Giáo phận Đà Nẵng: Hội thảo chuyên đề “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”

26/11/2020


GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG: HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ “ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU”

Trung Tâm Thánh Mẫu TRÀ KIỆU – 23/11/2020
Biên tập: Lm. Pr. Hoàng Gia Thành & Ban MVTT/GP
Hình ảnh: Ph.X Minh Hoàng 

WGPĐN (25.11.2020) – Sáng thứ Hai, 23/11/2020, tuy có cơn mưa bất chợt ập tới từ sáng sớm và trời cũng se lạnh, nhưng khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ TTTM Trà Kiệu vẫn nhộn nhịp và rộn ràng với sự có mặt của nhiều thành phần dân Chúa từ các nơi cả trong và ngoài giáo phận tìm về trên đủ loại phương tiện để tham dự một biến cố đặc biệt mang tính “học thuật” chứ không phải là một cử hành phụng tự trong Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu: đó là cuộc hội thảo chuyên đề về Đức Mẹ Trà Kiệu – với tước hiệu “Phù hộ các giáo hữu” vừa rất thân thương nhưng cũng trang trọng với nhiều tầng ý nghĩa mang tính thần học và linh đạo.


Đúng 8 giờ 15 phút, các tham dự viên tề tựu bên trong nhà thờ xứ chào đón Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận chủ trì danh dự cuộc hội thảo cùng quý vị diễn giả các chuyên đề về lịch sử, thần học và linh đạo liên quan đến tước hiệu được truyền thống cộng đoàn dân Chúa chọn cho việc tôn sùng Đức Mẹ Trà Kiệu.

Sau lời chào mừng và giới thiệu trang trọng của cha Bonaventura Mai Thái, trưởng ban tổ chức Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu quý Đức Cha, quý Cha, quý Thầy và Soeurs cùng anh chị em giáo dân là các diễn giả và các tham dự viên được mời dự hội thảo là lời kinh khai mạc và huấn từ chào mừng mở đầu của Đức Cha Giuse, giám mục giáo phận. Đức Cha đã vắn tắt điểm lại những thử thách và cơ may cho việc hoàn thành chương trình Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, với một hoạt động đáng trân trọng là chính cuộc Hội Thảo đang bắt đầu (và ban Năm Thánh giáo phận đã dày công chuẩn bị để giúp cộng đoàn dân Chúa giáo phận và những tâm hồn mộ mến Đức Mẹ Trà Kiệu cảm nghiệm sâu xa hơn để có thể “lắng nghe & thao thức” với linh đạo cần thiết cho việc tôn sùng Đức Mẹ Trà Kiệu với tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu”.

Tiếp liền sau huấn từ của vị Chủ chăn giáo phận, lúc 9 giờ 30 phút, Cha Phêrô Phan tấn Khánh, linh mục giáo phận Đà Nẵng đang là phó Giám đốc Đại chủng viện Huế điều phối chương trình hội thảo trình bày một vài điều cần lưu ý về cuộc hội thảo đáng quý này. Trước hết, là mục đích tổ chức hội thảo nhằm hướng đến cảm nghiệm sâu xa hơn việc tôn sùng Đức Mẹ Maria, Đấng đã được Chúa cho hiện ra tại Trà Kiệu dựa trên Thánh Mẫu học qua sự trình bày của 3 vị diễn giả chính thức:

(1) Cha Geraldo Trần công Dụ, Tu hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn, nguyên là giáo sư GHHV Thánh Piô X, cố vấn Tu hội Vinh Sơn và là giáo sư bộ môn Thánh Mẫu học tại nhiều học viện Công giáo; (2) Cha Phao-lô Vũ chí Hỷ, dòng Thánh Thể là giáo sư môn Thần học Bí tích tại các học viện ở Mỹ, Úc và hiện đang giảng dạy tại Việt Nam; (3) Soeur Maria Clara Nguyễn thị Thảo, dòng Mân Côi (Chí Hòa) đã tốt nghiệp đại học Angelicum (Roma), hiện đang là giáo sư bộ môn Thánh Mẫu học tại học viện dòng Tên, Sài Gòn. Ngoài 3 vị diễn giả từ xa đến, chính Cha Phê-rô Phan tấn Khánh cũng thuyết trình đề tài dẫn nhập vào cuộc hội thảo về nền tảng Thánh Kinh, Giáo phụ của việc tôn sùng Mẹ Maria với tước hiệu “Đức Bà Phù hộ các giáo hữu”. Một diễn giả khác xuất thân từ chính giáo xứ Trà Kiệu là Ông Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng, là tác giả của 1 tập sách (duy nhất) biên dịch các tài liệu về lịch sử cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Trà Kiệu và những đặc điểm của việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Trà Kiệu, Đấng Phù hộ các giáo hữu qua nhiều thế hệ của chính linh địa Trà Kiệu. Ngoài ra, cuộc hội thảo cũng nhằm đến việc việc áp dụng linh đạo thần học cho các việc cử hành tôn sùng chính đáng của cộng đoàn dân Chúa với Đức Mẹ Maria là Đấng “phù hộ các giáo hữu” tại Trà Kiệu (cũng là tước hiệu được chọn cho ngôi nhà nguyện tại đồi Bửu Châu) dâng kính và tôn vinh Đức Mẹ “Phù hộ các giáo hữu”. Cha Phê-rô cũng giới thiệu với các tham dự viên về thể thức và diễn tiến mỗi bài thuyết trình (gồm 50 phút thuyết trình của diễn giả) và 25 phút thảo luận giữa các tham dự viên và diễn giả. Một lời tạ lỗi “rất sớm” cũng được vị điều phối viên khôn ngoan bày tỏ với cộng đoàn tham dự để xin thông cảm với những thiếu sót trong nỗ lực “hết mình” của ban Tổ Chức (nói chung) và phụ trách thuyết trình (nói riêng).

Đề tài thứ I do Cha Phêrô Phan tấn Khánh trình bày tước vị Đức Bà Phù hộ các giáo hữu (ĐBPHCGH) của Đức Mẹ Trà Kiệu dưới góc nhìn Thánh Kinh và Giáo Phụ. Theo đó, tước hiệu này đã được khắc ghi qua nhiều thời kỳ xây dựng của nguyện đường tại đồi Bửu Châu (thường được gọi là Nhà thờ Núi). Bài trình bày một lưu ý về sự hiểu lầm “Kitô giáo là đạo ngoại lai” và phong trào xiển dương các tôn giáo, tín ngưỡng mang tính nội địa (đạo Mẫu) như là “văn hóa phi vật thể”. Bởi thế, theo Cha Phê-rô, chúng ta không thể “định vị” việc tôn sùng Mẹ Maria như là một chiều hướng của “mẫu giáo” theo tâm thức hợp thời; nhưng cần đào sâu giá trị đích thực của việc tôn sùng (a) Dựa trên tài liệu công đồng Vat II: Đức Mẹ không thêm gì vào vinh quang của Chúa Ki-tô (24/5) xuất phát từ Tin mừng Thánh Gioan (2,4-11) về phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su tại tiệc cưới Cana (là bài Tin Mừng được chọn cho lễ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu) nói lên sự hiện diện thầm lặng của Mẹ Maria (thân mẫu của Chúa Giê-su) sự hiện diện của Mẹ qui hướng trọn vẹn về Chúa Ki-tô và nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria để “vinh quang Thiên Chúa nơi con người đang sống” (Thánh Irené) được biểu tỏ. (b) Giáo phụ: các tước hiệu ĐBPHCGH ít được các giáo phụ nhắc đến, ngoài Thánh Gioan kim khẩu cùng với xác tín tước hiệu Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Công đồng Epheso 345) và không gây ra một tranh luận gì về mặt tín lý. Thêm nữa, từ đầu thế kỷ thứ 3 và 4, tước hiệu này được nhắc đến trong kinh Trông Cậy như một lời KÊU CẦU Mẹ Maria với danh hiệu “phù hộ các giáo hữu (bằng kiểu nói “chạy đến tìm nơi nương ẩn”) và sau đó, được đưa vào kinh cầu Đức Bà (với danh xưng “trạng sư của các tín hữu”) và Đức Giáo Hoàng Clemente VIII chính thức chuẩn nhận.

Trong lịch sử Giáo hội, những niên biểu và sự kiện liên quan đến tước hiệu “Đức Bà phù hộ các tín hữu” của Mẹ Maria được lưu dấu là:

(a) biến cố năm 1571, Đức GH Pi-ô V xin Mẹ trợ giúp cho cuộc chiến đầu chống lại cuộc xâm chiếm của quân binh Thổ nhĩ kỳ (có liên quan đến việc thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi (07/10), sau chiến thắng tại vịnh Lepento năm 1571 dựa trên thói quen của các quan binh Công giáo thường kêu cầu Mẹ Maria với tước hiệu Đức Bà Phù hộ các giáo hữu trước và trong khi lâm chiến.

(b) Biến cố năm 1683: Đức GH Innocent XI (và vua Ba-Lan) kêu gọi toàn cõi Châu Âu lần chuỗi Mân côi và Danh thánh Mẹ Maria “Phù hộ các giáo hữu” trong trận chiến chống lại quân Thổ – Hồi giáo và đã được Mẹ nhận lời cứu giúp. (c) Từ năm 1898, Đức GH Piô VII bị Napoleon (5/6/1898) bắt cầm tù 5 năm, nhưng vẫn can đảm không khuất phục; đồng thời ngài cũng hứa thiết lập 1 lễ tôn kính Mẹ Maria phù hộ các giáo hữu và đã xác định cử hành hằng năm vào ngày 24/5 để tạ ơn và thăm viếng các nhà thờ tôn kính Mẹ vì đã thương giải thoát: Ngoài ra, từ năm 1785, việc tôn kính Mẹ Maria phù hộ các giáo hữu cũng được cử hành theo một danh xưng khác là “Mẹ hằng cứu giúp” với một 1 tước hiệu được thêm vào trong kinh cầu và đặt định 1 ngày lễ vì Mẹ đã thương giải cứu qua các cuộc thử thách của Hội Thánh.

(c) Thánh Gioan Bosco vào năm 1862 đã có một thị kiến về 2 trụ cột: Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội với tước hiệu ĐBPHCGH và một trụ cột Mình Thánh Chúa với lời cầu “Ơn phù trợ đến với những kẻ tin cậy”. Sau đó, năm 1863, cha Gioan Bosco đã xin xây dựng một đền thánh dâng kính Mẹ Maria phù hộ các giáo hữu và đã được Đức Giáo hoàng Pi-ô thứ IX ủng hộ như một sự kế thừa truyền thống cậy trông Đức Mẹ PHCGH.

Cùng với bài thuyết trình thứ I của cha Phê-rô là phần “kể chuyện” của ông Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng (một người giáo dân xuất thân từ giáo xứ Trà Kiệu) là người biên dịch tập tài liệu (có thể là duy nhất) về lịch sử Đức Mẹ Trà kiệu. Ông Phạm cảnh Đáng, với những kinh nghiệm của một giáo dân bổn quán đã nói lên những cảm nhận: (a) may mắn được làm con dân của Trà Kiệu, sinh ra và lớn lên trong những cảnh sắc & truyền thống tôn kính Mẹ Maria; đặc biệt trong hồng ân Năm Thánh; (b) tiếp cận những tài liệu lịch sử quý giá (bằng Pháp ngữ) của các vị Thừa sai của thời kỳ xảy ra phép lạ Đức Mẹ Hiện ra (1885) trong nguy cơ “thất thủ” trước cuộc tấn công tàn khốc của Văn Thân: giáo dân & cha sở đọc kinh lần chuỗi xin Mẹ chở che / các dân binh chiến đấu cũng làm như vậy (kêu cầu Danh Ba Đấng) với một tâm thế tuy sợ hãi nhưng không buông xuôi, không trốn chạy, nhưng một lòng tìm đến bên Chúa và kêu cầu Mẹ. (c) Bởi thế, cuộc hiển linh của Mẹ Maria tại Trà Kiệu không phải là truyền thuyết (truyền khẩu) mà là một “tín sử” được ghi chép trung thực, khách quan cùng với những niên biểu thời gian và nơi chốn có thực, những hoạt động thực tế đã xảy ra sau “phép lạ” và cuộc “chiến thắng” của đoàn dân Chúa:

Vào những ngày 10-11/9/1985 tại ngôi nhà thờ giáo xứ (được xây dựng 1870 và trùng tu năm 1889); sau đó được tân tạo (như hiện nay, nhưng vẫn giữ lại đôi tháp cũ) vào năm 1971 do cha Pr. Lê như Hảo. (d) Ngoài ra còn có những lời chứng từ chính quân lính Văn Thân; những bản báo cáo chính xác của người trong cuộc là Cha Buyiere (Cố Nhơn) đã quả quyết qua thư gửi TGM Qui Nhơn cách trung thực và chính xác rằng nhà thờ và nhà xứ đã được cứu thoát cách kỳ diệu; một tài liệu lịch sử đáng tin cậy khác của cha Geffroy được bề trên của Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris gửi đến và ở lại Trà Kiệu suốt 3 tháng ngay sau biến cố xảy ra để điều tra những báo cáo của Cố Nhơn cũng đã xác nhận rằng: “Điều chắc chắn là quân Văn Thân đã không ngừng lập đi lập lại (với cả lòng kính trọng lẫn hận thù) về sự xuất hiện của một “BÀ ĐẸP” và đội “ ĐẠO QUÂN TRẺ EM TỪ TRỜI” cách đồi Kim Sơn (sau nhà thờ) khoảng 50m: những lời kêu réo của Văn Thân & kêu khóc của giáo dân đều được 2 bên nghe rõ, hơn thế, chính Cố Nhơn đã phải cải trang nhưng vẫn bị “nhận diện”; (e) Hàng trăm quả đại bác bắn vào nhà thờ do 1 xạ thủ thiện nghệ nhưng chỉ có 1 quả gần trúng nhà thờ; thêm vào đó là những lời chứng của các lương dân về việc nhìn thấy những “âm binh” và kiêng nể “tài pháp thuật” của “cố đạo” cùng một số chứng từ khác được truyền khẩu dưới dạng “thi ca hò vè” như bài vè của Nho sĩ Tú Quỳ về Văn Thân cùng những câu chuyện kể truyền đời về Mẹ hiện ra trong các thế hệ gia đình Công giáo.

Sau phần tâm tình về những cảm nhận của một hậu bối nghiên cứu về biến cố lịch sử tại bản quán Trà Kiệu, Ông Phạm cảnh Đáng đã đưa ra những suy nghĩ cá nhân về tính XÁC THỰC của biến cố lịch sử này để xác quyết bằng NHỮNG SỰ THẬT HIỂN NHIÊN còn lưu giữ cho đến ngày nay:

+ Chiến thắng của Trà Kiệu trước Văn Thân là một phép lạ tỏ tường: quan binh Văn Thân thiện nghệ và nông dân binh Trà Kiệu; sự chênh lệch về khí tài & vũ khí; về khả năng hoạch định chiến lược và chiến thuật cùng biển người, tượng binh, hỏa pháo, lăn khiên, chà chươm gai, võ mồm, v.v…

+ Mẹ hiện ra để làm gì? Câu trả lời chính đáng là truyền thống đức tin của tổ tiên Trà Kiệu xác nhận rằng: Đức Mẹ hiện ra để cứu thoát giáo dân để rồi ngay sau biến cố chính là nỗ lực cộng đồng dân Chúa cùng xây đền Đức Bà Phù Hộ các giáo hữu như của lễ tạ ơn.

+ Một suy tư khác theo chiều kích Truyền giáo là Đức Mẹ hướng về lương dân: khi trong các tài liệu lịch sử ghi lại rõ ràng là chỉ có các lương dân (và những quan quân Văn Thân) được nghe và nhìn thấy “Bà Đẹp” và “Các Trẻ Nhỏ từ trời”

Trong phần thảo luận sau bài thuyết trình thứ nhất, các tham dự viên đã rất thẳng thắn đưa ra những ý kiến và thắc mắc liên quan đến lịch sử và nền tảng thần học, linh đạo của việc tôn kính Mẹ Maria với tước hiệu “Đức Bà Phù hộ các giáo hữu” tại Trà Kiệu. Xin được liệt kê một vài ý kiến chia sẻ và thắc mắc:

Chia sẻ 1: Suy nghĩ gì về chi tiết được thuật lại trong tập lịch sử Trà Kiệu về việc không tha giết binh sĩ Văn Thân

Chia sẻ 2: Xuất phát hình tượng Đức Mẹ Trà Kiệu

Giải đáp: Còn nhiều điều phải tìm hiểu thêm về biến cố, lịch sử bách hại và ý nghĩa về Mẹ Trà Kiệu. Cần tổ chức thêm những cuộc hội luận chuyên đề về Mẹ Trà Kiệu.

Chia sẻ 3:  Hiểu thế nào về tước hiệu đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu

Giải đáp: Có phải để đề cao sự “chiến thắng” của Đức Mẹ

+ Cho những người hậu thế (không tham gia vào biến cố trực tiếp)

15 phút giải lao tại hội trường và sân vườn trước nhà xứ nhanh chóng kết thúc sau bài thuyết trình và thảo luận đề tài thứ nhất để sẵn sàng với chuyên đề thứ nhì của ngày hội thảo với đề tài:

Đề tài thứ 2: “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo hữu dưới ánh sáng Tông huấn Marialis Cultus” (ĐGH Phaolô VI)” do Cha Geraldo Trần công Dụ trình bày.

Trước tiên là một số ý niệm cần thiết mà diễn giả muốn đề cập, tuy có thể đã được diễn giả bài thuyết trình thứ nhất nói đến, nhưng trong khoa sư phạm, cũng nên nhắc lại để có thể dễ dàng cảm nhận chủ đề hơn:

(a) Nơi các tài liệu của thời giáo hội sơ khai:

+ Kerygma (bài giáo lý căn bản của các tông đồ): Không quan tâm đến vai trò Đức Mẹ trừ vài biết cố nền tảng (Truyền tin. Dưới chân Thánh giá) để nói lên vai trò Đức Mẹ với Hội Thánh (Môn đệ rước Bà về nhà mình: tạo lập một quan hệ riêng tư với Mẹ Maria, cũng có nghĩa là Ki-tô hữu (hiện thể và tiềm năng) luôn nhận được sự bảo trợ của Mẹ Maria.

+ Các Ngụy thư (apocrypha): Tiền Tin Mừng

+ Kinh Trông Cậy (đã xuất hiện từ giữa thế kỷ thứ III) có nội dung là những lời kêu cầu sự bảo trợ của Mẹ Maria: Sub tuam misericordiam cofugimus, Dei Genitrix nostras deprecations ne despicias in necessitatibus seda perdition salva nos sola pura sola benedicta) dưới tước hiệu “Đức Bà phù hộ các giáo hữu” (trước/trong các cuộc bách hại)

(b) Nguồn gốc tước hiệu Đức Bà Phù Hộ (La ngữ: Boeteia có nghĩa là sự phù hộ / cứu giúp) được Thánh Thánh Gioan Kim Khẩu nhắc đến trong một bài giảng.

(c) Các Hội thánh tại Âu Châu trước sự xâm chiếm của Thổ nhĩ kỳ (hồi giáo) vào thế kỷ thứ XV, Đức GH Pio V kêu gọi giáo hữu cầu nguyện trước cuộc chiến tại Lepanto (Hi lạp) giữa Liên minh thánh và Hải quân Hồi giáo. Khẩu hiệu của Liên Minh Thánh do Don Huan (người Áo quốc, gốc Tây Ban Nha) là “Viva Maria”: được gắn cho quyền năng Mẹ Maria & sau này trở thành tước hiệu “phù hộ các giáo hữu” được thêm vào kinh cầu Đức Bà. Sau đó, là chiến thắng trong chiến trận khác giữa Vua Ba lan (Gioan Sobieski) và quân Thổ nhĩ kỳ vào ngày 12/9/1683 lập thêm lễ Kính Thánh Danh Mẹ Maria 12/9

(d) ĐGH Pio VII thiết lập lễ kính Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu sau khi bị Napoleon giam lỏng trong suốt 5 năm tại Savona (Bắc Ý) năm 1812 tại Grenoble, Fontainebleau cho đến khi Napoleon thất thủ năm 1815: để tỏ lòng tri ân TC và Mẹ Maria vào ngày 24/5 hằng năm & phổ biến mau chóng nhiều nơi trên thế giới

(e) Trong thời cận đại, năm 1865 Thánh Gioan Don Bosco xây dựng một đại thánh đường kính Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu tại Ý khởi đi từ một giấc mơ vào ngày 30/5/1862 về 2 cột trụ bảo vệ Giáo hội qua cơn bách hại và cũng đồng sáng lập hội dòng “Con Đức Mẹ Phù hộ”

(f) Công đồng Vatican II trong Hiến chế Lumen Gentium (chương 8) chính thức công nhận tước hiệu

(g) Tông huấn Marialis Cultus (ĐGH Phaolô VI) đã xác định rõ hơn ý nghĩa của việc “phù hộ” của Mẹ Maria: “An ủi khi hoạn nạn nhẹ nhàng khi đau yếu và mạnh mẽ vươn lên khi lầm lỗi…chiến đấu với tội lỗi một cách mạnh mẽ”; qua đó, đề cao 2 khía cạnh đặc biệt trong việc tôn sùng Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu: Cầu khẩn sự cứu giúp của Mẹ (chống lại cám dỗ và tội lỗi – Chống lại những lực lượng bài Ki-tô giáo)

(h) Ngoài ra, các cử hành liên quan đến việc khẩn cầu Đức Bà Phù hộ cũng được cổ võ tại các xứ đạo thuộc giáo hội Chính Thống và đặc biệt trong lời thề hứa của các linh mục thừa sai thuộc Hội Truyền giáo nước ngoài Paris – MEP

(i) Gần đây hơn, chúng ta có thể khám phá ý hướng cầu xin “Đức Bà phù hộ các giáo hữu” trong lời kinh nguyện của ĐGH Bênêđictô cho gửi cho tín hữu Trung Hoa tại đền Đức Mẹ tại Sà Sơn (Trung Hoa)

(j) Và trên hết, là lòng sùng mộ Đức Mẹ PHCGH rất được phổ biến trong tâm thức của mọi tín hữu tại Việt Nam

Phần thảo luận sau bài thuyết trình của Cha Geraldo chừng như sôi nổi hơn, tuy rằng Ngài đã không đủ thời gian phân tích Tông huấn M.C như được giới thiệu trong chương trình. Sau đây là một số ý kiến và thắc mắc đã được phần nào giải đáp và chia sẻ ngay trong giờ thuyết trình:

(Chia sẻ 1): Làm thế nào để hiểu được lòng sùng kính Mẹ Maria PHCGH nơi các Ki-tô hữu thực hành & các ki-tô hữu tiềm năng

(Giải đáp): + Mẹ Maria vừa là Mẹ của các môn đệ và cả những người sẽ được mời gọi làm môn đệ (hiện thể và tiềm thể)

(Chia sẻ 2): Băn khoăn của 1 giáo dân về sự đúng đắn của việc đặt và gọi danh xưng Đức Mẹ Maria kèm theo 1 địa danh của một địa phương; ngoài ra, trong việc tôn kính Đức Mẹ tại một nơi riêng biệt cũng có thể dễ dẫn đến sự mê tín

(Giải đáp): + Chúng ta tìm kiếm một linh đạo đặc biệt cho việc tôn sùng Đức mẹ Trà Kiệu (hiểu ngầm từ “của” trong các danh xưng) / Đạo không hoàn toàn tại tâm (nhưng gắn liền với không gian và thời gian của cuộc sống nhân loại)

(Chia sẻ 3): Ý nghĩa mở rộng của sự việc Đức Mẹ chiến thắng có thể còn ý hướng ngăn chặn sự ác xảy đến trong tương lai / Chiều kích Truyền giáo trong sự sùng mộ Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu.

(Giải đáp): + Phần nào được nhắc đến trong thư của Cố Nhơn báo cáo về biến cố Trà Kiệu cho bản quyền: không phải chiến thắng là để tiêu diệt người khác – không phải để cải đạo (ki-tô hữu vô danh) nhưng là để làm chứng nhân.

(Chia sẻ 4): Thắc mắc: cần hiểu thế nào khi trưng chủ đề “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu” đối với các “giáo hữu” các tôn giáo khác? Việc mừng lễ (hội) Đức Mẹ Trà Kiệu vào ngày 31/5

(Giải đáp): + Từ “giáo hữu” cần hiểu rộng hơn: ki-tô hữu hiện thể & tiềm năng – Cần xác định rõ ý nghĩa thần học (chính thống) về lòng tôn sùng Đức Mẹ và việc mừng lễ (+ khẩn cầu)

(Chia sẻ 5):  Xin được nói rõ hơn về chiều kích đại kết khi cử hành việc tôn sùng Mẹ Maria với tước hiệu ĐMPHCGH

(Giải đáp): + Luther và lòng tôn sùng Mẹ TC – Chính Thống với theotokos – Đức / Ukraine /Pháp (Rumanie): rất gần gũi với Chính Thống giáo & Anh Giáo / khó hơn với anh em Tin Lành

(Chia sẻ 6): Tước hiệu – Danh hiệu: hình ảnh Đức Mẹ gắn liền với hình ảnh Đức Mẹ (các chi tiết mang tính địa phương)

Hơn 3 giờ cho một buổi hội luận không chỉ để lắng nghe mà còn là những suy tư, cảm nhận đã trôi qua nhanh chóng. Cộng đoàn tham dự hội thảo được mời gọi tạm nghỉ ngơi “bổ sức phần xác” tiếp tục chương trình buổi chiều với 2 bài thuyết trình cũng rất đặc biệt!

* * *

BUỔI CHIỀU


Từ 13 giờ 30, chương trình hội thảo được tiếp tục với phần khởi động do Cha Vũ Đức và một soeur St. Paul mời gọi mọi người “Cùng nhau múa cùng vui”.

Buổi chiều bắt đầu với thông báo về món quà tặng đặc biệt là một tác phẩm tâm huyết của Ô. J. Maria Phạm Cảnh Đáng: Đi tìm Đức Mẹ Trà Kiệu được gửi đến mọi tham dự viên (chung với quà của ban Tổ chức được nhận vào cuối chương trình).

Bài thuyết trình thứ III do Sr. Maria Clara Nguyễn Thị Thảo với đề tài “Đức Mẹ Trà Kiệu dưới ánh sáng Thông điệp Redemptoris Mater của Đức Gioan-Phaolô II, 1987” mở đầu chương trình hội thảo buổi chiều.

1/ Tà áo Mẹ che chở: Trước hết, diễn giả muốn bày tỏ niềm vui được hiện diện tại Linh địa Trà Kiệu nơi trở nên đặc biệt được tà áo Mẹ chở che, đưa mảnh đất và con cái Mẹ vào trong một cuộc tình đất trời, vào trong lịch sử tình yêu Chúa như xưa Mẹ đã đưa Con Chúa vào trong lịch sử nhân loại với hình ảnh thơ mộng “Tà áo Mẹ bảo vệ con cái trên cuộc hành trình đức tin”.

Khi đọc lại lịch sử biến cố bách hại và phép lạ của Đức Trinh Nữ Maria với chi tiết rằng Cố Nhơn (Cha Sở Trà Kiệu thời Văn Thân bách hại Trà Kiệu) đã dẫn dắt dân Chúa, con cái ít ỏi của Mẹ vượt qua thử thách khốc liệt nhờ sự hiển linh của Mẹ Maria “Phù hộ các giáo hữu”, diễn giả đã tự đặt câu hỏi: “Làm sao để đoàn con cái Mẹ vượt qua được sự khốc hại này?” Câu trả lời lạ lùng lại đến từ chính những người gây hấn: Sự chở che của “Bà Lạ” thông qua hình ảnh của Cha-con Trà Kiệu qui tụ bên nhan thánh Mẹ (đoàn con quỳ trước bàn thờ nhỏ có Tượng Mẹ) chính là kết quả của tình yêu Chúa được bày tỏ qua phép lạ tỏ hiện được các lương dân nhìn thấy và thuật lại.

2/ Qua Kinh Thánh: Mối tương quan của Mẹ Maria với nhân loại: Tình mẫu tử của Đức Maria: những người được Chúa Giê-su cứu chuộc (Ga 2: Tiệc cưới Ca Na; Ga 19: dưới chân Thập tự)

+ Tại tiệc cưới Cana, Chúa làm phép lạ (biến nước thành rượu ngon) nhờ tác động âm thầm của Mẹ Maria, “Thân mẫu Chúa Giê-su” (được Gioan lặp lại 4 lần); Mẹ chú ý đến tha nhân nhiều hơn đến Con của mình… Qua câu hỏi khá đặc biệt: “chuyện đó có can gì đến chúng ta?” nói lên thái độ “mở tung cửa” để đón nhận ơn Chúa của Mẹ Maria. Lời dặn dò của Đức Maria: – thái độ sốt sắng của tình Mẹ để dạy dỗ con cái Mẹ đón nhận Thánh ý Thiên Chúa (Chúa Giê-su): – với tình mẫu tử, Mẹ Maria trở nên trung gian trong tư cách là một người Mẹ nói với Con những khó khăn thiếu thốn của nhân loại: Giáo hội dâng kính Mẹ tước hiệu: Mẹ Maria toàn năng trong cầu nguyện.

Đức Maria dưới chân Thập giá trên đồi Can-vê với tất cả tình yêu thương gắn kết

Với nỗi thống khổ trong yêu thương khi biết vị thế của Con mình trong mầu nhiệm Thập giá, cùng sự hiện diện của 2 “đối tượng” chính: Mẹ Maria & Thánh Gioan (người con Mẹ sinh hạ dưới chân thập giá qua lời “trối phú” của Chúa Giê-su) – Kế hoạch cứu độ thánh thiêng của Chúa Giê-su đạt đến đỉnh điểm: Đức Ki-tô không muốn rời Hội Thánh khi chưa hoàn tất việc trao phó nhân loại cho Mẹ Maria (ĐGH Phanxicô)

Chính Chúa Giê-su tạo nên mối dây liên hệ trong tình Mẫu tử của Mẹ Maria (xuất phát từ sự hoàn tất mầu nhiệm thập giá của Chúa Ki-tô)

Qua Huấn quyền của Giáo hội: Đã có tới 10/21 công đồng của Giáo hội đã nhắc tới Mẹ Maria: vai trò quan trọng của Mẹ trong đời sống Giáo hội.

Công đồng Vatican II với Lumen Gentium, chương 8 mời gọi tín hữu yêu mến và chiêm ngắm Mẹ với tình con thảo như chi thể / mẫu gương

Đức GH Phaolô VI mong muốn lòng sùng kính Đức Maria đi vào cử hành phụng tự cũng như sự quan tâm và thực hành lòng sùng mộ Đức Mẹ nơi cuộc sống của Đức GH Gioan Phaolô II.

Giáo luật 1983 nói tới sự gắn kết giữa tín hữu (linh mục, chủng sinh, tu sĩ) với Mẹ qua chuỗi Mân côi: cần trung thành chiêm ngắm và cầu nguyện với Mẹ trong đời sống linh mục (như là mẫu gương hoàn hảo nhất cho thánh chức Linh Mục)

Trong suốt dòng lịch sử của GH, vai trò của Mẹ Maria (độc nhất) trong đời sống ki-tô hữu (mọi thành phần dân Chúa) để bắt gặp hình ảnh của Cố Nhơn trong biến cố Trà Kiệu

3- Tà áo Mẹ Trà Kiệu diễn tả tình yêu của Thiên Chúa

Hình ảnh “Bà đẹp” được nhìn thấy trên nóc nhà thờ chứng tỏ sự hiện diện của Mẹ bên đoàn con Mẹ trên suốt cuộc hành trình trần thế: trao ban sự sống, hiệp thông, hạnh phúc: chính Thiên Chúa đi vào lòng nhân loại qua Mẹ Maria, như trong lịch sử Israel (260 lần Kinh Thánh diễn tả tình yêu của Thiên Chúa như tình yêu của một người mẹ dịu dàng âu yếm)

Thiên Chúa thành công nơi người Nữ được chọn để cộng tác với Người quy tụ đoàn con tản mác trong âm thầm, kín đáo qua các cuộc hiện ra, như tại Trà Kiệu (che chở đoàn con đúng lúc và kịp thời / vô hình và kín đáo / nhẹ nhàng & huyền diệu) nhưng rất hiệu quả trong bầu khí ưu tư của đoàn con cái)

Niềm vui của đoàn con (khóc vì vui mừng) khi được Mẹ cứu thoát: Bài học rất ý nghĩa cho đời sống Kitô hữu khi phải đương đầu với những thử thách, được mời gọi cho Mẹ cơ hội yêu thương, che chở; cho dù một cách khách quan không ai mong chờ sự bình yên (như Cố Thiên đã không hi vọng Trà Kiệu đứng vững trước sự tấn công khốc liệt, tàn bạo của Văn Thân); bài học khiêm nhường cho Giáo Hội: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng: không cần phải trong cơn lâm nguy mới chạy tới với Mẹ, nhưng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống vẫn LUÔN XÓT THƯƠNG VÀ CHỜ ĐỢI YÊU THƯƠNG: TỪ TRÊN CAO CÚI MÌNH XUỐNG

Lời mời gọi từ Trà Kiệu: chiêm ngắm tình yêu vô biên của TC nơi Mẹ cũng là bài học đức tin để đứng vững trước những thử thách dưới tà áo Mẹ, can đảm tiếp tục đứng vững trong tư cách CON CHÚA

+ Biến cố Trà Kiệu là một hồng ân, quà tặng của Thiên Chúa cho Giáo Hội Việt Nam: tình Mẫu tử dịu hiền của Thiên Chúa (đã được diễn tả trong Thánh Kinh và đỉnh cao là Thập giá)

+ Mẹ Maria không bao giờ bỏ rơi: lời mời gọi Ki-tô hữu chiêm ngắm công trình cứu độ của Thiên Chúa qua hình tượng của Mẹ Maria (một người NỮ), bằng chứng tình yêu và là tiếng mời gọi trở về / tán dương muôn thuở.

Bắt đầu phần thảo luận sau bài thuyết trình, Cha Pr. Phan tấn Khánh nhắc đến “những nét lạ” trong bài thuyết trình của Soeur Maria và minh định điều soeur thắc mắc theo tài liệu lịch sử là số người tham gia trận chiến của bên Văn Thân là từ 10 ngàn người trở lên (càng về sau, càng đông hơn)

(Chia sẻ 1): Câu nói được ghi “Có Mẹ đây, con đừng sợ!” do Mẹ Maria nói hoặc được thế hệ sau đặt ra?

(Giải đáp): + Câu nói phổ biến của Đức Mẹ trong những lần hiện ra (tại nhiều nơi)

(Chia sẻ 2): a/ Xin nói rõ thêm về thông điệp “Redemptoris Mater”

(Giải đáp): + Nên đọc thêm, vì thời gian giới hạn

b- Tại sao dùng hình ảnh “dưới tà áo” thay vì “dưới bàn tay”

(Giải đáp) + Cách diễn tả mang tính “biểu tượng”: đằng sau những hình ảnh được dùng là “tình Mẹ” cần phải được nhận ra

(Chia sẻ 3): Xin xác quyết tính chính thống của lập luận: “ơn cứu độ chưa hoàn tất nếu việc trao phó Đức Mẹ cho Thánh Gioan chưa được thực hiện”

(Giải đáp) + Giáo huấn của Giáo hội, kể cả của ĐGH Phanxicô: việc trao phó Mẹ cho Gioan là một phần không thể thiếu trong công cuộc cứu độ; đặc biệt trong Tin Mừng Gioan

(Chia sẻ 4):  Có sự khác biệt (sai / đúng) trong câu “Đức Mẹ đồng công cứu chuộc”:

(Giải đáp) + Kiểu nói “đồng công cứu chuộc” không đúng với thực tại ơn cứu độ (thư Timôthê): Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất – Mẹ Maria chỉ “gắn kết” với công cuộc cứu độ (hợp nhất) / – ngoài ra, kiểu nói này không dùng vì lý do “liên tôn”

(Chia sẻ 5): Với sự tham gia thuyết trình đề tài về Mẹ Trà Kiệu, khi chuẩn bị cho đề tài, Soeur có phát hiện điều gì đặc biệt về Mẹ Trà Kiệu? Sau cuộc hội thảo này, có gì đọng lại nhất với Soeur về Mẹ Trà Kiệu?

(Trả lời): + Cách đây 10 năm đã từng được mời “suy nghĩ” về Mẹ Trà Kiệu: tình yêu TC đối với nhân loại đã sống động hơn khi suy nghĩ về sự “tham dự” của Mẹ Maria vào công trình cứu độ: “tình mẫu tử” – sự cao vời, khác biệt của tình yêu TC khi suy niệm về sự hiển linh của Mẹ Trà Kiệu

+ Giáo huấn của Hội Thánh khuyến khích con cái GH khám phá kho tàng “tình Mẹ”

Giờ thảo luận được kết thúc ngay sau khi câu hỏi cuối cùng được Soeur Maria chia sẻ để bắt đầu 15 phút giải lao trước khi bước vào chuyên đề cuối cùng của ngày hội thảo. Tuy giờ nghỉ trưa ít ỏi và các bài thuyết trình cũng mang tính học thuật hàn lâm, nhưng các tham dự viên lẫn diễn giả đều cố gắng tập trung trình bày và theo dõi như để khắc ghi trong trí những “dữ liệu” vừa mới mẽ nhưng cũng khá quen thuộc với những thực hành đạo đức bày tỏ lòng sùng kính Mẹ Maria của cộng đoàn dân Chúa.

Cha Phaolô Vũ Chí Hỷ, dòng Thánh Thể đã lôi kéo các tham dự viên bằng lối trình bày khúc chiết cho dù gần như cả bài thuyết trình thứ tư với chủ đề “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu dưới ánh sáng Giáo Lý Hội Thánh Công giáo” được dọn sẵn thành văn bản và được đọc với một chất giọng trầm ấm (do sức khỏe của ngài không tốt lắm khi phải di chuyển nhiều nơi trong một thời gian gấp rút).

Diễn giả đã khéo léo tóm tắt những lưu ý cần thiết và nền tảng Thánh Kinh và Thánh Truyền của tước hiệu đã được gần như cả 3 diễn giả trước nhắc đến. Chuyên đề đã được trình bày ngay phần chính yếu với những nhận định chính xác: (1) Lịch sử của biến cố Đức Mẹ hiện ra cùng những dấu ấn truyền tụng nói lên một chân lý chắc chắn: Đức Mẹ hiển linh như một dấu chỉ ơn cứu độ; (2) Bởi thế khi đối chiếu với Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Mẹ Maria được trình bày rạng ngời và xuyên suốt trong toàn bộ Kinh Thánh (qua hình ảnh tiếp nối của Eva, người nữ đầu tiên và Maria, người nữ được chọn thay thế Eva): như thế, chân dung Đức Maria được phác họa cách rõ nét trong tương quan với Chúa Ki-tô và Hội Thánh (cùng với cộng đoàn các giáo hữu cả thời sơ khai lẫn trong hiện tại). (3) Phần tiếp theo của chuyên đề dành cho việc trình bày Mẹ Maria theo cấu trúc Giáo lý Công Giáo với những nét riêng biệt:

a/ Mẹ Maria, Mẹ Chúa Ki-tô cũng là Mẹ Hội Thánh có liên quan mật thiết với một thời kỳ mới trong giáo hội, khi đề cao sự hiện diện của Mẹ Maria với các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần trong một cảnh quan mạc khải là Mẹ Maria, cũng chính là hình ảnh tiên trưng của Giáo hội với chức phận “Mẹ các tín hữu” (theo các vị Giáo phụ Origene, Ambrosiô), hoặc “Mẹ của Hội Thánh” (theo huấn giáo của các Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Gioan XXIII, Gioan Phaolô II và ĐGH Danh dự Bênêđictô XVI)

b/ Tín hữu được tuyển chọn làm con Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc của Chúa Giê-su trong cung lòng Mẹ Maria (cũng có nghĩa là Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ Phù hộ các giáo hữu hoặc là Mẹ của các chi thể của Chúa Ki-tô). Do đó, trong tư cách làm Mẹ, việc Đức Maria che chở các tín hữu trước các độc hại, ác dữ là điều hiển nhiên khi cần thiết phải đối chiếu với các kinh sách được đọc hoặc trong câu chuyện truyền kỳ về việc giáo dân tín thác chạy đến kêu cầu với Mẹ Maria trong biến cố Trà Kiệu; và cuối cùng chính là niềm xác tín và chân nhận Mẹ Maria thực sự có vai trò lớn với các tín hữu như là Đấng phù trợ các giáo hữu (để phục hồi sự sống siêu nhiên)

b/ Mẹ Maria, Trinh Nữ đầy diễm phúc

 Ý niệm được Thánh sử Luca nhấn mạnh trong trình thuật biến cố truyền tin cũng chính là điều được nhấn mạnh ngay từ đầu Tân Ước với lời chào trang trọng của thiên sứ Gabriel: “kính chào Maria, đầy ơn phúc” được đề có thể trở nên “tinh hoa của dân tộc Israel và của đoàn dân mới” (thư Epheso 1, 4). Và sau cùng, chính từ ngữ Ân sủng (charism) được thiên thần dùng để đề cao ân huệ của Chúa Thánh Thần về một “Bà Lạ” xinh đẹp (đẹp mắt, đẹp lòng) thật sự nói lên tình gắn bó với Lời của Thiên Chúa (nghĩa là chính Lời sáng tạo đã thực sự đi vào trong trật tự hiện hữu do quyền năng của chính Lời Thiên Chúa) và được tôn vinh trong Phụng vụ (với các kiểu nói đặc biệt được hình tượng hóa: “sắc nước hương trời, quân vương sủng ái” và cả qua tiếng thưa “Xin Vâng” để thực thi Thánh Ý Chúa và tỏa chiếu vinh quang Thiên Chúa (thánh thiện, tinh tuyền, sống động). Đây cũng chính là vẻ đẹp có thể cứu độ thế giới (và hướng tới những cuộc hoán cải, đổi đời đích thực)

– So sánh với nhiều địa danh khác luôn có các “thị nhân” được diễm phúc nhìn thấy và đón nhận phép lạ Đức mẹ hiện ra (Fatima, Lộ Đức); thì tại Trà Kiệu, thực sự không có một tín hữu rõ ràng nào được nhìn thấy hình ảnh hiển linh của Đức Trinh Nữ Maria (trừ những quân lính, lương dân và 2 người giáo hữu) nói lên rằng: dân Chúa cần phải thay đổi cuộc đời nhờ tin tưởng vào sự hiện ra của Mẹ Maria (đồng thời cũng mạnh mẽ hơn để thắng vượt những tấn công)

c/ “Maria, Nữ Vương vũ trụ & hình ảnh cánh chung của Giáo hội” là cảm nhận được phát hiện liên quan đến ý thức về một Công trình “sáng tạo mới” đang được khởi đầu và cũng là chiều kích cánh chung cần lưu ý để hiểu rằng: Mẹ Maria được đặt đầu tiên trong công trình tái tạo của Thần Linh Thiên Chúa (khi thời gian đến thời viên mãn). Chúng ta có thể hình dung cảnh tượng ngày cánh chung trong trình thuật của Mt 24 với dụ ngôn nhắc đến sự phân chia của Chúa Giê-su với những con người chịu phán xét trong ngày cuối cùng của toàn thể nhân loại. Bởi thế, sự gắn kết giữa Nữ Vương vũ trụ và tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời với tước hiệu Phù hộ các giáo hữu đề cao sự quan tâm đến đời sống hiện tại & phần rỗi đời đời của con cái mình. Hãy cảm tạ Nữ Vương yêu dấu (Thánh An phong): dấu chỉ và niềm hi vọng hồng phúc, là hình mẫu tương lai của Giáo hội vì nơi Mẹ, chúng ta chiêm ngắm được hình ảnh Hội Thánh trong tương lai.

– Sứ mạng Đức Kitô tương hợp với sứ vụ của Giáo hội; vì thế, tước hiệu “phù hộ các tín hữu” nói lên tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria kéo dài không ngừng, liên lỉ chuyển cầu và cũng là hình ảnh cánh chung của Giáo hội với chiến thắng của Chúa Ki-tô như Mẹ được Thiên Chúa tôn vinh (qua đặc ân hồn xác lên trời linh thánh biểu trưng cho sự tham dự trọn vẹn)

– Mẫu gương tiên khởi của đức tin mà Mẹ đã đảm nhận, thực thi hòa nhập vào trong truyền thống đạo đức của Giáo hội; bởi thế Hiến chế Lumen Gentium (chương 9) đã nói đến “Lòng tôn sùng chân chính” dành Nữ Vương vũ trụ cũng là Nữ Vương thiên đàng và chính là Trinh Nữ diễm phúc đã hiển linh tuyệt vời tại Trà Kiệu. Thực sự, kinh nghiệm của chúng ta tại Trà Kiệu, phản ánh kinh nghiệm của toàn thể giáo hội.

Sau bài thuyết trình được chuẩn bị rất công phu, các tham dự viên cùng với diễn giả bước vào phần Thảo luận với những thắc mắc tập trung về khả năng khám phá một linh đạo cần thiết cho việc tôn kính Mẹ Maria trong biến cố hiện ra thời bách hại và trong bối cảnh mở rộng cộng đoàn dân Chúa đến với Mẹ ngày nay, tại linh địa Trà kiệu. Những vấn đề được đặt ra sau bài thuyết trình này có vẻ như là những cảm nhận và thao thức của các tham dự viên với diễn giả và ban tổ chức Năm Thánh nhiều hơn là những thắc mắc mang tính học thuật (thần học và Thánh mẫu học):

(Chia sẻ 1): “Chưa tìm thấy rõ nét linh đạo về Đức Mẹ Trà Kiệu”

Vị thuyết trình hội thảo cũng đã có những chia sẻ mang tính gợi ý theo đúng Giáo lý Hội Thánh Công giáo như sau:

+ Linh đạo về Đức Mẹ (dù hiện ra ở nơi đâu) vẫn là một. Riêng về Đức Mẹ Trà Kiệu, có thể khám phá tùy theo cảm nghiệm của mỗi người khi chiêm ngưỡng Mẹ Trà Kiệu (sức khỏe bản thân, vẻ đẹp trong sáng). Cần phải nỗ lực hướng lòng sùng mộ Đức Mẹ được đặt nền tảng trên Thánh Kinh, Huấn giáo Hội Thánh giúp chúng ta củng cố (sống) đức tin và nhận ra vẻ đẹp của đức tin với những xác quyết dựa vào Thánh Kinh và huấn giáo hội thánh (phúc cho ai chịu khốn nạn vì đạo ngay / đem lại bình an / vẻ đẹp của thần học: mầu nhiệm của Thiên Chúa và mầu nhiệm của đời sống con người.

(Chia sẻ 2): Từ cảm nghiệm của những người được thấy “Bà Đẹp”, cũng cảm thấy được vẻ đẹp của Mẹ nơi chúng ta.

+ Đức Mẹ tỏ lộ cho lương dân: Đức Mẹ truyền giáo (ngoại diện & nội diện): vâng nghe & thực hành Lời Chúa. Những hình ảnh Đức Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu

(Chia sẻ 3): Trong việc sùng kính Mẹ Trà Kiệu, chúng ta có phương cách nào để hướng dẫn giáo dân (lương dân)

+ Chúng ta cần học hỏi sâu về giáo lý Hội Thánh để khỏi lầm lạc trong thực hành Đạo & mất đi căn tính Ki-tô hữu

(Chia sẻ 4): Cảm nhận của một tín hữu về Mẹ Trà Kiệu về tính xác thực của biến cố Đức Mẹ hiện ra cùng với những tập tục mộ đạo của cộng đoàn dân Chúa.

+ Câu nói: “Có Mẹ đây, đừng sợ” như lời nhắc nhở, giải tỏa sự hoang mang của giáo dân Trà Kiệu trong thời kỳ chiến tranh (1971, 1972) thực sự nằm sâu trong tiềm thức, xác tín của giáo dân Trà Kiệu; xuất phát từ những “chứng liệu lịch sử” (của Cha Geffroy ngay sau biến cố được lưu giữ tại Thư viện MEP và do Cha Anrê Phạm năng Tĩnh chuyển lại), về cuộc hiện ra cứu thoát kỳ diệu (1 chọi 30) của Mẹ Maria với giáo dân Trà Kiệu (đang sợ hãi vì những đe dọa: súng ống, loa vang…).

Chiều muộn, sau những nỗ lực điều phối chương trình của Cha Pr. Phan tấn Khánh để có thể kết thúc ngày hội thảo đúng giờ với phần tổng kết nhẹ nhàng chủ đề các thuyết trình cũng như những ý kiến thắc mắc được đặt ra (Sau những gợi ý suy tư của các diễn giả trong hội thảo hôm nay mở ra cho chúng ta những suy tư mới cần được tiếp tục mở rộng…)

Lúc 16 giờ 30, ngày hội thảo đã được kết thúc với phát biểu của Cha Tổng Đại Diện và cũng là Trưởng ban tổ chức Năm Thánh giáo phận với lời cám ơn tha thiết gửi đến các tham dự viên hội thảo đã nhiệt tình, yêu thương và cố gắng sắp xếp tham dự đến cùng với ban tổ chức và đặc biệt là 3 vị diễn giả từ xa đến với Mẹ Trà Kiệu, với cộng đoàn dân Chúa Đà Nẵng và tất cả mọi thành phần dân Chúa đã tích cực chu toàn mọi phần việc đã được phân công, cách riêng là quý Cha, quý Soeurs, quý Thầy, HĐMV và cộng đoàn giáo xứ TTTM Trà Kiệu và ban Mục vụ Truyền Thông Giáo phận đã hoàn tất tốt đẹp các nhiệm vụ hỗ trợ cho chương trình được tiến hành tốt đẹp.

Lời chào từ biệt cũng kèm theo lời tạ lỗi với những thiếu sót ngoài ý muốn của Cha Tổng Đại diện – Trưởng ban Năm Thánh, bài ca tạ ơn được cất lên sau nghi thức tặng quà tri ân của ban Tổ chức (thay mặt Đức Giám mục và cộng đoàn dân Chúa giáo phận) cho quý diễn giả đáng kính. Một phần quà nhỏ của ban tổ chức (là Tượng Đức Mẹ Trà Kiệu thu nhỏ bằng đá và tập tư liệu “Đi tìm Đức Mẹ Trà Kiệu (của tác giả Phạm Cảnh Đáng cũng được trao tặng cho từng tham dự viên của chương trình hội thảo.

Một câu hỏi được đặt ra vào giây phút chia tay: “Nếu tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề tiếp theo sau này, có tham dự không?” được đáp ứng với hàng trăm người trả lời: “Có! Có! Có!” làm ấm lòng những anh em trong ban Tổ chức Năm Thánh, và chắc chắn cho mọi tâm hồn đang hướng về Đức Mẹ Trà Kiệu!

Tạ ơn Chúa đã chúc phúc cho tất cả chúng con! Tạ ơn Đức Mẹ Trà Kiệu vẫn tiếp tục hiển linh nâng đỡ, dìu dắt đoàn con!

Chân thành ghi ơn các thành viên liên hệ đã hỗ trợ cho ngày hội thảo được êm xuôi cho đến phút cuối!

Nếu tiếp tục hội thảo, nhất quyết sẽ tham dự!

Nguồn: giaophandanang.org 

LỊCH PHỤNG VỤ