ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VÀ NỀN VĂN HÓA “CHÂN LẤM TAY BÙN

GB. Vũ Đức Bảo

WHĐ (18.02.2022) - Đức Phanxicô đã chọn nét đơn sơ, khó nghèo và khiêm tốn theo mẫu sống của vị thánh Phanxicô thành Assisi đã được ngài chọn làm thánh hiệu. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, khi lá phiếu thứ bảy mươi bảy bầu cho Bergoglio, vị Hồng y bên cạnh ghé tai ngài nhắn nhỏ: “Này nhé, đừng lãng quên những anh em nghèo khó” (Diễn Từ Với Giới Truyền Thông ngày 16.03.2013). Phanxicô Assisi thuở trước đã can đảm khước từ nếp sống sang giàu và mọi ưu đãi để trở nên nghèo với người nghèo và người bị bỏ rơi, đồng thời muốn sống nghèo làm niềm vui và bình an trong cuộc đời. Đức Phanxicô hôm nay đang mừng vui không vì vai trò thủ lãnh của hơn 1.2 tỉ người Công giáo trên toàn thế giới, nhưng là được "phục vụ một Giáo hội nghèo cho những người nghèo khó" (Ibid), như lời ngài tâm sự với các ký giả sau đó. Có thể nói Đức Thánh Cha đã chọn cho mình phong cách văn hóa chân lấm tay bùn làm đường hướng mục vụ.

TINH THẦN NGHÈO KHÓ VÀ VĂN HÓA CHÂN LẤM TAY BÙN

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Giáo hội là chứng nhân tinh thần nghèo khó của Đức Kitô, Giáo hội không thể giàu sang. Nhưng chúng ta không tính giàu, tính nghèo do số tiền mình bỏ túi, do cơ sở mình làm việc. Mấy ai nhiều tiền bằng mẹ Têrêsa nhưng cũng mấy ai nghèo như mẹ. Giáo hội nghèo vì đồng tiền chẳng liền khúc ruột và Giáo hội có tiền mới xách giỏ đi thăm người ở tù, nuôi người bệnh tật, có tiền mới mua được cơm áo cho anh chị em mình rách rưới. Đức Gioan Phaolô II so sánh: “Nét nghèo Tin Mừng rất khác với nỗi nghèo kinh tế xã hội. Nỗi nghèo thứ hai mang tính khắc nghiệt và thường bi thương, vì được trải nghiệm như hình thức cưỡng chế, còn nỗi nghèo trước là sống nghèo theo Tin Mừng do lựa chọn tự nguyện của những ai muốn đáp trả lời khuyên của Đức Kitô: ‘Ai trong các bạn không bỏ mọi thứ sẽ không xứng là môn đệ thầy’” (Thông Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 01.01.1993).

Ngay từ Giáo hội sơ khai, các môn đệ Thày đã chọn làm Giáo hội nghèo nhưng không phải khố rách áo ôm. Ở Giêrusalem thánh Giacôbê không trách các tín hữu có tiền nhưng trách ai thấy người sang bắt quàng làm họ, không trân trọng tiếp đãi người nghèo, “Giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người ăn mặc tồi tàn cũng bước vào mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy, “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này. Còn với người nghèo anh em lại nói, “Đứng đó đi” hoặc ngồi dưới bệ chân tôi đây”, anh em đã chẳng kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm sao? (Gc 2,1-4). Giáo hội là người phục vụ, tiền của, nhà cửa cơ sở Giáo hội nhận được để phục vụ nên càng “giàu có” Giáo hội càng phục vụ hữu hiệu. Theo đó các vị chủ chăn của Giáo hội vẫn gìn giữ lấy tinh thần nghèo nhưng mỗi vị, mỗi phong cách phục vụ khác nhau. Riêng Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn phong cách văn hóa chân lấm tay bùn.

Đức Giáo hoàng Phanxicô chân lấm tay bùn cho dễ thân, dễ gần. Thuở trước còn là Tổng Giám mục Buénos Aires, ngài thường xuyên lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm thành phố Buénos Aires thăm viếng người nghèo, bầu bạn với giới thợ thuyền, an ủi người bệnh Sida vất vưởng trong bệnh viện thành phố, có mặt nơi các bếp ăn từ thiện cho trẻ em nghèo. Dân bờ bụi trong thành phố nhẵn mặt ngài. Chính thái độ làm thân này Đức Cha Bergoglio đã được giới lao động, bụi đời gọi thân mật là“Cha Jorge” mỗi khi ngài ghé qua.

Truyền thông ghi nhận tháng 2.2001, khi Đức Gioan Phaolô II tuyển chọn Bergoglio lên hàng Hồng y, hàng ngàn người Argentina háo hức quyên góp tổ chức lên đường qua Roma chúc mừng. Nghe tin, ngài khuyến khích họ cầu nguyện cho ngài tại địa phương mình, và dùng tiền quyên góp giúp người nghèo đói trong xứ sở. Tại Roma, ngài mừng chiếc mũ đỏ một mình, trong không khí khổ chế của mùa chay. Mười ba năm sau ngài cũng đưa lời kêu gọi tương tự (www.ap.org), cũng trong tinh thần mùa chay thánh, Argentina chẳng có những lễ hội đình đám tại địa phương hay những đoàn du lịch hàng hàng lớp lớp đổ về kinh thành của Giáo hội Công giáo mừng Đức Giáo hoàng. Trong bài giảng khai mạc sứ vụ ngài xác nhận “Toàn nhân loại, đặc biệt những người nghèo đói nhất, người yếu hèn nhất, người thấp cổ bé miệng nhất, đó là thành phần được Tin Mừng Matthêu liệt kê trong bài giảng cánh chung về tình yêu: người đói, người khát, người xa lạ, người không áo quần, người đau bệnh, kể cả những phạm nhân trong các nhà tù” (www.vatican.va). Cũng không lạ khi Đức Phanxicô quyết định cử hành Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên tại Roma nơi một nhà tù thiếu niên (www.reuters.com). Những hình ảnh Bergoglio rửa và hôn chân các bệnh nhân Sida hay những người già neo đơn trong viện dưỡng lão đã quá quen thuộc với dân chúng Argentina.

Không còn nghi ngại nữa, với chọn lựa chân lấm tay bùn, Đức Thánh Cha đã đứng về phía người nghèo và muốn Giáo hội cũng chân lấm tay bùn phục vụ anh chị em nghèo khổ. Ngài từng từ ngai ghế trên cao, bước xuống sống nghèo giữa những người nghèo. Nhưng chắc chắn ở vị thế lãnh đạo Giáo hội, nền văn hóa chân lấm tay bùn không chỉ dừng lại ở tấm lòng yêu thương, thái độ thân, gần người nghèo. Ngài chân lấm tay bùn nhưng lòng vẫn mong anh chị em mình thoát cảnh tanh hôi mùi bùn như Công đồng Vatican II xác định: “Là những người hoạt động tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội ngày nay và tranh đấu cho công bình bác ái, Kitô hữu cần phải xác tín rằng, họ có thể đóng góp nhiều cho nền thịnh vượng của nhân loại và cho hòa bình thế giới.” (Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 72). Vấn đề nghèo khổ còn mở ra rộng dài ở tầm vóc phát triển xã hội, thăng tiến con người. Chúng ta tràn đầy hy vọng, từ một tấm lòng nghèo khó đích thật, sẽ cháy nóng những toan tính, hiện thực các kế hoạch thăng tiến cuộc sống nghèo. Và tại đó, ngài sẽ không quên mời gọi những người cầm quyền trong xã hội, những người giàu có và cả các chuyên viên, họ có thể thiếu dáng vẻ chân lấm tay bùn nhưng có lòng với người nghèo và cũng sẵn lòng đóng góp hành động vì các anh chị em nghèo. Trước mắt, có thể dự đoán, tần suất những chuyến vi hành tìm gặp gỡ người nghèo, bệnh nhân và những người bị bỏ rơi sẽ thưa dần, Đức Thánh Cha sẽ bớt vẻ bờ bụi, bớt chân lấm tay bùn hơn nhưng ngược lại, bàn tay ngài sẽ dài hơn, đôi tay rộng hơn, với tới nhiều người bé nhỏ hơn, và đặc biệt ngài đầu tư nhiều tâm não hơn để “nâng cao người phận nhỏ”. Rõ ràng như Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thư chúc mừng Đức Phanxicô đã viết “Ngài là nhà kỷ lục trong ứng xử với người nghèo và những người dễ bị thương tổn giữa chúng ta. Ngài đang chuyển thông sứ điệp tình yêu và lòng thương cảm đã từng soi dẫn toàn thế giới hơn 2000 năm qua. Và nơi từng khuôn mặt, chúng ta sẽ nhận ra dạng diện Thiên Chúa” (www.nytimes.com).

PHÁT TRIỂN, TÊN GỌI MỚI CỦA HÒA BÌNH

Hòa bình và dân chân lấm tay bùn họ hàng với nhau rất gần nên Đức Phaolô VI đã khẳng định “Phát Triển là tên gọi mới của hòa bình”. Những người yêu hòa bình luôn ngưỡng vọng cuộc phát triển đồng bộ mọi lãnh vực cho mọi người và hiểu rõ những chênh lệch quá cao giữa giàu nghèo và những bất công bóc lột là mầm mống sinh ra những ổ tranh chấp đẫm máu. Tại Nam Phi từ rất lâu, những mỏ vàng, bạc, kim cương mang lại những lợi tức kếch xù cho giới chủ nhân nhưng cũng là mảnh đất giết chóc, máu me. Người ta có vàng và máu, kim cương và sinh mạng. Tại các đồn điền cacao quê hương của Đức Giáo hoàng, thường có đông đảo công nhân, kể cả trẻ em tới làm công thu hoạch thứ lương thực quý giá này. Họ có thể mấy chục năm gắn bó với đồn điền, chai tay, xước chân hái lượm ca-cao nhưng đa số chưa một lần được nếm thử vị thơm ngon, ngọt bùi của miếng chocolate, thứ lương thực cao cấp nhất hành tinh! Từ lâu, những vùng đất vàng, đất bạc này không ngơi tiếng súng reo, tiếng lựu đạn nổ. Chính Đức Giáo hoàng hồi còn là Tổng Giám mục Buénos Aires có dạo đã kêu gọi giáo dân mặc áo thô xuống đường chống lại nhà nước độc tài và đám tài phiệt bóc lột thuở ấy. Nhưng bước vào vị thế chủ chăn của Giáo hội toàn cầu, chúng ta nhận ra, chọn lựa chân lấm tay bùn, vẫn gắn bó với người nghèo, vẫn đấu tranh cho dân nghèo nhưng rõ ràng hành xử của ngài đã có những chuyển biến mới. Thay vì lăn lộn giữa nhóm người bị bỏ rơi, ngài đã lên tiếng minh bạch với đại diện các quốc gia, xin mọi người nối nhịp cây cầu tình thân, thôi nhìn nhau như quân thù quân hằn. Thứ sáu 22.03.2013, Đức Phanxicô tiếp kiến các nhà ngoại giao của hơn 180 quốc gia đặt tại Vatican và cám ơn những nỗ lực của họ nhằm “xây dựng hòa bình và tạo nhịp cầu bằng hữu và cộng đoàn”. Ngài nói: “Tôi ước mong cuộc đối thoại giữa chúng ta sẽ giúp xây cầu nối Thiên Chúa và anh chị em. Làm thế mỗi người có thể thấy người khác không là kẻ thù, không phải kẻ đối đầu, nhưng là anh chị em đáng được chào đón và ôm hôn! Những nguồn cội của tôi thúc đẩy tôi nỗ lực đi xây cầu này…” (Diễn từ trước ngoại giao đoàn).

Tiếp theo Đức Phanxicô đã khéo léo kết nối tương quan giữa hòa bình và phát triển và bảo vệ môi trường. Cùng trong cuộc tiếp xúc lần đầu với giới truyền thông, Đức Phanxicô khẳng định: “Chiến đấu với cái nghèo, cả vật chất lẫn tinh thần, xây dựng hòa bình và xây cầu nối: đây là, và đã là, những điểm qui chiếu về một chuyến hành trình mà tôi ước mong mời gọi mỗi quốc gia có đại diện tại đây cùng tham dự. Nhưng đó là hành trình gian nan, nếu chúng ta không học để lớn lên trong tình yêu với thế giới này của chúng ta. Cũng ở đây, chuyến đi này giúp tôi nghĩ đến tên hiệu Phanxicô, Vị Thánh đã dạy chúng ta niềm tôn trọng sâu sắc với mọi thụ tạo và bảo vệ môi trường, môi trường thay vì được sử dụng vì mục đích tốt, lại rất thường bị chúng ta tham lam khai thác, gây tổn hại cho nhau (Ibid). Cuối cùng từ kinh nghiệm về dòng tộc và môi trường địa lý, ngài tỏ ra lạc quan: “Như quí vị biết, gia đình tôi có gốc Ý. Như thế cuộc đối thoại giữa những vùng đất và văn hóa có khoảng cách biệt lớn, với tôi đó là những vấn đề lớn, nhưng cuộc đối thoại này giữa hai cực của thế giới đang trở nên gần nhau hơn bao giờ…” (Ibid) Và trong Thánh lễ Phục Sinh, từ khát vọng hòa bình, ước mong phát triển, Đức Thánh Cha liên tưởng tới những đám mây u ám trên bán đảo Triều Tiên, trên mảnh đất Syria, ngài xin các bên nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Thực tế làm giới chân lấm tay bùn cũng dễ bị giới ăn trắng mặc trơn thủ thế đề phòng. Họ đã nhiều lần đối đầu với Đức Cha và gây nhiều khó dễ, vô tình Đức Cha thành tảng đá cho người ta vấp váp. Trước tiên, vị Giáo hoàng "nghèo với người nghèo và cho người nghèo" hẳn sẽ đẩy mạnh những lời dạy của Vatican II hướng đến công lý và hòa bình trong xã hội. Khi còn là Tổng Giám mục của giáo phận thủ đô Argentina, Hồng y Bergoglio không ngần ngại đối kháng với Tổng thống tiền nhiệm Néstor Kirchner và Tổng thống đương nhiệm Cristina Fernández de Kirchner chống lại những đạo luật cho phép phá thai và hôn nhân đồng tính. Theo ngài, các đạo luật đó là "tác phẩm của quỷ dữ" và "đang gây chiến tranh chống lại Thiên Chúa". Ngược lại, Tổng thống Kirchner cũng chế nhạo ngài là "nhân vật của thời trung cổ". Nhưng tuần rồi, trong cái bắt tay với cương vị mới, cả hai thủ lãnh cùng kính trọng nhau và đồng tình dựng xây một xã hội tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên trước lối ứng xử của Đức Phanxicô, có người nghi ngại, thay vì chân lấm tay bùn vì gần với người nghèo nên dễ xa với giới chức quyền, đại gia. Và thực tế họ mới chủ chốt nắm trong tay quyền và phương tiện chống lại cảnh nghèo đói. Giải pháp bắt cá hai tay có lợi cho dân nghèo hơn không? Khó làm rõ trắng đen, theo Đức Bergoglio, chuyện lấm bùn hay trắng tay, thỏa hiệp hay cứng rắn với giới quyền thế chỉ là hướng giao dịch mục vụ hay đúng là đòi hỏi của Tin Mừng: “Ai không thu góp với Thày là phân tán?” Và theo ngài, chủ trương đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy là khôn khéo: “Miễn là Đức Kitô được rao giảng” hay là gian dối? Vấn đề đã được khẳng định là “Giáo hội đứng về phía người nghèo” nhưng đứng về phía người nghèo thế nào còn tùy. Chuyện Constantin và lá cờ Thánh giá với chính nghĩa xông vào trận đánh nhau với quân ngoại giáo vẫn đòi chúng ta suy nghĩ nhiều lắm.

Trong bài giảng khai mạc Mật tuyển viện, Hồng y niên trưởng Sodano khẳng định "các Giáo hoàng tiền nhiệm đã đề ra bao công trình cho toàn nhân loại và các quốc gia trên toàn thế giới, không ngừng cổ võ nền công chính và hòa bình trên mặt đất". Và ngài hy vọng vị Giáo hoàng tương lai cũng "sẽ tiếp nối các vị tiền nhiệm trên tầm mức quốc tế rộng lớn".

CHÂN LẤM TAY BÙN HAY LÀ PHONG CÁCH MỚI CỦA NGƯỜI TÁI LOAN BÁO TIN MỪNG

TÁI LOAN BÁO TIN MỪNG, MỘT ĐÒI HỎI CẤP THIẾT

Khởi đi từ Vatican II, nhu cầu loan báo Tin Mừng được đề cao và mở rộng cho toàn dân Chúa. Đức Gioan Phaolô 2, cha đẻ của tái loan báo Tin Mừng, đã đưa sứ mạng loan báo Tin Mừng lên đỉnh cao trong Giáo hội. Tái loan báo Tin Mừng không là chuyển hóa hay hóa giải nội dung Tin Mừng của 2000 năm xưa, nhưng là loan báo Tin Mừng cứu độ theo phong cách mới, kỹ năng mới, nhiệt tâm mới, phù hợp với thiên niên kỷ mới. Để cổ võ cao trào này, Đức Gioan Phaolô II đích thân đi khắp năm châu, ghé thăm những kinh thành hoa lệ cũng như những quốc gia nhỏ bé nghèo hèn, trao tận tay mọi người món quà Tin Vui cứu độ. Tiếp nối công trình trên, Đức Bênêđictô XVI liên tục tố cáo chủ nghĩa tương đối và trào lưu thế tục hóa đang lan tràn khắp Âu châu và Bắc Mỹ. Một cách nào đó, "Thiên Chúa dường như đã chết" ngay giữa lớp người luôn xưng mình là Kitô hữu.

Giữa mây mù vây phủ, Thượng Hội đồng các Giám mục đã được Đức Bênêđictô XVI triệu tập vào tháng 10.2012 vừa qua với chủ đề tái loan báo Tin Mừng trong việc thông truyền niềm tin Kitô giáo. Trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng, Đức Bênêđictô XVI đề cập đến "một nhu cầu cấp bách loan báo Đức Kitô cho những vùng ánh sáng đức tin đang mờ nhạt, những nơi mà lửa mến yêu Thiên Chúa đang lụi tàn. Hãy thắp lên ánh đuốc. Hãy khơi lại than hồng giữa đống tro lạnh. Mong sao mọi người sẽ là ngọn lửa bùng cháy, đem ánh sáng và hơi ấm cho toàn thế giới". Đồng thời với Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Bênêđictô XVI còn khai mở năm Đức tin, kỷ niệm năm mươi năm khai mạc Vatican II và hai mươi năm phổ biến sách Giáo lý Giáo hội Công giáo.

Thượng Hội đồng vừa công bố những đúc kết và hướng đi cho toàn Giáo hội. Năm Đức tin vừa khai mở và chưa đến hồi kết. Giáo Hội vẫn đang chờ mong Thông điệp thứ ba của Đức Bênêđictô XVI bàn về đức tin, tiếp nối hai Thông điệp trước về đức ái và đức hy vọng. Tất cả như đang chờ luồng gió mới từ vị Giáo hoàng đầu tiên của Tân Thế Giới, đến từ "cùng tận cõi đất".

“TÔI XIN CHỌN MỘT GIÁO HỘI BẦM DẬP HƠN LÀ MỘT GIÁO HỘI ỐM YẾU THU MÌNH TRONG XÓ NHÀ”

Trước khi bước vào Mật tuyển viện, Hồng y Bergoglio được tờ báo Ý La Stampa phỏng vấn về tầm quan trọng của Tân Tin Mừng hóa và Năm Đức tin. Ngài khẳng định Tân Tin Mừng hóa thật khẩn thiết trong giai đoạn này để chữa trị cơn sốt thiêng liêng nơi Giáo hội. Ngài lập luận: "Để khỏi nhiễm sốt, Giáo hội có thể chọn thái độ thu mình vào vỏ ốc; và như thế, Giáo hội càng lên cơn sốt. Nếu bạn liều mình lăn lộn ngoài phố xá, gặp gỡ người anh em, bạn có nguy cơ gặp tai nạn, bị nhiễm khuẩn, hay tối thiểu, bị hít bụi đường. Và tôi xin chọn một Giáo hội bầm dập hơn là một Giáo hội ốm yếu thu mình trong xó nhà" (www.lastampa.it).

Qua lời ngỏ này, mọi người nhận ra, chủ trương chân lấm tay bùn vẫn thống nhất từ những dấn thân cụ thể giữa người nghèo và cho người nghèo, tới những lời kêu gọi bắc cầu làm thân giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, ngài mạnh dạn mở đường đi trước. Và cuối cùng khi cần chọn lựa một hướng hành động, Vị Giáo hoàng lấm chân, lấm tay không ngần ngại “chọn một Giáo Hội bầm dập hơn là một Giáo hội ốm yếu thu mình trong xó nhà". Thực tế, ngài đã làm thế với Tổng Giáo Phận Buenos Aires của mình: "Chúng tôi tỏa đi khắp nơi tìm từng gia đình đang xa rời giáo xứ, thay vì chờ đợi họ đến với mình. Chúng tôi tổ chức từng nhóm theo từng vùng dân cư: tụ họp, gặp gỡ, cầu nguyện, cử hành thánh lễ, mời gọi họ gia nhập Giáo Hội khi đã chín mùi. Với những người quá xa tầm tay với, đành nhờ đến Internet, và các loại truyền thông kỹ thuật số. Đó là giáo xứ, giáo phận chúng tôi” (www.lastampa.it).

Với hai vị tiền nhiệm, Đức Gioan Phaolô II trong sứ vụ mục vụ đã đi một trăm hai mươi chín quốc gia. Tiếp theo Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng cao tuổi nhất trong lịch sử Giáo hội từng công du đến các châu Á, Phi, Úc, Mỹ. Trong đó có những chuyến đi vào giữa vùng dầu sôi lửa bỏng, bắt tội chính quyền sở tại phải tung hết lực lượng an ninh đề phòng bất trắc. Còn Đức Giáo hoàng đã đạt quán quân với thành tích từng trăm, từng ngàn chuyến đi trên xe buýt, xe đạp, những chuyến đi tỏa ra khắp hang cùng ngõ hẻm đến với những người cô đơn, các bệnh nhân, các em cô nhi. Hôm nay về giữa Vatican, hẳn ngài đang toan tính bao nhiêu chuyến đi. Đi đâu, đi tới ai, chúng ta còn phải chờ xem. Nhưng với một người chân lấm tay bùn như Đức Phanxicô và chủ trương “đến với nhau thay vì chờ nhau đến”, chắc chắn ở hoàn cảnh nào, vị thế nào, một tay bụi đời, chẳng sợ cát bụi đường xa, chẳng ngại giông gió bão táp sẽ chẳng chùn chân tìm đến làm quen làm thân với các anh chị em còn thờ ơ, xa lạ với Tin Mừng, hoặc vào giữa vùng lửa đạn cầu xin các bên hòa giải, hay tới cả với những người còn khinh khi dè bỉu Chúa, phản đối mình.

Khi kể về công trình loan báo Tin Mừng tại các giáo xứ thuộc Giáo phận Buénos Aires, Đức Thánh Cha quả quyết có giải pháp “Với những người quá xa tầm tay với, chúng tôi đành nhờ đến Internet, và các loại truyền thông kỹ thuật số". Xác định nhờ Internet và các loại truyền thông kỹ thuật số đã gây ngạc nhiên cho nhiều người. Bình thường vị Tổng Giám mục Buénos Aires được xếp vào loại hơi bị “hai lúa”. Ngài từng bán chiếc Limousine, đi xe buýt hay xe đạp để “lấy công làm lời”. Nhiều người thắc mắc, đi xe buýt, ở chung cư, ăn tự nấu, Đức Cha Bergoglio có biết dùng email và lướt mạng không. Biết hay không biết, lướt hay không lướt chẳng biết, nhưng rõ ràng dù chân lấm tay bùn, ngài vẫn biết đá biết vàng và biết chân lấm tay bùn không thể thay thế những phương tiện truyền thông hiện đại, cũng không ngần ngại đón nhận mọi phương cách trong tầm tay cho công trình loan báo Tin Mừng, “Miễn là Đức Kitô được rao giảng”.

Hôm nay Châu Mỹ La tinh đang nổi sóng với vị Giáo hoàng "Latino" đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Argentina, hay châu Mỹ La tinh nói chung, không là nơi phát nguồn Kitô giáo, nhưng lại là vùng đất màu mỡ của hoa trái niềm tin với 80 - 90 phần trăm dân số công giáo. Giáo hội Công giáo tại các nước Châu Mỹ La tinh phát triển rất nhanh trong những thế kỷ gần đây, gần như trở thành quốc giáo. Luật pháp 1853 của Argentina dành rất nhiều ưu đãi cho Giáo hội.

Hiện tại, Giáo hội Công giáo tại các quốc gia châu Mỹ La tinh đang gặp khủng hoảng. Từ Tierra del Fuego, cực nam của Nam Mỹ, đến Mexico, giáp ranh nước Mỹ, nhiều tín hữu Công giáo đang ngả theo các giáo phái khác. Theo thống kê của Latinobarómetro, năm 1996, các quốc gia Châu Mỹ La tinh có khoảng 80-85% dân số Công giáo, chỉ 4% theo Tin Lành. Và năm 2010, số Công giáo chỉ còn khoảng 70%, trong khi Tin Lành tăng lên 13%. Riêng tại Brazil, giới Công giáo có lúc lên đến 99%, hiện nay, khiêm tốn ở mức 65% và Tin Lành tăng lên 22%.

Giáo hội Tin Lành rõ ràng đang lớn mạnh đầy nhựa sống, năng động, và hoạt động tích cực tại các quốc gia châu Mỹ La tinh. Tại São Paulo, một nhà thờ Tin Lành đang xây cất với chi phí dự trù 200 triệu đôla, sức chứa hơn mười ngàn người, dựa theo đền thờ Solomon hôm xưa. Toàn bộ gạch xây dựng được nhập từ Israel, nhằm tạo bầu khí của Đất thánh.

Chưa hết, ngay các tín hữu Công giáo cũng đang mất dần chân tính của mình do trào lưu thế tục hóa. Nhà thờ rất nhiều nhưng thường vắng lặng thưa thớt, kể cả các Chúa Nhật và lễ trọng. Thống kê không chính thức cho thấy chỉ khoảng 20% tín hữu thường xuyên tham dự thánh lễ và các bí tích. Một vị Giáo hoàng vượt ngoài biên cương nước Ý và Âu châu sẽ là dấu hiệu tốt cho công trình tái loan báo Tin Mừng. Một vị Giáo hoàng châu Mỹ La tinh có thể là yếu tố làm bừng sống một Giáo hội châu Mỹ La tinh rộng lớn đang phân rẽ, từ đó lan tỏa đến toàn cõi đất.

Tài liệu Aparecida của Thượng Hội đồng Giám mục châu Mỹ La tinh năm 2007 vừa qua - Hồng y Bergoglio được xem là tác giả chính - nhấn mạnh: "Mọi người lãnh phép Rửa đều là những nhà truyền giáo. Mọi nơi đều là lãnh địa truyền giáo. Và việc trong Giáo hội đều hướng đến truyền giáo". Tài liệu còn đi xa hơn khi chân nhận "người tín hữu hôm nay đang rời xa Giáo hội và tìm đến các giáo phái Tin Lành. Đó là lầm lỗi của chính Giáo hội Công giáo. Giáo hội Công giáo thất bại vì không biết hay là đang thờ ơ rao giảng Tin Mừng. Để chỉnh sửa, mỗi giáo dân phải là giáo lý viên trường kỳ, thường xuyên gặp gỡ Chúa Giêsu, đào sâu lòng đạo nhờ Lời Chúa và các bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể".

Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng dòng Tên đầu tiên, gắn liền với sự nghiệp thánh Phanxicô Xavier, nhà truyền giáo không biết mỏi mệt từ trời Tây đến tận biển Đông Nhật Bản và Trung Quốc. Hướng về ngày giới trẻ 2013 tại Rio de Janeiro, Brazil sắp tới, hẳn Đức Giáo hoàng sẽ gợi lại hình ảnh thánh Phanxicô Xavier như một người trẻ đầy năng động và sức sống, một tấm gương của công trình tái loan báo Tin Mừng.

ĐỔI MỚI GIÁO HỘI

Vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô đã chọn Thánh Bênêđictô làm bổn mạng, gợi lên một phong cách học giả, một nếp sống viện tu chiêm niệm. Đức Giáo hoàng hôm nay lại chọn thánh Phanxicô Assisi, một vị thánh lăn lộn bụi đời giữa những người bần cùng trong xã hội, sống giữa bùn lầy nhưng không hề tanh hôi mùi bùn. Cả hai vị thánh đều là các nhà canh tân Giáo hội, nhưng xem ra mỗi vị mỗi đường hướng đặc trưng.

Henri De Lubac có lần so sánh đường lối cải cách Giáo hội giữa thánh Phanxicô và Martin Luther. Luther phê bình chỉ trích để Giáo hội nhận ra sai trái và điều chỉnh. Thánh Phanxicô xây nền cải cách trên nét thánh thiêng của Giáo hội. Giáo hội là thánh, Giáo hội phải nên thánh.

Khi nói đến một giáo triều điều hành lỏng lẻo, tài chính thiếu trước hụt sau, hồ sơ bị rò rỉ… người ta thường nghĩ ngay đến một vị Giáo hoàng tổ chức qui củ, sánh với một giám đốc điều hành của các công ty đẳng cấp quốc tế. Ngược lại, Giáo hội được xây nền trên Đá Tảng, gắn kết chặt chẽ với Đức Kitô và Tin Mừng cứu độ của Ngài. Thánh Phanxicô Assisi đích thực là nhà cải cách theo nghĩa này, được Thiên Chúa kêu mời đi "dựng xây lại tòa nhà của Thiên Chúa đang mục nát" (www.catholic.org). Xem ra Đức Phanxicô cùng đồng tình với thánh Phanxicô trong đường hướng này.

Ngẫu nhiên, cũng thời gian này năm ngoái, một ký giả của tờ Vatican Insider phỏng vấn Đức Bergoglio về hệ thống giáo triều Roma với tư cách người ngoài cuộc, ngài trả lời: “Giáo triều là một bộ phận để phục vụ, một cơ cấu đang giúp đỡ tôi và phụ giúp tôi. Đôi khi, có những tin tức không hay đẹp, nhưng thường được truyền thông phóng đại và đẩy mạnh nhằm tạo tiếng vang xấu. Một số ký giả đôi khi mắc bệnh tâm lý thích bôi phân trét bùn để gây ấn tượng. Đó là một tội ác xúc phạm người anh em, chỉ chăm chú vết mực nhỏ trên chiếc đầm trắng xinh. Giáo triều có những vết mực, tôi công nhận điều đó. Nhưng thật thiếu sót khi quá chú tâm đến những tiêu cực và quên rằng giáo triều do biết bao người thánh thiện đã được thánh hiến đang hiến trọn đời mình phục vụ Giáo hội”.

DỰNG XÂY MỘT THẾ GIỚI YÊU THƯƠNG VÀ AN HÒA

Nối gót thánh Phanxicô Assisi quan thầy, Đức Giáo hoàng trong lễ khai mạc sứ vụ đã kêu gọi mọi người trở thành "người bảo vệ công trình sáng tạo, bảo vệ kế hoạch Thiên Chúa hoạch định nơi mọi thụ tạo, bảo vệ lẫn nhau, và bảo vệ môi trường". Đó chính là duy trì nét đẹp của thế giới ta đang sống, là kính trọng từng thụ tạo Thiên Chúa đã tạo dựng và môi trường ta đang sống, là đỡ nâng và quan tâm đến từng người và mọi người, đặc biệt các trẻ em, người già nua, người thiếu thốn.

Trong tuần lễ đầu tiên, khi tiếp xúc với các lãnh tụ đạo đời trên toàn thế giới, Đức Phanxicô luôn mời gọi các vị thủ lãnh cùng bắt tay dựng xây một thế giới đẹp như công trình sáng tạo của Đấng Tạo Dựng, một tương giao nhân bản hơn giữa người với người. Theo ngài, không thể biến người thành chiếc máy sản xuất và tiêu thụ, đó là "những con rắn độc hại nhất trong thời đại chúng ta". Đức Phanxicô khi còn là Tổng Giám mục giáo phận thủ đô Buenos Aires đã quá kinh nghiệm về nạn buôn người làm nô lệ lao động cho một thành phố đang trong chu trình kỹ nghệ hóa. "Người mua bán người. Người đánh đập người. Chỉ vì năng suất và lợi nhuận". Ngài thấm cảm cuộc sống những công nhân lao động 18 giờ mỗi ngày chỉ để lãnh đồng lương vừa đủ chiếc bánh mì kẹp thịt cho gia đình vào mỗi bữa ăn.

Cũng cần ghi nhận, châu Mỹ La tinh là nơi sản sinh ra nền thần học giải phóng với tác giả Leonardo Boff. Thế nhưng Đức Phanxicô, có lẽ qua những năm tháng dùi mài kinh sử tại Đức, không mặn mà lắm với nền thần học này. Theo ngài, thần học giải phóng lấy lại hương vị của ý thức hệ Marx, đứng về phía giai cấp công nhân dùng bạo động để lật đổ chính quyền. Hồng y Bergoglio đến với người nghèo và người cô thế cô thân bằng tinh thần yêu thương và bất bạo động của Tin Mừng. Ngài cũng nỗ lực nâng cao nếp sống nơi các ổ chuột trong thành phố qua các dịch vụ xã hội và bác ái từ thiện.

Trong thánh lễ Chúa nhật Phục Sinh đầu tiên tại Quảng trường Thánh Phêrô trước cử tọa đông đảo hơn hai trăm năm mươi ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha còn kêu gọi một cuộc đàm phán hòa bình và giải quyết những tranh chấp đã quá lâu giữa Israel và Palestin. Ngài tiếc nuối cho cuộc khủng hoảng tại Syria đã phải "chịu bao thương đau vẫn chưa tìm ra một giải pháp chính trị thích đáng". Ngài ước mong Bắc và Nam Hàn bắt tay nhau chung sống thay vì chạy đua vũ trang và vũ khí hạt nhân. Ngài kết án những cuộc chiến và khủng bố phi nghĩa tại Phi châu. Và ngài tiếp nối với một lời nguyện bàng bạc tinh thần Phanxicô Assisi:

Lạy Chúa từ nhân,
xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa nơi mọi người…
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù
đem thứ tha vào nơi lăng nhục
đem an hòa vào nơi tranh chấp
đem chân lý vào chốn lỗi lầm

Để kết luận, xin cùng lắng nghe Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắn gửi toàn thế giới trong ngày ngài nhận lãnh sứ vụ chủ chăn toàn Giáo hội: "Xin cứ hy vọng dù giữa cơn vô vọng! Hôm nay, đêm đen đang vây phủ, chúng ta rất cần những đốm sáng hy vọng. Mỗi cá nhân xin làm ánh đuốc hy vọng cho người anh em bên cạnh. Bảo vệ công trình tạo dựng, bảo vệ người anh em trong tình yêu và nét hiền dịu, đó chính là cánh cửa mở ra chân trời hy vọng. Đó là ánh sáng phá tan đêm đen vây phủ. Đó là hơi ấm cho những tâm hồn lạnh lùng. Là những người tin, niềm hy vọng của chúng ta được xây nền trên chính Thiên Chúa, nơi Đức Kitô, như tổ phụ Abraham, như thánh Giuse hôm xưa. Một niềm hy vọng dựng xây trên đá tảng là chính Thiên Chúa".

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 76 (Tháng 5 & 6 năm 2013)