60 năm Giáo phận Mỹ Tho: Bài 2 - Các vị Chủ Chăn đáng kính

04/02/2020

 

THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN

60 năm Giáo phận Mỹ Tho
Bài 2 - Các vị Chủ Chăn đáng kính: Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện (1908-1989)


 

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, khi Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, ngài cũng quyết định thành lập ba Giáo phận mới thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn là Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên; đồng thời chính thức bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục chính tòa tiên khởi Giáo phận Mỹ Tho.

Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện sinh ngày 1 tháng 10 năm 1908 tại Ngũ Hiệp (Cù lao Năm thôn), huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sau thời gian đào tạo tại Tiểu và Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, ngài được thụ phong linh mục ngày 21 tháng 9 năm 1935, sau đó được đặt làm Cha Phó Giáo xứ Mặc Bắc.

Năm 1938, Giáo phận Vĩnh Long được thành lập và Cha Giuse Trần Văn Thiện trở thành linh mục Giáo phận Vĩnh Long. Năm 1940, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, Giám mục Vĩnh Long, cử ngài du học tại Pháp và đến năm 1947, ngài tốt nghiệp Cử nhân Văn chương Pháp. Trở về Việt Nam, ngài được đặt làm Giám đốc Tiểu chủng viện Á thánh Philipphê Minh mới được thành lập năm 1947. Năm 1956, Cha Giuse giúp họ Bãi Xan, Giáo phận Vĩnh Long. Năm 1958, Hội đồng giám mục Miền Nam Việt Nam quyết định thành lập Viện Đại học Đà Lạt và đặt Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Viện trưởng tiên khởi của Đại học.

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban Sắc chỉ thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Cũng trong Sắc chỉ này, ngài quyết định thành lập Giáo phận Mỹ Tho, tách ra từ Giáo phận Sài Gòn, đồng thời bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục chính tòa tiên khởi của Giáo phận Mỹ Tho. Nghi thức phong chức giám mục được cử hành tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ngày 22 tháng 1 năm 1961. Khẩu hiệu của vị Tân Giám mục là “Phần rỗi trong Thánh Giá”. Ngày 5 tháng 4 năm 1961, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện chính thức về nhận Giáo phận tại Nhà thờ chính tòa Mỹ Tho, danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.

La Giám mục tiên khởi của Giáo phận, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện chính là người đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển Giáo phận Mỹ Tho về mọi mặt, trong đó có thể quan tâm đến một số lãnh vực nổi bật (x. Kỷ yếu 50 năm Giáo phận Mỹ Tho, 266-272). 

1. Ơn gọi linh mục và tu sĩ

Trong Sắc chỉ quyết định thành lập Giáo phận Mỹ Tho, Thánh Gioan XXIII nhấn mạnh đặc biệt đến việc đào tạo các linh mục tương lai: “Các vị lãnh đạo phải lưu ý đặc biệt đến việc đào luyện những thanh niên có triển vọng lên chức linh mục, vì họ là những hướng đạo tương lai của giáo dân”. Vì thế công việc đầu tiên của Đức Cha Giuse là mở Chủng viện. Năm 1961, Đức Cha Giuse cùng với Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, Giáo phận Cần Thơ, thành lập Đệ tử viện truyền giáo tại địa chỉ 23 Lý Thường Kiệt, Thành phố Mỹ Tho ngày nay. Từ năm 1965, Đức Cha Giuse thành lập Tiểu chủng viện Thánh Gioan XXIII và đã chuyển Ban Giáo sư cũng như nhân sự của Đệ tử viện sang Tiểu chủng viện. Các đệ tử gốc Cần Thơ được đưa về học tại Tiểu chủng viện Á thánh Quý, Cần Thơ.

Nhờ sự quan tâm này, số linh mục trong Giáo phận gia tăng khá nhanh. Năm 1960 khi mới thành lập Giáo phận, có 43 linh mục phục vụ tại 39 giáo xứ. Năm 1974, số linh mục là 71 làm việc tại 41 giáo xứ và trong những lãnh vực khác, ngoài ra còn có 78 chủng sinh đang được đào tạo tại các đại chủng viện. 

2. Giáo dục

Khi Hội đồng giám mục Miền Nam Việt Nam quyết định thành lập Đại học Đà Lạt năm 1958, cha Giuse Trần Văn Thiện đã được đặt làm Viện trưởng đầu tiên của Đại học. Sự kiện này nói lên trình độ trí thức cũng như mối quan tâm của Đức Cha Giuse về vấn đề giáo dục. Mối quan tâm đó được thể hiện rõ nét khi ngài nhận trách nhiệm cai quản Giáo phận Mỹ Tho.

Năm 1964, Giáo phận có 7 trường Trung học và 36 trường Tiểu học. Đến năm 1969, tất cả các Giáo xứ trong Giáo phận đều có trường Tiểu học, hầu hết các Giáo xứ lớn đều có trường Trung học. Giáo phận còn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh nghèo, nhất là các em ở vùng quê, bằng cách xây dựng những học xá cho học sinh trung học.

Mối quan tâm về giáo dục của Đức Cha Giuse phản ánh tầm nhìn rộng về sự liên kết chặt chẽ giữa giáo dục văn hóa và giáo dục đức tin, cũng như giữa giáo dục văn hóa và sứ mệnh Phúc-Âm-hóa : “Đức Giám Mục luôn luôn đặt công việc mở mang các trường, khai hóa nhân tâm lên hàng đầu, vì theo ngài, đó là phương pháp tiếp xúc truyền giáo hữu hiệu” (Nguyệt san Đồng Tháp số 6 – Tháng 10-1960). 

3. Hoạt động bác ái, xã hội

Theo thống kê năm 1964, tức là sau 4 năm thành lập, Giáo phận Mỹ Tho đã có 5 Nhà thương với 651 giường bệnh, 6 Cô nhi viện với 713 trẻ, 1 Viện dưỡng lão với 207 người, 6 Phòng phát thuốc cấp thuốc cho 63.000 người, 6 Nhà hộ sinh đã tiếp nhận 219 sản phụ. Ngoài ra, Caritas Giáo phận còn quan tâm trợ giúp những người nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo, mở các khóa dạy nghề, không phân biệt tôn giáo hay địa phương.

Những hoạt động được Đức Cha Giuse quan tâm và phát triển cách đây gần 60 năm vẫn là những hoạt động cần được tiếp nối ngày nay cho dù hoàn cảnh và môi trường xã hội có nhiều thay đổi. Vì thế, dù ngày nay Giáo phận không được phép mở trường như xưa nhưng các Dòng tu vẫn cố gắng mở Nhà trẻ và âm thầm trợ giúp các học sinh nghèo để các em có cơ hội học hành. Ngày nay Giáo phận không thể mở Bệnh viện như xưa nhưng vẫn cố gắng làm những gì trong hoàn cảnh cho phép để phục vụ người nghèo: mở Trường khuyết tật, Nhà dưỡng lão, phòng phát thuốc, thúc đẩy công tác bác ái xã hội. 

*** 

Cuộc đời giám mục của Đức Cha Giuse có thể được chia thành hai giai đoạn: 14 năm đầu (1961-1975) là những năm hoạt động mạnh mẽ trong nhiều lãnh vực, 14 năm sau (1975-1989) là những năm sống âm thầm trong hi sinh và cầu nguyện. Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện qua đời ngày 24 tháng 2 năm 1989, hưởng thọ 81 tuổi, 54 năm linh mục, 28 năm phục vụ trong cương vị Giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho. Thánh Lễ an táng được cử hành ngày 27 tháng 2 năm 1989 và mộ phần Đức Cha được đặt trên cung thánh Nhà thờ chính tòa của Giáo phận.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net

LỊCH PHỤNG VỤ