Diễn văn khai mạc Đại hội FABC 50 của Đức Hồng y Charles Maung Bo

14/04/2023


DIỄN VĂN KHAI MẠC ĐẠI HỘI FABC 50
CỦA ĐỨC HỒNG Y CHARLES MAUNG BO

WHĐ (14.04.2023) - Ngày 22/8/2022, tại đền Chân phước Nicholas Bunkerd Kitbamrung ở Bangkok, Thái Lan, sau 2 năm  bị  trì  hoãn    đại dịch, Liên HĐGM châu Á (FABC) đã chính thức khai mạc Đại hội nhân kỷ niệm 50 năm thành lập FABC. Sau ngày khai mạc này, Đại hội toàn thể sẽ được tổ chức tại Bangkok khoảng gần 2 tháng sau, 12-30/10/2022, với sự tham dự của các đại biểu thuộc các quốc gia thành viên, bao gồm các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Sau đây là nội dung bài diễn văn khai mạc của Đức hồng y Charles Maung Bo, vào ngày 22/08/2022:

Hành trình của ân sủng và lòng biết ơn

Anh chị em thân mến,

Nhân Danh Chúa, tôi xin chào mừng anh chị em.

Hôm nay lịch sử vẫy gọi chúng ta. Sau nửa thế kỷ trên Hành trình đầy ân sủng và lòng tri ân tại Châu Á, hôm nay Giáo hội Á Châu cùng nhau quy tụ trong niềm hân hoan để khai mạc Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập FABC. Đại hội sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 30 tháng 10.

Tôi xin cầu chúc tất cả anh chị em đón nhận dồi dào ơn phúc trong ngày lễ Maria Nữ Vương, Mẹ của chúng ta. Thật thích hợp khi những lời tán dương ân sủng và lòng tri ân của tôi được đi kèm với lời kinh Magnificat của Đức Maria. Giáo hội Á Châu có thể hát cùng Mẹ: “Chúa đã làm cho tôi những điều kỳ diệu.”

Cách nay 50 năm, các Giám mục Á Châu đã tập hợp lại trong khoảnh khắc kỳ diệu của ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống do Công đồng Vatican II chủ xướng, để thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC). FABC được thiết lập nhằm đáp ứng các thôi thúc tông đồ đầy tính sáng tạo do Công đồng gợi mở, nhằm thắp lên ngọn lửa đổi mới cho thế giới.

Giáo hội Á Châu cử hành thời điểm nối kết giữa ân sủng và lòng biết ơn này. Tất cả những lời ngợi khen dành cho Thiên Chúa, là Đấng toàn năng đã hướng dẫn Hội thánh tại châu lục này trong suốt những năm qua. Châu Á là cái nôi của nhiều tôn giáo. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong cuộc hành trình dài qua các Giáo hội tại Châu Á, đã đề cao vai trò quan trọng của Châu Á trong Lịch sử Cứu độ. Trong Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Châu Á), Đức thánh cha nói:

“Giáo hội tại Châu Á ca  ngợi  “Thiên  Chúa  cứu  độ”  (Tv 68,20) vì đã chọn miền đất Châu Á để khởi xướng kế hoạch cứu độ của Ngài, qua những con người của lục địa đó. Thực vậy, chính tại Châu Á, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã mạc khải và thực hiện ý định cứu độ của Ngài. Ngài đã hướng dẫn các tổ phụ (x. St 12) và kêu gọi ông Môsê đưa dẫn dân tộc mình tới tự do (x. Xh 3,10). Ngài phán dạy dân riêng của Ngài qua các tiên tri, các thẩm phán, các vua và những phụ nữ vững tin và dũng cảm. Khi “thời gian tới hồi viên mãn” (Gal 4,4), Ngài đã sai Con Một của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể thành một người Châu Á! Hân hoan trước sự thiện hảo của các dân tộc, các nền văn hóa và sức sống tôn giáo của lục địa này, đồng thời ý thức về hồng ân đức tin độc nhất đã được lãnh nhận vì lợi ích của tất cả mọi người, Giáo hội tại Châu Á không thể ngưng công bố: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). (Số 1, EA)”

Đúng vậy. Tất cả vinh quang là dành cho Thiên Chúa, Đấng đã chọn lục địa này để phục vụ Lịch sử Cứu độ thánh đó.

Vị Thánh giáo hoàng này đã để lại cho Giáo hội Á Châu sứ mạng tiếp tục sống thực tại đó một cách mạnh mẽ.

Được gợi hứng bởi sự khôn ngoan của Thánh giáo hoàng, Liên Hội đồng Giám mục Á Châu đã điều phối các nỗ lực truyền giáo của Giáo hội Á Châu. Đó là một hành trình dài và đầy thử thách.

Hành trình dài này đã mang lại cho Giáo hội Á Châu một bản sắc sống động, không ngừng thách thức chúng ta trở thành một Giáo hội truyền giáo. Vẫn luôn luôn thách thức chúng ta.

Giờ đây, Giáo hội Á Châu và FABC đang đứng trước những ngã rẽ của một thời đại đầy thử thách. Nhiều thành quả đã đạt được. Chúng tôi biết ơn tất cả những người đã hướng dẫn quá trình đó. Chúng tôi biết ơn các nhà thần học và những người khác đã mang lại phẩm chất trí tuệ cho FABC. Châu Á là một bức tranh khảm sống động về các nền văn hóa; Giáo hội Á Châu đã phản ánh sự đa dạng đó. Sự kết hợp giữa văn hóa và tôn giáo là điều mà các nhà thần học gọi là hội nhập văn hóa. Kitô giáo Á Châu đang xúc tiến quá trình này với việc rũ bỏ những hành trang xa lạ để thực sự trở nên tôn giáo bản địa của khu vực.

Một cách sáng tạo, FABC đã củng cố cuộc đối thoại tam diện tại Châu Á với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người nghèo ở Châu Á. FABC dự kiến một cơ cấu điều phối, với các ủy ban đặc trách. Cho đến nay chính ân sủng đã dẫn dắt chúng ta.

Ngày nay, Giáo hội và thế giới đang đứng tại một giao lộ lịch sử.

Chúng ta tụ họp giữa những đám mây ngột ngạt của các cuộc xung đột và chuyển dịch, của sự sụp đổ kinh tế, hiện tượng biến  đổi khí hậu đáng sợ, đại dịch và nạn đói của hàng triệu con người. Chủ nghĩa thế tục đang chiếm ưu thế trong thế giới Kitô giáo truyền thống. Sự lãnh đạo độc tài đang trở thành chuẩn mực ở nhiều quốc gia. Nền dân chủ đối mặt với nhiều thách thức gay gắt. Chủ nghĩa cực đoan và bạo lực tôn giáo đe dọa hòa bình toàn cầu. Chúng ta được mời gọi để tự xem xét lại đâu là vai trò của các Giáo hội Á Châu tại thời điểm thử thách này.

Làm thế nào các Giáo hội Á Châu có thể trở thành những nhà tiên tri loan báo hòa bình trong một thế giới ngày càng lo lắng bất an?

Thiên niên kỷ thứ ba mang đến những thách thức to lớn. Đức thánh cha Phanxicô luôn khuyến khích hãy nhìn mỗi thử thách như một cơ hội. Khi khai mạc kỷ niệm Kim khánh FABC, chúng ta được nhắc nhở rằng theo Kinh Thánh, viễn tượng về Năm Thánh đòi hỏi phải thay đổi toàn diện và đổi mới mạnh mẽ. Giáo hội dưới thời Đức giáo hoàng đương nhiệm đã chủ động khởi xướng những thay đổi.

Chúng ta được thách thức trở thành Hội Thánh Hiệp hành, ở đó việc loan báo Tin Mừng chiếm vị trí hàng đầu trong các cơ cấu của Vatican và trong sứ mạng. Trên mặt trận công lý, Đức giáo hoàng đã kêu gọi chúng ta dấn thân đấu tranh cho công bằng về mặt môi trường và kinh tế.

Đức giáo hoàng vẫn đang kêu gọi xây dựng cuộc sống trên những mối tương quan đúng đắn. Ba tài liệu của ngài đã phác họa cho Giáo hội Á Châu và thế giới một bản đồ để đi vào các mối tương quan đúng đắn: Evanglium Gaudium hướng dẫn chúng ta bước vào mối tương quan với Thiên Chúa, Laudato Si’ vạch ra cho chúng ta một lộ trình dẫn vào mối tương quan với các thụ tạo của Thiên Chúa và Fratelli Tutti soi sáng cho chúng ta cách sống mối tương quan với nhau.

Hội nghị FABC đã phản ánh về những điều này, đồng thời sẽ thảo luận về các nhu cầu, thách thức và các chủ đề khác. Khi đi vào những vấn đề cần cân nhắc này, chúng ta ý thức được lời kêu gọi của Tin Mừng là hãy trở nên những nhà truyền giáo tích cực. Sứ mệnh của Giáo hội Á Châu đã được vạch ra trong Sách Khải Huyền. Châu Á là mảnh đất khởi đầu sứ mạng vĩ đại loan báo Tin Mừng.

Chúa kêu gọi Giáo hội Á Châu làm gì?

Kitô giáo có vai trò quan trọng trong giáo dục, y tế và phát triển con người ở các quốc gia Á Châu, là các quốc gia ngày càng khẳng định hơn xét về mặt kinh tế và chính trị. Giáo hội ở Châu Á và Châu Phi tỏ ra đầy sức sống với số ơn gọi ngày càng tăng. Đây là cơ hội và thách thức lớn. Với lời cầu nguyện, việc hoạch định và dấn thân, thế kỷ này có thể trở thành Thế kỷ Kitô giáo Á Châu, qua việc loan báo Tin Mừng đồng thời thúc đẩy hòa bình và công lý trên thế giới. Hội nghị FABC sẽ chú tâm vào phần lớn những mối quan tâm này.

Chúng ta có thể coi việc chuẩn bị cho Đại hội FABC 50 là công việc của Chúa Thánh Thần. Tôi biểu dương tất cả các giáo phận vì những chuẩn bị đã thực hiện. Giai đoạn giáo phận của tiến trình Thượng Hội đồng với các buổi họp thỉnh ý đã kết thúc vào ngày 15 tháng 8 vừa qua.

Đại hội FABC 50 vào tháng 10 sẽ xem xét tất cả các ý kiến thảo luận và vạch ra một lộ trình mới cho Châu Á và Thế giới.

Chủ đề được chọn cho Đại hội là:

FABC 50: Cùng nhau thực hiện cuộc hành trình với tư cách là các dân tộc Châu Á –

“…và họ đã đi lối khác.” (Mt 2,12)

Chủ đề này xem ra có thể hơi mâu thuẫn. Hội Thánh sơ khai cùng nhau thực hiện cuộc hành trình để thi hành sứ mạng của Chúa Kitô, tuy nhiên ân sủng đa dạng của Hội Thánh sơ khai đã giúp họ tiếp cận với nhiều nền văn hóa và quốc gia khác nhau. Châu Á là lục địa lớn nhất với 60% dân số toàn thế giới, bao gồm 48 quốc gia, cần cả sự thống nhất lẫn tính đa dạng.

Tôi cầu chúc cho người dân Châu Á được nhiều phúc lành khi chúng ta thực hiện cuộc hành trình này. Hãy để Chúa, Đấng đã hứa luôn đồng hành với các tiên tri, bước đi với dân Người. Với sự quan phòng của Chúa, Giáo hội Á Châu sẽ được thấy những điều hết sức kỳ diệu.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả những nỗ lực của chúng ta.

Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
Chuyển ngữ từ: fabc2020.org
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 133 (Tháng 1 & 2 năm 2023)

LỊCH PHỤNG VỤ