Các cộng đoàn Kitô nhỏ Phúc âm hóa các gia đình hướng đến sự hiệp thông

10/01/2021

CÁC CỘNG ĐOÀN KITÔ NHỎ PHÚC ÂM HÓA CÁC GIA ĐÌNH HƯỚNG ĐẾN SỰ HIỆP THÔNG VÀ SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG[1]

Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng

WHĐ (10.1.2020)Phúc âm hóa các gia đình hướng đến sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng chính là sự “hiệp thông, đồng hành, hòa nhập” của các gia đình vào công cuộc loan báo Tin Mừng của các giáo hội địa phương.[2]

Từ ngày 18 tháng 10 đến 24 tháng 10 năm 2018, tại Batam của Indonesia, Tổng hội AsIPA VIII (VIII AsIPA General Assembly) với sự hiện diện của các đại biểu thuộc 11 nước Á châu và một nước Âu châu,[3] đã diễn ra theo trù định với nhiều cảm xúc tốt đẹp, bao gồm cả tín hiệu khá rõ về một quyết định nâng cấp AsIPA Desk[4] thành BEC Office[5] trong tương lai không xa.

Với chủ đề “Các cộng đoàn Kitô nhỏ Phúc âm hóa các gia đình hướng đến sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng”[6] - Văn phòng “Giáo Dân và Gia Đình” của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (LHĐGMAC)[7] trước đó đã gửi lời mời đến các Hội đồng Giám mục các nước thành viên - các tham dự viên Tổng hội AsIPA VIII lần này đã được sống, được trải nghiệm rất nhiều những nội dung hết sức phong phú - qua những con người chứng tá sống động đến từ nhiều quốc gia và các chứng cứ đa dạng từ môi trường sống đạo các nước sở tại - do chính chủ đề đã được triển khai.[8]

Hòa với những hoạt động của tổng hội, Phái đoàn Việt Nam tích cực góp phần vào đại đề “mầu nhiệm - hiệp thông - sứ vụ” của AsIPA. Theo đó, chủ đề “Các cộng đoàn Kitô nhỏ Phúc âm hóa các gia đình hướng đến sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng”[9] đã được mở rộng thành: “Các cộng đoàn Kitô nhỏ Phúc âm hóa từng cá vị để Phúc âm hóa các gia đình, để Phúc âm hóa các giáo xứ, để Phúc âm hóa các giáo phận... hướng đến hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng”.[10]

Trong đó, các cộng đoàn Kitô nhỏ (CĐKN)[11] cần dấn thân ưu tiên cho sự hiệp thông, đồng hành, nâng đỡ các gia đình đang phải đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn.[12]

CĐKN: hiệp thông, đồng hành, hòa nhập

Tuy nhiên, hiệp thông, đồng hành, hòa nhập không nhằm giải quyết các vấn đề cuộc sống một cách tức thời, nhưng là những bước đi trong khoảng thời gian cần thiết để - dưới ánh sáng Lời Chúa - ơn phân định sẽ góp phần giải quyết vấn đề. Hiệp thông, đồng hành, hòa nhập giúp ta nhìn sâu vào những thực tế để có thể đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, những khó khăn sẽ có thể được giải quyết theo đúng luật tiệm tiến.

Thật vậy, tại một trong các sinh hoạt nhóm của Tổng hội AsIPA VIII vừa qua, chủ đề “Các cộng đoàn Kitô nhỏ Phúc âm hóa các gia đình hướng đến sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng” trong tinh thần “hiệp thông, đồng hành, hòa nhập” tạo cảm hứng cho không ít người suy gẫm lại tên gọi của các CĐKN. Bởi lẽ, các CĐKN cũng chính là các “cộng đoàn giáo hội cơ bản” (CĐGHCB).[13]

Dù được gọi thế nào, các cộng đoàn nói trên cần phải là những ngôi nhà và gia đình của mọi người, luôn nêu cao tinh thần “hiệp thông giữa các cộng đoàn”, để làm chứng về Đức Kitô Giêsu đã tử nạn và đã sống lại hiển vinh, sống động trong từng nhóm nhỏ, theo cách hiện diện mới của Giáo hội hoàn vũ tại từng địa phương.[14] Tại Châu Á, đó chính là phương pháp tiếp cận mục vụ toàn diện ở Á châu.[15]

Còn nhớ, Tuyên bố kết thúc Khóa họp toàn thể tại Bandung có viết: “Giáo hội của thập niên 1990 phải là một ‘Giáo hội tham gia', một sự “hiệp thông giữa các cộng đoàn”, một Giáo hội làm “chứng tá cho Chúa Phục Sinh”.[16] Khi xem trình bày về vấn đề này trong tác phẩm Các cộng đoàn Kitô nhỏ hướng đến các cộng đoàn nhân bản nhỏ,[17] người ta dễ dàng đồng ý với nhau về sự đa dạng của các cộng đoàn nhỏ. Trong đó, một tiến trình hiệp thông, tham gia, đồng hành của các cộng đoàn nhỏ để làm chứng cho Chúa Phục Sinh với những hoạt động hòa nhập của các cộng đoàn Kitô nhỏ có thể là: (1) Chia sẻ (sharing); (2) Học hỏi (learning); (3) Tương trợ (mutual support); (4) Phục vụ (service); (5) Cầu nguyện (prayer). Phải chăng đó cũng là một trong lý do chính yếu để tiến trình mục vụ cổ vũ một “Giáo hội tham gia” tại Á châu đã ra đời với Phương pháp tiếp cận mục vụ toàn diện tại Á châu (AsIPA)?[18]

Các chương trình huấn luyện của AsIPA tuân thủ những tiêu chí này: (1) Mang tính Á châu: thể hiện lối nhìn của các giám mục Á châu và giúp tín hữu Á châu đối diện đời sống tại Á châu dưới ánh sáng Tin Mừng; (2) Mang tính toàn diện: giúp thực hiện sự quân bình giữa “tâm linh” và “xã hội”, giữa cá nhân và cộng đoàn, giữa quyền lãnh đạo theo phẩm trật và tính cách đồng trách nhiệm của người giáo dân; (3) Mang tính mục vụ: giúp tập huấn cho người giáo dân theo sứ mệnh mục vụ của giáo dân trong Giáo hội và thế giới; (4) Phương cách tiếp cận: lấy Đức Kitô và cộng đoàn làm trung tâm.[19]

Chẳng vậy mà chủ đề hiệp thông, đồng hành, hòa nhập cũng có thể tìm thấy mình ngay trong Bản tin Hiệp Thông số 91 của Hội đồng Giám Mục Việt Nam (2015) với chuyên đề “Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ”. Theo đó, sứ vụ loan báo Tin Mừng là chuyện tất yếu được khẳng định trong mạch sống của Giáo hội: “Giáo hội, tại khắp nơi và vào mọi thời, luôn luôn được mời gọi trở thành một cộng đoàn sống và loan báo Tin Mừng Đức Kitô cho muôn dân”.[20]

Ý nghĩa cộng đoàn hiệp thông trong Thánh kinh

Tuy rằng, trong Cựu ước, thuật ngữ cộng đoàn hiệp thông hầu như không thấy xuất hiện - người đọc cũng không thấy mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa được gọi là mối tương quan hiệp thông hay đồng hành - nhưng cộng đoàn trong thuật ngữ “hiệp thông” vẫn có thể thấy bóng dáng mình khi sách Xuất hành nói về việc dùng bữa trước nhan Thiên Chúa, một hình ảnh của “hiến tế hiệp thông”[21] trong chương trình cứu độ,[22] một “kế hoạch hiệp thông” trong cuộc đối thoại lâu dài giữa Thiên Chúa với Môsê,[23] về nơi Chúa hiện đến gặp gỡ dân Ngài với tên gọi “Lều Hội Ngộ”...[24] để kiến tạo sự thông hiệp giao ước vì lợi ích của dân Chúa là Israel được hiệp thông và đồng hành.[25]

Vậy ra, theo Lề luật, khi ai đó được Thiên Chúa dạy dỗ, với việc tuân giữ các giới răn của Ngài, người ấy sẽ góp phần làm nên những “thực tế hiệp thông”. Thiên Chúa vẫn luôn quảng đại để trao ban những “thực tế hiệp thông” ấy cho dân của Ngài, cho những ai thành tâm kêu cầu Ngài.[26] Cầu nguyện với những cung bậc cảm xúc - thờ lạy, chúc tụng, ngợi khen, cầu xin, tạ ơn - cũng là những “thực tế hiệp thông, đồng hành và hòa nhập”.[27]

Còn trong Tân ước, thuật ngữ “hiệp thông” xuất hiện với tần suất khá lớn và rất đa dạng, diễn tả những mối tương quan phong phú của các Kitô hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngay trong sự yếu đuối của thân phận con người, các Kitô hữu cũng được mời gọi “hiệp thông, đồng hành và hòa nhập” trong ân sủng dồi dào của các bí tích, được mời gọi thông phần vào bản tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô.[28] Khi bắt đầu công cuộc tuyển nhận các môn đệ, Đức Kitô đồng hành cách đặc biệt với Nhóm Mười Hai qua sứ mạng loan báo Tin Mừng của Lòng Chúa Xót Thương;[29] khẳng định sự cần thiết phải thông phần với những đau khổ để bớt phần bất xứng với Đấng Mêsia.[30]

“Thực tế hiệp thông, đồng hành và hòa nhập” của thời đại phải bao gồm sự thống nhất trong giới răn yêu thương, giới răn của “tình yêu-xót thương”.[31] Việc cùng nhau tham dự “Lễ Bẻ Bánh”, quảng đại giao tặng những tài sản riêng vào làm của chung, rồi quyên góp, sinh hoạt, tổ chức “tùy theo nhu cầu”... để thi hành hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng.[32] Tất cả đều là những “thực tế hiệp thông, đồng hành và hòa nhập” thực sự.[33]

Theo Thánh Phaolô, “hiệp thông” với Đức Kitô là chết đi cho tội lỗi để được phục sinh với Người;[34] và sống dồi dào các nhân đức Tin-Cậy-Mến trong ân sủng của Thánh Thần.[35] Còn Thánh Gioan thì dạy rằng, sống “hiệp thông” với Đức Kitô và Thân Thể Người là Giáo hội, chính là điều kiện cần để đem lại cho chúng ta sự hiệp thông, đồng hành và hòa nhập với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đấy cũng là điều kiện “cần có” - với hy vọng sẽ “đầy đủ” - để cụ thể hóa ơn thông hiệp trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công.[36]

Bí tích Thánh Thể là nguồn lương thực thiết yếu đối với sự hiệp thông được đồng hành và giúp hòa nhập.[37] Bởi lẽ, sống “hiệp thông, đồng hành, hòa nhập” không chỉ là bổn phận của tín hữu Chúa Kitô, mà có thể nói, còn chính là quyền lợi không thể thiếu của Kitô hữu, cách đặc biệt trong thời đại của lòng Chúa xót thương.[38]

Hiệp thông với những gia đình gặp khó khăn

Không chỉ với những động lực thúc đẩy hiệp thông và đồng hành như phần trình bày trên về cộng đoàn hiệp thông theo quy mô lớn đã là đủ, các cộng đoàn Kitô nhỏ vẫn luôn cần phải có vai trò riêng ở tầng căn bản (grassroots) là Phúc âm hóa các gia đình, đặc biệt là hiệp thông với những gia đình gặp khó khăn, để hướng đến sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Có lẽ, cùng chung tầm nhìn ấy, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng đã hết sức nhấn mạnh: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay Hội Thánh nhận thấy...

... cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận.[39]

Bởi lẽ, trên cơ sở của Bí tích Thánh Tẩy như ân sủng khởi đầu, Bí tích Thánh Thể như mục đích hướng đến của tiến trình hiệp thông, Giáo hội muốn tận tình giúp cho các gia đình được hội nhập cách hài hòa và trọn vẹn vào Thân Mình Đức Kitô là Gia đình Hội Thánh. Hiệp thông, đồng hành và hòa nhập hoàn toàn vào Gia đình Hội Thánh là mục đích kỳ vọng của cộng đoàn hiệp thông (community of communion) và cả hiệp thông cộng đoàn của các cộng đoàn hiệp thông (the communion of community of communities of communion).[40]

Theo đó, cộng đoàn hiệp thông, đồng hành và hòa nhập không chỉ bao gồm các hoạt động như chia sẻ Lời Chúa, cầu nguyện, thăm hỏi mà còn là tích cực trợ giúp... với những hành động hiệu quả để tác động trên cơ cấu văn hóa, kinh tế, luật pháp, nhằm loại bỏ những nguyên cớ gây khó khăn cho các gia đình. Cộng đoàn hiệp thông, đồng hành và hòa nhập trong Giáo hội phải mang lấy màu sắc của Tin Mừng, được triển khai và nhấn mạnh qua Công đồng Vaticanô II là “hiệp nhất trong đa dạng” (unity in diversity) và cả “đa dạng trong hiệp nhất” (diversity in unity) nữa.

Khi hiệp thông, đồng hành với các gia đình hôn nhân hỗn hợp, phải biết cách hiệp thông và đồng hành cách xứng hợp - không gây áp lực hay cản trở - bằng những nỗ lực giúp các gia đình hiểu về đặc tính và những đòi hỏi của hôn nhân Công giáo với sự nâng đỡ của Giáo hội nói chung, các CĐKN nói riêng. Khi hiệp thông và đồng hành với các gia đình hôn nhân trái quy tắc, các CĐKN nên tích cực giúp theo hướng tổng quát sau:[41]

(1) Hôn nhân thử: hôn nhân bất khả phân ly; (2) Nếu chung sống không hôn nhân: cần làm tất cả những gì có thể giúp hợp thức hóa gia đình chung sống không hôn nhân này; (3) Nếu chỉ có hôn phối dân sự: hãy đưa về với cộng đoàn bằng việc giúp hợp thức hóa gia đình; (4) Nếu ly thân và ly dị không tái hôn: cần giúp vun trồng sự tha thứ, sẵn sàng nối lại cuộc sống vợ chồng, nếu bị bó buộc phải chịu “ly dị”,[42] cần giúp đỡ, khích lệ, mời gọi những người ly thân, ly dị không tái hôn tham dự các bí tích; (5) Nếu ly thân và ly dị tái hôn: cần giúp bằng tấm lòng bác ái sâu rộng, không lên án, không loại trừ, nhưng vẫn luôn mời gọi đương sự tham dự thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, tham gia vào các công tác bác ái, giáo dục con cái trong đức tin, kiên vững trong đức cậy, đức mến. Tất cả đều nằm trong nỗ lực giúp các gia đình được tái thông hiệp cách cần thiết và hiệp thông nhiều nhất có thể vào sinh hoạt của Giáo hội, vào sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Thật vậy, ơn hoán cải và cứu độ của Chúa vẫn luôn rộng ban cho những ai kiên trì trong kinh nguyện, biết thống hối và rộng lòng cho các hoạt động bác ái. Giáo hội đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Vì thế, việc canh tân Giáo hội có thể được bắt đầu từ mỗi cá nhân trong gia đình bằng những nỗ lực hiệp thông, đồng hành, hòa nhập và thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Hiệp thông, đồng hành, hòa nhập vào sứ vụ...

Sứ vụ nói đến nơi đây chính là công cuộc loan báo Tin Mừng. Vì thế, khi CĐKN tích cực dấn thân cho sứ vụ Phúc âm hóa các gia đình, thì đó cũng chính là dấu chỉ của sự hiệp thông, đồng hành và hòa nhập cách hữu hiệu vào việc sống đạo và công cuộc loan báo Tin Mừng. Đó không chỉ là việc phải làm dẫn đến hệ quả tất yếu, mà còn là một trong những việc làm quan yếu để giúp các Kitô hữu thể hiện ơn gọi của mình cách tích cực hơn qua thực tại cuộc sống thường ngày trong gia đình, để gia đình hoàn tất vai trò của mình như “Giáo hội tại gia”.

Với ý thức như thế, AsIPA ngay từ định hướng thành lập đã tuân thủ đường hướng . một phương cách tiếp cận Châu Á, một cách thức thánh hội tham gia, một phương thế tiếp cận mục vụ, một thể thức toàn diện ở Á châu, cùng làm chứng đối diện thực tế, cùng làm chứng với đời tâm linh, cùng làm chứng trách nhiệm san sẻ, cùng làm chứng cách hiệp thông. tiếp cận và tham gia”.[43]

Theo đó, thuật ngữ hiệp thông (communion) cũng nói đến sự tham dự, sự chung sức với nhau, sự chia sẻ cùng nhau, sự trao ban và cả sự lãnh nhận, với nghĩa “cho” và “nhận” mà “cho thì có phước hơn là nhận”.[44] Thật vậy, Giáo hội là.

... “mầu nhiệm các thánh thông công”: thuật ngữ này trước hết chỉ sự hiệp thông trong “các sự thánh” (sancta), và đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, “biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất của các tín hữu hợp thành một Thân Thể trong Chúa Kitô” (LG 3).[45]

Khái quát hơn, hiệp thông còn được gọi là “thông công”, một thuật ngữ được sử dụng chuyên biệt trong Kitô giáo với ý nghĩa về gia đình cộng đoàn, chỉ mối quan hệ giữa tín hữu với Thiên Chúa và giữa những người trong gia đình giáo hội với nhau. Là sự giao tiếp giữa tín hữu với Thiên Chúa, hiệp thông vẫn được hiểu và thể hiện qua các hình thức như đọc kinh, cầu nguyện, thờ phượng Chúa, lãnh nhận các bí tích.[46]

Theo đó, hiệp thông, đồng hành và hòa nhập cũng được hiểu là mối quan hệ huynh đệ giữa các Kitô hữu với nhau, thể hiện qua tình bác ái Kitô giáo, quan tâm, chăm sóc nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.[47] Sống động hơn, sự hiệp thông, đồng hành và hòa nhập trong công cuộc loan báo Tin Mừng là sứ mạng, là ơn gọi đặc biệt, là chân tính sâu xa của Gia đình Giáo hội, một Giáo hội phát xuất từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Vì thế, Giáo hội tự bản chất là truyền giáo.[48] Chúa Giêsu đã nhiều lần cho các môn đệ hiểu rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng của họ đến từ Người và sứ mạng của Người đến từ Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian”.[49] Trung thành với truyền thống từ thời Giáo hội sơ khai, đường hướng “mới” của AsIPA (a new way of being Church) với “Phương pháp Chia Sẻ Tin Mừng Bảy Bước” (Seven Steps Gospel Sharing) cho rằng:[50] “Nhờ Lời Chúa chia sẻ trong nhóm, một phương pháp với bảy bước đi, từng bước đi vững vàng trong đời, từng bước nhé Chúa cùng ta đi; một đều bước xin Người ngự đến, rồi chương sách số mục theo sau, đọc thật rõ sáng tỏ chân thành, tuần tự nhé thinh lặng cần thiết... đánh động trong lương tâm”.[51]

Thật vậy, tài liệu AsIPA có thể được sử dụng cho các nhóm hay các buổi hội thảo lớn trong hội trường giáo xứ, miễn là “phương pháp tham gia” được tiếp tục áp dụng trong các nhóm thảo luận nhỏ hơn. Phương pháp tiếp cận AsIPA sử dụng “đường lối mang tính tích cực tham gia”, trong đó mọi thành viên đều cố gắng tìm hiểu và ứng dụng cho mình.[52]

Khi thiết lập và uỷ thác cho Giáo hội nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ban lệnh truyền này như sứ mạng chính yếu của Giáo hội.[53] Giáo hội hiện hữu là để loan báo Tin Mừng và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng được trở nên môn đệ Chúa Kitô.[54] Khi ý thức việc loan báo Tin Mừng là chân tính của Giáo hội lữ hành, Mẹ Giáo hội không ngừng nhắc nhở con cái mình tập trung mọi nỗ lực vào việc truyền giáo; nghĩa là phải nỗ lực đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại này.[55]

Phương pháp Chia Sẻ Tin Mừng Bảy Bước

Với tập A nói về Phương pháp Chia Sẻ Tin Mừng Bảy Bước, người ta không thể không nhắc đến các yếu tố: (A1) Chia sẻ Tin Mừng bổ túc “điều duy nhất cần thiết” (Bước 1); (A2) Chia sẻ Tin Mừng là “khai quật kho báu” (Bước 2 và Bước 3); (A3) Trải nghiệm việc chia sẻ Tin Mừng Bảy Bước; (A4) Cùng với Chúa Kitô, chúng ta chia sẻ đời sống (Bước 4 và Bước 5); (A5) “Anh em là chứng nhân của Thầy” (Bước 6); (A6) Sự khác biệt giữa chia sẻ Tin Mừng và học hỏi Thánh kinh; (A7) Phương pháp Soi Gương Thánh kinh; (A8) Giải quyết vấn đề.[56]

Theo đó, Bảng tóm tắt tiến trình Phương pháp Chia Sẻ Tin Mừng Bảy Bước sau đây thật thiết thực và bổ ích (trước đó, nhớ chuẩn bị một bài hát và mời hai người sẽ đọc lại đoạn Tin Mừng: (1) Kính mời Chúa đến (xin mời bạn. dâng lời mời Chúa đến; (2) Đọc bản văn Thánh kinh (xin vui lòng mở “tên sách, số chương”, nhắc hai lần; xin đọc chung cách chậm rãi trong bầu khí cầu nguyện từ câu. đến câu. (lặp lại lần nữa); xin mời anh / chị. đọc lại; (3) Chọn một lời hoặc một câu được đánh động và suy niệm; chọn một lời hoặc một câu ngắn, đọc lớn tiếng với tâm tình cầu nguyện và giữ thinh lặng giữa các lần lặp lại: xin mời anh / chị... đọc lại; (4) Xin giữ thinh lặng để nghe Chúa nói (giữ thinh lặng trong vòng ba phút để nghe Chúa nói); (5) Chia sẻ điều vừa nghe được trong tâm hồn: Điều gì đánh động bản thân? Cảm nhận thế nào về Lời Sự Sống? Không tranh luận hay phê bình bất cứ điều gì khi nghe chia sẻ hay khi không có ai chia sẻ; (6) Thảo luận về công việc mà nhóm được mời gọi thực hiện (tường trình công việc đã thực hiện; thảo luận về công việc sẽ thực hiện); (7) Cầu nguyện (dâng lên Chúa những lời nguyện tự phát). Rồi kết thúc bằng một bài hát quen thuộc hay Kinh Lạy Cha.

Một “suy tư-chia sẻ”

Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. (Mt 20,11-12)

Trong sinh hoạt theo tổ (groups) dịp Tổng hội AsIPA VIII vừa qua (18/10-24/10/2018) tại Batam của Indonesia, một số thành viên tích cực mở rộng chủ đề của tổng hội là “Các cộng đoàn Kitô nhỏ Phúc âm hóa các gia đình hướng đến hiệp thông và sứ vụ” thành: “Các cộng đoàn Kitô nhỏ Phúc âm hóa từng cá vị để Phúc âm hóa các gia đình, để Phúc âm hóa các giáo xứ, để Phúc âm hóa các giáo phận... hướng đến hiệp thông và sứ vụ”.

Tầm nhìn về Phúc âm hóa theo lối này - với văn phong “biền ngẫu pháp” - không chỉ bao quát các đối tượng cộng đồng, cộng đoàn là những khách thể được tác động, đồng thời cũng là chủ thể hành động của những “chiều rộng”[57], “chiều sâu”[58] trong định hướng loan báo Tin Mừng. Theo đó, để Phúc âm hóa các cấp độ tổ chức, quý chức các giới, các hội đoàn nói chung, hội đồng mục vụ giáo xứ nói riêng, hãy mang lấy tầm nhìn này: dù chỉ lãnh nhận “một quan tiền”, đừng cằn nhằn... “chiều rộng”, “chiều sâu”.[59]

Cống hiến và lãnh nhận... không cằn nhằn...

Để hướng đến hiệp thông và sứ vụ, công cuộc loan báo Tin Mừng không chỉ nhằm Phúc âm hóa các gia đình, các giáo xứ, các giáo phận... mà còn phải căn cội hơn hướng về chiều ngược lại, khởi đi từ từng cá vị, từng gia đình. Sứ vụ hiệp thông không nên bao hàm việc vừa lãnh nhận vừa cằn nhằn “gia chủ”: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ...”; [60] cũng đừng than thở: “Phải làm việc nặng nhọc cả ngay.”. [61] Vất vả vẫn vui vẻ chính là phụng sự Chúa và Giáo hội trong hân hoan; vất vả vẫn vui vẻ là phong cách cần có của người tông đồ.[62]

Thật vậy, khi nhắc lại Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Đức Giáo hoàng Phanxicô đã hữu ý nhấn mạnh đến khía cạnh tu đức và rất mục vụ này bằng những từ ngữ tích cực - đối nghĩa với cằn nhằn, than thở... - trong Tông huấn Gaudete et Exsultate (Hãy vui mừng hân hoan). Cụ thể, số 125 của Tông huấn Gaudete et Exsultate đã viết: “Những thời khắc khó khăn có thể sẽ đến, khi thập tự giá ập xuống, nhưng không gì có thể...”

... hủy diệt được niềm vui siêu nhiên, một niềm vui biết “thích ứng và thay đổi, nhưng luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ sự vững chắc của nhân vị là chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, mặc cho lời nói nào hay sự việc gì có xảy ra”.[63]

Nói khác đi, khi tham gia vào công việc mục vụ trong xứ đạo, các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ không bao giờ được quên: “Quản trị viên ra sức làm mọi việc cho đúng cách; nhà lãnh đạo cố gắng làm những việc đúng, việc phải.; vị mục tử riêng không chỉ nỗ lực làm những việc đúng, việc phải mà còn cần nỗ lực làm những việc ấy sao cho đúng cách nữa”.[64] Theo đó, ta hãy phụng sự trong hân hoan. Theo đó, ta hiểu “chiều rộng”, “chiều sâu”. Theo đó, ta có thể nghĩ về “Quyền lợi khi còn sống”, “Quyền lợi khi qua đời” của các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ.

Lãnh nhận “một quan tiền”

Với cái nhìn trần thế, theo tâm lý tự nhiên, ý tưởng “một quan tiền” vẫn thường xuất hiện trong tâm trí người tông đồ, người môn đệ. Điều khác biệt là cách thức đón nhận: không cằn nhằn... “chiều rộng”, “chiều sâu”.[65] Quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ hãy trực diện với vấn đề cách quân bình, trung dung, thanh thản, cởi mở trí lòng.

Nếu như ngạn ngữ Pháp có câu: “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn”,[66] thì có lẽ, các tiểu mục: “Không cằn nhằn... ‘chiều rộng', ‘chiều sâu'”, “Lãnh nhận ‘một quan tiền” nói trên có thể giúp chúng ta hân hoan sống đời mục vụ, góp phần tích cực hơn vào công cuộc loan báo Tin Mừng, và luôn nhớ đến nội dung của Lời Chúa trong Mátthêu 20,11-12, dẫu có phải “làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”.[67] Vì thế, để Phúc âm hóa các cấp độ tổ chức, quý chức các giới..., các hội đoàn nói chung, hội đồng mục vụ giáo xứ nói riêng hãy sẵn sàng cho “Những thời khắc khó khăn có thể sẽ đến, khi thập tự giá ập xuống, nhưng không gì có thể hủy diệt được niềm vui siêu nhiên...”.[68]

Để kết

Tham gia vào đại đề “mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ” của Tổng hội AsIPA Lần VIII với chủ đề: “Các cộng đoàn Kitô nhỏ Phúc âm hóa các gia đình hướng đến sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng”, Phái đoàn Việt Nam - qua một trong những nỗ lực hội nhập của mình - đã giúp chủ đề được triển khai thành: “Các cộng đoàn Kitô nhỏ Phúc âm hóa từng cá vị để Phúc âm hóa các gia đình, để Phúc âm hóa các giáo xứ, để Phúc âm hóa các giáo phận... hướng đến hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng”.

Vâng, theo đó, công cuộc Phúc âm hóa từng cá vị chắc chắn cần sự tiếp xúc cá nhân. Bởi lẽ, các tông huấn Giáo hội tại Á châu Niềm vui Tin Mừng cũng đã dạy: “Chính Đức Kitô Giê-su trong khi thi hành sứ vụ cũng đề cao giá trị của việc tiếp xúc cá nhân”.[69] Vì thế, công cuộc Phúc âm hóa từng cá vị, rất cần những con người dấn thân tích cực: không những dạy tốt mà còn biết thông truyền đức tin. Phúc âm hóa các gia đình cũng vậy. Đời sống các gia đình cần được nâng đỡ, thúc đẩy để tích cực tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Bởi lẽ, Giáo hội được gọi là Gia đình của Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Giáo hội tại gia, Hội thánh tại gia theo gương của Thánh gia “Giêsu-Maria-Giuse”.[70]

Còn khi nói đến công cuộc Tân Phúc âm hóa các giáo xứ,[71] Tân Phúc âm hóa các giáo phận..., tất chúng ta phải nói đến cả một “hệ thống”, về không gian cũng như thời gian. Thật vậy, chính trong tinh thần của Công đồng Vaticanô II, Giáo hội đang ngày càng quan tâm hơn đến ơn gọi và sứ vụ gia đình với những thách đố mục vụ cho các gia đình, giáo xứ, giáo hạt, giáo phận... ngay trong bối cảnh muốn được Tân Phúc âm hóa.[72] Nếu gia đình là Hội Thánh tại gia và giáo xứ là gia đình của các gia đình, chúng ta có thể nói rằng: công cuộc Phúc âm hóa các giáo xứ là công cuộc Tân Phúc âm hóa toàn thể Giáo hội khởi đi từ một trong những đơn vị nhỏ nhất của Toàn thể Gia Đình Giáo Hội.[73]

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 110 (Tháng 1 & 2 năm 2019)


[1] Tổng hội AsIPA VIII (18/10-24/10/2018) đưa ra chủ đề: “Small Christian communities (SCCs) evangelize families towards communion and mission”.

[2] X. Ta, Tìm hiểu về AsIPA, SCCs, BECs... (TP. HCM: Nxb. LHNB, 2018), 457.

[3] 12 nước tham dự: Băng-la-đét (Bangladesh), Đức Quốc (Germany), Hàn Quốc (Korea), Ấn-độ (India), In-đô-nê-xi-a (Indonesia), Ma-lai-xi-a (Malaysia), Mi- an-ma (Myanmar), Phi-líp-pin (Philippines), Xing-ga-po (Singapore), Xri Lan- ka (Sri Lanka), Thái Lan (Thailand), Việt Nam (Vietnam).

[4] AsIPA Desk (Asian Integral Pastoral Approach Desk): Bàn làm việc của AsIPA. Đây là cơ quan giúp hiện thực hóa một trong những những định hướng đậm tính “Giáo hội học” và “Sứ vụ học” của FABC về những cộng đoàn thời Giáo hội sơ khai: một cách thức “mới” để thể hiện niềm tin-cậy-mến của Giáo hội tại Châu Á (a new way of being Church in Asia), phát triển chương trình “Tiếp cận mục vụ toàn diện tại Á châu” (Asian Integral Pastoral Approach Desk).

[5] BEC Office (Basic Ecclesial Community Office): Văn phòng Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản.

[6] “Small Christian communities (SCCs) evangelize families towards communion and mission”.

[7] Ngày 16-11-1972, Tòa Thánh phê chuẩn Quy chế Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu: (1) FABC I: Evangelization in Modern Day Asia (Loan báo Tin Mừng tại Á châu thời hiện đại) (Đài Bắc, Đài Loan, 1974 trong FAPA I: 11-25); (2) FABC II: Prayer, The life of the Church in Asia (Cầu nguyện, đời sống của Giáo hội tại Á châu) (Calcutta, Ấn Độ, 1978 trong FAPA I: 27-48); (3) FABC III: (Giáo hội, một cộng đồng đức tin tại Á châu (Bangkok, Thái Lan, 1982 trong FAPA I: 49-65); (4) FABC IV: Ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới Á châu (Tokyo, Nhật bản, 1984 trong FAPA I: 177-198); (5) FABC V: Cùng tiến tới thiên niên kỷ thứ ba (Bandung, In-đô-nê-xi-a, 1990 trong FAPA I: 273- 289); (6) FABC VI: Cộng đoàn các môn đệ Kitô giáo tại Á châu ngày nay: Phục vụ sự sống (Manila, Philippines, 1995 trong FAPA II: 1-12; (7) FABC VIII Một giáo hội được đổi mới tại Á châu: một sứ vụ yêu thương và phục vụ (Samphran, Thái Lan, 2000 trong: FAPA III: 1-16).

[8] Office of Laity and Family Federation of Asian BishopS Conferences - Snehalaya Family Centre, Victoria School Campus, L. J. Road, Mahim, Mumbai; India - 400 016.

[9] “Small Christian communities evangelize families towards communion and mission”.

[10] “Small Christian communities evangelize the individuals to evangelize families to evangelize parishes to evangelize dioceses... towards communion and mission”.

[11] CĐKN: Small Christian communities (SCC).

[12] X. Đỗ Mạnh Hùng và Nguyễn Anh Tuấn, Thư Mục Vụ Mùa Vọng và Giáng Sinh 2018, số 1-2.

[13] CĐGHCB: Basic Ecclesial Community (BEC; các giám mục ở Châu Á gọi các CĐKN là cách hiện diện mới của Giáo hội (a new way of being Church), và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi các CĐKN là basic ecclesial communities (BECs): các cộng đoàn giáo hội cơ bản (CĐGHCB).

[14] X. Nguyễn Hữu Triết, Nền tảng đời sống Kitô hữu: Cộng đoàn cơ bản, Tập II (TP. HCM: Nxb. TP. HCM, 1998), 9-16.

[15]AsIPA is Asian because it seeks to implement the vision articulated by the Asian Bishops and to face the realities of the Asian peoples that challenge the Church in Asia: our pluralism, the existence of the great Asian religions, the vast numbers of young people and their vitality, massive poverty, the women’s movement, the ecological movement etc. It is Integral in that it seeks to achieve a balance between the “sp-iritual” and the “social”, between the individual and the community, between the hierarchical leadership and the co-responsibility of the laity. It is therefore integral in both its approach and its content. It is Pastoral in that its goal it to implement the vision of the new way of being Church, and particularly to train lay people to carry out their mission in the Church and in the world. It thereby constitutes a demand that priests be trained to encourage the co-responsibility of the laity and to work in teams. This requires a new style of leadership. As an Approach, AsIPA is a process of realizing the vision of a parti-cipatory Church. It addresses the entire people of God. It is a pastoral approach, which is “Christ-and-community-centered”, allowing the participants of training courses to search for themselves and to experience a “New Way of Being Church”. (A Short Background History of AsIPA).

[16] FABC, số 8 (Bandung, Indonesia, tháng 7/1990). Còn Hội nghị Khoáng Đại I của LHĐGMAC cũng đã khẳng định: “Giáo hội tại Á châu phải là sự hiệp thông của các cộng đoàn, nơi đó, giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em” (FABC, “Statement of the First Plenary Assembly” trong For All the Peoples of Asia, Vol. I, 287).

[17] X. https://holyrosaryabq.org/small-christian-community; Joseph Coracao de Jesus Dias, Small Christian communities to small human communities (Bangalore, India: Nxb: Brenda Fernandes for Asian Trading, 2016), 75-138.

[18] Asian Integral Pastoral Approach (AsIPA).

[19] AsIPA giúp các tham dự viên đi tìm kiếm chính mình, giúp trải nghiệm một “đường hướng mới nhằm thể hiện Giáo hội”.

[20] Tham khảo CDs “Một phương cách...” (The Word of God is the Seedbed of SCCs) (Sáng tác: Bạn Hữu MTCD; Trình bày: Bằng Hữu, Nam Cường, Lan Trinh): “PK 1: Một phương cách Tiếp Cận Châu Á / Một cách thức Thánh Hội Tham Gia / Một phương thế Tiếp Cận Mục Vụ / Một thể thức Toàn Diện ở Á Châu / Cùng làm chứng Đối Diện Thực Tế / Cùng làm chứng Với Đời Tâm Linh / Cùng làm chứng Trách Nhiệm San Sẻ / Cùng làm chứng Cách Hiệp Thông Nhé.. Tiếp Cận và Tham Gia. ĐK 1: Toàn diện nhé trách nhiệm hiệp nhất / Cùng làm chứng Tin Mừng Kitô / Thầy Giê-su sống lại thật hiển vinh. PK 2: Nhờ Lời Chúa chia sẻ trong nhóm / Một phương pháp với bảy bước đi / Từng bước đi vững vàng trong đời / Từng bước nhé Chúa cùng ta đi / Một đều bước xin Người ngự đến / Rồi chương sách số mục theo sau / Đọc thật rõ sáng tỏ chân thành / Tuần tự nhé thinh lặng cần thiết. đánh động trong lương tâm. ĐK 2: Lời của Chúa chia sẻ như thế / Thì công tác thích hợp sẽ theo /Nào ta “xem xét làm” hân hoan. PK 3: To deepen (our) understanding / Implement this vision too / Empower the lay persons / To renew and train leaders. / A new way of being Church / It's the Church through SCCs / Participate in the mission / Leaders in non-dominating... servant leadership. ĐK 3: AsIPA its an approach / AsIPA is a method Asian and pastoral. PK 4: To acquire (an) understanding / Communion of communities / To deepen experience Christ- centered communities / Through Gospel we share our life / Through Gospel we pray for peace (Nam Cường trình bày trong Album Sống đẹp trong đời; Lan Trinh trình bày trong Album Thời gian không gian; Ngọc Huyên trình bày trong Album Đi về đâu / Album Với thời gian ta đi); Ngọc Nhi trình bày trong Album Hứa hẹn điều lành / Tin Mừng loan báo).

[21] X. Lv 3.

[22] X. Edward Pentin, Vatican Reaffirms Teaching on Salvation in Response to “Cultural Changes” trong (In a Letter to bishops, the Congregation for the Doctrine of the Faith tackles two modern tendencies which it argues make the true salvation offered by the Catholic Church “difficult to understand.”) (http:// www.ncregister.com...) (04-01-2018)

[23] X. Xh 19,20; 24,12-18.

[24] X. Xh 33,7-11; Am 3,2; Hs 2,16.

[25] X. Xh 23,22; Ds 1,16; 20,6-11; 1 Sbn 13,2; 15,3.

[26] X. Đnl 22,1-4; 23,20; 24,18; Lv 19,2; Tv 110.

[27] X. Tv 16,9; 42,2-5; 49,16; 63,2-6; 73,24.

[28] X. 1 Pr 1,4; Dt 2,14.

[29] NMc 3,14; 6,7-13; x. Robert Stackpole, STD, Divine Mercy: A Guide from Genesis to Benedict XVI (Marian Press, 2009) (http://www. hedi-vinemercy. org/news...).

[30] X. Tòa Tổng Giám Mục TP. HCM (TP. HCM: Nxb. TP. HCM, 19-95), 5-7; Mc 8,34-37; Mt 20,22; Ga 12,24; 15,18.

[31] X. Mt 22.

[32] X. Cv 2,32-42; Rm 12,13; Ga 6,6; 2 Cr 8,4; Dt 13,16.

[33] X. 2 Cr 1,7; Dt 10,33; 1 Pr 4,13; Pl 1,5.

[34] X. Rm 6,3; 8,17; Ep 2,5; 1 Cr 1,9; 2 Cr 4,14; Pl 3,10; 1 Tx 4,14.

[35] 2 Cr 13,13; Pl 2,1.

[36] 1 Ga 1,3; 2,24-27; 3,24; 4,13; Ga 14,17-20; 15,4.7; 17,20-13.

[37] X. Ga 6,56.

[38] 1 Tx 4,17; Ga 17,24.

[39] HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43.

[40] X. Ramesh Lakshmanan, A New Way of Being Church: FABC Teachings and Its Journey Towards Creating a Participatory Church in Asia through Basic Ecclesial Communities, tr. 6; AL, số 211.

[41] Có thể kể ra những gia đình có “hôn nhân trái quy tắc” như “gia đình”: sống thử như gia đình, chung sống không hôn nhân, người Công giáo chỉ có hôn phối dân sự, người ly thân và ly dị không tái hôn, tái hôn

[42] Chỉ có ly dị theo luật đời. Thật vậy, Maccô 10,11-12 viết: “Ai bỏ vợ mình mà lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (x. GLGHCG, số 1650).

[43] X. “Một phương cách.” trong The Word Of God is the Seedbed of SCCs.

[44] Cv 20,35. Từ “hiệp thông” (communio) gồm com- và unus, nghĩa là hợp nhất với nhau. Từ đó dẫn đến các ý nghĩa “cao siêu”: Thánh Thể, những người cùng niềm tin, tình đoàn kết, tính đoàn thể, sự hiệp nhất nên một, tình liên đới giữa Kitô hữu với Chúa, với nhau và với Giáo hội.

[45] GLGHCG, số 960.

[46] Một Kitô hữu khi phạm tội trọng (mortal sin) thì mối quan hệ với Chúa bị chia cắt, mất đi sự hiệp thông, mất đi sự thông công cùng Giáo hội - cần lãnh nhận bí tích hòa giải (x. Brian Evenson, When Religion Encourages Abuse: Writing Father of Lies (New York: First published in The Event, 1998), 5.

[47] Ga 15,12.

[48] X. AG, số 2.

[49] Ga 17,18; x. Ga 20,21.

[50] Giáo hội sơ khai hăng hái dấn thân vào công việc loan báo Tin Mừng, sẵn sàng hiến mạng sống để làm chứng về hồng ân cứu độ (x. Cv 2,37-40; 1 Cr 9,16).

[51] X. “Một phương cách.” trong The Word of God is the Seedbed of SCCs.

[52] Tài liệu AsIPA được biên soạn để các linh hoạt viên sử dụng mà không mất nhiều thời gian chuẩn bị. Cần bám sát các tài liệu; các tham dự viên cần tham gia ý kiến. Đừng vội bằng lòng khi mới chỉ có một người trả lời, mà phải khuyến khích cho có thêm nhiều người nữa trả lời.

[53] X. Mc 16,15; Mt 28,19-20.

[54] X. Mt 28,19; Ga 10,52.

[55] Có thể tham khảo cách riêng nơi các văn kiện sau: Redemptoris missio, Ad gentes, Evangelii nuntiandi, Novo Millennio Ieunte, Ecclesia in Asia...

[56] Các phương pháp chia sẻ Tin Mừng: (1) Phương pháp Chia Sẻ Tin Mừng Bảy Bước; (2) Phương pháp Soi Gương Thánh Kinh; (3) Phương pháp Nhìn Xem - Lắng Nghe - Yêu thương. (x. AsIPA, Danh mục tài liệu AsIPA: A-B-C-D-E-F, tr. 8).

[57] “… Phúc âm hóa các giáo xứ, để Phúc âm hóa các giáo phận... hướng đến hiệp thông và sứ vụ”.

[58] “… Phúc âm hóa từng cá vị để Phúc âm hóa các gia đình (...) hướng đến hiệp thông và sứ vụ”.

[59] X. Thomas Vijay Sac, et Agnes Chauramma Chawadi, Bước đi trên con đường mới (Dịch giả: Gioan Lê Quang Vinh) (TP. HCM: Nxb. Tôn Giáo, 2018), 87- 106.

[60] Mt 20,11-12.

[61] Ibid.

[62] X. Mt 5,12; Gaudete et Exsultate, số 1.

[63] Tông huấn Evangelii Gaudium (ngày 24-11-2013), 6: AAS 105 (2013), 1221.

[64] A manager tries to do the thing right; a leader tries to do the right things; a proper pastor tries to do not only the right thing but also the things right. (x. Ta, A Training Program to Promote Collaborative Leadership... (Washington, DC: The Catholic University of America, 2005), 95.

[65] X. Sac, et Chawadi, Bước đi trên con đường mới (Dịch giả: Gioan Lê Quang Vinh), 173-88.

[66] Un saint triste est un triste saint!

[67] Mt 20,11-12.

[68] Tông huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 6: AAS 105 (2013), 1221.

[69] EA, 20; x. EG 169-171.

[70] X. HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43.

[71] Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn đã từng đề xuất nhiều đề tài rất hay về giáo xứ (2014): “(1) Giáo xứ: Gia đình của các gia đình thừa sai (“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”) (Mc 3,33); (2) Giáo xứ: Cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo (“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”) (Ga 15,12); (3) Giáo xứ cộng đoàn thừa sai với chứng từ của Đời thánh hiến (“Hài nhi càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”) (Lc 2,40); (4) Giáo xứ: Cộng đoàn hội thánh hiệp thông trong thờ phượng (“Các tín hữu siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”) (Cv 2,42); (5) Giáo xứ: Cộng đoàn hội thánh tông truyền được dưỡng nuôi bằng Lời (“Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy”) (Cv 2,42); (6) Giáo xứ: Cộng đoàn hội thánh hiệp nhất với nhau trong Lòng Thương Xót (“Họ luôn luôn hiệp thông với nhau”) (Cv 2,42); (7) Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: canh tân đời sống và con người linh mục (“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và phục vụ mọi người”) (Mc 9,35); (8) Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: canh tân đời sống và con người Kitô hữu giáo dân (“Muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại?”) (Mc 9,50); (9) Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: canh tân đời sống thánh hiến (“Hãy đi bán những gì anh có... rồi hãy đến theo tôi”) (Mc 10,21); (10) Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: canh tân đời sống hôn nhân (“Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả”) (Ep 5,7); (11) Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: canh tân các Cộng Đoàn nhỏ và gia đình (“Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận”) (1 Cr 12,27); (12) Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: Đồng hành truyền giáo cùng với anh chị em Di dân” (“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”) (Mc 16,15) (http://www.-simonhoadalat.com/ HOC)

[72] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes).

[73] “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42)

LỊCH PHỤNG VỤ