Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chia sẻ mục vụ và huấn đức tại ĐCV Huế

27/02/2020

 

CHỦNG SINH

Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chia sẻ mục vụ và huấn đức tại ĐCV Huế

Chiều ngày 21/02/2020 vừa qua, Đại Chủng viện Huế (ĐCV) hân hoan chào đón Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đến chia sẻ mục vụ và huấn đức cho các chủng sinh.

Mở đầu giờ huấn đức, Đức TGM Giuse ngỏ lời chào thân ái đến Cha Bề trên, quý Cha trong Ban Giám đốc và toàn thể chủng sinh, đồng thời ngài cũng bày tỏ niềm vui và tâm tình phụ tử khi hiện diện với Chủng viện trong bầu khí ấm áp của một gia đình. Bên cạnh đó, ngài cũng dâng giờ chia sẻ này để cầu nguyện cho các nạn nhân của đại dịch Covid-19 đang hoành hành, một đại dịch mang tầm vóc toàn cầu của thế kỷ.

Chủ đề Đức TGM Giuse huấn đức lần này là “Những thách đố của người trẻ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”. Theo Đức TGM Giuse, những thách đố đó đến từ 1/ sự kiện toàn cầu hoá, 2/ khủng hoảng trong tình yêu và đời sống hôn nhân, sau cùng là 3/ những thay đổi của thời đại.

1. Toàn cầu hoá

Toàn cầu hoá là một bước phát triển lớn của văn minh nhân loại, nhờ đó, con người được nối kết với nhau dễ dàng và được chia sẻ cũng như đón nhận những luồng gió mới từ khắp nơi mọi chốn. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng mang lại thách đố lớn lao đối với đức tin và đời sống đạo đức đặc biệt đối với giới trẻ. Toàn cầu hoá là con dao hai lưỡi, nó khiến giới trẻ ngày nay bị lôi vào vòng xoáy của cơn lốc kiến thức và cơn lốc hưởng thụ.

Trong viễn cảnh đó, kiến thức trở thành phương thế tiến thân trong nền kinh tế công nghiệp, sự cạnh tranh trở nên rất khốc liệt, vì vậy một đàng người trẻ rất quan tâm đến tương lai, đàng khác lại âu lo xao xuyến. Việc đầu tư kiến thức hầu đạt được học vị, bằng cấp để có một công việc tốt, một chỗ đứng xứng đáng trong xã hội đã trở nên nhu cầu vừa khó cưỡng vừa hàm chứa những thách thức. Người trẻ dường như bị quăng vào một thế giới chạy đua kiến thức. Hậu quả là thanh niên thiếu nữ dễ có nguy cơ bị stress, đánh mất chính mình, đánh mất truyền thống đạo hiếu, không còn thì giờ cho những mối quan hệ mang tính nhân văn (gia đình, bạn bè,…).

Tiếp đến, cơn lốc hưởng thụ, sự xâm lăng của nền văn minh hiện đại, xu hướng sống dễ dãi, thoải mái cũng dễ khiến người trẻ không thích ràng buộc về kỷ luật, tôn trọng truyền thống. Tâm trí của giới trẻ rất bề bộn với những mối quan tâm về máy tính, điện thoại, xe cộ để rồi không còn chỗ cho những giá trị đạo đức nhân văn. Cuộc sống hưởng thụ, buông thả ngày càng khiến người ta chỉ biết chạy theo lợi nhuận, hưởng thụ, trong lúc phẩm giá và tự do của con người lại bị xem nhẹ.

2. Khủng hoảng trong tình yêu và đời sống hôn nhân

Ngày nay, việc làm quen rất dễ dàng, vấn đề phái tính bây giờ là một cuộc cách mạng lớn và bị đẩy rất xa, làm mất ý nghĩa tình yêu đích thực. Người trẻ ngày nay dễ dàng lao vào tình yêu mang tính cơ giới, ích kỷ, hời hợt qua mạng xã hội hoặc qua những môi giới nguy hiểm, từ đó dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc như tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, nạn phá thai, v.v.v… khiến Việt Nam nằm trong bốn nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.

Đứng trước những khủng hoảng này, câu hỏi căn bản được đặt ra là làm sao để lôi kéo người trẻ về lại với các mô hình, các mẫu gương tình yêu trong sáng, biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người bạn đời, làm sao để tình yêu và đời sống hôn nhân gia đình trở thành bầu khí sưởi ấm và mang lại hạnh phúc cho con người và thế giới như Thiên Chúa đã muốn khi tạo dựng nhân loại.

3. Những thay đổi của thời đại

Nguyên nhân thứ ba của những khủng hoảng nơi người trẻ hôm nay là những thay đổi lớn lao của thời đại. Xã hội ngày nay với những biến chuyển lớn như: thay đổi về công ăn việc làm, thay đổi về nhu cầu và quan niệm sống, thay đổi về vai trò ở trong gia đình, thay đổi về khả năng tương giao trong xã hội, thay đổi nơi sinh sống, gia đình trở thành như “quán trọ”, đặc biệt là sự xuất hiện của tình trạng thế giới ảo, “cư dân mạng” vô hình… Tất cả những thay đổi đó đã tác động rất lớn đến đời sống của giới trẻ hôm nay.

Tóm lại, nhận thấy những thách đố mà người trẻ phải đối mặt, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã rất ưu tư và trăn trở để rồi đi đến quyết định chọn giới trẻ là đối tượng ưu tiên mục vụ hàng đầu của Giáo Hội, mục đích làm sao có thể trả lại cho người trẻ niềm vui trong sáng như chủ đề của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm nay “đồng hành cùng giới trẻ – hướng đến sự trưởng thành toàn diện”.

Trong bối cảnh của một buổi huấn đức tại ĐCV, Đức TGM Giuse nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không thể đồng hành được nếu chúng ta không hiểu giới trẻ, do vậy chúng ta phải biết rõ những thách đố mà giới trẻ đang phải đối mặt”. Đồng thời, ngài cũng cảnh giác các chủng sinh vì thật ra chủng sinh cũng là những người trẻ, những đối tượng trực tiếp của các suy tư trên đây: “Những thách đố mà giới trẻ gặp phải cũng có nguy cơ trở thành những thách đố của các chủng sinh, vì thế chủng sinh phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và phải cảnh tỉnh luôn, đặc biệt trong bối cảnh của Mùa Chay Thánh đang đến. có như thế Mùa Chay mới trở thành mùa của sự thật, mùa của hoán cải, mùa của sự tươi trẻ thiêng liêng”.


Kết thúc giờ huấn đức, cha Bề trên Đại Chủng Viện đã có đôi lời phát biểu và cám ơn thân tình vì sự hiện diện và những chia sẻ thiết thực, quý báu của Đức TGM Giuse.

Sau buổi huấn đức đầy tình phụ tử, Đức TGM Giuse đã ở lại dùng bữa tối với Ban Giám Đốc và toàn thể chủng sinh. Đặc biệt trong bữa cơm tối đơn sơ này còn có sự hiện diện của Cha Jean Baptiste ETCHARREN, nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa sai Paris. Ngài không những là vị “khách quý” mà còn là “người nhà” của chủng viện vì chính nơi đây có lăng mộ của gần 40 vị Thừa Sai Paris đang yên nghỉ.

Đại Chủng Viện Huế
Nguồn:
tonggiaophanhue.net

LỊCH PHỤNG VỤ