Làm thế nào để thúc đẩy sự tự lập của con bạn?

26/11/2020


LÀM THẾ NÀO ĐỂ THÚC ĐẨY SỰ TỰ LẬP CỦA CON BẠN
HÒA HỢP VỚI NHỊP ĐIỆU CỦA CHÚNG

Tác giả: Anne Gavini
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org

WHĐ (26.11.2020) – Nhanh hơn và sớm hơn không phải là mục tiêu khi nuôi dạy một đứa trẻ tháo vát, có năng lực.

"Con trai tôi rất độc lập, nó chọn phim hoặc sách và tự đi ngủ vào buổi tối!" Adele, mẹ của Gaspard 4 tuổi, tự hào thông báo. Còn bạn thì nghĩ về đứa con 7 tuổi của mình, đang vật lộn để buộc dây giày sau giờ học thể dục…

Trong hơn 40 năm, diễn ngôn về giáo dục đã coi sự tự lập là một mục tiêu giáo dục chính yếu và các bậc cha mẹ phải phấn đấu để con cái họ được tự lập. Không thể có chuyện mọi thứ sẽ sớm thay đổi, vì vậy chúng ta có thể mong đợi sự tự lập sẽ được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự vì hàng triệu trẻ em hiện đại của chúng ta. Chỉ cần nhìn lướt qua các tạp chí giáo dục người ta thấy rằng không có lòng thương xót dành cho những kẻ không biết tự lập! Hơn nữa, ý tưởng này có vẻ hoàn toàn tự nhiên đối với các bậc cha mẹ: “Con cái chúng tôi phải đối mặt với một thế giới phức tạp, chúng cần phải tự mình vượt qua càng nhanh càng tốt”, một bà mẹ thú nhận. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự tự lập bị lý tưởng hóa như thế lại trở thành vỏ bọc cho chủ nghĩa cá nhân?

Đứa trẻ tự lập là một đứa trẻ được tin cậy

Cũng giống như xã hội quá náo động của chúng ta đang lo sợ về sự lệ thuộc của các người lớn tuổi, những người nhỏ tuổi cũng được cảnh báo không nên ở trong tình trạng lệ thuộc này quá lâu. Thế mà chính trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này mà mối tương quan mẹ con được bồi đắp. Chính sự gần gũi thân thiết này đã đánh dấu tình mẹ, khiến những năm tháng đầu tiên ấy trở thành thời kỳ an toàn. Sự an toàn của ngày mai phát triển được là nhờ vào sự phụ thuộc của ngày nay - đứa trẻ chỉ có thể phát triển từ từ theo từng giai đoạn nhờ sự phụ thuộc đó. Nếu chúng ta vượt qua nó quá nhanh, chúng ta có nguy cơ khiến những đứa con trở nên bi quan và buồn bã.

Tại sao không xem xét sự tự lập trong điều kiện thực tế của gia đình, điều chỉnh nó theo nhịp sống, nhu cầu và khả năng của con cái? Ngay cả khi điều này có nghĩa là hạ thấp một số tiêu chuẩn và xa rời các hướng dẫn “chính thức”: buộc dây giày của con lúc 7 giờ, mua bánh mì ở cửa hàng trên phố lúc 8 giờ… Nếu con bạn không phù hợp với khuôn phép, hãy xem xét tất cả những gì chúng có thể làm được mà không cần bất cứ quyển sách hướng dẫn nào của trường lớp. Con trai bạn có đọc truyện cho em gái nghe trước khi đi ngủ không? Con gái bạn có khiếu hài hước không giống ai phải không? Con bạn có chơi trò đố chữ không? Nó có an ủi bạn bè của nó không?

Cảm xúc trí tuệ, ý thức về mối quan hệ, khả năng tham gia vào cuộc sống gia đình: có nhiều dấu hiệu cho thấy con cái chúng ta đang lớn lên theo nhịp độ riêng của chúng trong gia đình. Chúng là dấu hiệu của hơi thở mà Thiên Chúa đã thổi vào chúng, tự thể hiện qua tính độc đáo của chúng. Cuối cùng, điều quan trọng là phải xây dựng mối tương quan tin cậy và hiểu biết qua lại với con cái, nguồn duy nhất của sự tự lập đích thực. Dây giày có thể đợi!

LỊCH PHỤNG VỤ