Bài học về sự khiêm nhường nơi thánh Phêrô và Phaolô

30/06/2022


BÀI HỌC VỀ SỰ KHIÊM NHƯỜNG NƠI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

Michele Chronister

WHĐ (30.6.2022) - Tôi phải thừa nhận là tôi thường cảm thấy không tự tin khi mắc sai lầm trước mặt người khác. Nếu có ai đó buông lời chỉ trích, tôi sẽ thấy bị bẽ mặt, thì đúng là, rất mất thể diện. Ngoài ra, tôi cũng cảm thấy bất an đến độ lo lắng khi thấy mình còn thiếu sót ở nhiều khía cạnh. Tôi nhận thức được những điểm yếu của mình, và cả sự thật là tôi không có nhiều năng lực như người khác.

Những điều này đã gợi hứng để tôi suy tư về sự khiêm nhường cách tuyệt vời của hai vị thánh lớn trong Giáo hội - Phêrô và Phaolô.

Thánh Phêrô và những lỗi lầm

Mặc dù không chính thức, nhưng tôi hay tự đặt cho thánh Phêrô biệt hiệu là “Thánh quan thày của những người ăn nói vụng về”.

Thánh Phêrô tội nghiệp dường như rất hay mắc sai lầm cả trong lời nói lẫn hành động. Chẳng han như: Khi cùng với Giacôbê và Gioan trên núi Tabor, trong một khoảnh khắc vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi khi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Biến hình, Phêrô đã nhanh nhảu đề nghị dựng 3 cái lều mà chẳng hiểu mình đang nói gì; Khi được Chúa Giêsu cho đi trên mặt nước, Phêrô đã chao đảo tưởng như bị nhấn chìm, vì thiếu niềm tin; Khi Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông đồ trong Bữa tiệc ly, Phêrô thoạt đầu đã không muốn được Chúa Giêsu rửa chân cho; Rồi, nhất là trong thời khắc quan trọng và kinh hoàng khi Chúa Giêsu bị bắt, Phêrô đã chối là không biết Người.

Hầu hết chúng ta thường sẽ tuyệt vọng vào thời khắc chúng ta thấy mình sai lỗi. Và, ngay cả nếu Chúa Giêsu có đề nghị để biến chúng ta thành “Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,” thì chắc chắn chúng ta sẽ khăng khăng từ chối vì thấy rằng mình không xứng đáng. Trái lại, Phêrô đã chấp nhận và chọn để tin tưởng vào Chúa Giêsu.

Khi có dịp đến Vương cung thánh đường Thánh Phêrô cách đây vài năm, đứng trên chóp cầu thang dẫn xuống hầm mộ của thánh Phêrô (nằm bên dưới bàn thờ chính của Vương cung thánh đường), tôi đột nhiên bị ấn tượng bởi sự thật về con người của ngài. Thánh Phêrô không phải là một nhân vật hư cấu. Ngài là một con người thực sự; Ngài là một thợ chài lưới khiêm tốn, một người chẳng có tài cán là bao cho đến khi được Chúa Giêsu chọn. Với tôi, việc đứng trước phần mộ của ngài; việc rảo bộ trong thành phố mà chính ngài đã đi qua trên đường dẫn đến cái chết, đã làm cho sự hiện hữu của ngài trở nên hiện thực hơn bao giờ hết.

Nếu một Phêrô - lúng túng, lóng ngóng, xen lẫn giữa sự quá hăng hái và vụng về - đã có thể tin tưởng vào Chúa Giêsu, và cuối cùng lên được thiên đàng, thì có lẽ tôi cũng có hy vọng.

Thánh Phaolô và cái dằm

Mùa hè sau năm thứ nhất đại học, lần đầu tiên tôi được đánh động bởi một đoạn của Thư thứ 2 của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, trong đó thánh nhân nói về “một cái dằm đâm vào mình”. Cho dù các học giả Kinh thánh và Thần học gia có phỏng đoán về bản chất chính xác của cái dằm này là gì (một sự cám dỗ nào đó? Bệnh tật?) thì điểm trọng tâm vẫn là: Phaolô không hoàn hảo, và ngài rất ý thức về sự bất toàn của mình. Thực sự, Phaolô nhận thức về điều đó rất rõ, đến nỗi, ngài đã 3 lần cầu xin Chúa cho mình thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng thay vì chiều theo ý Phaolô, Chúa đã phán với thánh nhân, "Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" (2Cor 12, 9).

Vào thời điểm đọc được đoạn văn Kinh thánh này, tôi đang phải đấu tranh rất nặng nề với sự lo lắng nghiêm trọng và một số trầm cảm. Tôi mới chia tay với người bạn trai lâu năm. Tôi làm việc tại một trại hè qua đêm dành cho người lớn bị khuyết tật phát triển, và tôi thấy mệt mỏi và thiếu ngủ hơn bao giờ hết. Thực sự, tôi cảm thấy mình là người yếu đuối nhất trong những người yếu đuối.

Khi đọc những lời này của thánh Phaolô, tôi bắt đầu ngộ ra - thành công của tôi không nằm ở sức mạnh của chính tôi, mà nằm trong Chúa Kitô. Tất cả những gì tôi phải giao nộp cho Chúa đó là sự yếu đuối của tôi, và việc Người chiến thắng sự yếu đuối đó sẽ là một chứng minh hùng hồn cho sức mạnh tuyệt vời của Người hơn bất cứ điều gì khác.

Ngoài cái dằm cụ thể được đề cập đến, thánh Phaolô còn có rất nhiều lý do để cảm thấy hổ thẹn và ngượng ngùng. Ngài từng là một Saolô hung hăng bắt bớ các Kitô hữu trước khi trở thành một Phaolô như hiện tại. Giống Phêrô, sẽ dễ dàng và dễ hiểu, nếu Phaolô cúi đầu xấu hổ và nhận là mình không có khả năng, không xứng đáng trước lời mời gọi của Đức Kitô. Nhưng giống như Phêrô, và tất cả những người khiêm nhường, Phaolô đã ngước mắt và con tim lên với Đức Kitô. Hoàn toàn tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Phaolô chấp nhận sự yếu đuối của mình và phó dâng mọi tội lỗi trong quá khứ của mình cho Chúa Giêsu để tiến về phía trước với đôi mắt chỉ hướng về Đức Kitô.

Trong cùng chuyến đi tới Roma ấy, tôi cũng có cơ hội cầu nguyện tại mộ của thánh Phaolô. Với tôi, giống như Phêrô, Phaolô trở nên thiết thực hơn trước đây - một người thực sự chiến đấu với những yếu đuối của mình, và dâng tất cả lên cho Thiên Chúa.

Khiêm nhường là phần còn lại của chúng ta

Có thể chúng ta không được mời gọi để trở thành những chứng nhân hữu hình như thánh Phêrô và Phaolô, nhưng chúng ta vẫn được mời gọi để noi theo sự khiêm nhường triệt để của các ngài. Chúng ta được mời gọi để nhận ra cả điểm mạnh và điểm yếu của mình; không né tránh nhưng biết đón nhận, và dâng tất cả thiếu sót cho Chúa Kitô. Món quà mà chúng ta nhận được từ nơi các ngài đó là chúng ta không cần phải bước đi trong cuộc hành hương trần thế của mình một cách đơn độc.

Luôn có những khoảnh khắc mời gọi chúng ta đến sự khiêm nhường sâu sắc hơn - khi chúng ta mắc sai lầm; khi chúng ta không hành động cách công bằng, chính trực; khi chúng ta cảm thấy quá yếu đuối, và không đủ tiêu chuẩn đối với nhiệm vụ được trao - chúng ta có thể hướng về thánh Phêrô và Phaolô, với niềm tin tưởng rằng, nơi các ngài, lời khẩn nài của chúng ta sẽ được lắng nghe cách chân thành.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (26. 6. 2022)

LỊCH PHỤNG VỤ