Thánh Jean Charles Cornay - Tân, tử đạo ngày 20 tháng 9 năm 1837

19/09/2022

Thánh Jean Charles Cornay - Tân, tử đạo ngày 20 tháng 9 năm 1837


Thánh

JEAN CHARLES CORNAY - TÂN

Linh mục Hội Thừa Sai Paris (1809 - 1837)

Ngày tử đạo: 20 tháng 9

Ví bằng không có thể lãnh nhận phép Giải tội được, thì tôi trông cậy rằng: Đức Bà sẽ liệu cho tôi được ăn năn tội cho trọn, còn phép Xức dầu thì sẽ được thay thế bằng lát gươm nơi pháp trường.

Thánh Jean Charles Cornay sinh ngày 28-02-1809 tại thành Loudun, tỉnh Vienne, nước Pháp. Cha mẹ là người giàu sang và có lòng đạo đức. Cậu Jean Cornay vào tiểu chủng viện ở Montmorillon, tỉnh Vienne trong vùng Nouvelle-Aquytaine, nước Pháp. Sau đó cậu vào Đại chủng viện Hội Thừa Sai Paris (MEP).

Khi thầy Jean Cornay chịu chức phó tế, bề trên sai người đi giảng đạo ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa. Nhưng quan quân tỉnh Tứ Xuyên canh giữ ngặt quá, không cho các thừa sai vào, nên bề trên đã bảo thầy Jean Cornay qua nước Đại Nam cho dễ đi qua Tứ Xuyên. Thầy Jean Cornay đến nước Đại Nam cùng lượt với Đức cha Liêu và hai linh mục thừa sai khác. Thế nhưng có sự cố khiến thầy Jean Cornay không đi Tứ Xuyên được. Thầy vào Nam có ý gặp Đức cha Du và chịu chức linh mục, sau đó giáo dân gọi người theo tên Việt là Cố[1] Tân.

Linh mục Jean Cornay là người hiền lành thật thà, khiêm nhường, chẳng mất lòng người nào, ai ai cũng quý phục.

Trong làng Bầu Nọ, Nộ Lực có tướng cướp tên là Đúc[2], bị giáo dân bắt nộp cho quan và bị giam ở Sơn Tây. Khi được tha, để trả thù, tên Đúc chôn súng gần nhà xứ rồi báo quan rằng có linh mục người Tây ở làng, có cả vũ khí và thường đi lại với giặc Pháp.

Quan liền đem 1.500 lính để bắt linh mục Cornay - Tân. Quan sai đóng gông cha Tân và bắt trói bốn mươi người có mặt ở đấy. Khi cha Tân vào công đường, có ba quan lớn ngồi tra hỏi. Khởi đầu, quan hỏi cha đã đến Đại Nam được mấy năm, lúc sang đi tàu Tây hay tàu khách, đã trú nhà ai, địa phận mình rộng bao nhiêu... Khi quan hỏi: “Sao thầy ở nước Tây sang chiếm lấy nước này?”, cha Tân thưa rằng: “Tôi chỉ sang giảng đạo mà thôi”.

Khi vua Minh Mạng nhận được án từ các quan tỉnh Sơn Tây thì đã khép cho linh mục Tân án xử lăng trì như là một tướng giặc Pháp, cho dù cha Tân không nhận thông gian với giặc Pháp.

Khi biết tin mình đã có án xử lăng trì, cha Tân viết thư cho cha Phan – linh mục thừa sai: “Tôi đã mừng rỡ vì những lời tôi đã được nghe thấy. Tôi sẽ được vào nhà Đức Chúa Trời… Tôi ao ước được xưng tội lắm, Cha có liệu cho tôi được ăn mày phép Giải tội không? Mà ví bằng không có thể được… thì tôi trông cậy rằng: Đức Bà sẽ liệu cho tôi được ăn năn tội cho trọn, còn phép Xức dầu thì sẽ được thay thế bằng lát gươm nơi pháp trường”.

Ngày 20-9-1837, cha Tân bị điệu ra pháp trường Năm Mẫu. Lính mang thẻ án viết như sau: “Tên Tân, tiếng Tây quen gọi là Jean Charles Cornay, là người ở thành Loudun, trong nước Pháp, bị tội vì là trưởng đạo và là tướng giặc. Vua ra án truyền cho nó phải xử lăng trì, bêu đầu ba ngày rồi bỏ xuống sông. Án này làm gương cho hết mọi người biết mà sợ”.

Về sau, thân thể thánh nhân được hợp lại với nhau và được chôn tại nhà dòng Mến Thánh Giá Chiếu Ứng.

Linh mục thừa sai Jean Cornay - Tân được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ




[1] Cố: từ xưng hô với linh mục thừa sai.

[2] Một số tài liệu ghi tên là Đức, nhưng trong tài liệu bản Nôm thì tên đúng là Đúc (𨯹).

LỊCH PHỤNG VỤ