Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời phỏng vấn của Tạp chí America

01/12/2022

Hình Vatican News

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TẠP CHÍ AMERICA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho « America Magazine », Đức Phanxicô đã đề cập đến các chủ đề khác nhau : phá thai, lạm dụng tính dục, vai trò của nữ giới trong Giáo hội hay sự thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung quốc. Gợi lên cuộc chiến tranh ở Ucraina, Đức Thánh Cha đảm bảo rằng « Tòa Thánh sẵn sàng làm trung gian cho hòa bình ».

Ngày 22/11 vừa qua, năm thành viên của tạp chí được dòng Tên ở Hoa Kỳ thành lập vào năm 1909, « America Magazine », đã phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô tại nơi ở của ngài, nhà Thánh Mátta tại Vatican. Đó là các linh mục  Matt Malone, tổng biên tập sắp hết nhiệm kỳ, và Sam Sawyer, tổng biên tập sắp tới, Kerry Weber, Tổng biên tập điều hành, Gerard O’Connell, phóng viên, và bà Gloria Purvis, người dẫn chương trình « Gloria Purvis Podcast ». Họ đã thảo luận với Đức Phanxicô về nhiều chủ đề : đặc biệt về sự phân cực của Giáo hội Mỹ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chiến tranh ở Ucraina, mối tương quan của Tòa Thánh với Trung quốc và vai trò của nữ giới trong Giáo hội. Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha nói tiếng Tây Ban Nha với sự trợ giúp của Elisabetta Piqué để phiên dịch.

Thưa Đức Thánh Cha, điều gì khiến ngài vui tươi và thanh thản trong thừa tác vụ của mình ?

Khi tôi ở với mọi người, tôi luôn hạnh phúc. Một trong những điều khiến tôi phải trả giá đắt nhất với tư cách là Giáo hoàng, là không thể đi bộ trên đường phố với mọi người, vì ở đây bạn không thể ra ngoài, không thể đi bộ trên đường phố. Nhưng tôi không muốn nói rằng tôi hạnh phúc vì tôi khỏe mạnh, hay vì tôi ăn ngon, ngủ ngon hay vì tôi cầu nguyện nhiều. Tôi hạnh phúc vì tôi cảm thấy mình hạnh phúc, Thiên Chúa làm cho tôi hạnh phúc. Tôi không có gì để đổ lỗi cho Chúa, ngay cả khi những điều tồi tệ xảy đến với tôi. Trong suốt cuộc đời tôi, Ngài luôn hướng dẫn tôi đi trên con đường của Ngài, đôi khi trong những lúc khó khăn, nhưng tôi luôn xác tín rằng tôi không bước đi một mình. Tôi không bước đi một mình, Ngài ở bên cạnh tôi. Chúng ta có những lỗi lầm của mình, thậm chí cả tội lỗi của mình : tôi xưng tội mười lăm ngày một lần.

Ở Hoa Kỳ, chúng con đã chứng kiến một sự phân cực ngày càng gia tăng, không chỉ trong chính trị nhưng còn trong đời sống Giáo hội. Làm thế nào Giáo hội có thể trả lời cho sự phân cực trong lòng của mình và giúp đỡ xã hội ?

Sự phân cực không phải là Công giáo. Một người Công giáo không thể suy nghĩ « ủng hộ hay chống đối » và giảm thiểu mọi thứ thành sự phân cực. Người Công giáo kết hợp người tốt và người ít tốt hơn. Dân Thiên Chúa là một. Sự phân cực đến từ não trạng chia rẽ vốn ưu đãi người này và gạt người khác sang một bên. Người Công giáo luôn nghĩ đến sự hài hòa giữa những sự khác biệt. Nếu chúng ta nhìn vào cách thức Chúa Thánh Thần hành động, thì trước tiên Ngài tạo ra sự hỗn độn : hãy nghĩ đến buổi sáng lễ Hiện Xuống, đến sự hỗn độn được tạo ra ở đó. Và rồi Ngài tạo ra sự hài hòa. Chúa Thánh Thần trong Giáo hội không giảm thiểu mọi sự thành một giá trị duy nhất, nhưng tạo ra sự hài hòa giữa các sự khác biệt của các mặt đối lập. Và đó là tinh thần Công giáo.

Càng có sự hài hòa giữa những sự khác biệt và đối lập, thì càng Công giáo. Càng phân cực, chúng ta càng mất tinh thần Công giáo và rơi vào tinh thần giáo phái. Về vấn đề này, thật thú vị khi tìm kiếm cội nguồn của những chọn lựa của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu có bốn sự lựa chọn : trở thành một người Pharisêu hay một người Sađốc, hoặc trở thành một người Essêniên hay một người theo phái nhiệt thành. Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả những điều đó với các mối phúc. Những cám dỗ trong Giáo hội luôn đi theo bốn con đường này. Có một đạo Công giáo đặc thù ở Hoa Kỳ, đó là điều bình thường. Nhưng cũng có những nhóm Công giáo ý thức hệ.

Đa số người Công giáo dường như đã mất niềm tin vào khả năng của Hội đồng Giám mục mang lại một định hướng luân lý. Làm thế nào các Giám mục có thể lấy lại niềm tin của người Công giáo Hoa Kỳ ?

Câu hỏi hay vì nó nói về các Giám mục. Tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi tạo nên mối liên hệ giữa người Công giáo và Hội đồng Giám mục. Hội đồng Giám mục không phải là chủ chăn, chủ chăn, đó là Giám mục. Do đó, người ta có nguy cơ làm giảm thẩm quyền của Giám mục khi xem xét một Hội đồng Giám mục. Hội đồng Giám mục có mục đích đoàn kết các Giám mục, làm việc cùng nhau, thảo luận các vấn đề, chuẩn bị mục vụ. Nhưng mỗi Giám mục là một chủ chăn. Đừng hòa tan quyền bính Giám mục, bằng cách giảm thiểu nó thành quyền bính của Hội đồng Giám mục. Bởi vì đó là nơi các khuynh hướng đối chất với nhau, nhiều hơn về cánh hữu, nhiều hơn về cánh tả, nhiều hơn ở đây, nhiều hơn ở đó, và cách nào đó, không có trách nhiệm bằng xương bằng thịt, như trách nhiệm của Giám mục với đoàn dân của mình, của chủ chăn với đoàn dân của mình.

Chúa Giêsu đã không tạo ra Hội đồng Giám mục, Chúa Giêsu đã tạo ra các Giám mục, và mỗi Giám mục là mục tử của dân mình. Về phương diện này, tôi nhớ đến một tác giả vào thế kỷ thứ V mà, theo ý kiến của tôi, đã viết nên chân dung tốt nhất của một Giám mục, đó là thánh Augustinô trong khảo luận « De pastoribus » của mình. Vì thế, câu hỏi là : đâu là mối tương quan giữa một Giám mục và dân của ngài ? Và tôi mạn phép trích dẫn một Giám mục mà tôi không biết liệu ngài có bảo thủ không, liệu ngài có cấp tiến không, liệu ngài thuộc cánh hữu không, liệu ngài thuộc cánh tả không, nhưng đó là một mục tử rất tốt. Mark Seitz, Giám mục của El Paso, ở biên giới với Mêxicô, là một người đã tiếp nhận tất cả những mâu thuẫn của nơi này và đưa chúng tiến tới với tư cách là chủ chăn. Tôi không nói rằng những Giám mục khác không tốt, nhưng Giám mục đó, tôi biết ngài. Bạn có một vài Giám mục tốt thiên về cánh hữu, một vài Giám mục tốt thiên về cánh tả, nhưng đó là những Giám mục hơn là những nhà ý thức hệ, đó là những mục tử hơn là những nhà ý thức hệ. Và bí mật nằm ở đó. Câu trả lời cho câu hỏi của bạn là : Hội đồng Giám mục có thể khác nhau, đó là một tổ chức để giúp đỡ và đoàn kết, một biểu tượng của sự hiệp nhất. Nhưng ân sủng của Chúa Giêsu-Kitô được tìm thấy nơi mối tương quan giữa Giám mục và dân mình, giáo phận của mình.

Thưa Đức Thánh Cha, phá thai là một vấn đề được chính trị hóa cao ở Hoa Kỳ. Các Giám mục có nên ưu tiên phá thai hơn các vấn đề công bằng xã hội khác không ?

Về việc phá thai, tôi nói với bạn những điều mà tôi lặp lại bây giờ. Trong bất cứ cuốn sách phôi học nào, người ta nói rằng ngay trước tháng đầu tiên sau khi thụ thao, các cơ quan của thai nhi nhỏ bé và ADN đã được phác họa. Ngay cả trước khi người mẹ nhận ra điều đó. Vì thế, đó là một hữu thể nhân linh (être humain) sống động. Tôi không nói một nhân vị (personne), vì có một cuộc tranh luận về vấn đề này, nhưng là một hữu thể nhân linh. Và tôi tự đặt ra hai câu hỏi. Có đúng không khi loại bỏ một hữu thể nhân linh để giải quyết một vấn đề ?

Câu hỏi thứ hai : có đúng không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề ? Vấn đề, đó là khi thực tại giết người này trở thành một vấn đề chính trị. Hay khi một chủ chăn của Giáo hội rơi vào một phạm trù chính trị. Từ khi một vấn đề mất đi chiều kích mục vụ của nó, thì nó trở thành một vấn đề chính trị. Và điều đó trở thành chính trị hơn là mục vụ. Tức là theo bên này hay bên kia. Cái đó ở khắp nơi. Khi tôi thấy rằng một vấn đề như vấn đề này, một tội ác, có một cường độ chính trị cao, thì tôi nói rằng thiếu tính mục vụ trong cách đề cập vấn đề này. Dù là vấn đề phá thai này hay liên quan đến các vấn đề khác, chúng ta không được quên đi tính mục vụ : một Giám mục là một mục tử, một giáo phận là dân thánh của Thiên Chúa với vị mục tử của mình. Chúng ta không thể bàn nó như thể là một vấn đề dân sự.

Vấn đề là biết liệu Hội đồng Giám mục có nên coi cuộc đấu tranh chống phá thai như là vấn đề số một không, trong khi tất cả những vấn đề khác là thứ yếu…

Câu trả lời của tôi như sau : đó là một vấn đề mà Hội đồng Giám mục phải giải quyết nội bộ. Điều tôi quan tâm, đó là mối tương quan của Giám mục với dân của mình, tức là khía cạnh bí tích. Khía cạnh khác thuộc trật tự tổ chức chính trị, và các Hội đồng Giám mục đôi khi nhầm lẫn. Chỉ cần nhìn vào thế chiến thứ hai là đủ, một số lựa chọn của một số Hội đồng Giám mục là sai lầm về mặt chính trị và xã hội. Đôi khi, đa số thắng thế, điều này có thể công bằng hoặc không. Chúng ta hãy rõ ràng : một Hội đồng Giám mục thường nên bày tỏ ý kiến của mình về đức tin và các phong tục, nhưng nhất là về tổ chức giáo phận và những vấn đề tương tự. Phần bí tích của chức năng mục vụ là mối tương quan giữa mục tử và dân Thiên Chúa, giữa Giám mục và dân của ngài. Hội đồng Giám mục sẽ giúp tổ chức các lớp học, những gì họ làm là rất đáng khen ngợi, nhưng mục tử còn quan trọng hơn. Hơn cả quan trọng, tôi thậm chí có thể nói rằng khía cạnh bí tích là thiết yếu. Rõ ràng là mỗi Giám mục phải tìm kiếm tình huynh đệ với các Giám mục khác, điều đó rất quan trọng. Nhưng điều thiết yếu, đó là mối tương quan với dân của mình.

Cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đã ảnh hưởng nhiều đến tín khả tín của Giáo hội và những nỗ lực loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Những tiết lộ gần đây về các vụ lạm dụng do các Giám mục thực hiện đã làm gia tăng mối lo ngại về tính minh bạch. Vatican có thể làm gì để cải thiện tình trạng này ?

Một chút lịch sử. Cho đến cuộc khủng hoảng Boston, khi tất cả được đưa ra ánh sáng, trong Giáo hội, một số kẻ lạm dụng đã bị thay đổi chức vị. Người ta che đậy họ. Đó là cách nó diễn ra trong các gia đình ngày nay. Vấn đề lạm dụng tính dục là rất nghiêm trọng trong xã hội. Khi tôi gặp các chủ tịch của các Hội đồng Giám mục cách đây hai năm rưỡi, tôi đã yêu cầu số liệu thống kê chính thức : 42 đến 46 % các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình hay láng giềng. Phía sau chúng ta thấy thế giới thể thao và giáo dục, và 3% là các linh mục Công giáo. Chúng ta có thể nói : « Cảm ơn Chúa, họ là rất ít ». Không, thậm chí là một người, thì đó vẫn là quái dị.

Sự ngược đãi trẻ em là một trong những điều kinh quái dị nhất. Phong tục là phong tục vẫn còn được dùng trong các gia đình hay trong một tổ chức khác : che đậy. Giáo hội đã đưa ra một chọn lựa : đó là không che đậy. Và từ đó, Giáo hội đã theo đuổi bằng cách thành lập các thủ tục pháp lý và Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên. Chính Đức Hồng y O’Malley, của Boston,  đã có ý tưởng thể chế hóa điều đó trong Giáo hội. Khi những người trung thực nhìn thấy cách Giáo hội quan tâm đến sự quái dị này, thì họ thấy rằng Giáo hội là một chuyện, những thủ phạm lạm dụng trong Giáo hội là một chuyện khác, và họ bị Giáo hội trừng phạt. Đức Bênêđíctô XVI đã rất tài tình trong việc đưa ra những quyết định này. Đó là một vấn đề « mới », trong ngoặc kép, trong sự biểu hiện, nhưng là một vấn đề muôn thuở, vì nó đã luôn tồn tại. Trong thế giới ngoại giáo, việc sử dụng trẻ vị thành niên để mua vui đã luôn tồn tại. Một trong những điều khiến tôi quan tâm nhất trong lĩnh vực này là nội dung khiêu dâm trẻ em : nó có được quay phim trực tiếp không, nó được quay nơi quốc gia nào ? Chính quyền của quốc gia này đang làm gì để cho phép điều đó ? Đó là tội phạm, tội phạm. Giáo hội đảm nhận trách nhiệm về tội lỗi của mình và chúng ta, những tội nhân, tiếp tục tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi tôi tông du, tôi thường tiếp một phái đoàn các nạn nhân của các vụ lạm dụng. Một giai thoại : khi tôi ở Ailen, người ta xin tôi tiếp đón một nhóm các nạn nhân của các vụ lạm dụng. Họ có sáu hay bảy người và họ đến giống như vậy, lúc đầu tức giận và họ có lý. Tôi đã nói với họ : « Nghe này, chúng ta hãy làm điều gì đó, ngày mai tôi phải giảng lễ. Tại sao không chuẩn bị bài giảng cùng nhau, về vấn đề này ? ». Và rồi một điều tuyệt vời đã xảy ra, bởi vì điều vốn chỉ là một sự phản đối đã biến thành điều gì đó tích cực và tất cả họ đã chuẩn bị bài giảng với tôi vào ngày hôm sau. Đó là một điều tích cực, ở Ailen, một trong những nơi « nóng » nhất mà tôi từng tiếp xúc. Vậy Giáo hội phải làm gì ? Tiếp tục tiến về phía trước cách nghiêm túc và không xấu hổ.

Giáo hội tại Hoa Kỳ đã có một bước tiến lớn trong cuộc đấu tranh chống lại các vụ lạm dụng do các linh mục thực hiện. Tuy nhiên, dường như có ít minh bạch hơn khi một Giám mục bị cáo buộc…

Vâng, và tôi nghĩ rằng cần phải có nhiều minh bạch hơn ở đây. Nếu có ít minh bạch hơn, thì đó là một sai lầm.

Về Ucraina, nhiều người Mỹ đã bối rối bởi sự miễn cưỡng rõ ràng của ngài trong việc phê phán trực tiếp Nga. Ngài sẽ giải thích quan điểm của mình về cuộc chiến này thế nào với người Ucraina, người Mỹ và những người khác ủng hộ Ucraina ?

Khi tôi nói về Ucraina, tôi nói về một dân tộc tuẫn đạo. Khi có một dân tộc tuẫn đạo, thì có ai đó đã khiến họ tuẫn đạo. Khi tôi nói về Ucraina, tôi nói về sự tàn ác, bởi vì tôi có nhiều thông tin về sự tàn ác của quân đội đến đó. Nói chung, những người tàn ác nhất có lẽ là những người đến từ Nga, nhưng không phải từ truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Bouriates, v.v. Chắc chắn, chính Nhà nước Nga xâm lược. Điều đó là rất rõ ràng. Đôi khi tôi cố gắng không nêu rõ để không xúc phạm và tôi thà lên án cách chung, ngay cả khi tôi biết rất rõ tôi đang lên án ai. Nhưng không nhất thiết tôi phải chỉ ra họ và tên. Ngày thứ hai của cuộc chiến, tôi đã đến tòa đại sứ Nga gần Tòa Thánh, một cử chỉ khác thường vì Giáo hoàng không bao giờ đến một tòa đại sứ. Và ở đó, tôi đã bảo ông đại sứ nói với ông Vladimir Putin rằng tôi sẵn sàng thực hiện chuyến đi với điệu kiện ông ấy để cho tôi một cánh cửa nhỏ để đàm phán. [Sergei] Lavrov, Bộ trưởng ngoại giao, ở cấp cao, đã trả lời bằng một lá thư rất tử tế, mà tôi đã hiểu rằng sáng kiến của tôi là không cần thiết vào lúc này.

Tôi đã nói chuyện điện thoại hai lần với tổng thống Zelensky. Và nói chung, tôi làm việc bằng cách nhận danh sách các tù nhân, cả tù nhân dân sự và tù nhân quân đội, và tôi cho gởi chúng đến chính phủ Nga ; và câu trả lời luôn là tích cực. Tôi cũng đã nghĩ đến một chuyến đi, nhưng tôi quyết định rằng nếu tôi đi, tôi sẽ đến cả Moscou và Kiev, cả hai, chứ không đến đến một trong hai. Tôi chưa bao giờ tạo ấn tượng che đậy cuộc xâm lược. Ở đây, trong phòng này, tôi đã ba hay bốn lần tiếp kiến một phái đoàn của chính phủ Ucraina. Và chúng tôi làm việc cùng nhau. Tại sao tôi không đề cập Putin ? Điều đó không cần thiết, bạn đã biết điều đó. Tuy nhiên, đôi khi người ta bám chặt vào một chi tiết. Một số Hồng y đã đến Ucraina : Đức Hồng y Czerny đã đến đó hai lần ; Đức Tổng Giám mục Gallagher, vị đặc trách về quan hệ với các Nhà nước, đã ở Ucraina bốn ngày và tôi đã nhận được một báo cáo về những gì ngài đã chứng kiến ; và Đức Hồng y Krajewski đã đến đó bốn lần. Ngài đã đi với chiếc xe tải chở đầy hàng viện trợ và trải qua Tuần Thánh ở Ucraina. Tôi muốn nói rằng sự hiện diện của Tòa Thánh nơi các Hồng y là rất mạnh mẽ, và họ liên lạc thường xuyên với những người đảm nhận các chức vị có trách nhiệm. Và tôi muốn đề cập rằng những ngày này là kỷ niệm nạn đói Holodomor, tội ác diệt chủng cho Stalin gây ra đối với người  Ucraina (vào năm 1932-1933). Tôi nghĩ rằng thật chính đáng khi nhớ lại một tiền lệ lịch sử của cuộc xung đột hiện tại. Lập trường của Tòa Thánh là tìm kiếm hòa bình và hòa hợp. Ngoại giao của Tòa Thánh đi theo hướng này và, dĩ nhiên, nó luôn sẵn sàng đóng vai trò trung gian.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy rằng một số lượng lớn người Công giáo da đen đang rời bỏ Giáo hội. Giờ đây, ngài sẽ nói gì với người Công giáo da đen của Hoa Kỳ, vốn cảm nghiệm được sự phân biệt chủng tộc và đồng thời là sự câm điếc của Giáo hội đối với những lời kêu gọi công bằng chủng tộc ?

Tôi sẽ nói với họ rằng tôi gần gũi với nỗi đau khổ mà họ đang trải qua, vốn là một đau khổ về chủng tộc. Và trong hoàn cảnh này, chính các Giám mục địa phương phải đặc biệt gần gũi họ. Giáo hội có các Giám mục người Mỹ gốc châu Phi.

Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích người Công giáo da đen ở lại ?

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng ở đây, đó là sự khai triển mục vụ, dù là bởi các Giám mục hay giáo dân, một sự khai triển mục vụ trưởng thành. Vâng, chúng ta thấy sự phân biệt kỳ thị và tôi hiểu rằng họ không muốn đến với Giáo hội. Điều tương tự đôi khi xảy ra ở các nước khác. Nhưng vấn đề này có một lịch sử rất lâu đời, lâu đời hơn nhiều so với lịch sử của bạn và nó vẫn chưa được giải quyết. Các Giám mục và các nhân viên mục vụ phải đóng góp vào việc giải quyết vấn đề này theo cách Tin Mừng. Tôi có thể nói với người Công giáo Mỹ gốc châu Phi rằng Giáo hoàng ý thức về những đau khổ của họ, ngài yêu thương họ nhiều, và họ phải kháng cự và không nên bỏ đi. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một tội không thể dung thứ đối với Thiên Chúa. Giáo hội, các mục tử và giáo dân phải tiếp tục đấu tranh để xóa bỏ nó và vì một thế giới công bằng hơn.

Tôi tận dụng cơ hội này để nói rằng tôi cũng yêu thương nhiều các dân tộc bản xứ của Hoa Kỳ. Và tôi không quên những người gốc Mỹ Latinh, hiện nay rất đông.

Nhiều phụ nữ đau khổ vì họ không thể được phong chức linh mục. Ngài nói gì với một phụ nữ đã phục vụ trong đời sống của Giáo hội, nhưng vẫn cảm thấy được mời gọi trở thành linh mục ?

Đây là một vấn đề thần học. Tôi tin rằng chúng ta cắt xén bản chất của Giáo hội nếu chúng ta chỉ xem xét con đường chiều kích thừa tác vụ trong đời sống của Giáo hội. Con đường không chỉ là con đường của thừa tác vụ chức thánh. Giáo hội là một người nữ, Giáo hội là một hiền thê. Chúng ta đã không phát triển một nền thần học về nữ giới phản ảnh điều đó. Có thể nói, chiều kích thừa tác vụ là chiều kích của Giáo hội Phêrô. Bây giờ tôi đang đề cập đến một phạm trù nào đó của các thần học gia. Nguyên tắc Phêrô là nguyên tắc về thừa tác vụ. Nhưng còn một nguyên tắc khác còn quan trọng hơn, và chúng ta không nói đến, đó là nguyên tắc Maria, vốn là nguyên tắc về nữ tính trong Giáo hội, về nữ giới trong Giáo hội, trong đó Giáo hội được phản ảnh bởi vì Giáo hội là người nữ và là hiền thê. Một Giáo hội chỉ biết đến nguyên tắc Phêrô sẽ là một Giáo hội mà người ta có thể nghĩ là bị giảm thiểu thành chiều kích thừa tác của mình, không hơn không kém. Trái lại, Giáo hội còn hơn cả một thừa tác vụ. Đó là toàn thể dân Thiên Chúa. Giáo hội là người nữ, Giáo hội là hiền thê. Như thế, phẩm giá của người nữ được phản ảnh theo cách này. Và rồi có một con đường thứ ba : con đường hành chánh. Con đường thừa tác vụ, con đường Giáo hội – chúng ta gọi là Maria – và con đường hành chánh, vốn không thuộc lãnh vực  thần học, nhưng là hành chánh bình thường. Và trong lãnh vực này, tôi tin rằng chúng ta phải dành nhiều chỗ hơn cho phụ nữ. Ở đây tại Vatican, tất cả các vị trí mà chúng ta đã đặt các phụ nữ, đều vận hành tốt hơn. Chẳng hạn, trong Hội đồng kinh tế, có sáu Hồng y và sáu giáo dân. Hai năm trước, trong số sáu giáo dân này, tôi đã bổ nhiệm năm phụ nữ, và đó là một cuộc cách mạng. Phó thống đốc Vatican là một phụ nữ. Khi một phụ nữ tham gia chính trị hay điều hành mọi việc, thì họ thường làm tốt hơn. Nhiều nhà kinh tế đều là phụ nữ, và những phụ nữ này đang đổi mới nền kinh tế theo cách thức có tính xây dựng. Vì thế, có ba nguyên tắc, hai thuộc bản chất thần học và một thuộc bản chất hành chánh. Nguyên tắc Phêrô thuộc chiều kích thừa tác vụ, nhưng Giáo hội không thể vận hành chỉ trên cơ sở này mà thôi. Nguyên tắc Maria là nguyên tắc của Giáo hội phối ngẫu, Giáo hội – hiền thê, Giáo hội – người nữ. Và rồi có nguyên tắc hành chánh, vốn không phải là thần học, nhưng là hành chánh, về những gì chúng ta làm. Và tại sao một phụ nữ không thể tham gia thừa tác vụ chức thánh ? Bởi vì nguyên tắc Phêrô không dự kiến không gian cho điều đó.

Vâng, thực sự là thế, chúng ta phải ở trong nguyên tắc Maria, điều này thì quan trọng hơn. Người nữ thì hơn nhiều, họ giống như Giáo hội là hiền thê và mẹ. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã quá thường xuyên thất bại trong bài giáo lý của mình khi giải thích các khía cạnh này. Chúng ta đã quá dựa vào nguyên tắc hành chánh để giải thích điều đó, điều này về lâu dài không hiệu quả. Đó là một lời giải thích rất súc tích, nhưng điều quan trọng, đó là nhấn mạnh hai nguyên tắc thần học : nguyên tắc Phêrô và nguyên tắc Maria, vốn làm nên Giáo hội. Theo nghĩa này, việc phụ nữ không tham gia đời sống thừa tác vụ không phải là một sự tước đoạt, không. Vị trí của người nữ thì quan trọng hơn nhiều, và đó là một xem xét mà chúng ta còn phải khai triển trong một bài giáo lý về người nữ bằng cách xem xét nguyên tắc Maria. Và khi nói về điều đó, về đặc sủng của phụ nữ, cho phép tôi chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân. Khi bạn sắp phong chức cho một linh mục, bạn yêu cầu thông tin từ những người biết ứng viên. Những thông tin tốt nhất mà tôi đã nhận được, những thông tin chính xác nhất, mà tôi nhận được từ người anh em Giám mục phó của tôi, từ các anh em giáo dân không phải là linh mục của tôi, hay từ phụ nữ. Những người nữ này cảm nhận mọi sự theo cách của Giáo hội để biết liệu người này có phù hợp với chức linh mục hay không. Một giai thoại khác : một ngày nọ, tôi đã yêu cầu thông tin về một ứng viên linh mục, một người thực sự xuất sắc. Tôi đã hỏi các giáo sư của anh ta, các bạn học của anh ta và cả những người trong giáo xứ mà anh ta hay lui tới. Và tôi đã nhận được một báo cáo tiêu cực, được viết bởi một phụ nữ, nói rằng : « Anh ta là một mối nguy hiểm, chàng thanh niên này sẽ không làm việc được ! ». Lúc đó, tôi đã gọi cô ấy và hỏi cô : « Tại sao chị nói điều đó ? » Cô ấy đáp : « Con không biết tại sao, nhưng nếu đó là con trai của con, thì con sẽ không để cho người ta truyền chức cho nó : nó thiếu một thứ ». Tôi cân nhắc về lời gợi ý của cô ấy và tôi đã nói với ứng viên : « Con sẽ không được phong chức năm nay : chúng ta hãy đợi thêm một thời gian nữa ». Ba tháng sau, chàng trai trẻ này gặp khủng hoảng và bỏ đi. Người phụ nữ này là một người mẹ đã thấy mầu nhiệm của Giáo hội cách rõ ràng hơn đàn ông chúng ta nhiều. Do đó, ý kiến của một phụ nữ là rất quan trọng, và quyết định của một phụ nữ là tốt nhất.

Ở Hoa Kỳ, một số người giải thích sự chỉ trích của ngài đối với chủ nghĩa tư bản thị trường như là sự chỉ trích đối với Hoa Kỳ. Một số người gọi ngài là người theo chủ nghĩa xã hội, người theo chủ nghĩa cộng sản, người theo chủ nghĩa Mác. Ngài đã nói nhiều lần rằng ngài theo Tin Mừng. Nhưng làm thế nào ngài trả lời cho những người nói rằng những gì ngài nói về kinh tế là không quan trọng ?

Tôi luôn tự hỏi những nhãn hiệu này đến từ đâu. Chẳng hạn, khi chúng tôi trở về từ Ailen, trên máy bay, một lá thư của một vị giám chức người Mỹ đã được công khai, nói mọi thứ và bất cứ điều gì về tôi. Tôi cố gắng tuân theo Tin Mừng. Tôi rất được soi sáng bởi các Mối Phúc, nhưng nhất là bởi nghi thức là chúng ta sẽ được phán xét. Matthêu chương 25 : « Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp, Ta ở tù, các ngươi đã đến với Ta ! » Như thế, phải chăng điều đó có nghĩa rằng Chúa Giêsu là người cộng sản ? Vấn đề đằng sau đó, và bạn đã xác định cách đúng đắn, đó là việc giảm thiểu sứ điệp Tin Mừng thành một sự kiện chính trị xã hội. Nếu tôi xem Tin Mừng duy nhất từ quan điểm xã hội học, thì lúc đó vâng, điều đó là đúng, tôi là cộng sản và Chúa Giêsu cũng thế. Nhưng đằng sau các Mối Phúc và Matthêu 25, có một sứ điệp vốn là sứ điệp của Chúa Kitô. Và Kitô hữu là như thế. Người cộng sản đã đánh cắp một số giá trị của Kitô giáo. Những người khác đã biến nó thành một thảm họa.

Ngài đã bị phê phán vì đã ký kết một thỏa thuận với Trung quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục. Một số người trong Giáo hội và trong chính trị nói rằng ngài trả giá đắt để giữ thinh lặng về nhân quyền ở Trung quốc.

Vấn đề không phải là nói hay im lặng. Đây không phải là thực tế. Thực tế là đối thoại hay không đối thoại. Và cuộc đối thoại được thực hiện đến mức có thể thực hiện được. Đối với tôi, Đức Hồng y Casaroli là mẫu gương tốt đẹp nhất của giai đoạn hiện đại của Giáo hội. Có một cuốn sách với tựa đề « Sự tuẫn đạo bằng lòng kiên nhẫn » («The Martyrdom of Patience»), bàn về công việc của ngài ở Đông Âu. Các Giáo hoàng – tôi muốn nói Đức Phaolô VI và Gioan XXIII – chủ yếu cử ngài đến các nước Trung Âu để cố gắng tái lập quan hệ trong thời kỳ cộng sản. Và con người này đã đối thoại với các chính phủ, một cách chậm rãi, bằng cách làm những gì ngài có thể, và dần dần thành công trong việc tái lập hàng giáo phẩm Công giáo nơi các nước này. Chẳng hạn – tôi nghĩ đến trường hợp này – không phải lúc nào cũng có thể bổ nhiệm người giỏi nhất làm Tổng Giám mục của thủ đô, nhưng đúng hơn người có thể được bổ nhiệm theo thỏa thuận với chính phủ. Đối thoại là con đường ngoại giao tốt nhất. Với Trung quốc, tôi đã chọn con đường đối thoại. Nó chậm, có những thất bại, cũng có những thành công, nhưng tôi không thể tìm thấy một con đường khác. Và tôi muốn nhấn mạnh điều này : dân tộc Trung quốc là một dân tộc rất khôn ngoan và họ xứng đáng được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của tôi. Trước mặt họ, tôi ngả mũ ! Đó là lý do tại sao tôi cố gắng đối thoại, bởi vì chúng ta sẽ không chinh phục một dân tộc, không ! Có các Kitô hữu ở đó. Họ cần sự quan tâm của chúng ta để họ có thể trở thành những người Trung quốc tốt và những Kitô hữu tốt. Có một cầu chuyện hay khác về cách thức Giáo hội thực thi sứ mạng tông đồ của mình, và nó đề cập đến cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Đức Hồng y Casaroli và Đức Gioan XXIII. Ngài đã ra đi để báo cáo về sự tiến triển của các cuộc đàm phán ở các nước này. Vào cuối tuần, Casaroli đến thăm các cậu bé bị nhốt trong nhà tù dành cho trẻ vị thành niên ở Casal del Marmo. Trong cuộc gặp gỡ với Đức Gioan XXIII, họ đã nói về những vấn đề của nước này hay nước kia. Đã có những quyết định quan trọng phải đưa ra, chẳng hạn làm thế nào để đưa Đức Hồng y József Mindszenty đến Rôma. Vào thời đó, ngài đang sống tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Budapest. Đó là một vấn đề rất lớn, một quyết định quan trọng, nhưng Casaroli đã chuẩn bị việc thuyên chuyển. Và khi ngài chuẩn bị ra về, Đức Gioan XXIII đã hỏi ngài : « Thưa Đức Hồng y, một điều nhỏ : ngài có tiếp tục đến nhà tù dành cho trẻ vị thành niên này vào những ngày cuối tuần không ? » Casaroli trả lời : « Có ». « Chào thăm họ hộ tôi và đừng bỏ rơi họ ! » Trong tâm hồn của hai vĩ nhân này, việc đi thăm các bạn trẻ trong các nhà tù cũng quan trọng như việc thiết lập quan hệ với Praha, Budapest hay Vienna. Đó là những người vĩ đại nhất. Chính những yếu tố này mang lại một hình ảnh đầy đủ về con người.

Ngài trở thành Giáo hoàng từ 10 năm qua, nếu nhìn lại, có ba điều mà ngài sẽ làm khác đi hay ngài sẽ hối tiếc không ?

Tất cả ! Tất cả ! Tôi sẽ làm mọi thứ khác đi. Nhưng tôi đã làm những gì Chúa Thánh Thần bảo tôi làm. Và khi tôi không làm như thế, thì tôi đã sai lầm.

Tý Linh
Chuyển ngữ từ Vatican News (28.11.2022)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

LỊCH PHỤNG VỤ