Giới thiệu các Hội Giáo hoàng Truyền giáo

25/08/2021

Đức Tổng Giám Mục Giovanni Pietro Dal Toso

GIỚI THIỆU CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO

Tác giả: Tổng Giám mục Giampietro Pietro Dal Toso,
Chủ tịch các Hội Giáo hoàng Truyền giáo

Chuyển ngữ: Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công,
Giám đốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam

WHĐ (25.8.2021)Bài này được trích trong diễn văn của Chủ tịch các Hội Giáo hoàng Truyền giáo – Đức Tổng Giám mục Giampietro Pietro Dal Toso, tại Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam được tổ chức tại Bãi Dâu, Vũng Tàu ngày 25/04/2019. Trong diễn văn này, Đức Tổng Giám mục đã trình bày lịch sử, nguyên lý thần học, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, đồng thời ngài cũng nêu ra một số đề nghị cụ thể cần áp dụng trong Giáo hội Việt Nam. Sau đây là phần giới thiệu về các Hội Giáo hoàng Truyền giáo trong diễn văn của ngài.

I. CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO

       1. Lịch sử và cơ cấu. 1

       2. Hai nguyên lý thần học. 3

       3. Những nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. 6

       4. Ban Chỉ đạo Quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo và quý Giám mục. 10

II. NHỮNG ĐÚC KẾT


Đức Tổng Giám Mục Giovanni Pietro Dal Toso tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc, năm 2019, Hình: giaophanxuanloc.net

I. CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO

1. Lịch sử và cơ cấu

Làm thế nào chúng ta có thể định nghĩa các Hội Giáo hoàng Truyền giáo cách vắn gọn trong một câu? Các Hội này là một mạng lưới phục vụ toàn cầu của Đức Thánh Cha để duy trì sứ mạng truyền giáo và các Hội Thánh trẻ, bằng cầu nguyện và làm việc bác ái. Chính Đức Thánh Cha khẳng định rằng các Hội Giáo hoàng Truyền giáo rất quan trọng nhưng lại không được nhiều người biết đến. Đây có thể là trường hợp của nhiều người trong quý hiền huynh; và nó có thể là sai lầm vì chỉ giản lược các Hội này vào khía cạnh tài chính đơn thuần (tức là nghĩ rằng các Hội này chỉ để đóng tiền - chú thích của người dịch).

Như quý hiền huynh biết, có bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Theo thứ tự thời gian thành lập, đó là Hội Truyền bá Đức Tin, Hội Nhi đồng Truyền giáo, và Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ. Những Hội này được khai sinh ra ở Pháp vào thế kỷ 19. Thời gian đó, có nhiều tổ chức truyền giáo quan trọng được thành lập; suy nghĩ về điều này, chúng ta có thể nói rằng đặc tính của đất nước Pháp đã được xác định bởi bầu khí rất đặc biệt bởi lòng nhiệt thành say mê truyền giáo. Một cách tổng quát, tôi cũng muốn nói rõ rằng trong nửa đầu thế kỷ 19, nước Pháp sống trong giai đoạn thánh thiện. Ít nhất có ba vị thánh xuất thân từ Giáo phận Lyon vào thời đó: thánh Gioan Maria Vianney, thánh Phêrô Chanel, người sau này trở thành vị tông đồ và tử đạo ở châu Đại Dương, và thánh Phêrô Julian Eymard, người sáng lập ra Dòng Thánh Thể. Sau này có Pauline Jaricot, người mà chúng ta hy vọng sẽ mau được phong Chân phước, vị sáng lập Hội Giáo hoàng Truyền giáo đầu tiên, tức là Hội Truyền Bá Đức Tin. Ở điểm này, tôi sẽ sai lầm nếu không đề cập đến đặc sủng, đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là một đặc sủng được Thiên Chúa thúc đẩy ở trong lòng Hội Thánh; đó là ân sủng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy để thấy những nhu cầu trong Hội Thánh của Ngài. Việc thành lập các Hội này và mục đích hiện diện cũng như sự phát triển của họ không thể giải thích theo cách khác.

Do đó, trước hết, chúng ta cần tìm hiểu ngắn gọn lịch sử của từng Hội.

Pauline Jaricot là một nữ giáo dân ở Lyon, đã thiết lập Hội Truyền Bá Đức Tin vào năm 1822 vì được thúc đẩy bởi một nhà truyền giáo tại Á Châu, đó là một trong những người anh của bà. Với mong muốn hỗ trợ anh mình, Pauline đã mời gọi một số phụ nữ ngoan đạo đầu tiên đến cầu nguyện, và sau đó tự nguyện đóng góp cho việc truyền giáo. Do đó, phải cảm ơn Pauline Jaricot vì Hội Truyền bá Đức Tin vẫn luôn được xem là mạng lưới cầu nguyện và bác ái.

Năm 1843, Đức Giám mục Địa phận Nancy, Charles de Forbin- Janson, thiết lập Hội Thánh Nhi/Nhi đồng Truyền giáo với ý hướng khích lệ các trẻ em trở thành những cổ động viên cho sứ vụ truyền giáo. Dù vậy, hoạt động của Hội này được tóm lại trong một phương châm: “Trẻ em giúp trẻ em.” Tôi được đánh động bởi thực tế tại nhiều nước ở Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á; những nơi đó, Giáo phận cổ võ chương trình chăm sóc mục vụ thường xuyên cho thiếu nhi rất cẩn thận thông qua Hội Nhi đồng Truyền giáo. Tôi vẫn còn nhớ rằng, khi tôi còn là một thiếu nhi, chúng tôi thường hay quyên tiền cho việc truyền giáo qua những mùa Giáng Sinh với sáng kiến của những “ngôi sao ca nhạc”.

Cuối cùng, vào năm 1889 Jeanne Bigard cùng với người mẹ của mình lập ra Hội Thánh Phêrô Tông đồ với mục đích xây dựng một chủng viện ở bên Nhật. Sáng kiến này đã nhanh chóng trở nên phổ biến và liên tiếp với mục tiêu cụ thể là ủng hộ việc đào tạo các giáo sĩ và tu sĩ địa phương trong những vùng truyền giáo. Thậm chí cho đến ngày nay, nhiệm vụ cao cả này vẫn tiếp tục.

Hội thứ tư, Hiệp Hội Giáo sĩ Truyền giáo, được thành lập ở nước Ý nhờ lòng nhiệt thành truyền giáo của Chân phước Paul Manna, linh mục và là thành viên của Dòng Truyền giáo Nước ngoài PIME (Pontifical Institute for Foreign Missions), vào những năm đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ 20. Cha Paul Manna muốn làm thức tỉnh và cổ võ tinh thần truyền giáo của toàn Dân Chúa từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và đưa chiều kích truyền giáo toàn cầu/ truyền giáo phổ quát vào các thừa tác viên linh mục. Trực giác của ngài cho rằng mỗi Kitô hữu là một nhà thừa sai và được mời gọi để cổ võ cho sứ vụ truyền giáo ad gentes, đến với muôn dân. Hội này được Đức Thánh Cha Phaolô VI gọi là “linh hồn của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.”

Vào năm 1922, Đức Thánh Cha Piô XI đã đặt các Hội này vào vị trí “thuộc Giáo hoàng” và dời các Văn phòng Thư ký của họ về Roma. Như thế, Đức Thánh Cha chính thức công nhận đặc sủng của các Hội này và đặt họ dưới quyền riêng của ngài như là khí cụ để hỗ trợ sứ vụ truyền giáo ad gentes, đến với muôn dân, của Hội Thánh thông qua cầu nguyệnviệc bác ái. Tôi muốn nhấn mạnh sự kiện lịch sử này, vì sự kiện đó ảnh hưởng quyết định lên phẩm chất/đặc tính của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo: họ là những tổ chức của Đức Thánh Cha và, qua họ, Ngài chăm sóc nhiều nhu cầu mục vụ nơi các Hội Thánh trẻ trung. Trong thực tế, mối liên hệ sâu đậm với sứ vụ Đấng kế vị thánh Phêrô cũng thật rõ nét là, vào cuối thập niên 20, chính Đức Thánh Cha Piô XI đã thiết lập ngày Thế giới Truyền giáo/Chúa nhật Truyền giáo, theo lời đề nghị của Chủng viện Sassari. Từ đó, ngài quyết định rằng tất cả những đóng góp trong ngày đó được trao cho Hội Giáo hoàng về Truyền bá Đức Tin, đó là cách cụ thể diễn tả sự quan tâm của Hội Thánh hoàn vũ đối với tất cả các Hội Thánh trên toàn thế giới.

Năm nay, chúng ta tổ chức kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud (Sứ vụ Cao cả) của Đức Thánh Cha Bênêđictô XV. Trong Thư này, Đức Thánh Cha mong muốn làm rõ sự khác biệt giữa hiện tượng thực dân hóa của các cường quốc Châu Âu và việc loan báo Tin mừng của Hội Thánh. Ngài cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc hình thành nên hàng giáo sĩ địa phương tại những nơi truyền giáo. Trong tài liệu này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XV cũng đề cập đến tầm quan trọng của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo như là khí cụ của việc truyền giáo.

Tôi thực sự cảm động bởi thực tế là các Giáo huấn của Hội Thánh về truyền giáo luôn luôn đề cập tới các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Giữa nhiều tài liệu khác nhau, tôi xin trích dẫn Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vatican II, số 38, khi đề cập đến các nhiệm vụ của Giám mục liên hệ đến sứ vụ truyền giáo hoàn vũ, rằng: “Các Giám mục có nhiệm vụ khuyến khích và giúp đỡ các Hội Dòng giáo phận để họ góp phần riêng vào các xứ truyền giáo; phát động nơi tín hữu mình những công cuộc của các Tổ chức Truyền giáo, và nhất là các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Thực vậy, những hội này phải giữ vị trí hàng đầu vì chúng là những phương tiện vừa để người công giáo, ngay từ tuổi thơ, được thấm nhuần cảm thức thực sự phổ quát và truyền giáo, vừa để khuyến khích một cuộc quyên góp hữu hiệu những tiền trợ cấp cho tất cả các xứ truyền giáo tùy theo nhu cầu từng nơi” (AG 38).

Nhìn theo góc độ cơ cấu, các Hội này vừa có chiều kích quốc tế vừa có chiều kích địa phương. Ở chiều kích quốc tế, các Hội này được bốn Tổng thư ký điều hành dưới sự chỉ đạo của một vị Chủ tịch, và được ủy thác cho Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc. Chiều kích địa phương được thể hiện rõ ràng trong thực tế là chúng ta có 120 vị Giám đốc Quốc gia để hỗ trợ những giám đốc cấp địa phận. Cụ thể, Giáo luật điều 791 quy định rằng trong mỗi Giáo phận “cử một linh mục được chỉ định để cổ võ cách hiệu quả những công cuộc truyền giáo, nhất là các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.” Nhiệm vụ hết sức quan trọng của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là làm gia tăng ý thức truyền giáo. Trong thực tế, theo giáo huấn của các Đức Thánh Cha và Công đồng, truyền giáo là sứ vụ được ủy thác cho toàn Dân Chúa. Nhiệm vụ đặc biệt của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là duy trì tinh thần truyền giáo này được sống động.

2. Hai nguyên lý thần học

Bây giờ, tôi muốn trình bày cùng quý hiền huynh những suy tư về viễn cảnh thần học của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, với hai điểm quan trọng: 1) Hội Thánh địa phương và Hội Thánh hoàn vũ, 2) mối liên hệ giữa Đức Tin và sứ vụ truyền giáo ad gentes, đến với muôn dân.

Truyền giáo là lãnh vực đặc biệt, trong đó tương quan phong phú giữa giữa Hội Thánh hoàn vũ và Hội Thánh địa phương rõ nét nhất. Chắc chắn đây không phải là lúc làm cuộc nghiên cứu uyên thâm về vấn đề này, nhưng rõ ràng là hai chủ thể (Hội Thánh hoàn vũ và Hội Thánh địa phương) có mối “liên hệ bản thể” với nhau và không thể tách rời được. Nếu nói rằng Hội Thánh hoàn vũ được thể hiện cụ thể nơi Hội Thánh địa phương là đúng, thì cũng thật chính xác rằng Hội Thánh địa phương không thể tồn tại nếu không có Hội Thánh hoàn vũ. Giai đoạn lịch sử gần đây của (đất nước) quý hiền huynh đã cho chúng ta kinh nghiệm trực tiếp về sự hiệp nhất với Hội Thánh hoàn vũ đã giúp cho chúng ta tồn tại như thế nào, thậm chí cả trong thời khắc đen tối nhất. Tương quan qua lại (với Hội Thánh hoàn vũ) ngăn ngừa Hội Thánh địa phương khép kín nơi chính mình và trở thành một “Hội Thánh (của một) quốc gia.” Càng mở lòng ra với sứ vụ truyền giáo, Hội Thánh địa phương càng khám phá ra rằng có một Hội Thánh hoàn vũ hiệp nhất với tất cả các Hội Thánh khác trên thế giới và mở lòng ra với nhiều nhu cầu của con người. Điều này thật là đúng khi nó khởi đi từ chính con người Giám mục, người được tấn phong để trở thành thừa tác viên cho một Hội Thánh cụ thể, nhưng cũng là người, với tư cách thành viên của Tông đồ đoàn, cộng tác với Đức Thánh Cha, chăm sóc toàn thể Dân Chúa. Công đồng Vatican II đã giải thích điều này rõ ràng như sau: “Giám Mục, là những người kế vị hợp pháp các Tông Đồ và là thành viên của Giám mục Đoàn, phải luôn luôn ý thức mình liên kết với nhau và cùng nhau lo lắng cho tất cả các Hội Thánh, vì được Thiên Chúa thiết lập và do mệnh lệnh của nhiệm vụ tông đồ, mỗi vị, cùng với các Giám mục khác, phải là người bảo đảm cho Hội Thánh. Nhất là các ngài phải lo lắng đến những miền trên thế giới chưa được rao giảng Lời Chúa, hay đặc biệt những miền mà chính vì quá ít linh mục, các Kitô hữu đang bị nguy cơ xa lìa đời sống Kitô giáo và cả đến độ mất Đức Tin. Vì thế các ngài phải cố gắng hết sức thế nào để các công cuộc rao giảng Phúc Âm và hoạt động tông đồ được các tín hữu nhiệt liệt nâng đỡ và cổ võ. Ngoài ra các ngài còn phải chú tâm lo lắng chuẩn bị những thừa tác viên thánh vụ thích hợp và cả các phụ tá, tu sĩ cũng như giáo dân, để làm việc tại các xứ truyền giáo và những miền thiếu giáo sĩ. Và tùy sức có thể, các ngài hãy lo gửi một số linh mục của mình đến thi hành thánh vụ tại những xứ truyền giáo và các giáo phận nói trên cách vĩnh viễn hay ít là trong một thời gian hạn định. Ngoài ra, trong khi sử dụng tài sản của Hội Thánh, các Giám mục phải quan tâm đến không những các nhu cầu của giáo phận mình, mà còn của các Hội Thánh địa phương khác vì các Hội Thánh này là thành phần Hội Thánh duy nhất của Chúa Kitô. Sau cùng các ngài cũng phải tùy sức mà quan tâm đến việc cứu trợ những tai ương mà các giáo phận hay các miền khác phải gánh chịu (Christus Dominus, 6). Viễn tượng lớn lao này giúp chúng ta hiểu hoạt động của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo liên quan đến việc truyền giáo cho muôn dân như thế nào, từ đó có thể giúp cho đời sống mục vụ của Giám mục và Hội Thánh địa phương, bởi vì các Hội này nhắm đến tính chất toàn cầu mà, qua đó, các Hội này được thành lập. Hội Giáo hoàng Truyền giáo liên kết trực tiếp với Đức Thánh Cha, đấng kế vị thánh Phêrô, để phục vụ cho sự hiệp nhất nơi những Hội Thánh cụ thể, trong tinh thần bác ái Công giáo; chính tinh thần này đưa họ đi đến tận cùng của trái đất bởi vì đó là nhiệm vụ của Bí tích Thanh Tẩy - Thánh Thể, tức là rao giảng và làm chứng về ơn cứu độ Kitô giáo.

Điểm thần học thứ hai là mối liên hệ giữa Đức Tin và sứ vụ loan báo Tin mừng cho muôn dân. Tất cả chúng ta đều biết rằng chiều kích truyền giáo rất quan trọng đối với Đức Thánh Cha của chúng ta. Nhưng tôi muốn đi xa hơn nữa rằng: đã hơn một lần, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “Loan báo Tin mừng là mẫu thức chung cho hết thảy mọi hoạt động của Giáo hội.” (EG 15). Đây không phải là một khám phá mới, bởi Công đồng Vatican II và các Đức Thánh Cha sau đó đã đề cập đến bản chất truyền giáo của Hội Thánh. Hạn từ “bản chất” cho thấy chắc chắn rằng không phải là một khía cạnh đơn giản, nhưng là tất yếu của Hội Thánh: nếu Hội Thánh không truyền giáo, Hội Thánh đánh mất đi căn tính của mình.

Một cách cụ thể, đó là sự nối kết giữa Hội Thánh và công cuộc truyền giáo mà tất cả chúng ta được mời gọi tái khám phá, thậm chí ở cấp độ địa phương. Quả thật, rất nhiều lần chúng ta bị cám dỗ khi xem việc truyền giáo chỉ như là một trong nhiều khía cạnh của Hội Thánh chứ không phải là bản chất. Vì thế, thật quan trọng để hiểu mối dây liên kết giữa hoạt động mục vụ thông thường và hoạt động mục vụ truyền giáo. Ý thức về truyền giáo không tách biệt với chăm lo mục vụ, nhưng trong một vài cách thức, chính là đỉnh cao. Nói cách khác, chiều kích truyền giáo có thể giúp củng cố sức mạnh cho hoạt động mục vụ thông thường của Hội Thánh, bởi nó giúp hoạt động đó vượt lên trên. Nếu mục vụ thông thường làm thức tỉnhgiáo dục Đức Tin, thì truyền giáo không làm gì khác hơn là tiếp tục làm cho Đức Tin ấy trưởng thành và có sức năng động. Tôi tin rằng chúng ta phải khám phá mối liên hệ mật thiết giữa Đức Tin và truyền giáo và, do đó, giữa giáo dục Đức Tin và truyền giáo, bởi vì một Đức Tin trưởng thành cũng là một “Đức Tin sẵn sàng lên đường/truyền giáo.” Trong Thông điệp Redemptoris missio, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng của truyền giáo cũng là cuộc khủng hoảng Đức Tin, đó là một sự thật hiển nhiên cho đến ngày nay. Về mặt tích cực, không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cả hai Giáo hoàng - Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô - nói rằng Đức Tin lớn lên bởi sự hấp dẫn: một niềm tin Kitô giáo trở nên bằng chứng xác thực trong cả lời nói và hành động. Một cách cụ thể bởi vì có sự đồng nhất giữa niềm tin và sứ vụ, trước tiên chúng ta phải vượt qua những điều không dễ dàng để nói về truyền giáo và một lần nữa giới thiệu cuộc gặp gỡ cá nhân là tình bạn với Đức Giêsu là tâm điểm của cuộc hành trình Đức Tin và của công cuộc truyền giáo. Theo nghĩa này, sứ vụ truyền giáo cho muôn dân không gì khác hơn là tiếp tục những kinh nghiệm của Đức Tin, tạo nên tính năng động nội tại của niềm tin và dẫn (chúng ta) đến bất kỳ cơ hội mới nào. Đó là năng động cá nhân bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta trong Đức Kitô và Đấng sai chúng đi làm chứng nhân của Ngài, nhân danh Đức Kitô. Bởi vì có sự liên tục này, tôi không thấy sự đối nghịch giữa mục vụ thông thườngmục vụ truyền giáo, nhưng đúng hơn là làm phong phú cho nhau.

Hôm nay, cho phép tôi suy tư sâu hơn về Hội Thánh của quý hiền huynh trong công cuộc loan báo Tin mừng gần đây hơn. Nơi quý hiền huynh có nhiều điều dạy chúng tôi và, đặc biệt ở Việt Nam, nhiều chứng nhân Đức Tin đang được tuyên dương trong toàn Hội Thánh. Chúng ta phải gìn giữ ký ức về những anh hùng tử đạo cách sống động, bởi vì đây là sự bảo đảm cho hoa trái của Hội Thánh. Nhưng gìn giữ ký ức sống động của các anh hùng Tử đạo nghĩa là gì? Không một Hội Thánh nào có thể phát triển ở bên ngoài đường lối thánh thiện mà các thành viên của mình đang theo đuổi. Điều chúng ta sống không chỉ thuộc về quá khứ, nhưng phải vững mạnh cho hiện tại mở đường hướng về tương lai. Chăm sóc mục vụ thông thường không xảy ra bên ngoài con đường thánh thiện này, bên ngoài hành động của Chúa Thánh Thần nơi chúng ta và nơi các tín hữu. Theo nghĩa này, tôi nói về điều này rất tự do, sự sống động của các cộng đoàn Hội Thánh chúng ta không chỉ đo bằng sự thường xuyên tham dự Thánh lễ Chúa nhật, bằng số hàng giáo sĩ địa phương, số chủng sinh, và số ơn gọi thánh hiến; những chỉ số đó cũng quan trọng nhưng, quan trọng hơn là, bằng chính đời sống Đức Tin của quý hiền huynh, bằng đời sống Đức Tin của hàng giáo sĩ và tín hữu (mà quý hiền huynh đang chăm sóc). Chỉ có đời sống Đức Tin chân thật mới có thể giúp đỡ, làm say mê và hấp dẫn (người khác) đến với Đức Tin. Vì vậy, thậm chí ngày nay, chúng ta cần nuôi dưỡng và phát triển các cộng đoàn Đức Tin, trong đó sự gặp gỡ Đức Giêsu trong Lời của Ngài và trong các bí tích là tâm điểm, một cộng đoàn mà nơi đó Đức Tin ngấm sâu vào đời sống hằng ngày. Thông qua chiều kích truyền giáo sâu xa này của người tín hữu mà cộng đoàn Hội Thánh truyền giáo được hình thành, bởi vì công cuộc Loan báo Tin mừng hấp dẫn và làm chứng cho Đức Kitô và mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Đó là Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Giáo dục Đức Tin đích thực như cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh là điều quan trọng nhất của sứ vụ truyền giáo.

3. Những nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo

Dưới ánh sáng của những điều suy tư trên đây, bây giờ tôi muốn tập trung vào những nhiệm vụ chính được ủy thác cho Ban Chỉ đạo Quốc gia của Hội Giáo hoàng Truyền giáo.

a. Nhiệm vụ thứ nhất

Giữ gìn tinh thần truyền giáo được sống trong lòng Hội Thánh thông qua việc sinh động hóa hoạt động truyền giáo và huấn luyện. Các vị Giáo hoàng trước đây, ít nhất là từ Đức Thánh Cha Phaolô VI, nhấn mạnh tính trọng tâm của sứ vụ loan báo Tin mừng trong Hội Thánh. Tôi đã nói ở trên rằng truyền giáo là diễn tả Đức Tin một cách sống động. Do đó, tại các Hội Thánh địa phương, vị Giám đốc cấp quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo có nhiệm vụ khích lệ sứ vụ truyền giáo, nghĩa là khích lệ tinh thần Đức Tin, và vì thế, khích lệ những chứng tá về Đức Kitô. Sinh động hóa hoạt động truyền giáo được thực hiện thông qua giảng thuyết, gặp gỡ, cổ võ việc huấn luyện đào tạo và chuẩn bị Khánh nhật Truyền giáo.

b. Nhiệm vụ thứ hai

Thúc đẩy sự cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đi nhắc lại cho chúng ta về sự quan trọng của cầu nguyện, đó là linh hồn của công cuộc truyền giáo. Quả thật, Chúa Thánh Thần là Đấng gìn giữ và làm cho sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh sống động. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo được thành lập với tinh thần cầu nguyện này để họ vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Chúng ta đừng quên rằng thánh Bổn mạng của công cuộc truyền giáo là nữ tu dòng Kín Carmelite, người đã cầu nguyện liên lỉ cho công cuộc truyền giáo mà chưa từng đi truyền giáo. Tôi tin rằng vị giám đốc tại các quốc gia, tùy theo cách thức của mỗi quốc gia, phải giúp các Giáo phận, giáo xứ và những cộng đoàn cầu nguyện liên lỉ cho sứ vụ truyền giáo.

c. Nhiệm vụ thứ ba

Trau dồi việc huấn luyện truyền giáo. Cùng hợp tác với Ban Thư ký cấp quốc tế tại Roma - và cụ thể là với Hiệp hội Giáo sĩ Truyền giáo (PMU), linh hồn của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo - mở những khóa đào tạo các linh mục, giáo dân và tu sĩ, những người quan tâm đến công cuộc truyền giáo. Trong chuyến thăm trước đây của vị Tổng thư ký Hiệp hội Giáo sĩ Truyền giáo đến Hội Thánh của quý hiền huynh (được cha Jerome Nguyễn Đình Công, Giám đốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo của chúng ta, sắp xếp từ ngày 27/8 đến ngày 05/9 năm 2018), đã dự tính bắt đầu hợp tác chương trình bồi dưỡng về truyền giáo để có thể đáp ứng những nhu cầu tại địa phương của quý hiền huynh đối với việc đào tạo Kitô hữu cũng như đối với những nhu cầu phổ quát cho công cuộc truyền giáo trên toàn Hội Thánh. Lãnh vực đào tạo này ngày càng trở nên quan trọng, vì Đức Thánh Cha cũng đã yêu cầu “tái định dạng” các Hội Giáo hoàng Truyền giáo của chúng ta “theo những đòi hỏi của Tin mừng.” Trong bối cảnh thế giới hiện đại chúng ta đang sống và trong từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau nơi mỗi Hội Thánh địa phương, thì đâu là vai trò của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo hiện nay so với lúc các Hội này mới được thành lập? Việc huấn luyện đào tạo ở nhiều cấp độ là cách thức, trong đó, chúng ta đang nỗ lực đáp lại yêu cầu của Đức Thánh Cha. Về điều này, tôi buộc phải đề cập đến một sự nhận thức rất nghiêm túc về tầm quan trọng của thần học truyền giáo. Truyền giáo không phải chỉ có hành động, nhưng phải được suy tư và đối thoại dựa trên hướng dẫn và kỷ luật của Hội Thánh. Tôi không có ý định tiết lộ một bí mật lớn lao khi khẳng định rằng tôi đã nhận biết một khó khăn cụ thể trong công cuộc truyền giáo, theo nghĩa là công bố Tin mừng Kitô giáo. Khó khăn này đang xảy ra ít nhất ở Phương Tây, nhưng không hẳn chỉ có phương Tây. Khó khăn ấy là hệ quả của một sự nhầm lẫn thần học về những câu hỏi nền tảng: (ví dụ) ơn cứu độ phổ quát của Đức Giêsu Kitô, vai trò của các tôn giáo, ý nghĩa chính xác về khái niệm semina verbi (hạt giống của Lời) hay những dấu chỉ thời đại, việc thành lập các Hội Thánh trẻ như là mục tiêu của công cuộc loan báo Tin mừng. Tất cả những chủ đề đó dường như vẫn bị hiểu mập mờ và, từ đó, dễ dàng dẫn tới một cái nhìn méo mó về truyền giáo như là công việc hỗ trợ cho sự phát triển, hay là một viễn tượng của Thiên Chúa mà lại không tương hợp với mặc khải Kitô giáo.

Nếu không có suy tư thần học nghiêm túc, bất kỳ hoạt động truyền giáo nào dường như vẫn chưa hoàn thành hoặc thậm chí chấm dứt hoàn toàn. Điều này có rõ ràng đối với chúng ta không, ví dụ, đi ra ngoại biên có nghĩa là đem sứ điệp của Đức Kitô đã chết và phục sinh, Đấng giải thoát nhân loại này khỏi tội lỗi ngay trong chính Ngài? Tự bản chất, Hội Thánh là truyền giáo, nhưng trong thực tế thì thế nào? Hội Thánh có truyền giáo không, và tất cả những người đã lãnh nhận Thánh Tẩy có cộng tác để thi hành sứ vụ truyền giáo cách hiệu quả không? Những vấn đề này vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những Hội Thánh thuộc vùng truyền giáo. Để trả lời cho những câu hỏi này, tôi tin tưởng rằng đây là nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về thần học, chứ không phải chỉ có làm mục vụ.

d. Nhiệm vụ thứ tư

Bây giờ tôi buộc phải trình bày về khía cạnh tài chánh. Ban Chỉ đạo Quốc gia có nhiệm vụ kêu gọi quyên góp cho các hoạt động truyền giáo, cách cụ thể là quyên góp vào dịp Khánh nhật Truyền giáo (Chúa nhật áp chót trong tháng Mười). Như chúng ta biết tiền bạc không phải là điều quá quan trọng, nhưng nó thực sự cần thiết. Như tôi đã trình bày, số tiền quyên góp này, Đức Thánh Cha đã công bố, được dùng trọn vẹn vào quỹ tương trợ toàn cầu. Ban Thư ký cấp quốc tế của các Hội Giáo hoàng quản lý số tiền mà tất cả các tín hữu thuộc các Hội Thánh địa phương trên toàn thế giới sẵn sàng dâng cho Đức Thánh Cha, để Ngài có thể sử dụng nhằm nâng đỡ các Hội Thánh còn non trẻ/ mới thành lập. Thật là ý nghĩa đối với các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là, thậm chí, các giáo phận thuộc những nước nghèo nhất cũng đóng góp vào quỹ này. Tôi tin rằng đây là trường hợp duy nhất trong Hội Thánh có một tổ chức mà tất cả mọi người đóng góp, và tất cả những gì dâng cúng được trao cho những ai thực sự cần thiết. Như quý hiền huynh biết, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo cung cấp tài chính cho nhiều loại dự án mục vụ khác nhau. Hội Truyền bá Đức Tin hỗ trợ để duy trì những sinh hoạt thông thường trong các giáo phận bằng với số tiền trợ cấp thường niên. Hơn nữa, hằng năm, mỗi giáo phận có thể đệ trình 4 dự án khác (dự án ngoại thường) để xin trợ cấp, những dự án này phải liên hệ trực tiếp đến công việc loan báo Tin mừng, ví dụ: xây dựng nhà thờ, trung tâm mục vụ, cơ sở nhà dòng, đào tạo giáo sĩ, những khóa huấn luyện những người làm công tác tông đồ, để khích lệ thêm tinh thần truyền giáo. Vì thế, Hội sẽ không chấp nhận những dự án ngoại thường mang tính xã hội, ví dụ: xây bệnh viện, trường học

Cũng cần lưu ý rằng một trong 4 dự án ngoại thường được đệ trình phải dành cho một cộng đoàn dòng tu nào đó đang giúp mục vụ trong Giáo phận. Hội thánh Phêrô Tông đồ, cung cấp tài chính cho hỗ trợ việc xây dựng và tổ chức các chủng viện thuộc các vùng truyền giáo (50% tổng chi phí) và Hội Thánh Nhi cung cấp những dự án mục vụ phục vụ cho trẻ em. Các Hội này thực tế chỉ là những tổ chức cung cấp tài chính cho những dự án mục vụ nhằm mục đích duy trì sức sống của các Giáo phận thuộc các vùng truyền giáo. Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc phục vụ này rất lớn lao, vì nó có thể phân bổ, hỗ trợ cách hợp lý và bảo đảm ít nhất hỗ trợ tối thiểu cho tất cả mọi địa hạt trong các vùng truyền giáo. Sự phân bổ công bằng này nhân danh Đức Thánh Cha thông qua các Hội giúp mọi người đạt được điều gì đó. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo còn phục vụ một việc lớn lao khác là trợ cấp học bổng cho một vài đại học ở Roma, nơi mà các linh mục và tu sĩ ở các nước truyền giáo đang học tập. Đây là khoản đầu tư rất lớn vì tương lai, bởi vì khi cho phép linh mục và tu sĩ trẻ học ở Roma có nghĩa là giúp công việc đào tạo nhân sự cho các Hội Thánh trẻ chất lượng hơn. Điều này giải quyết một nhu cầu mà tất cả quý hiền huynh đều có kinh nghiệm, một nhu cầu mà các Hội Giáo hoàng Truyền giáo đều mong muốn đáp ứng, đó là mỗi năm chi khoảng 9 triệu euro, trợ giúp 500 linh mục và tu sĩ du học sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức những khóa huấn luyện các nhà đào tạo chủng viện và những khóa bồi dưỡng cho các giáo sư thuộc những nước trong vùng truyền giáo. Tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề khác là chúng tôi cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho việc huấn luyện các nữ tu: nhiều hội dòng cấp giáo phận có ơn gọi, nhưng lại ít, thậm chí rất ít, cơ hội để đào luyện các ơn gọi ấy. Vì thế, các Hội này có trách nhiệm làm hiệp nhất và củng cố tất cả những yếu tố nền tảng này trong giáo phận để giáo phận được vững mạnh.

Tôi cám ơn Hội Thánh Việt Nam đã quảng đại đóng góp số tiền quyên góp cho việc truyền giáo hằng năm; đó là dấu chỉ rõ ràng về sự hiệp nhất với Hội Thánh hoàn vũ. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì số lượng tín hữu và các Giáo phận vẫn tiếp tục tăng ở các vùng truyền giáo; do đó nhu cầu cần tài trợ cũng tăng, đang khi ngân quỹ quyên góp được trên toàn thế giới ngày càng giảm. Chính vì lý do này, chúng tôi thỉnh cầu tất cả Giám mục luôn nhớ đến nỗi mong ước và thao thức của Đức Thánh Cha để hỗ trợ các Hội Giáo hoàng Truyền giáo qua việc quyên góp mà các Hội này được ủy nhiệm. Tôi cũng cám ơn quý hiền huynh đã sẵn lòng gửi nhân sự đi phục vụ ở những Hội Thánh đang thiếu linh mục và tu sĩ. Chính tôi đã gặp họ ở nhiều nước khác nhau, ngay cả ở Châu Âu. Tôi muốn lặp lại rằng nếu chúng ta thực sự dám cho đi thì lại nhận được; tất cả mọi sự được trao ban vì sứ mạng - con người, năng lực, tiền bạc -đều trở nên một ân huệ cho những điều tốt lành của Giáo phận, để từ đó, đạt được sức năng động, đời sống chứng tá và sự nhiệt tâm, đặc biệt trong lãnh vực ơn gọi. Tôi cũng muốn đề cập tới vấn đề quan trọng trong việc quản lý và sử dụng cách minh bạch khoản tài trợ được các Hội Giáo hoàng Truyền giáo hoặc các tổ chức và cơ quan khác trao cho các Giáo phận. Yêu cầu của chúng tôi để có một báo cáo tài chính chính xác về những gì quý hiền huynh nhận được cũng có nghĩa là có một cơ quan quản trị đúng đắn ngay cả đối với các giáo xứ nữa. Tôi tin rằng, trong tương lai, một trong những nhiệm vụ của Giám đốc Quốc gia cũng là đảm trách việc này.

e. Nhiệm vụ thứ năm

Cuối cùng, Tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Thông tấn xã Fides. Đó là tạp chí tin tức của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Ban Chỉ đạo Quốc gia phải liên kết cộng tác với Thông tấn xã Fides để trao đổi thông tin liên quan đến công cuộc truyền giáo tại mỗi châu lục. Hiện nay các ấn bản đang được thực hiện với 7 ngôn ngữ: Ý, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Trung Quốc và Ả Rập.

4. Ban Chỉ đạo Quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo và quý Giám mục

Từ chính đặc tính của mình, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo vừa có tính quốc tế vừa có tính địa phương. Điều chúng ta vừa nói về mối liên hệ nội tại giữa Hội Thánh hoàn vũ và Hội Thánh địa phương được áp dụng rất tốt trong các Hội Giáo hoàng của chúng ta. Như tôi đã đề cập rằng các Hội này “của” Đức Thánh Cha. Tuy nhiên các Hội này cũng là “của” các Giám mục, bởi vì nếu không có sự hỗ trợ từ các Giám mục địa phương (không phải chỉ tài chánh), chúng tôi không thể chu toàn trách nhiệm. Khía cạnh địa phương này của các Hội Giáo hoàng truyền giáo cũng được thể hiện trong thực tế là Hội đồng Giám mục giới thiệu ba ứng viên, từ đó Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc mới chọn Giám đốc Quốc gia. Vì thế, quý Giám mục phải rộng lòng nhân từ và không ngừng hỗ trợ vị Giám đốc Quốc gia.

Việc hỗ trợ này trước tiên là, theo tinh thần của Giáo Luật (điều 791), mỗi Giáo phận bổ nhiệm một vị linh mục đặc trách các Hội Giáo hoàng Truyền giáo cấp Giáo phận (giám đốc cấp giáo phận). Việc bổ nhiệm này nên cần trao đổi với Giám đốc Quốc gia, vì vị này có trách nhiệm tạo mối tương quan nội bộ giữa các giám đốc cấp giáo phận với nhau. Trong trách nhiệm của mình đối với đặc tính truyền giáo của Hội Thánh, Đức Giám mục nên chọn giám đốc cấp giáo phận là vị linh mục không vướng vào công việc quản trị bên ngoài, nhưng là người nhiệt tâm trong việc làm thức tỉnh tinh thần truyền giáo tại địa phương, đồng thời có khả năng cộng tác với vị Giám đốc Quốc gia.

Một khía cạnh thiết yếu khác là sự liên lạc đều đặn giữa Giám đốc Quốc gia và quý Giám mục, đặc biệt là với ngài Chủ tịch Hội đồng Giám mục. Điều này nên được thể hiện trong thực tế là, ít nhất mỗi năm một lần, vị Giám đốc Quốc gia được tạo cơ hội để thông tin cho quý Đức cha về các công việc được ủy thác.

Huấn Thị Cooperatio missionalis (năm 1988) cũng nhấn mạnh một điều quan trọng trong việc hợp tác giữa Ủy Ban Loan báo Tin mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục và Ban Chỉ đạo Quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo; Huấn thị đề nghị rằng Giám đốc Quốc gia nên được bổ nhiệm làm Thư ký, hoặc nhất là thành viên của Ủy Ban này. Có hai việc rõ ràng: sự cộng tác mà các Hội Thánh địa phương chính thức thiết lập với các Hội Thánh địa phương khác, ví dụ gởi các nhà truyền giáo đi, đó là việc thứ nhất; việc thứ hai là của Hội Giáo hoàng, có liên hệ trực tiếp với Đấng kế vị Thánh Phêrô và bổn phận của các Hội này, là hỗ trợ những nhu cầu cần thiết nhất tại các Hội Thánh bằng cả tinh thần lẫn vật chất. Cả hai việc này nên một với nhau do lòng nhiệt thành truyền giáo, nhưng khác đối tượng. Trong mọi trường hợp, cần phải kết hợp có tính tổ chức giữa hai việc này. Lòng nhiệt thành truyền giáo chính là cơ hội để cùng làm việc với nhau.

II. NHỮNG ĐÚC KẾT

Tôi muốn kết thúc bằng một số hướng dẫn thực hành để giúp các Giám mục, từng bước một, thiết lập một hướng đi tốt cho các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam.

1) Trước hết, cần thiết lập một Văn phòng riêng và ổn định cho Ban Chỉ đạo Quốc gia để họ có thể thi hành những trách nhiệm được trao cách hiệu quả hơn. Văn phòng Thư ký Quốc tế sẽ hỗ trợ tài chánh cho mục đích này.

2) Liên quan đến nhân viên của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, cần phải được thực hiện ở hai cấp độ. Mỗi Giám mục nên bổ nhiệm một linh mục chịu trách nhiệm trong Giáo phận của ngài, như Giáo Luật yêu cầu (giám độc giáo phận). Những vị giám đốc này, sau đó, liên kết với vị Giám đốc Quốc gia để tạo nên mạng lưới làm việc hiệu quả. Ở cấp độ quốc gia, tôi tin rằng với con số linh mục tại Việt Nam và với tiềm năng rất lớn trong Hội Thánh quý hiền huynh, thì một cơ quan/văn phòng cấp quốc gia nên được thiết lập dựa theo ưu tiên mà các Giám mục có ý định dành cho Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Về phần tôi, tôi thấy, trong thực tế có những khả năng sau đây:

a. Hội Giáo hoàng Truyền giáo dành cho thiếu nhi (Nhi đồng Truyền giáo/Thánh Nhi) đang phát triển ở nhiều nước như một cách chăm sóc mục vụ thông thường cho trẻ em. Ngay tại Á Châu cũng có nhiều ví dụ tiêu biểu tốt về Hội này, chẳng hạn Sri Lanka. Tôi biết là đang có một sự cộng tác tốt giữa (các thành viên) Ban Chỉ đạo Quốc gia ở đất nước đó. Đó cũng là cách tiếp cận mục vụ của Hội Thánh tại đây, nhằm đưa ra giải pháp thiết thực để chăm sóc mục vụ cho trẻ em. Nếu quý Đức Cha muốn đầu tư vào vấn đề này, họ sẽ cử Đại diện Quốc gia, người đã trải qua khóa huấn luyện cần thiết và lưu trú một thời gian tại một quốc gia mà dự án này đã bắt đầu, để hỗ trợ công việc của Hội Nhi đồng Truyền giáo tại Việt Nam.

b. Hiệp hội Giáo sĩ Truyền giáo được thiết lập để giúp hàng giáo sĩ và các tín hữu nhạy bén với việc truyền giáo. Đối với đất nước như của quý hiền huynh, tôi tin tưởng rằng việc này rất quan trọng trong các chủng viện để giữ chiều kích truyền giáo nơi thừa tác vụ linh mục được sống. Điều này cũng giúp vượt qua một số hình thức chủ nghĩa giáo sĩ trị, thậm chí ngay cả ở đây; thứ chủ nghĩa làm chức linh mục bị giản lược vào thành quả xã hội. Trái lại, chúng ta cần các linh mục sốt sắng, yêu thích sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh, đó là yếu tố thông thường của việc chăm sóc mục vụ. Theo nghĩa này, tôi nghĩ thiết lập Hiệp hội Giáo sĩ Truyền giáo sẽ hữu ích để thúc đẩy người tín hữu và tham gia tích cực vào các hoạt động truyền giáo. Tôi còn nhớ rằng, ví dụ, khi tôi còn ở Chủng Viện, mỗi năm chúng tôi đều được các nhà truyền giáo đến thăm. Điều này đã giúp tôi giữ cho tinh thần truyền giáo tiếp tục sống. Trong hoàn cảnh của quý hiền huynh, sứ mạng truyền giáo, ngay cả sứ mạng đến với muôn dân, phải trở thành thực tại hằng ngày qua sự hiện diện của quý hiền huynh với tư cách là người tín hữu, ngang qua chứng từ Đức Tin và hoạt động mục vụ. Hiệp hội Giáo sĩ Truyền giáo có thể là một phần trong Ban Chỉ đạo Quốc gia cho mục đích này.

3) Cuối cùng, tôi biết quý hiền huynh ý thức rằng tập trung nhiều vào việc chăm sóc mục vụ thì nuôi dưỡng và phát triển Đức Tin nơi người Kitô hữu. Thậm chí ngay tại đây, việc chúng ta đối diện với một hiện tượng lớn đang ảnh hưởng khắp nơi trong Hội Thánh ngày nay: hiện tượng đô thị hóa đánh bật con người ra khỏi môi trường sống của họ và, do đó, cũng “đánh bật” đời sống Đức Tin nơi họ lớn lên. Chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tiêu thụ hiện nay là những hiện tượng lan truyền đến chóng mặt vì nền văn hóa cá nhân hậu hiện đại; tất cả điều này tác động rất mạnh và đặc biệt lên giới trẻ, là những khách hàng chính sử dụng internet và, vì thế, tiếp xúc nhiều nhất với các hiện tượng này. Do đó, càng ngày càng khó để tiếp cận với giới trẻ. Quý hiền huynh cũng biết rõ rằng khi đối mặt với những hiện tượng này thì chăm sóc mục vụ theo kiểu bí tích và mục vụ truyền thống không thể đủ được. Rất cần phải chuyển đổi từ lối mục vụ thông thường sang mục vụ truyền giáo với mục đích thức tỉnh đời sống Đức Tin thông qua những cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh. Về vấn đề này, tôi mạnh dạn mời gọi quý hiền huynh đón nhận những đặc sủng mới nơi người giáo dân trong lòng Hội Thánh, trong bối cảnh sau Vatican II. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo của chúng ta có thể thực sự là sự hỗ trợ rất lớn, bởi vì có sự liên kết nội tại giữa Đức Tin và sứ mạng mà tôi đã trình bày ở trên. Chúng tôi (các Hội này) có thể cộng tác vào hai lãnh vực: huấn luyệnhun đúc nhiệt tâm truyền giáo là động lực thúc đẩy các hoạt động của Hội Thánh. Người tín hữu càng can đảm trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng thì tinh thần Đức Tin của họ càng vững mạnh. Như lời thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Đức Tin được vững mạnh khi chia sẻ cho người khác.” Ban Chỉ đạo Quốc gia cùng với các giám đốc cấp giáo phận sẽ phục vụ rất tích cực trong lãnh vực này.

4) Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng sẽ chuẩn bị tài liệu và khích lệ việc quyên góp trong dịp Chúa nhật Truyền giáo cũng như các quyên góp của Hội Thánh Phêrô và Hội Nhi đồng Truyền giáo, đó là dấu chỉ cộng tác của quý hiền huynh vào sứ mạng truyền giáo toàn cầu của Hội Thánh.

Tất cả những điều này đều trong tầm tay của các Giám mục, tùy theo khả năng của các ngài, muốn tham gia cộng tác. Về phần mình, chúng tôi rất muốn giúp quý hiền huynh cả về tài chính lẫn huấn luyện những ai muốn làm việc trong lãnh vực này. Xin vui lòng đừng bỏ qua cơ hội này.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 113 (Tháng 7 & 8 năm 2019)

LỊCH PHỤNG VỤ