“Hạt lúa mì” trong thế giới hôm nay

13/04/2022


“HẠT LÚA MÌ” TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

Nữ tu Maria Mai Hậu, FMM

WHĐ (13.4.2022) - “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.” (Ga 12,24)

Đã gần 4 tháng sau những ngày con có cơ hội đi tình nguyện phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 12. Khoảng thời gian tuy không dài nhưng đã khắc sâu trong con những trải nghiệm thiêng liêng vô cùng ý nghĩa về sự kỳ diệu của hành trình “hạt lúa mì” gieo vào lòng đất, thối đi để sinh hoa trái.

Tại Việt Nam, từ giữa tháng 5 năm 2021, dịch bệnh đã bùng phát trở lại lần thứ 2. Thành phố Sài Gòn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mức độ lây lan quá nhanh, số ca nhiễm tăng vọt, những khu phố, ngõ xóm, gia đình bị phong tỏa ngày càng nhiều. Cùng trải nghiệm những cảm xúc lo âu và hoàn cảnh bấp bênh với anh chị em trong và ngoài thành phố, chị em nữ tu dòng Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ (FMM) đã mở rộng cánh cửa, góp thêm bàn tay với các nhóm thiện nguyện khác, cùng tìm mọi cách để hỗ trợ người dân đang vật lộn với dịch bệnh, với miếng cơm manh áo, để bảo tồn sinh mạng của bản thân và của gia đình. Hơn nữa, một số chị em đã mau mắn đáp lại lời mời gọi cộng tác của chính quyền địa phương, bất chấp rủi ro có thể xảy đến, hăng hái lên đường đến các bệnh viện dã chiến để chăm sóc các bệnh nhân F0.

Trong đợt ra quân đầu tiên ngày 22/07/2021, con cùng các tu sĩ đến từ các dòng và các tôn giáo bạn tình nguyện đến phục vụ tại ba bệnh viện: Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, Bệnh viện dã chiến Số 10 và Số 12. Riêng nhóm 18 chị em FMM đã may mắn được hiện diện phục vụ tại cả ba cơ sở: Bệnh viện Ung Bướu 4 chị, Bệnh viện dã chiến Số 10 có 12 chị và Bệnh viện dã chiến Số 12 có 2 chị em. Con là một trong số hai chị em đã phục vụ tại bệnh viện dã chiến Số 12. Trong lần đầu đó, tại Bệnh viện dã chiến số 12 có 36 tình nguyện viên, trong đó có 26 tu sĩ Công giáo và 10 tình nguyện viên Phật giáo.

Khi chính thức được tham gia đi tình nguyện, trong con đã có những cảm xúc gần như mâu thuẫn: vui vì con có cơ hội được tham gia phục vụ, cùng đồng hành và hiện diện nơi tuyến đầu cùng các y, bác sĩ, nhân viên y tế và các bệnh nhân; bên cạnh đó là cảm giác hồi hộp và lo lắng vì con bước vào vùng có nguy cơ lây nhiễm rất cao và cũng không biết con sẽ làm gì khi không có chuyên môn trong ngành y. Nhưng chính thao thức được hiện diện với những bệnh nhân đang cô đơn cố gắng giành giật lại sự sống trên các giường bệnh đã cho con có can đảm và sức mạnh để dấn thân.

Những ngày phục vụ giữa tâm dịch đã cho con những trải nghiệm kỳ diệu: một cộng đoàn đã được hình thành gồm những tu sĩ trẻ không cùng tôn giáo, không cùng Hội Dòng, không quen biết, không cùng chuyên môn... nhưng lại cùng chung tấm lòng, chung nhịp đập của con tim, chung thao thức dấn thân phục vụ. Quả thật, tình yêu đã kết nối và làm cho những khác biệt nên một. Ngay khi vừa tới, chúng con nhanh chóng được bổ sung vào những vị trí cần thiết để hỗ trợ với các nhân viên y tế và các bạn dân quân chăm sóc và phục vụ cách tốt nhất có thể cho các bệnh nhân trong thời gian cách ly và điều trị trong bệnh viện dã chiến này. Trong những ngày hiện diện nơi đây, con đã được chứng kiến biết bao nét đẹp qua thái độ và cung cách phục vụ. Ai cũng đều sẵn sàng với tất cả con tim và nhiệt huyết của mình. Ai cũng sống một cuộc sống đơn giản với tất cả sự hăng say, niềm vui và hiệp nhất, cùng nhau tìm phương cách để có thể đồng hành với các y bác sĩ, hỗ trợ các bệnh nhân và gia đình của họ.

Nhóm tình nguyện của chúng con hiện diện ở tâm dịch ngay khi mới được tiêm một mũi vacxin hai ngày trước đó. Đây là một sự mạo hiểm, nhưng cũng từ đó con cảm nhận được những sự hy sinh cao đẹp đến từ các nhân viên y tế mà con có cơ hội làm việc cùng. Chúng con, 4 tình nguyện viên (TNV) và hai chị hộ lý nhận công việc thu gom rác và lau dọn vệ sinh khu nhân viên và khu bệnh nhân đang được cấp cứu. Khi biết chúng con mới được tiêm một mũi vacxin, hai chị hộ lý đã nhận làm ở tầng trung gian có khu thay đồ bảo hộ và khu cấp cứu để chúng con làm ở khu của nhân viên an toàn hơn. Nhưng chỉ sau một tuần làm việc, trong lần test đầu tiên thì đã có 4 TNV và một số nhân viên trong đó có một chị hộ lý trong nhóm chúng con đã bị nhiễm nên được đưa lên khu cách ly. F1 cũng được yêu cầu cách ly tại phòng để test lại. Các thầy trong nhóm TNV đã tình nguyện sắp xếp công việc và giúp chúng con gom rác. Một trong ba chị em TNV đã tình nguyện đi làm cùng với chị hộ lý. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, chị đã đề nghị: một mình chị sẽ đi xuống phòng cấp cứu với chị hộ lý để hai chị còn lại vẫn làm trong khu an toàn. Nhưng không ai đồng ý và chúng con quyết định thay phiên nhau đi làm ở khu cấp cứu. Tuy chỉ là một tình huống nhỏ, nhưng con đã cảm nhận được tấm lòng cao thượng, sự sẻ chia đầy tình người đến từ các chị hộ lý cũng như nơi mỗi tình nguyện viên. Điều đó đã đánh động con rất nhiều để thay đổi bản thân, bớt đi những lo sợ, để cùng với mọi người sẵn sàng và can đảm dấn thân hơn.

Bản thân con mong muốn được tiếp xúc, trực tiếp hỏi thăm và khích lệ các bệnh nhân nhưng không được, vì cũng như nhiều TNV khác, con không có chuyên môn về y khoa. Hơn nữa, do đặc thù của căn bệnh này, việc cách ly được thực hiện rất nghiêm ngặt để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó số lượng đồ bảo hộ cũng hạn chế, nên chỉ những ai có trách nhiệm thì mới trao đổi, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Khi chia sẻ điều này, con lại nhớ tới lần con lên quét phòng làm việc của các bác sĩ. Một bác sĩ nữ đã hỏi con: “Sơ vào đây chỉ làm công việc này thôi ạ?' Con vui vẻ trả lời: “Dạ, em không có chuyên môn về ngành y nên em cộng tác được công việc gì thì em sẵn sàng, em học bên mầm non.” Vâng, chỉ đơn giản vậy thôi. Những dãy hành lang, cầu thang hằng ngày được lau dọn sạch sẽ, rác được gom đi... Những câu chuyện được chia sẻ cho nhau sau giờ làm việc tại các khu vực khác nhau và rồi tất cả được hòa vào trong kinh nguyện hằng ngày của các tu sĩ trẻ, lan tỏa đến các cộng đoàn. Đây là lần đầu tiên con thực sự cảm nghiệm được giá trị của sự hiện diện, con cảm nhận một sự linh thiêng bởi trong kinh nguyện có sự hiến tế cuộc sống của con và những người xung quanh để truyền thêm sức sống cho những người khác.

Cùng với những trải nghiệm kỳ diệu nơi đây, con cảm nghiệm được tình hiệp thông sâu xa giữa các chị em trong Hội Dòng. Chúng con lên đường mang theo tình yêu và lòng nhiệt huyết, không phải chỉ các TNV, mà của tất cả chị em Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ hướng về các anh chị em đau khổ, cô đơn và đang cần một bàn tay giúp đỡ. Các chị đưa tiễn chúng con lên đường với lòng tin và phó thác trong tay Thiên Chúa và Mẹ Maria, chấp nhận thưa “Vâng” để cùng với các chị em trẻ bước “theo sát dấu chân Chúa Ki-tô hơn”, đáp trả lời mời gọi của Chúa qua các dấu chỉ của thời đại. Với lòng biết ơn, con xin chia sẻ lại bức thư mà chị Giám tỉnh của chúng con đã viết cho chị em đi tình nguyện phục vụ ở tuyến đầu:

“Trước tiên chị Tạo thay mặt Tỉnh Dòng cám ơn các em đã tình nguyện thay cho các chị “cao niên” dù muốn cũng không được (!) để dấn thân phục vụ bệnh nhân Covid, và sẵn sàng đón nhận những nguy cơ, rủi ro... có thể xảy đến cho mình. Cầu chúc các em lên đường với niềm hăng say nhiệt tình, dũng cảm và tâm huyết của người trẻ FMM.

Hôm nay Tỉnh Dòng gửi các em đi với tinh thần đó và thêm nữa trong tinh thần của CGE 2018 để “biểu lộ khuôn mặt Tình Yêu, bằng sự hiện diện đầy tình người”. Như các em đã chia sẻ tâm tư, cảm xúc “các em chưa biết mình sẽ làm việc gì, làm như thế nào, vì không có chuyên môn. nhưng cảm thấy như có một ngọn lửa bừng bừng, một sự thôi thúc mãnh liệt từ bên trong. luôn sẵn sàng và háo hức lên đường sớm nhất có thể”! Xin Chúa giúp các em giữ mãi ngọn lửa ấy trong tâm hồn nhé.

Chị cảm thấy hãnh diện vì có những đứa em tốt lành, gan dạ... Nhưng cũng cảm thấy một chút lo âu các em ạ. Nguyện xin bình an đích thực của Chúa luôn ở cùng các em để các em trao ban cho tha nhân.”

Con thấy rõ đây cũng là cơ hội để chị em trẻ trải nghiệm và cảm nhận một cách chân thực nhất tinh thần gia đình trong ơn gọi Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ để thêm yêu mến, trân trọng và làm cho tinh thần đó trở nên sống động bằng chính đời sống của mình. Dù chỉ là một cuộc ra đi trong khoảng cách chưa đầy 20 km, nhưng lại tạo nên một sự khác biệt rất lớn bởi sự vô định về tương lai. Không một ai trong nhóm tình nguyện viên chúng con cũng như chị em ở nhà biết được điều gì sẽ xảy ra, nhưng chính sự không chắc chắn, những hoang mang, lo lắng cho nhau đã làm nên điều kỳ diệu. Mọi người xích lại gần hơn, yêu thương và lo lắng cho nhau nhiều hơn. Sự quan tâm đó biểu lộ cách rõ nét qua những cuộc gọi nhỡ, những tin nhắn hỏi thăm, động viên, những thùng đồ, những món quà chất chứa tình yêu thương gửi cho chúng con nơi tuyến đầu.

Bên cạnh tình hiệp thông trong Hội Dòng là mối dây thông hiệp từ gia đình. Khi con gọi điện về chia sẻ với ba mẹ mong muốn được tham gia đi tình nguyện, ba mẹ đã sẵn sàng đồng ý, động viên con vững tin vào tình thương và quyền năng của Chúa để dấn thân phục vụ. Với lời thưa “Vâng” đó ba mẹ đã tiếp tục trải dài bằng những ngày đêm quằn quại, trằn trọc nghĩ về sự an nguy của chị em chúng con. Có chị trong nhóm nhận đều đặn 3 cuộc điện thoại mỗi ngày từ gia đình. Chị khác nhận tin nhắn:“khi nào chị về phòng gọi lại cho em, mẹ muốn nói chuyện với chị”. Chị khác chia sẻ: Ba chị ở quê lo lắng vì mấy ngày không thấy chị liên lạc về, cố gắng lục tìm số điện thoại mấy hôm trước chị gọi để gọi lại. Ba chị sợ chị bị nhiễm nên im lặng không báo tin cho ba biết. Cũng có những ba mẹ âm thầm không liên lạc nhiều, nhưng khi chúng con báo tin đã bình an sau thời gian cách ly thì mới thốt ra được: “Vậy nay là bố mẹ yên tâm rồi!” Dù cách thể hiện ra sao thì tất cả mọi người đều nóng lòng hướng về con cái mình nơi đầu tuyến. Có lẽ, nếu không trải qua những khoảnh khắc này, con khó mà cảm nhận được sự “nặng lòng” mà ba mẹ luôn dành cho con.

Cuộc ra đi này không chỉ là cuộc ra đi của chúng con, những tình nguyện viên, nhưng là cuộc ra đi của tất cả, của các chị em trong cộng đoàn, tỉnh dòng, và nhất là cha mẹ và người thân trong gia đình của mỗi chị em chúng con. Chính tình yêu đã cho mọi người được hiệp thông với nhau. Con đã cảm nhận được niềm vui đích thực khi dám mạo hiểm và trao ban chính mình trong khi phục vụ giữa tâm dịch như thế. Đây cũng là một kinh nghiệm con được lớn lên trong đức tin để sẵn sàng mở ra và dấn thân trong hành trình tiếp theo.

Tạ ơn Chúa đã cho con có cơ hội trải nghiệm để rồi trong tâm tình của Giáng Sinh năm nay, con cảm nhận sâu sắc hơn sự “ra đi” của Ngôi Lời. Chúa cũng có trăn trở, lo lắng trước sự vô định ở phía trước như con đã cảm nhận, nhưng Ngài đã nhập thể làm người, đến để hiện diện, chia sẻ phận người, để vực con người dậy từ hậu quả của tội lỗi, từ trong đau khổ, thất vọng, bệnh tật, đói khổ. Ngài là Đấng “Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để niềm hy vọng được khơi dậy trong con vì một Thiên Chúa quyền năng đã đến ở lại với con. Ngài yêu thương và đồng hành với con trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Không chỉ vậy, con cảm nghiệm được cả Chúa Cha, Thánh Thần cũng đã cùng với Chúa Con đi vào trần gian, cùng “quằn quại”, “nặng lòng” như điều con đã cảm nhận nơi mỗi người cha, người mẹ, mỗi người chị em trong cộng đoàn của chúng con. Xin Chúa giúp con sống từng giây phút trong cuộc sống với lòng biết ơn, nhạy bén trước lời mời gọi của Thiên Chúa qua tha nhân vì con biết mình không lẻ loi, nhưng con được thuộc về Chúa, thuộc về Hội Dòng, về gia đình và mọi người mà con có cơ hội gặp gỡ và phục vụ.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 1 & 2 năm 2022)

LỊCH PHỤNG VỤ