Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh - Tháng 12/2010, Tuần 3

06/12/2010

Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh - Tháng 12/2010, Tuần 3


12.2 GIÁO HỘI VIỆT NAM QUAN TÂM

ĐẾN HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI VÀ DẤN THÂN XÃ HỘI

A. TRÌNH BÀY

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI xác quyết thật rõ ràng hoạt động bác ái là trách vụ thiết yếu của Giáo Hội. Giáo Hội đang đồng hành với một thế giới còn dẫy đầy đau thương. Ngài cho thấy tầm quan trọng của việc thực hành đức ái của Giáo Hội: “Trải qua năm tháng, với sự tăng trưởng dần dần của Giáo Hội, việc thực thi bác ái được xác nhận như một lĩnh vực căn bản cùng với việc ban phát các bí tích và việc rao giảng Lời Chúa: việc thực thi bác ái đối với các quả phụ và trẻ mồ côi, với các tù nhân, bệnh nhân và người túng thiếu dưới mọi hình thức, thuộc về bản chất của Giáo Hội cũng y như việc phục vụ bí tích và rao giảng Tin Mừng. Giáo Hội không thể chểnh mảng trong việc thực thi bác ái cũng như không thể chểnh mảng với bí tích và Lời Chúa” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, 22).

Trong dòng lịch sử dân tộc, Giáo Hội Việt Nam bằng nhiều cách trong những thời gian khác nhau đã góp phần tích cực vào việc chăm sóc, an ủi những kẻ bất hạnh nhất, bị bỏ rơi và bị gạt ra bên lề xã hội. Dù vậy, Giáo Hội tại Việt Nam vẫn còn nhiều điều để làm trong lãnh vực này. Chúng ta cần suy nghĩ để các hoạt động bác ái này không còn mang tính chất riêng lẻ và của từng cá nhân hay từng giáo phận, nhưng được điều hành chung trong toàn thể Giáo Hội Việt Nam. Nhất là, chúng ta cần suy nghĩ để làm sao bác ái, vốn là một nhiệm vụ không thể bỏ qua của Giáo Hội, được thực thi với tấm lòng của Thiên Chúa, với tình yêu mỗi ngày một ân cần hơn, vì người nghèo cần được yêu thương trước cả khi cần một nhu cầu vật chất. Ta có thể nói nếu Giáo Hội là cộng đoàn bác ái, thì hoạt động bác ái là một việc phục vụ thiêng liêng, chứ không chỉ là công việc thuần túy kỹ thuật là phân phát vật chất.

Dẫu có một lòng đạo mạnh mẽ, các tín hữu Việt Nam vẫn còn yếu kém trong ý thức xã hội. Ý thức phục vụ công ích, tôn trọng luật lệ chung, cổ xúy nếp sống văn minh, gìn giữ môi trường còn nhiều hạn chế. Chiều kích cộng đoàn và xã hội của đức tin cũng chưa được nổi bật nơi các tín hữu Việt Nam. Chính vì thế, định hướng của Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng phải soi sáng Giáo Hội Việt Nam về việc phục vụ công ích, dấn thân xã hội. Giáo Hội Việt Nam cần làm sao để mọi thành phần dân Chúa đều biết học thuyết của Giáo Hội Công giáo về xã hội. Đó sẽ là chỉ nam cho các môn đệ Đức Kitô trong xã hội hôm nay cũng như mai ngày.

     Giáo Hội Việt Nam chắc chắn không làm chính trị đảng phái, cũng không áp đặt quan điểm của mình trên những ai không muốn tiếp nhận đức tin. Nhưng Giáo Hội cũng không đứng bên lề xã hội và không thể làm ngơ trước những vấn đề của đất nước; trái lại Giáo Hội có bổn phận làm cho các tín hữu ý thức mạnh mẽ về chiều kích xã hội và chính trị của đức tin Kitô hữu, cũng như giúp họ chọn thái độ sống đúng đắn đối với xã hội. Vì vậy, các tín hữu phải có khả năng sống theo sự thật, bình thản và xác tín trả lời cho những ai chất vấn về đức tin và niềm hy vọng của mình. Họ phải cổ xúy tinh thần cộng tác với những ai thiện chí, bất kể tôn giáo, quan điểm, để lo cho công ích (Đề Cương 40.41).

B. HỎI-ĐÁP

1- H. Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, hoạt động bác ái của Giáo Hội có một tầm quan trọng như thế nào?

T. Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, việc thực thi bác ái thuộc về bản chất của Giáo Hội y như việc phục vụ bí tích và rao giảng Tin Mừng.

2- H. Trong lãnh vực hoạt động bác ái, Giáo Hội Việt Nam cần canh tân những gì?

T. Trong lãnh vực hoạt động bác ái, Giáo Hội Việt Nam phải làm thế nào để các hoạt động bác ái không còn mang tính chất riêng lẻ của từng cá nhân hay từng giáo phận nhưng của toàn thể Giáo Hội, không chỉ là hoạt động xã hội nhưng còn là nghĩa vụ yêu thương cần được thực thi với tấm lòng của Thiên Chúa, không chỉ là việc phân phát vật chất nhưng còn là việc phục vụ thiêng liêng.

3- H. Trong lãnh vực dấn thân xã hội, Giáo Hội Việt Nam cần canh tân những gì?

T. Trong lãnh vực dấn thân xã hội, Giáo Hội Việt Nam phải nâng cao ý thức xã hội nơi các tín hữu bằng cách giúp họ hiểu học thuyết của Giáo Hội Công giáo về xã hội.

4- H. Trong lãnh vực dấn thân chính trị, Giáo Hội Việt Nam có lập trường như thế nào?

T. Giáo Hội Việt Nam không làm chính trị đảng phái, cũng không áp đặt quan điểm của mình trên những ai không muốn tiếp nhận đức tin. Nhưng Giáo Hội cũng không đứng bên lề xã hội và không làm ngơ trước những vấn đề của đất nước; trái lại Giáo Hội có bổn phận giúp các tín hữu ý thức mạnh mẽ về chiều kích xã hội và chính trị của đức tin Kitô giáo, cũng như giúp họ chọn thái độ sống đúng đắn đối với xã hội.

5- H. Để dấn thân xã hội, các tín hữu phải có những khả năng nào?

T. Để dấn thân xã hội, các tín hữu phải có khả năng sống theo sự thật, bình thản và xác tín trả lời cho những ai chất vấn về đức tin và niềm hy vọng của mình, đồng thời cổ xúy tinh thần cộng tác với những ai thiện chí, bất kể tôn giáo, quan điểm, để lo cho công ích.

C. GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Giáo xứ của bạn tham gia vào các hoạt động bác ái và xã hội như thế nào? Việc tham gia đó tác động thế nào trên đời sống đức tin của cá nhân người Kitô hữu cũng như của cộng đoàn?

2. Giáo xứ của bạn đánh giá như thế nào về ý thức xã hội của các thành viên? Các thành viên của giáo xứ có tích cực mưu cầu công ích không? Giáo xứ có phương sách nào để giúp họ tăng trưởng ý thức về xã hội, về công lý và hoà bình?

3. Để dấn thân xã hội, các tín hữu phải có khả năng sống theo sự thật và trả lời cho những ai chất vấn về đức tin và niềm hy vọng của mình, đồng thời cổ xúy tinh thần cộng tác với những ai thiện chí, bất kể tôn giáo, quan điểm, để lo cho công ích. Để trang bị cho mình khả năng này, theo bạn, người Kitô hữu phải làm gì?


LỊCH PHỤNG VỤ