Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2011: Tìm chân lý trong tự do

02/04/2011


WHĐ (02.04.2011) – Như mọi năm, vào dịp đại lễ Phật Đản Vesakh / Hanamatsuri của Phật giáo, Hội đồng Tòa Thánh đặc trách Đối thoại Liên tôn đều gửi một Sứ điệp cho các Phật tử trên thế giới để chúc mừng và chia sẻ tâm tình, suy nghĩ về một đề tài. Sứ điệp năm nay 2011 vừa được công bố ngày 31-03 với chủ đề: “Tìm chân lý trong tự do: Các Kitô hữu và Phật Tử sống chung hòa bình”.

Đại lễ Phật Đản Vesakh là lễ hội chính của các Phật Tử nhằm ghi dấu 3 biến cố trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, đó là ngày Đức Phật đản sinh, ngày Đức Phật giác ngộ đại thành chính quả và ngày Đức Phật tịch diệt trong cùng ngày. Theo truyền thống, đại lễ này thường được tổ chức vào ngày rằm tháng tư âm lịch hằng năm.

Sau đây là toàn văn Sứ điệp:


HỘI ĐỒNG TOÀ THÁNH VỀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

SỨ ĐIỆP GỬI QUÝ PHẬT TỬ NHÂN DỊP ĐẠI LỄ VESAKH
Năm 2011 - Phật lịch 2555

“Tìm chân lý trong tự do: Các Kitô hữu và Phật Tử sống chung hòa bình”

Thành phố Vatican

Các bạn Phật tử thân mến,

1. Nhân danh Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Đối thoại Liên Tôn, một lần nữa, tôi rất sung sướng gởi tới các Bạn những lời chào chúc chân thành mới của tôi nhân dịp lễ Phật Đản Vesakh/Hanamatsuri. Tôi cầu nguyện cho lễ Phật Đản hằng năm này sẽ mang lại cho các Bạn Phật Tử trên toàn thế giới sự thanh thản và niềm vui.

2. Cũng như trong quá khứ, với phong cách một cuộc trao đổi thân tình, tôi muốn chia sẻ với các Bạn một số những xác tín của chúng tôi, trong niềm hy vọng sẽ củng cố hơn nữa mối liên hệ giữa hai cộng đồng của chúng ta. Trước tiên, chúng tôi nghĩ tới mối quan hệ trong hòa bình, chân lý và tự do. Muốn được tự do chân chính cần phải dấn thân tìm kiếm chân lý. Theo nhiên luật, mọi người đều có bổn phận tìm kiếm chân lý, theo đuổi chân lý và được tự do sống theo chân lý (x. Công đồng chung Vatican II, Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo: Dignitatis Humanae, số 1). Việc hướng tới chân lý cống hiến cho các tín đồ của các tôn giáo khác nhau cơ hội gặp gỡ sâu rộng hơn và tôn trọng những đặc sủng riêng của nhau hơn.

3. Trong thế giới được ghi dấu bằng những hình thức tục hóa (sécularisme) và cực đoan (fondamentalisme) ngày nay, thường có khuynh hướng thù nghịch với sự tự do chân chính và những giá trị tinh thần, việc đối thoại liên tôn có thể là một lựa chọn khác, qua đó chúng ta tìm được “đường lối hoàng vương” cho cuộc sống chung hòa bình và cùng nhau làm việc để mưu cầu công ích. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “đối với Giáo Hội, việc đối thoại với các tôn giáo khác cung cấp cho chúng ta một phương thế quan trọng để cùng nhau cộng tác hầu đem lại lợi ích chung cho mọi cộng đồng tôn giáo” (Sứ điệp cho ngày Hòa Bình thế giới 2011, số 11). Một cuộc đối thoại như thế cũng sẽ là một thúc đẩy mạnh mẽ giúp tôn trọng những quyền căn bản của con người liên hệ tới sự tự do lương tâm và tự do thờ phượng. Bất cứ nơi đâu sự tự do tôn giáo được công nhận cách hữu hiệu, thì ở đó các quyền căn bản về phẩm giá của nhân vị cũng được tôn trọng; nhờ sự thành thực đi tìm những gì là chân thật và tốt lành, lương tâm luân lý và nhửng cơ cấu dân sự sẽ được củng cố; và sự công chính và nền hòa bình sẽ được xây dựng cách vững chắc (x. Ibid. số 5).

4. Các Bạn Phật Tử thân mến, tôi cầu xin cho việc cử hành ngày Phật Đản của các Bạn trở thành một nguồn suối thiêng liêng phong phú và một hứng khởi mới cho việc tra tìm chân lý và những điều tốt đẹp, để chứng tỏ lòng thông cảm với những người đang gặp khổ đau cũng như để cùng nhau nỗ lực làm cho cuộc sống chung được hài hòa. Một lần nữa, xin cho phép chúng tôi được gởi tới các Bạn lời chào chân tình và chúc tất cả các Bạn một lễ Phật Đản Vesakh/Hanamatsuri hạnh phúc.

Hồng Y Jean-Louis Tauran,
Chủ tịch

Tổng Giám mục Pier Luigi Celata
Thư ký

Chuyển ngữ: Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn TGP. Sài Gòn

LỊCH PHỤNG VỤ