“Hướng đến sự hiện diện toàn diện”: Một văn kiện để chống lại “chế độ thuật toán trị”

30/05/2023

Sơ V. Donatello, Đức Ông Ruiz, ông Paolo Ruffini và sơ N. Bécquart

“HƯỚNG ĐẾN SỰ HIỆN DIỆN TOÀN DIỆN”: MỘT VĂN KIỆN ĐỂ CHỐNG LẠI “CHẾ ĐỘ THUẬT TOÁN TRỊ”

Jean Charles Putzolu

Làm thế nào các cá nhân và cộng đoàn Giáo hội có thể tiến triển trong thế giới kỹ thuật số? Đó là một trong những câu hỏi chính mà văn kiện đầu tiên của Bộ Truyền thông cố gắng mang lại các yếu tố suy tư. Văn kiện “Hướng đến sự hiện diện toàn diện. Một suy tư mục vụ về sự dấn thân trên các mạng xã hội“ được giới thiệu với báo chí hôm 29/5/2023.

Đây là văn kiện đầu tiên mà Bộ Truyền thông công bố kể từ khi nó được thành lập bởi Tự sắc ngày 27/6/2015. Đây là một bản văn được gởi đến “tất cả mọi người”, Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông, cho biết và đồng thời trả lời cho nhiều câu hỏi được đặt ra trong các cuộc gặp gỡ khác nhau, nhất là với các Giám mục trong các chuyến viếng thăm Ad limina, và “với nhiều người đối thoại ở nhiều cấp độ khác nhau”.

Văn kiện nhắm thúc đẩy một cuộc thảo luận chung về sự dấn thân của các Kitô hữu trên các mạng xã hội, vốn ngày càng trở thành một phần trong cuộc sống của mọi người. Và ông Paolo Ruffini nói rõ rằng văn kiện này được gợi hứng từ dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu ”bởi vì nó đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô để lội ngược dòng”.

Tạo nên mối quan hệ trong một nền văn hóa số hóa

Đối với Đức Ông Lucio Adrian Ruiz , Tổng thư ký của Bộ Truyền thông, chúng ta đang sống trong một nền văn hóa phần lớn được số hóa, vốn tác động đến mọi tầng lớp xã hội và đối diện với nó Giáo hội không thể thụ động. Ngài khẳng định: “Chúng ta phải đi ra”. Đối với ngài, một Giáo hội đi ra cũng phải khám phá những vùng ngoại vi kỹ thuật số. Ngài nói: “Đây không còn chỉ là vấn đề sử dụng các công cụ truyền thông, mà còn là vấn đề sống trong một nền văn hóa phần lớn được số hóa có ảnh hưởng sâu xa […] đến nhận thức về chính mình, về người khác và thế giới, về cách thức truyền thông, học hỏi, thu thập thông tin và tương giao với người khác”.

Ngài nói tiếp: Công nghệ “không bao giờ” trung lập, “vì những thứ do con người tạo ra được sinh ra với một ý hướng và luôn tìm kiếm nó”. Đó là lý do vì sao việc phân tích và phán đoán phê bình là điều cần thiết để biết và sống thực tại kỹ thuật số, “vốn phải được soi sáng bởi Tin Mừng, để nó luôn tôn trọng phẩm giá và cùng đích của con người toàn diện và của tất cả mọi người”.

Một văn kiện phục vụ cho Thượng hội đồng

Đến lượt mình, nữ tu Nathalie Becquart giải thích: “Việc tân Phúc Âm hóa sẽ phụ thuộc vào việc Giáo hội sử dụng tốt lĩnh vực kỹ thuật số như thế nào”, và Sơ trích dẫn “tiếng nói của dân Thiên Chúa” được lắng nghe trong các giai đoạn chuẩn bị khác nhau của Thượng hội đồng về tính hiệp hành. Nữ tu Phó thư ký của Ban Tổng thư ký của Thượng hội đồng nhấn mạnh tính kịp thời của một văn kiện như thế được công bố vào lúc Giáo hội đang tiếp tục hành trình hiệp hành của mình. “Nó được trình bày như một sự hỗ trợ cho việc phân định để cho phép mỗi Kitô hữu suy nghĩ về cách thức hiện diện của mình trên các mạng xã hội, làm cho họ nhận thức được những thách thức, những cơ hội và những cạm bẫy”, Sơ khẳng định và đồng thời lặp lại sự kiện rằng tất cả các Kitô hữu đều được mời gọi trở thành “những người dệt nên sự hiệp thông”, cùng nhau tiến tới thông qua sự hiện diện bao hàm việc lắng nghe, đối thoại và ý thức về cộng đồng để hành động như ”những nhà truyền giáo của cuộc gặp gỡ”.

Đối với sơ Nathalie Becquart, văn kiện này “mời gọi làm việc và phân định cùng nhau, trong sự đa dạng của các cộng đoàn Kitô hữu, làm thế nào cùng nhau bước đi ‘trong cuộc sống’ (Ở đây, Sơ chơi chữ: thay vì nói  ‘online’ = trực tuyến, Sơ nói ‘onlife’ = trong cuộc sống)” và củng cố sự hiệp thông nhằm phục vụ cho một sứ mạng vốn cần đến sự tham dự của tất cả các tín hữu; cả những người theo đuổi sứ mạng của mình trong thế giới “ảo”, cũng như những người loan báo Tin Mừng trong thế giới “thực”.

Thế giới ảo, thế giới thực

Công nghệ không phải là một cái “ở nơi khác”, Ông Ruffini nói thêm và đồng thời nối kết hai thế giới, và Giáo hội cũng phải sử dụng thế giới ảo để “tạo nên cộng đồng”, và cũng tạo nên trong không gian này một sự hiệp thông. Chiều kích thực và chiều kích ảo gần như không tách rời nhau.

Đức Ông Ruiz lấy ví dụ về cuộc sống của một giáo xứ, được tạo nên từ sự ấm áp của con người, những cuộc gặp gỡ thể chất, những tình cảm, và có thể tìm thấy sự phong phú bổ sung trên các mạng xã hội để tạo ra những hình thức tương quan mới.

Sơ Veronica Donatello, đặc trách mục vụ cho những người khuyết tật của Hội đồng Giám mục Ý, nói rằng “những điều cũ sẽ chết đi, chúng ta đang sống trong một giai đoạn những thách đố to lớn”. Thách đố chính yếu là không để bị mắc kẹt trong thế thủ, không sợ sự mới mẻ và ý thức về thực tại của giáo xứ vốn “kết hợp các cụ ông cụ bà và những người trẻ tuổi nhất”; những người trẻ dễ tiếp nhận hơn với truyền thông kỹ thuật số.

Trái lại, chúng ta không được nhượng bộ cho “chế độ thuật toán trị” (algorithmocratie), Paolo Ruffini khẳng định và đồng thời nhấn mạnh rằng ”văn kiện này không khởi đi từ công nghệ”. Trái lại, nó tập trung vào con người chứ không vào máy móc, “vào tâm hồn, chứ không vào thuật toán”. “Đó không phải là một thư mục, cũng không phải là một loại hướng dẫn chức năng thực tế. Đó là một suy tư thần học và mục vụ khởi đi từ cái nhìn của Tin Mừng để khơi lên việc kiểm điểm lương tâm cá nhân và tập thể”. Vì cuối cùng, con người phải “thương lương lại các quy tắc, thương lượng lại các thuật toán” và giành lại các mối tương quan.

Tý Linh
Theo Vatican News (29.05.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (30.05.2023)

LỊCH PHỤNG VỤ