Bài Ðọc I: 1Sm 3, 3b-10. 19

“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe’”. Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel, Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.

Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.

2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.

3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.

4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.


Bài Ðọc II: 1Cr 6, 13c-15a, 17-20

“Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại. Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Mt 11,23

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho các trẻ nhỏ biết những mầu nhiệm nước trời. - Alleluia.


Phúc Âm: Ga 1, 35-42

“Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm:


Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kể chuyện Đức Giêsu

gọi bốn môn đệ đầu tiên, gồm hai cặp anh em ruột.

Để đáp lại, họ phải bỏ nghề đánh cá, bỏ lưới và thuyền,

bỏ cha mẹ, bỏ gia đình thân yêu.

Đó là những điều cao quý và thân thương đối với họ.

Họ chấp nhận bỏ để theo Đức Giêsu,

bước vào cuộc sống mới, bấp bênh hơn, phiêu lưu hơn.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng kể chuyện Đức Giêsu

gọi các môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51).

Không thấy nói đến chuyện họ bỏ gia đình hay nghề nghiệp,

nhưng hai môn đệ đầu tiên đã phải bỏ một điều khác.

Họ đã bỏ vị thầy cũ của họ là Gioan Tẩy giả

để đi theo vị thầy mới là Đức Giêsu.


Con đường đến với Thầy Giêsu gồm nhiều bước.

Các bước này xâu thành một chuỗi, gắn kết với nhau.

Bước trước chuẩn bị cho bước sau.

Bước sau lại chuẩn bị cho bước kế tiếp.

Lỡ một bước là làm hỏng cả hành trình,

vì mỗi bước đều có tầm quan trọng như nhau.

Hai môn đệ của Gioan Tẩy giả đã mở lòng để dấn bước.

Và Đức Giêsu cũng mở lòng để mời gọi hai ông.


Như một sự tình cờ, Đức Giêsu đi ngang qua chỗ Gioan

và hai môn đệ của ông đang đứng.

Bước một bắt đầu bằng lời giới thiệu của Gioan.

Lời này không dễ hiểu: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).

Trước đây Gioan đã từng làm chứng: “Đây là Chiên Thiên Chúa,

đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Dù chưa hiểu tại sao thầy mình gọi vị này là Chiên Thiên Chúa,

nhưng hai môn đệ vẫn nghe và tin vào lời của thầy.

Họ đã đáp lại bằng hành động đi theo Đức Giêsu: đó là bước hai.

Đi theo có thể coi là bắt đầu hành trình làm môn đệ.

Đức Giêsu đi trước, hai môn đệ đi sau (Ga 1,37).

Không rõ họ đi như vậy bao lâu, chẳng ai nói một câu.

Hai ông ngần ngại, nhút nhát không dám lên tiếng trước.

Đức Giêsu có biết rằng hai người này đang đi theo mình không,

hay đơn giản chỉ là tình cờ đi chung đường?

Có. Ngài biết rõ hai ông cố ý đi theo mình.

Và Ngài đã quay lại, đã nói câu nói đầu tiên: “Các anh tìm gì?”

Đây là bước thứ ba, bước của Đức Giêsu (Ga 1,38).

Các anh theo tôi để tìm gì? Các anh nghĩ tôi có thể cho cái gì?

Câu hỏi của Đức Giêsu bắt người ta đi vào lòng mình

để nhận ra đâu là khao khát sâu thẳm của trái tim.


Đức Giêsu đã mở lời, bắt đầu cuộc đối thoại.

Câu hỏi của Ngài đã được trả lời bằng một câu hỏi khác:

“Thưa Rabbi, Thầy ở đâu?” (Ga 1,38):

đó là bước thứ tư, biểu lộ lòng khao khát.

Chúng con muốn biết nhà của Thầy, muốn thăm nhà Thầy.

Muốn biết nhà Thầy vì chúng con muốn biết chính Thầy.

Muốn biết rõ một người thì chỉ mong đến nhà người ấy.

“Các anh hãy đến mà xem”: đó là bước thứ năm (Ga 1,39).

Lời mời của Đức Giêsu đáp lại lòng mong mỏi của họ.

Ngài mời họ đến nhà để vén mở cho họ thấy thế giới của mình.

Hai ông vui sướng đáp lại ngay, đó là bước thứ sáu (Ga 1,39).

Họ đã đến, đã xem thấy nơi ở, và đã ở lại với Đức Giêsu.

Có thể họ đã ở lại cả đêm để trò chuyện với vị Thầy mới.

Ngây ngất và hạnh phúc như người khám phá ra kho tàng,

Anrê nhận ra vị Thầy này chính là Đấng Mêsia (Ga 1,41).


Bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Gioan Tẩy giả.

Và bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Anrê.

Ông đã hưởng niềm vui quá lớn đến độ vào hôm sau

ông đã lập tức đi tìm người em là Simôn (Ga 1,41-42),

rối rít khoe với em về khám phá mới,

và không cần nhiều bước, ông dẫn em đến ngay với Đức Giêsu.

Philipphê cũng sẽ giới thiệu Đức Giêsu cho Nathanaen (Ga 1,45).

Chuyện giới thiệu Đức Giêsu sẽ còn kéo dài đến tận thế.

Nói chung rao giảng Tin Mừng là tiếp tục giới thiệu.

Không ai có thể giới thiệu Đức Giêsu

nếu đã không đích thân gặp Ngài và tin Ngài.

Không ai thực sự gặp Đức Giêsu và tin Ngài

mà lại không muốn giới thiệu Ngài cho người khác.

 

Cầu nguyện:


Lạy Chúa,

xin hãy đi trước con và làm thầy dẫn lối.

Con xin đi theo Ngài từng bước thôi.

Xin hãy đi sau con và làm người bảo vệ.

Con sẽ đưa Ngài đến thăm tệ xá của lòng con.

Xin hãy đi bên con và làm người bạn đường.                                   

Con sẽ trò chuyện với Ngài suốt đường đi. Amen.

(gợi hứng từ Saint Exupéry)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J