Cổ võ nước sạch và vệ sinh trong các cơ sở y tế Công Giáo

27/04/2021


CỔ VÕ NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG GIÁO

Tác giả: Caritas Quốc Tế
Chuyển ngữ: Phòng Truyền Thông - Caritas Việt Nam
Từ: caritas.org

Caritas Việt Nam (27.04.2021) - Việc tiếp cận nước sạch để dùng cho sinh hoạt và uống là vấn đề sinh tử ở nhiều nơi trên thế giới.

George Wambugu, chuyên gia về nước cho nhóm cứu trợ khẩn cấp của CAFOD (Caritas Anh và xứ Wales) phản ánh lý do tại sao việc tiếp cận nước và nhu cầu vệ sinh phải được ưu tiên hàng đầu cho những người nghèo nhất, người đau ốm và người dễ bị tổn thương. 

Trên thế giới có hơn 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nguồn nước an toàn và 4,4 tỷ người không có đủ điều kiện vệ sinh, mặc dù đây là những quyền căn bản của con người. Việc không có nước an toàn và vệ sinh đầy ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống và sức khoẻ của người dân. 

Trong trường hợp không có nguồn nước đáng tin cậy, các cộng đồng chỉ có thể dựa vào nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân ở những vùng khan hiếm nước phải đi xa – trên 5 Km để lấy nước – và càng tồi tệ hơn ở những vùng bị khô hạn. Phụ nữ và trẻ em gái hầu hết bị ảnh hưởng vì họ là những người đi lấy nước cho gia đình.

Không có nhà vệ sinh, mọi người phóng uế ở bụi rậm và khi gặp mưa chất ô uế này bị tan vào nguồn nước và chắc chắn ruồi muỗi đưa chất dơ bẩn này đến nhà bếp. Phụ nữ và trẻ em gái cũng có thể bị lạm dụng và tấn công tình dục vì người dân thường dùng bụi rậm vào ban đêm và sáng sớm cho mục đích cá nhân. 

Thiếu nước an toàn và nhà vệ sinh làm tăng tỉ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em và thậm chí còn ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Mỗi năm có khoảng nửa triệu người trên thế giới chết vì uống nước bẩn. 

Các tổ chức thành viên Caritas ở nhiều khu vực trên thế giới làm việc với các cộng đồng để xác định và phát triển các nguồn nước phù hợp cho mục đích sinh hoạt và tưới tiêu cơ bản. Chúng bao gồm các giếng đào thủ công, giếng khoan, cống nước và công trình cung cấp nước đơn giản cho vùng nông thông.

Các tổ chức thành viên cũng thúc đẩy Tổng Vệ Sinh bởi Cộng Đồng và cổ võ vệ sinh. Để đảm bảo tính bền vững, cộng đồng tham gia vào từ khi bắt đầu dự án cho đến kết thúc dự án và chọn ra những đại diện để được đào tạo về quản lý cơ sở dịch vụ WASH (nước sạch, vệ sinh) và môi trường. Điều quan trọng là đảm bảo người dân có được những kỹ năng trong cộng đồng để sửa chữa và bảo dưỡng máy bơm tay và các cơ sở khác. 

Tiếp cận được nước sạch và vệ sinh là điều rất quan trọng trong vấn đề y tế. Giáo hội Công giáo là tổ chức dân sự lớn nhất cung cấp dịch vụ chăm sóc trên thế giới. Giáo hội Công giáo xây dựng và điều hành các cơ sở y tế và hiện diện - thông qua Caritas và các cơ sở tôn giáo – và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở một số vùng nghèo nhất trên thế giới và trong bối cảnh khó khăn, chẳng hạn như những vùng có chiến tranh, nghèo đói, thiên tai và không được tiếp cận với các nhu cầu cơ bản chẳng hạn như nước sạch và vệ sinh. 

Hình: Tommy Trenchard / Caritas

Do hạn chế về kinh phí, nhiều cơ sở y tế không có dịch vụ WASH (Nước sạch, vệ sinh). Trong nhiều trường hợp, nước được lấy từ các nguồn nước không sạch  để sử dụng cho các cơ sở y tế. 

Trong nhiều trường hợp, việc xử lý chất thải y tế không được ưu tiên do hạn chế về kinh phí và phương tiện xử lý không đủ để đảm bảo chất thải được xử lý không lây nhiễm.

Điều rất quan trọng đối với việc quản lý các cơ sở này là phải hiểu các tiêu chuẩn tối thiểu mà các cơ sở này cần hoạt động và đảm bảo có đủ kinh phí để duy trì các tiêu chuẩn tối thiểu. 

Để có thể đạt được các tiêu chuẩn này, cần có nguồn vốn ban đầu từ những người có kinh nghiệm để đảm bảo các cơ sở như nhà vệ sinh, lò đốt và hệ thống cấp nước được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn. Điều này đòi hỏi phải đào tạo đội ngũ nhân viên về các tiêu chuẩn và sự hợp tác với chính phủ của đất nước. 

Việc tiếp cận nước sạch thậm chí còn quan trọng hơn trong thời đại dịch  COVID-19 này để đảm bảo cho các bệnh nhân cũng như nhân viên y tế có thể tự bảo vệ mình khỏi vi rút.

Nguồn: caritasvietnam.org  

LỊCH PHỤNG VỤ