Cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình phục hồi nhân phẩm cho người nghiện ma túy

07/02/2020

 

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình phục hồi nhân phẩm cho người nghiện ma túy

Cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình là một Hiệp hội phi lợi nhuận, do cha Dante Bruno thành lập vào năm 1985. Mục đích hoạt động của Cộng đoàn: Quan tâm đến những vấn đề của giới trẻ và nghiện ma túy. Giúp người nghiện tái khám phá cuộc sống theo cách đơn giản: khám phá sức mạnh của CẦU NGUYỆN, CÔNG VIỆC như một cơ hội để khám phá lại tiềm năng và tuân theo nhận thức về khả năng quan hệ với người khác. Sau đây là lời chứng của các bạn trẻ đã được phục hồi nhân phẩm nhờ Cộng đoàn này.

"Tôi muốn kể với các bạn tôi là người như thế nào trong cộng đoàn, đặc biệt là cách tôi trải qua giai đoạn cuối. Tôi không muốn nói rằng tôi ổn, bởi vì đôi khi tôi bị cám dỗ ra đi, nhưng đó không phải là vấn đề, những cám dỗ đến với mọi người, vì vậy điều đó là bình thường". Đây là những lời chứng của Michele.

Michele là một trong những cậu bé nghiện ma túy, khách của cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình, nhân vật chính của cuốn sách “Tôi là, tôi muốn, tôi hy vọng. Người ta có thể thoát khỏi nghiện ma túy. Lời chứng”. Sách được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 25 năm của hiệp hội. Nội dung tập sách là những lời chứng được Maria Zanfini Vitari thu thập từ những năm đầu hoạt động của trung tâm. Những lời chứng của những người, thay vì chết, đã chọn cuộc sống, tìm được sức mạnh chống lại cơn nghiện, đối phó mỗi ngày với nỗi sợ bỏ cuộc, buông xuôi. Cha Dante Bruno, sáng lập Hiệp hội Cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình nói: Đối với họ, cộng đoàn là bến cảng an toàn từ vụ đắm tàu, nơi cập bến bình an họ đã tìm được, phục hồi nhân phẩm đã mất".

Nghiện ma túy là một trong những tai họa lớn của xã hội ngày nay, không chỉ vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của những người tiêu thụ chúng, mà bởi vì nó vô hiệu hóa nhân phẩm và lòng tự trọng. Marcello, một cậu bé khác trong cộng đoàn nhớ lại: "Tôi đã hủy diệt nhiều ngày trong cuộc sống tôi, thậm chí đến mức cảm thấy mình vô dụng".

Cô đơn, bị gạt ra ngoài lề và thiếu tình yêu, một số người thú nhận rằng họ đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng vẫn còn một người nào đó tin vào họ. Renato nói "Tôi có thể dành cả ngày để nói về vị linh mục này, người đàn ông đã dành cả cuộc đời và từ bỏ chính mình, để cứu nhiều người. Nhiều người nghèo, cô đơn, người rốt hết đã khám phá lại trong Chúa Giêsu ý nghĩa cuộc sống và sự thanh thản để chấp nhận và trên hết, cảm thấy được yêu thương”.

Hai mươi lăm năm trôi qua kể từ ngày cha Dante Bruno hiểu rằng cha muốn cống hiến cuộc đời của mình để giúp đỡ nhiều linh hồn lạc lối, chán nản, những người cần được đón tiếp và cần tình cảm. Đó là ngày 14 tháng 9 năm 1985 trong lúc cha đang hành hương Mễ Du, cha gặp một người trẻ đang ở trong hoàn cảnh khó khăn do nghiện ma túy. Cha được đánh động về ý tưởng sẽ giúp những người như vậy. Và khi trở về Ý, nhiều người túng thiếu bắt đầu xuất hiện trước cửa nhà cha. Đức Mẹ đã chúc lành cho sứ vụ của cha, và tiếp đến là Cộng đoàn mang tên Nữ Vương Hòa Bình được hình thành. Cha giải thích: “Sau đó, tôi đã đón tiếp nhiều người khác cần sự giúp đỡ, trước đây tôi đã từng làm việc và sống chung với người nghiện ma túy, người nghiện rượu và những người có vấn đề về pháp lý, tôi phát hiện ra một sức mạnh mà tôi không thể không đón nhận với ân sủng của Chúa đó là trợ giúp người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn”.

Cuốn sách nói trên xoay quanh nhân vật người Samari tốt lành (Lc 10, 25-37), đã dừng lại trên sa mạc để giúp một lữ khách sắp chết, mặc dù thực tế ông là kẻ thù về tôn giáo và chính trị đối với người này. Dụ ngôn, được giải thích trong một bài viết của Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, mời gọi suy tư về sự thờ ơ và cách đóng góp, khiến chúng ta mù quáng, trước tình trạng bên lề của những người đang gặp khó khăn. Sức mạnh mà cha Dante nói duy nhất có khả năng làm ngưng sự đau khổ của người khác là tình yêu Chúa Kitô, một tình yêu vô điều kiện và không phân biệt, không bận tâm người đón nhận là ai. Và đây cũng là sức mạnh của cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình, định hướng chương trình phục hồi cả trong lãnh vực tâm linh, theo chân các người trẻ trong việc phục hồi căn tính và cả trong lãnh vực công việc, để một ngày nào đó các bạn trẻ có thể tái hòa nhập xã hội. Một chương trình chuộc lỗi khó khăn, không loại trừ những lúc yếu đuối, nhưng cũng biết cách sinh hoa trái. Roberto tuyên bố: “Thường tôi cảm thấy mình đang sống trong sa mạc. Điều này dẫn tôi đến việc làm cho chính mình, bây giờ tôi đã tìm thấy các giá trị: tình yêu, sự tôn trọng bản thân và người khác, cầu nguyện, Chúa".

Có trụ sở tại Cosenza, ngày nay, Hiệp hội quản lý ba trung tâm phục hồi nghiện ma túy: ở Spezzano Albanese, Torano Castello và San Benedetto Ullano và hai ngôi nhà gia đình: "Làng Nazareth" của Carolei và "Đức Mẹ Guadalupe" ở San Benedetto Ullano, với mục đích đón tiếp phụ nữ và thiếu nữ làm mẹ đơn thân gặp khó khăn. Nhiều hoạt động được các trung tâm này thực hiện, chẳng hạn như các chiến dịch nâng cao nhận thức, trung tâm lắng nghe thường trực, các buổi hội thảo khác nhau. Với việc xuất bản cuốn sách này, Hiệp hội cho thấy, một lần nữa, với tình yêu, người ta có thể thoát khỏi nghiện ma túy và, khi làm như vậy, Hiệp hội muốn đưa vào thực hành những lời của ĐTC Phanxicô nói vào ngày 24 tháng 11 năm 2016 trong một bài phát biểu gửi đến những người tham gia một cuộc họp về các vấn đề nghiện ma túy: “Mỗi người nghiện ma túy mang theo một câu chuyện cá nhân khác nhau, phải được lắng nghe, thấu hiểu, yêu thương bao nhiêu có thể, được chữa lành và thanh tẩy. Chúng ta không thể rơi vào sự bất công khi lập danh sách người nghiện như thể đó là một đối tượng hoặc cỗ máy bị hỏng; mỗi người phải được coi trọng và đánh giá cao phẩm giá của mình để được chữa lành. Nhân phẩm của con người là những gì chúng ta đã tìm kiếm. Họ tiếp tục có nhân phẩm, hơn bao giờ hết, là những người là con của Chúa”.

Ngọc Yến
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

LỊCH PHỤNG VỤ