Lời Chủ chăn Giáo phận Xuân Lộc tháng 02-2022: ‘Người Tôi Trung của Đức Chúa’

11/02/2022


LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
THÁNG 2-2022

‘NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA ĐỨC CHÚA’

Quý Cha và quý Tu Sĩ rất thân mến,

Giáo hội đã chắt lọc từ Tin Mừng ba viên trân châu bảo ngọc: Thanh thoát, Thanh tâm, Thanh ý. Thanh thoát đối với của cải, Thanh tâm trong tình yêu, Thanh ý trước chỉ dẫn của Thiên Chúa. Truyền thống và phụng vụ của Giáo hội quý trọng ba viên trân châu này, và đặt vào cuộc đời những người trọn đời sống ơn thánh hiến qua lời tuyên khấn tự nguyện của họ.

Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” (2 Cor 4, 7)

Ngày nay, một số trào lưu cùng hợp lực ‘đập vỡ bình sành’ để một trật tiêu hủy ‘kho tàng trân châu bảo ngọc ấy’…

Những thế lực tàn phá Giáo hội có thể từ bên ngoài… nhưng tai hại hơn, có thể từ bên trong Giáo hội, từ bên trong nội tâm con cái Giáo hội…

Đứng trước những phê bình, xin trước tiên trở về lòng mình… chúng ta chân thành tìm lại ‘họa ảnh Chúa Ba Ngôi’ (Augustinô: Imago Trinitatis)… Đây là phương thức hay nhất tôn vinh Thiên Chúa và chinh phục đối phương… trong an bình khiêm nhu và tôn trọng sự thật.

Qua tài liệu: ‘Những Quy Luật Tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên Lịch’ (AC), Giáo hội chỉ dẫn: ‘Trong các tuần lễ Mùa Thường Niên, không có cử hành một khía cạnh nào đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính chính mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn bộ, nhất là trong các ngày Chúa Nhật’ (AC 43).

Chúa Nhật thứ nhất dẫn vào Mùa Thường Niên cử hành sự kiện: ‘Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa’. Có thể chúng ta không xem nhẹ, nhưng vì đã quen nên không chú ý đủ và lưu lại nhiều trong ý nghĩa Kitô học và Cứu độ học của biến cố. Chúng ta cùng theo chân Mẹ Giáo hội bước vào Phụng vụ Mùa Thường Niên, soi mình trong tấm gương chân dung Chúa Giêsu chịu phép rửa.

1. ‘Người Tôi Trung’, lời hứa chan chứa niềm ủi an

- Từ ngữ ‘tôi tớ’ trong văn mạch và xã hội xưa, cũng có thể hiểu là ‘nô lệ’ mà phẩm giá tùy thuộc công việc và tương quan với người chủ. Khi được áp dụng vào tương quan con người với Thiên Chúa, Chủ của mình, từ ngữ này hàm ý khiêm tốn, vâng phục và tín cẩn; đồng thời đó cũng là tước hiệu vinh dự. Tước hiệu này từng được dành cho Môsê, Đavít, các Tiên Tri và đặc biệt dành cho một người đầy phẩm hạnh được trình bày trong bốn bài ca về ‘Người Tôi Tớ’.

- Bốn bài ca trải dài trọn cả phần rất đặc biệt của hậu duệ Isaia (ch. 40-55), miêu tả hành trình xuyên suốt tiệm tiến về cuộc đời và sứ mạng của ‘Người Tôi Tớ’ huyền nhiệm. Người được tuyển chọn, được trang bị chan hòa ơn Thánh Thần cho sứ mạng cứu độ phổ quát, cho cuộc giải phóng đến tận cùng trái đất. Người được gọi từ lòng mẹ, sống mối tương quan thân tình với Đức Chúa, mỗi sáng được Đức Chúa đánh thức để nghe ‘Lời’. Người chuyên chăm bổn phận, gánh chịu chống đối, như cây sậy bị bầm dập, như tim đèn ngún khói, trăn trở nội tâm… nhưng không bị ‘gẫy gánh giữa đường’. Người đặt phần phúc đời mình nơi Thiên Chúa, vẫn tín trung đến chết nhục nhã… ‘như bị Thiên Chúa đập đánh’, cái chết trở nên hy lễ xá tội, nguồn ơn công chính và cứu độ nhiều người.

- ‘Người Tôi Tớ’ toàn thắng xuyên qua cái chết ô nhục… trở nên ‘Người Tôi Trung’… ‘Người Tôi Trung’ làm thành lời hứa chan chứa niềm ủi an cho dân Chúa. Sẽ có cuộc đổi mới, thời khôi phục đã gần kề, Giêrusalem mới đẹp hơn Giêrusalem xưa. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng cũng là Đấng cứu chuộc. ‘Người Tôi Trung’ quy tụ dân Thiên Chúa, là ánh sáng các dân tộc, trải qua đau khổ để tẩy xóa tội lỗi của dân và được Thiên Chúa tôn vinh.

2. ‘Người Tôi Trung’ nhập cuộc

- Những bài ca ‘Người Tôi Trung’ có hiệu ứng theo dòng lịch sử cứu độ, hướng về một cá nhân rất đặc trưng:

‘Ta sẽ đổ xuống nhà Đavít và dân cư Giêrusalem, một Thần Khí ơn huệ và khẩn nguyện. Và chúng sẽ nhìn lên Ta, Người chúng đã đâm’ (Za 12: 10).

- Giáo hội từ ban đầu đã hồi tưởng, chiêm nghiệm sâu xa cuộc đời, sứ vụ của Đấng là Thầy và là Chúa của mình xuyên qua thân phận ‘Người Tôi Trung của Đức Chúa’:

+ ‘Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và ký lục, người ta sẽ lên án tử hình cho Ngài và sẽ nộp Ngài cho dân ngoại, và người ta sẽ nhạo báng Ngài, khạc nhổ trên Ngài, đánh đòn Ngài và giết đi, và ba ngày sau Ngài sẽ sống lại’ (Mc 10: 33.34)…

+ ‘Chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em là: Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy bánh, và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói: Này là Mình Thầy…’ (1Co 11: 23.24)… ‘Này là Máu Ta, Máu giao ước, đổ ra vì nhiều người’ (Mc 14: 24)…

+ ‘Một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài, và lập tức có máu và nước chảy ra…’ (Ga 19: 34).

+ ‘Các bệnh tật của ta, Ngài đã gánh lấy, Ngài đã vác lấy các nỗi đau thương của ta’ (Mt 8: 17)…

- Giáo hội sau Chúa phục sinh đã nhận diện sáng tỏ chân dung ‘Người Tôi Trung Giêsu’ là ‘Con Người’ (Fils de l’homme) và là ‘Con Chúa’ (Fils de Dieu).

‘Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói! Thế thì Đức Kitô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?’ (Lc 24: 25.26).

Các lời tuyên tín cổ thời (1Co 15: 3s; Rm 4: 24s) hàm ẩn ý nghĩa các bài ca ‘Người Tôi Trung’ soi sáng ý nghĩa cái chết liên đới với toàn dân và sự sống lại của Đấng là ‘Con Người’ và là ‘Con Chúa’, đồng thời tuyên xưng ba phương diện trong sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu: Hoàng Vương, Tư Tế và Tiên Tri.

Anh chị em rất thân mến,

Trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi các môn đệ của Chúa Kitô cùng thanh tẩy ký ức, sám hối vì một quá khứ đau thương do tội lỗi của các phần tử Giáo hội gây nên:

‘Trong khi thiên niên thứ hai gần hết, Giáo hội càng cần phải hoàn toàn nhận thức được tội lỗi của con cái mình, nhớ lại tất cả những lúc, trải qua theo giòng lịch sử, họ đã xa rời tinh thần của Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, thay vì hiến cho thế giới một chứng từ của một đời sống được thúc đẩy bởi những giá trị đức tin, thì lại tìm thỏa mãn bằng những cách suy tư và hành động dưới những hình thức thực sự phản chứng tá và gây gương mù. Được tháp nhập vào Chúa Kitô, mặc dù là thánh, Giáo hội không hề mệt mỏi trong việc thực hiện việc thống hối: Trước nhan Thiên Chúa và trước mặt con người, Giáo hội luôn luôn công nhận những người con nam nữ tội lỗi như là của riêng mình’ (Tông thư Tertio millennio adveniente, số 33).

‘Chúa Kitô thánh thiện, vô tội và tinh tuyền, không hề phạm tội chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng, còn Giáo hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân” (GH 8).

Ý thức sâu sắc thực trạng ‘bình sành mong manh’, chúng ta không chỉ tiêu cực nguyền rủa bóng tối, nhưng nỗ lực sám hối canh tân…

Chúa Giêsu chịu phép rửa vẫn sừng sững trước chúng ta:

Người thanh thoát: ‘Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu’ (Lc 9: 58).

Người thanh tâm: ‘Ta và Cha là một’ (Ga 10: 30).

Người thanh ý: ‘Nguyện cho ý Cha được thành sự’ (Mt 26: 42).

Nguyện xin Đức Trinh Mẫu Vô Nhiễm diễm phúc và Thánh Cả Giuse bầu cử trước Thánh Nhan cho chúng ta hằng ngày sống tâm thế ‘dìm mình’ trong dòng sông Jordan với Đấng là Thầy và là Chúa của mình.

+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Nguồn: giaophanxuanloc.net (11.02.2022)

LỊCH PHỤNG VỤ