Nhà thờ Chính tòa giáo phận Phát Diệm

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM

I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Đầu thế kỷ XIX, cả vùng Kim Sơn ngày nay vẫn còn là vùng đất bồi với bùn lầy, cỏ sậy. Năm 1828, ông Nguyễn Công Trứ được triều đình Huế phái ra Bắc để khai phá những vùng đất mới và đã lập ra huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Tên gọi Phát Diệm xuất hiện vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), khi huyện Kim Sơn được thành lập.

Có thể nói công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài chỉ thực sự bắt đầu từ khi cha Alexandre de Rhodes và cha Marquez cập bến Cửa Bạng (nay thuộc Ba Làng, Thanh Hóa) vào ngày lễ thánh Giuse, 19/3/1627. Trong khi chờ đợi ra kinh đô Thăng Long (nay là Hà Nội), các ngài đã giảng đạo tại Van-no, vốn từng được một số người cho là gần cửa Thần Phù, ngày nay là xứ Hảo Nho, thuộc giáo phận Phát Diệm.

Năm 1659, Tòa Thánh thành lập hai Vùng Đại Diện Tông Toà (từ đây xin gọi tắt là giáo phận) Đàng Ngoài và Đàng Trong, với hai vị Đại Diện Tông Toà tiên khởi là François Pallu và Lambert de la Motte, cũng là hai vị sáng lập Hội Thừa Sai Paris. Tuy nhiên, mãi đến năm 1666, các cha đầu tiên thuộc Hội Thừa sai Paris mới đặt chân lên Đàng Ngoài và bắt đầu thực sự tham gia công việc rao giảng Tin Mừng tại vùng đất này.

Năm 1679, giáo phận Đàng Ngoài được phân đôi thành Đông và Tây Đàng Ngoài. Vùng đất giáo phận Phát Diệm ngày nay thuộc Tây Đàng Ngoài do Đức Cha Jacques de Bourges coi sóc. Năm 1712, vùng đất ngày nay là Phát Diệm đã có 34 nhà thờ và nhà nguyện với 4.540 tín hữu.

Ngày 27/3/1846, giáo phận Tây Đàng Ngoài lại được chia thành Tây và Nam Đàng Ngoài. Phát Diệm thuộc về Tây Đàng Ngoài do Đức Cha Retord Liêu coi sóc với 4 giáo xứ : Phúc Nhạc có 10.600 tín hữu, Yên Vân 1.598, Bạch Bát 3.482, Đồng Chưa 4.000.

Năm 1895, giáo phận Tây Đàng Ngoài lại được phân chia lần nữa thành Tây Đàng Ngoài và Thượng Đàng Ngoài, quen gọi là giáo phận Đoài. Phần đất giáo phận Phát Diệm thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài do Đức cha Gendreau Đông coi sóc.

Giáo phận Phát Diệm chính thức được thành lập ngày 19/4/1901 khi Đức Lêô XIII chia Tây Đàng Ngoài thành hai: Tây Đàng Ngoài (Hà Nội bây giờ) và giáo phận mang tên mới là Duyên Hải Đàng Ngoài, còn được gọi là giáo phận Thanh, gồm tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Châu Lào. Ngày 3/12/1924, giáo phận Thanh được đổi thành giáo phận tông tòa Phát Diệm.

Năm 1932, giáo phận Phát Diệm được chia đôi để thành lập giáo phận mới mang tên giáo phận Thanh Hóa.

Ngày 11/6/1933, Đức Piô XI đặt Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, giám mục người Việt Nam tiên khởi, làm giám mục phó giáo phận Phát Diệm. 

Ngày 24/11/1960, với sắc chỉ Venerabilium Nostrorum, Tòa Thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam và nâng các giáo phận tông tòa ở Việt Nam lên hàng chính tòa. Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo là giám mục chính tòa đầu tiên của giáo phận Phát Diệm.

II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ

1. Địa lý

Hiện nay giáo phận Phát Diệm nằm trọn trong tỉnh Ninh Bình và một phần nhỏ thuộc hai huyện Lạc Thủy và Yên Thủy của tỉnh Hòa Bình, với diện tích khoảng 1.786.77 km2. Phía Đông giáp tỉnh Nam Định, phía Tây giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp Biển Đông, phía Bắc giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Nam.

2. Dân số

Theo thống kê tính đến ngày 31/12/2017, giáo phận Phát Diệm có 154.167 tín hữu Công giáo, trong tổng số dân số địa phương là 1.031.357 người.

3. Giáo hạt và giáo xứ

Hiện nay, giáo phận Phát Diệm gồm 9 giáo hạt, với 79 giáo xứ (x. Danh sách đính kèm)

4. Dòng tu

Giáo phận Phát Diệm có Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Ngoài ra có Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn nằm trong địa bàn của giáo phận, một số tu sĩ của các dòng đang phục vụ tại các giáo xứ: Don Bosco, Thánh Phaolô, Con Đức Mẹ Phù Hộ, Bác Ái Vinh, Tu hội Thánh Tâm.

5. Đời sống giáo dân

Đa số giáo dân Phát Diệm sống chủ yếu bằng nghề nông, đan lát. Trong khoảng 1990-2015, một số khá đông rời xa quê nhà để đi tìm việc làm. Hiện nay, hiện tượng di dân không còn ồ ạt vì người trẻ tìm được việc làm trong các khu công nghiệp gần nhà. Mức sống kinh tế và trình độ văn hóa còn nhiều giới hạn, nhưng đã tiến triển nhiều trong vài năm gần đây.

Trong thời kỳ cấm cách, người tín hữu sốt sắng thực hành các việc đạo đức bình dân, sống đạo cách đơn sơ. Nay do ảnh hưởng của trào lưu tục hóa và lối sống hưởng thụ, một số người bắt đầu lạnh nhạt trong đời sống tôn giáo, thậm chí không còn thực hành đức tin nữa, nhiều gia đình gặp khủng hoảng hay đổ vỡ. Sinh hoạt mục vụ tập trung vào việc dạy giáo lý, đào tạo giới trẻ (thiếu nhi, thanh niên thiếu nữ, sinh viên) và củng cố đời sống gia đình. Số giáo lý viên: 1.148.

III. NHÂN SỰ

1. Giám mục đương nhiệm: Đức Cha Phêrô Kiều Công Tùng

2. Các vị giám mục tiền nhiệm

Đức Cha Alexandre J.P. Marcou Thành, Giám mục Đại diện Tông tòa (1902 – 1935)

Đức Cha Luis de Cooman Hành, Giám mục Phó (1917 – 1932)

Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng
         - 1933 – 1935: Giám mục Phó
         - 1935 – 1943; 1944 – 1945: Giám mục Đại diện Tông tòa

Đức Cha Gioan Maria Phan Đình Phùng
         - 1940 – 1943: Giám mục Phó
         - 1943 – 1944: Giám mục Đại diện Tông tòa

Đức Cha Tađêô Lê Hữu Từ, Giám mục Đại diện Tông tòa (1945-1954)

Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo
        - 1956 – 1959: Giám quản
        - 1959 – 1998: Giám mục Chính tòa

Đức Cha Giuse Lê Quý Thanh, Giám mục Phó (1964 – 1974)

Đức Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến, Giám mục Phó (1977 – 1981)

Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến
       - 1988 – 1998: Giám mục Phó
       - 1998 – 2007: Giám mục Chính tòa

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám quản Tông tòa (2007 – 2009)

Đức cha Giuse Nguyễn Năng
       - 2009 – 2019: Giám mục Chính tòa
       - 2019 – 2023: Giám quản Tông tòa

3. Linh mục, chủng sinh và tu sĩ

Số linh mục triều: 98

Số linh mục dòng: 17

Số tu sĩ nam: 101

Số nữ tu: 307

Số chủng sinh Đại chủng viện: 81

Số chủng sinh dự bị: 187

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN

1. Tổng Đại diện: linh mục Antôn Phan Văn Tự

2. Đại diện tư pháp: linh mục Luca Phạm Văn Huy

3. Chánh văn phòng: linh mục Têphanô Phạm Văn Thịnh

4. Các linh mục quản hạt:

Hạt Bạch Liên: linh mục Phêrô Trần Quang Đức

Hạt Cách Tâm: linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

Hạt Đồng Chưa: linh mục Antôn Nguyễn Đức Điều

Hạt Ninh Bình: linh mục Antôn Đoàn Minh Hải

Hạt Phát Diệm: linh mục Tôma Aquinô Nguyễn Bá Khuê

Hạt Phúc Nhạc: linh mục Giuse Vũ Ánh Hồng

Hạt Tôn Đạo: linh mục Phêrô Trần Văn Hòa

Hạt Văn Hải: linh mục Giuse Trần Văn Khoa

Hạt Vô Hốt: linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Công Tráng

Ngoài ra, còn có Hội đồng Tư vấn, Hội đồng Linh mục, các ban mục vụ giáo phận (x. Danh sách đính kèm)

V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN

1. Nhà thờ Chính tòa

Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi, là công trình trung tâm của quần thể nhà thờ Phát Diệm, được xây dựng từ năm 1875 đến năm 1899 dưới sự chỉ huy của cha Phêrô Trần Lục. Đây là một công trình kiến trúc Á Đông độc đáo với hai vật liệu chính là gỗ và đá, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 18/1/1988. Nhà thờ Chính tòa được Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo cung hiến ngày 06/10/1991.

2. Tòa giám mục

Khi giáo phận mới thành lập, Đức Cha tiên khởi Alexandre Marcou Thành (1902 – 1935) đã sử dụng một số công trình của giáo xứ Chính Tòa để làm Tòa giám mục. Về sau, một số công trình được xây thêm nhưng đã bị phá hủy do chiến tranh. Năm 1990 Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo và Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến xây thêm một số nhà, trong đó có nhà nguyện và nhà truyền thống.

3. Trung tâm mục vụ

Trên cơ sở của Trường thử Trì Chính ngày xưa, Trung tâm mục vụ của giáo phận được đại tu và xây dựng thêm, từ năm 2010 được sử dụng làm chủng viện để đào tạo chủng sinh. Tuy nhiên, có nhiều sinh hoạt khác được tổ chức trong các tháng hè, như các khóa tĩnh tâm, thường huấn, dạy nhạc, dạy may, huấn luyện các đoàn thể.

4. Chủng viện

Năm 1867, chủng viện Vĩnh Trị thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) được tách đôi để thiết lập hai chủng viện mới: chủng viện thánh Phêrô Hoàng Nguyên và chủng viện thánh Phaolô Phúc Nhạc. Khi giáo phận Phát Diệm được thành lập vào năm 1901, chủng viện Phúc Nhạc thuộc về Phát Diệm.

Trước năm 1954, giáo phận Phát Diệm đã có Trưởng thử Trì Chính, Tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Đại chủng viện Thượng Kiệm.

Sau 1954, Tiểu chủng viện thánh Phaolô Phúc Nhạc được dời vào Phú Nhuận, Sài Gòn. Năm 1965, Thánh Bộ Truyền Giáo yêu cầu các chủng viện di cư sáp nhập vào chủng viện địa phương. Niên khóa sau cùng của Tiểu chủng viện thánh Phaolô 1966-1967 kết thúc, cũng là lúc chủng viện giải tán sau 100 năm hoạt động.

40 năm sau, ngày 19/10/2007, chủng viện được tái lập với tên gọi cũ “Tiểu chủng viện thánh Phaolô”, với sứ mạng đào tạo các chủng sinh của giáo phận chuẩn bị vào Đại chủng viện. Từ năm 2015, cơ sở Tiểu chủng viện còn là nơi đào tạo các chủng sinh của năm Tu đức thuộc Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội.

5. Trung tâm hành hương

Quần thể Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm là công trình kiến trúc độc đáo có giá trị không những về tôn giáo, mà còn cả về văn hóa, mỹ thuật, lịch sử và kiến trúc, nên có rất nhiều khách hành hương đến cầu nguyện hoặc tham quan, tìm hiểu.

Tòa Thánh đã dùng năng quyền của mình ban cho mọi tín hữu bất cứ lúc nào đến viếng nhà thờ Chính tòa đều được ơn toàn xá.

Đền Thánh Tử đạo Phúc Nhạc cũng là nơi hành hương cho các tín hữu, vì tại đây lưu trữ nhiều hài cốt của các thánh Tử đạo, đặc biệt là thánh Inê Lê Thị Thành (bà thánh Đê).

VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ

1. Loan báo Tin Mừng

Để thực hiện công cuộc loan báo Tin Mừng, giáo phận tổ chức các khóa huấn luyện tác viên Tin Mừng; cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo; thúc đẩy thăm viếng, kết thân và chia sẻ với các gia đình chưa biết Chúa trong các biến cố vui buồn; cùng với Ban Bác ái xã hội – Caritas giúp đỡ các bệnh nhân và những người có hoàn cảnh khó khăn.

2. Bác ái xã hội – Caritas

Ban Bác ái xã hội – Caritas của giáo phận và của mỗi giáo xứ có nhiều hoạt động bác ái từ thiện, như:

- Chăm sóc sức khỏe: tủ thuốc từ thiện, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, hỗ trợ mổ tim, mổ mắt đục tinh thể, xe lăn; chăm sóc bệnh nhân HIV, người khuyết tật, bệnh nhân phong và tâm thần.

- Bảo vệ sự sống: tư vấn không phá thai, chôn cất các thai nhi bị giết, cầu nguyện và giúp người nghèo lo hậu sự.

- Chăm sóc người nghèo: cung cấp lương thực cho người nghèo đói, làm nhà tình thương; hỗ trợ học phí cho học sinh sinh viên nghèo.

- Chăm sóc bảo vệ môi trường: lắp đặt nhiều hệ thống nước sạch, dọn vệ sinh khu xóm.

VII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC

Địa chỉ Tòa Giám mục: 75 Phát Diệm Đông, Kim Sơn, Ninh Bình.

Địa chỉ e-mail và điện thoại văn phòng:

- Email: tgmpdiem@gmail.com

- Đt: 0229. 3862 058

- Fax: 0229. 3862 724

- Website của giáo phận: http://phatdiem.org 

Văn phòng TGM Phát Diệm

Cập nhật ngày 31/12/2017

ĐÍNH KÈM

I. Giáo hạt và giáo xứ

Hiện nay, giáo phận Phát Diệm gồm 9 giáo hạt, với 79 giáo xứ:

1. Hạt Bạch Liên gồm các xứ: Bạch Liên, Quảng Nạp, Bình Hải, Yên Thổ, Quảng Phúc, Yên Liêu, Phú Thuận và Hải Nạp.

2. Hạt Cách Tâm gồm các xứ: Cách Tâm, Dưỡng Điềm, Như Sơn, Quyết Bình, Quân Triêm, Mông Hưu, Xuân Hồi và Tín Thuận.

3. Hạt Đồng Chưa gồm các xứ: Đồng Chưa, Lãng Vân, Phúc Lai, Mưỡu Giáp, Uy Tế, Trung Đồng, Uy Đức và Mỹ Thủy.

4. Hạt Ninh Bình gồm các xứ: Thiện Dưỡng, Ninh Bình, An Ngải, Áng Sơn, Hào Phú, Hoàng Mai, La Vân, Đồng Bài và Tam Điệp.

5. Hạt Phát Diệm gồm các xứ: Hảo Nho, Phát Diệm, Bình Sa, Yên Bình, Trì Chính, Phương Thượng, Hoài Lai và Phát Vinh.

6. Hạt Phúc Nhạc gồm các xứ: Phúc Nhạc, Yên Vân, Hiếu Thuận, Gia Lạc, Phúc Hải, Nam Biên, Bình Hòa và Tam Châu.

7. Hạt Tôn Đạo gồm các xứ: Tôn Đạo, Hướng Đạo, Ứng Luật, Khiết Kỷ, Hòa Lạc, Dục Đức, Thuần Hậu và Phú Hậu.

8. Hạt Văn Hải gồm các xứ: Văn Hải, Hóa Lộc, Tân Khẩn, Tùng Thiện, Như Tân, Tân Mỹ, Cồn Thoi, Kim Trung, Hợp Thành, Hải Cường và Kim Đông.

9. Hạt Vô Hốt gồm các xứ: Khoan Dụ, Sào Lâm, Vô Hốt, Xích Thổ, Sơn Lũy, Mỹ Châu, Đồng Đinh, Ngọc Cao, Phúc Châu, Lạc Bình và Di Dân.

II. Hội Đồng Tư Vấn

1. Cha Antôn Phan Văn Tự

2. Cha Giuse Trần Văn Khoa

3. Cha Phêrô Trần Văn Hòa

4. Cha Giuse Phạm Ngọc Khuê

5. Cha Phaolô Nguyễn Tất Ứng

III. Hội Đồng Linh Mục

1. Cha Antôn Phan Văn Tự: Trưởng ban

2. Cha Têphanô Phạm Văn Thịnh: Thư ký

3. Cha Phêrô  Mai Văn Vọng

4. Cha Luca Phạm Văn Huy

5. Cha Antôn Đoàn Minh Hải

6. Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

7. Cha Giuse Trần Văn Khoa

8. Cha Giuse Phạm Ngọc Khuê

9. Cha Phêrô Trần Văn Hòa

10. Cha Antôn Nguyễn Đức Điều

11. Cha Gioan B. Nguyễn Công Tráng

12. Cha Tôma Aquinô Nguyễn Bá Khuê

13. Cha Giuse Vũ Ánh Hồng

14. Cha Gioan B. Đỗ Văn Đoan

15. Cha Phaolô Nguyễn Tất Ứng

16. Cha Phêrô Nguyễn Văn Chuyển

17. Cha Phêrô Trần Quang Đức

IV. Tổ chức và các Ban của giáo phận

1. Tổng Đại Diện: Cha Antôn Phan Văn Tự

2. Chánh văn phòng: Cha Têphanô Phạm Văn Thịnh

3. Trưởng ban Chủng sinh-tu sinh: Cha Phêrô  Mai Văn Vọng

4. Đại Diện Tư Pháp: Cha Luca Phạm Văn Huy

5. Trưởng ban Tu sĩ: Cha Gioan B. Dương Hoài Đức

6. Trưởng ban Phụng tự-Nghệ thuật thánh: Cha Giuse Vũ Ánh Hồng

7. Trưởng ban Giáo lý đức tin: Cha Phaolô Nguyễn Tất Ứng

8. Trưởng ban Mục vụ di dân: Cha Giuse Lê Văn Hưởng

9. Trưởng ban Thánh nhạc: Cha Phaolô Nguyễn Văn Định

10. Trưởng ban Công lý và Hòa bình: Cha Giuse Trần Văn Khoa

11. Trưởng ban Giáo dân: Cha Antôn Đoàn Minh Hải

12. Trưởng ban Mục vụ Giới trẻ: Cha Phêrô Trịnh Ngọc Do

13. Trưởng ban Mục vụ Gia đình: Cha Phêrô Trần Quang Đức 

14. Trưởng ban Bác ái xã hội Caritas: Cha Gioan Đỗ Văn Khoa

15. Trưởng ban Văn hóa: Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

16. Trưởng ban Loan báo Tin Mừng: Cha Gioan B. Đỗ Văn Đoan

17. Trưởng ban Truyền thông XH: Cha Phaolô Nguyễn Xuân An