Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa chúng ta (Bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi)

24/05/2018

Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa chúng ta (Bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi)

Mảnh đất Do Thái được mệnh danh là nơi có "Một Thiên Chúa, một Đức tin và ba lời cầu nguyện". Nơi đây có người Do Thái, người Hồi giáo và người Kitô giáo. Cả ba tôn giáo này đều thờ Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình cho Abraham, Isaac và Giacóp (Một Thiên Chúa), cả ba đều tin Ngài là Đấng sáng tạo, là Cha chung của gia đình nhân loại và đang hiện diện giữa nhân loại (một Đức tin) nhưng ba tôn giáo này lại có ba cách thức diễn tả đức tin và cầu nguyện khác nhau (Ba lời cầu nguyện). Riêng đối với tín hữu Kitô, chúng ta tin vào Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, nhưng chúng ta cầu nguyện qua trung gian Đức Giêsu, vì chính nhờ Đức Kitô mà con người được gặp gỡ Chúa Cha. Đây là điểm khác biệt giữa giáo lý Kitô giáo và hai tôn giáo vừa nêu trên. Khi lần bước tìm hiểu suy tư về Đấng mình tin tưởng, người Kitô giáo tin rằng Thiên Chúa không đơn độc, nhưng gồm ba ngôi vị, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng đức tin của chúng ta.

Khi đọc ba bài đọc được đề nghị cho thánh lễ năm B, chúng ta thấy Bài đọc I diễn tả quyền năng của Thiên Chúa Cha; Bài Tin Mừng cho thấy quyền năng của Chúa Con (Thày đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất…); Bài đọc II cho thấy vai trò của Chúa Thánh Thần. Tìm hiểu sâu hơn, chúng ta lại thấy Chúa Cha là Chủ lịch sử; Chúa Con là Đấng Thiên Sai; Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn và ban cho con người niềm vui. Nếu Chúa Cha là Đấng Sáng tạo để đưa con người và vạn vật thoát khỏi hư vô, thì Chúa Con là Đấng Cứu độ dẫn đưa con người thoát khỏi tối tăm tội lỗi, và Chúa Thánh Thần dẫn đưa con người khỏi cảnh nô lệ sợ sệt. Như vậy, con người là đối tượng yêu thương của Chúa Ba Ngôi, là tác phẩm tay Ngài tạo dựng và là tạo vật tay Ngài chăm sóc.

Đối với khá nhiều người tín hữu, nói đến Chúa Ba Ngôi là nói đến một huyền nhiệm bí ẩn không thể suy thấu, và như vậy, mầu nhiệm này cũng không liên quan và ảnh hưởng gì đến đời sống của họ. Đây là một lối suy nghĩ hạn hẹp, thậm chí sai lầm. Chúng ta cần phải thoát ra khỏi quan niệm ấy, để tiến sâu vào mầu nhiệm này, là căn bản cốt lõi của đời sống đức tin.

Như đã nói trên, việc tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất là Cha, và Con, và Thánh Thần, là nét đặc trưng riêng biệt của đức tin Kitô giáo. Trải qua nhiều thời đại, con người đang đi kiếm tìm Thượng đế. Khi trình bày quan niệm về tôn giáo, con người thường có khuynh hướng đánh đồng các tôn giáo và coi các vị Thần linh đều giống nhau, nếu có khác biệt là chỉ do chí hướng của con người. Không phải vậy, khởi đi từ truyền thống Do Thái, mạc khải Kitô giáo nhận ra Đấng luôn quan tâm chăm sóc dân riêng của Ngài là Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô. Ông Mô-sê đã hỏi dân: "Có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã giang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?" (Bài đọc I). Kitô giáo đã nhận ra nơi Thiên Chúa của Israel là Cha của Đức Giêsu và là Cha của gia đình nhân loại. Ngài đã chọn một dân riêng, đã luôn trung thành với dân này, dù nhiều lần họ phản bội. Ngài là Đấng đã tự mạc khải cho Abraham, Mô-sê và cho dân qua trung gian các ngôn sứ. Ngài không phải là một vị Thiên Chúa dửng dưng với nỗi đau của con người và tất cả những gì đang xảy ra trong cuộc sống. Ngài vừa là Vua, Đấng Cứu độ, Mục tử, Hôn phu và là Cha. Đương nhiên, những danh xưng này mang ý nghĩa đặc biệt và tượng trưng, chứ không theo quan niệm trần tục. Ngài thân thiết đặc biệt với dân Ngài đến nỗi mặc lấy xác thịt để ở cùng con người và chung chia thân phận phàm nhân với họ. Trong Chúa Giêsu Kitô thành Nazareth, Thiên Chúa đã "cắm lều" giữa nhân loại và cũng qua Người, Thiên Chúa đổ tràn Thánh Thần của Ngài như dòng nước tắm mát trần gian và làm cho đất đai đâm chồi nảy lộc, vũ trụ xinh tươi. Trên đây là những hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một câu chuyện xa xôi ở trên tít tầng trời cao không có liên hệ gì đến chúng ta. Trái lại, Mầu nhiệm Ba Ngôi thấm nhuần cuộc đời chúng ta và biến đổi từng ngày để giúp chúng ta được biến đổi tới mức vẹn toàn.

Được thanh tẩy nhân danh Chúa Ba Ngôi, chúng ta cũng được tháp nhập vào mối liên hệ đặc biệt này. Bí tích Thanh tẩy làm cho chúng ta được tham dự vào đời sống nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, dìm sâu chúng ta trong biển tình yêu lai láng, để rồi từ nay, chúng ta luôn ý thức mình là con Thiên Chúa, ngay chính trong hiện hữu và những hoạt động của mình.

Khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta chúc tụng quyền năng cao cả của Chúa, không chỉ là quyền năng trong mối liên hệ nội tại giữa Ba Ngôi, nhưng còn là quyền năng thông ban cho con người tình yêu thương, để làm cho con người được canh tân đổi mới và thánh hóa. Hãy nhận ra Chúa Ba Ngôi luôn yêu thương và hiện diện giữa chúng ta, để trọn vẹn đời sống chúng ta đều quy hướng về Ngài, nhờ đó chúng ta nên thánh ngay trong cuộc sống hôm nay.

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: Giáo phận Hải Phòng

LỊCH PHỤNG VỤ