tình thương tiếc và rút bài học cho người còn sống.

Kinh Phục Rĩ cũng được soạn thảo theo đúng dàn bài trên, nhưng điều tuyệt tác của cha ông chúng ta là làm cho lời kinh trở thành một lời tuyên xưng đức tin, tạo cho “bài tế” mang một nét rất mới mẻ. Người viết không dám đi sâu hơn vào lãnh vực văn chương mà chỉ mạo muội so sánh sự khác biệt giữa nội dung một bài tế và kinh Phục Rĩ trong hai phần mở đầu (Lung khởi) và nội dung chính (Thích thực).

Trong phần mở đầu, nếu bài tế người qua đời mở đầu bằng lời than vãn trước sự ra đi của một người thân hoặc một nhân vật anh hùng, thì kinh Phục Rĩ lại mở đầu bằng lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng ngự trên chín tầng trời. Ngài là chủ của sự sống, là Chúa của muôn loài muôn vật. Chúng ta cùng so sánh lời mở đầu giữa hai bài tế của Cụ đồ Chiểu với kinh Phục :

Hỡi ôi ! súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ

Mười năm công vỡ ruộng, chưa chắc còn danh nổi tơ phao: một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, năm 1861)

Hoặc:

Hỡi ôi !

Tủi phận biên manh

Căm loài gian tặc

Ngoài sáu tỉnh hãy gợi câu án đổ, dân nhờ vua đặng lẽ sống vui

Trong một phen sao mắc chữ lục trầm, người vì nước rủ nhau chết ngặt (Điếu lục tỉnh Nam Kỳ sĩ dân văn).

Trước vong linh người đã chết, người tín hữu Công giáo lại mở đầu bằng lời kinh ca tụng và tôn thờ:

“Phục rĩ: Chí tôn chân Chúa cửu trùng cao ngự chi thiên,

Khả tiểu phàm phu, vạn vật hữu sinh chi địa”.

Chiếu lâm bất sảng, phú tại vô tư

Dịch: Lạy Chúa chí tôn

Thiên Chúa cửu trùng cao ngự thiên cung

Thẩm nhận đoàn con – phàm hèn giữa muôn tạo vật

Chúa soi thấu cả, chẳng có đơn sai.[2]

Phần “Lung khởi” của Kinh Phục Rĩ khá dài vì tiếp theo đó là lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha sáng tạo muôn loài, Chúa Con chịu khổ chịu nạn để cứu chuộc trần gian, Chúa Thánh Thần hiện xuống và ở cùng Giáo Hội...

Như thế, nếu bài văn tế nhằm than vãn trước sự ra đi của người thân, thì kinh Phục lại nhấn mạnh trước hết đến Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống. Ngài là Đấng Tối Cao trên cả vạn vật.

Cũng trong chiều hướng đó, cách nói về một người đã nằm xuống cũng rất khác biệt. Trong Phần “Thích thực” là nội dung chính của bài tế, người ta kể lể công trạng của người đã chết, để tuyên dương ca ngợi những việc họ đã làm. Cụ Đồ Chiểu trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đã ca ngợi những người nông dân suốt đời chân lấm tay bùn, hiền lành là vậy, mà khi có giặc ngoại xâm đã bỗng chốc trở nên anh hùng. Chúng ta cùng so sánh:

Nhớ linh xưa

Côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó

Chưa quen cung ngựa đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ...

Ấy vậy mà khi quân xâm lăng đến, họ bỗng trở nên mạnh mẽ:

Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan

Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.

Khi tưởng niệm một người qua đời, kinh Phục lại không nhấn mạnh đến công lao của người quá vãng. Quả vậy, đối với tín hữu Kitô, những gì chúng ta làm ở đời này chỉ là hư không: “Đối với anh em, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Con người chẳng có chi mà khoe khoang, vì trước nhan Chúa, họ chỉ là hư vô, “các quốc gia như thể giọt nước bám miệng thùng, khác nào hạt cát dính bàn cân” (Is 40,15). Khi nhắm mắt xuôi tay vĩnh biệt cõi đời này, con người đến trình diện Đấng Tối Cao với hai bàn tay trắng. Họ chẳng mang được gì theo, trái lại, họ còn nhiều yếu đuối và tội lỗi cần được Chúa thanh tẩy. Ta hãy cùng đọc:

Thiết niệm linh hồn (mỗ)

Tự tòng sinh tiền, chí kim tự hậu

Thụ Thiên Chúa cực đại chi ân. Lự thử hồn vô tình chi vật.

Dịch: Nhớ lại linh hồn...

Khi còn sinh thời đến khi lâm mệnh

Chịu ơn Chúa thực đã bao nhiêu – thật quả hồn vô tình chi vậy.

Hơn thế nữa, vào lúc một người đã chết, nhìn lại chặng đường đã qua, xem ra họ chẳng làm được gì đáng kể. Thời giờ Chúa ban hầu như đã trở nên vô dụng, như dòng nước trôi đi không trở lại. Kinh Phục Rĩ là lời cầu nguyện sám hối chân thành thống thiết:

Bình sinh cư thế, bất thức bất vụ bất sự lực khuy

Vãng nhật đa khiên, hoặc tư hoặc ngôn hoặc hành hữu mậu

Hoặc bị linh hồn ký hãm minh ngộ, ái dục tam năng

Đa vị biệt dung bất chuyên ức chuyên mộ chuyên tư; hoặc bị phục thân nhĩ mục khẩu tuỵ thủ túc tứ thể, vọng các tha kỳ, mãn tuyến kính tuyền tuân tuyền phụng”

Dịch: bình sinh trên thế, chẳng biết, chẳng giữ, chẳng cứ việc ngay

Lỗi phạm bao nhiêu, hoặc suy hoặc nghe hoặc làm sự tội

Hoặc tại linh hồn mắc điều gian nịnh thiếu sự khôn ngoan, bao nhiêu trọng tội

Chính không nhớ không mộ không suy; hoặc tại phần thân xác nặng chẳng tìm nẻo chính lối phải.

Chẳng cứ tâm thành, chẳng vì kính vì vâng vì trọng.

Cũng chính vì ý thức sự yếu hèn của mình mà lời kinh kêu nài ơn tha thứ nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, đồng thời nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, các thiên thần, thánh Bổn mạng, thiên thần hộ thủ và toàn thể chư thánh cùng bầu cử trước tòa Chúa cho người đã qua đời được siêu thoát:

Á thân Chúa Da-tô, thục tội thi ân chi đại nhân từ Thánh Mẫu vị kỳ xá quá cho đa.

Dịch: Ôi lạy Chúa Giê-su, chuộc tội ban ơn khôn lượng, cậy nhờ Thánh mẫu, nguyện cầu khẩn Chúa thương tha.

Trung thành với luật hành văn của một bài tế, kinh Phục Rĩ cũng có một lối kết mang tính “cẩn cáo”, nhưng nội dung lại là một lời cầu xin và mở ra niềm hy vọng. Ta hãy so sánh:

Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sữi thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ.

Hỡi ôi thương thay

Có linh xin hưởng” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Kinh Phục Rĩ lại kết thúc như sau:

Nguyện thử linh hồn, khiết thăng thiên quốc,

Xuân đài tự tại, chân hưởng phúc chi vô cùng

Thọ vực tiêu rao tín thường sinh chi hữu vinh

Kinh văn sở đảo thỉnh chúng đồng âm. Amen

Dịch: Nguyện cầu thanh tẩy linh hồn chóng lên thiên quốc

Muôn đời cực lạc, an hưởng phúc vui vô cùng

Nguyện được Cha ban phúc trường sinh nơi vĩnh viễn

Trông mong khẩn khoản, hết thày đồng tâm. Amen.

Như đã nói trên, nội dung của lời cầu nguyện đã được thay đổi. Tác giả đã khéo léo lồng vào một bài văn tế quan niệm nhân sinh của Tin Mừng. Tâm tình cậy trông, sám hối và hy vọng được nêu rõ trong lời kinh. Chính nhờ đó mà kinh Phục Rĩ vừa gần gũi với tầng lớp bình dân, vừa dễ đi vào lòng người vì nó mang theo cái hồn của văn chương Việt Nam, dễ hướng những người tham dự hướng về tiên tổ, với tâm tình cầu nguyện hoàn toàn mới mẻ.


––––––––––––––––––––––––––––––––––

[1] Theo nhà thơ Lê Đình Bảng, tác giả của kinh Phục Rĩ có thể là một thày giảng có tên là Phan-xi-cô, xuất thân là một vị Hòa Thượng tiến sĩ, làm quan lớn trong phủ Chúa Trịnh, khoảng năm 1632. Có tài liệu cho rằng sau này Thày Phan-xi-cô đã chịu tử đạo năm 1640 (Xem Lê Đình Bảng trong http://dunglac.org/)

[2] Phần dịch nghĩa Kinh Phục Rĩ trích từ bản dịch của Đức Ông Phạm Hân Quynh, Gp Hải Phòng. Vì chú trọng đến âm vận để đọc chung trong cộng đoàn, nên có nhiều chỗ dịch không hoàn toàn sát nghĩa bản chữ Hán.


LỊCH PHỤNG VỤ