ĐCV Đà Lạt

30/11/2017

ĐCV Đà Lạt


ĐẠI CHỦNG VIỆN MINH HOÀ ĐÀ LẠT



Đại chủng viện Minh Hòa Đà Lạt
 
I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
1. Tiểu chủng viện Simon-Hòa (1962-1980)
Ngay sau ngày nhận Giáo phận Đà Lạt vừa được thiết lập, Đức cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục tiên khởi Giáo phận, đã gửi thư đến cộng đồng Dân Chúa nói lên mối ưu tư “bảo đảm cho tương lai Giáo phận nhiều linh mục thánh thiện và đầy đủ khả năng làm việc tông đồ”. Vì chưa thiết lập ngay được cơ sở tiểu chủng viện, nên 44 tiểu chủng sinh ban đầu được gửi học tại Tiểu chủng viện Tân Thanh thuộc Giáo phận Thanh Hóa di cư, vào niên khóa 1961-1962.

Sang niên khóa 1962-1963, Giáo phận đã mượn nhà của ông bà Farrault tại Chi Lăng để bắt đầu sinh hoạt của một Tiểu chủng viện mang tên Simon-Hòa, một Chân phước (thời đó gọi là Á Thánh) giáo dân tử đạo, với 2 lớp đệ thất và đệ bát. Các tiểu chủng sinh học tại nhà theo chương trình trung học và được cấp học bạ của Trường tư thục Trí Đức. Bên cạnh việc học, các chủng sinh còn được đào luyện về đạo đức phù hợp với đời sống theo Chúa, thêm các môn học cần thiết là La văn và sinh ngữ. Tại đây, hằng năm vẫn có chiêu sinh lớp mới cho đến cuối niên khóa 1965-1966.

Sau khi được cấp đất xây dựng cơ sở, và sau hơn một năm thi công, ngày 23.02.1967, Tiểu chủng viện Simon Hòa chính thức khai giảng niên khóa 1966-1967 tại Đa Thiện.

Niên khóa 1968-1969 khai giảng ngày 03.08.1968 với đầy đủ các lớp bậc trung học. Một dãy nhà xây được làm thêm để có chỗ cho 54 chủng sinh nhỏ nhất thuộc lớp 6 (Mông Triệu). Từ đây, Tiểu chủng viện chuẩn bị để thiết lập trường tư thục riêng mang tên Thụ Nhân.

Vì không muốn có một năm dự bị đệ thất (“đệ bát”), nên từ niên khóa 1968-1969, hai lớp thứ năm (Têrêsa) và thứ sáu (Các thánh Tử đạo Việt Nam) được chuẩn bị để nhập chung khi bước vào đệ nhị cấp, lớp 10, trong niên khóa 1970-1971. Cũng từ niên khóa này, bên cạnh Tiểu chủng viện Simon-Hòa, còn có Đại Chủng viện Đà Lạt, mượn cơ sở của Biệt thự Thánh Tâm. Tại đây, các thầy bắt đầu chương trình Đại chủng viện với việc theo học tại Đại học Đà Lạt, để sau chu kỳ triết học, các thầy có thể lãnh bằng cử nhân.

Niên khóa 1972-1973 được ghi dấu bằng kỷ niệm 10 năm thành lập. Thêm vào số sinh hoạt của Tiểu chủng viện, có chương trình sinh hoạt hiệu đoàn, phối hợp những sinh hoạt của các phong trào Hùng tâm Dũng chí, Thiếu nhi Thánh Thể và Hướng đạo, giúp cho chủng sinh có những kỹ năng sinh hoạt căn bản khi đi giúp xứ; có chương trình giao lưu với các học viện và chủng viện khác trên Đà Lạt, chủ yếu qua các buổi tranh tài thể thao.

Bước vào niên khóa 1973-1974, Đức cha Simon-Hòa lâm trọng bệnh và qua đời ngày 05.9.1973. Từ đây, các chủng sinh mất đi một người cha. Dầu sao, mối quan tâm và ước muốn của Đức cha  là các linh mục tương lai biết sống tinh thần đơn sơ, nghèo khó… vẫn luôn được gia đình Simon-Hòa ghi nhớ.

Tháng 3.1975, Giáo phận đón chào vị Chủ chăn mới sau một thời gian dài hơn một năm “trống tòa” (05.9.1973 – 19.3.1975)

2. Đại chủng viện Minh-Hòa (1972-1980)

Như đã nói trên, niên khóa 1968-1969 kết thúc với việc các chủng sinh đầu tiên thuộc lớp Giuse tốt nghiệp chương trình trung học và được gửi học tại các Đại chủng viện: có 6 thầy đi du học ngoại quốc, 2 thầy học ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt và các thầy còn lại theo học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Vì tại Đà Lạt có Viện đại học công giáo, nên Đức cha Simon-Hòa đã quyết định cho các thầy cũng có thể theo học chương trình đại học, để thuận lợi hơn trong việc mục vụ, có thể đứng tên hiệu trưởng các trường tư thục khi đến phục vụ các giáo xứ sau này. Từ đây, khi mãn Tiểu chủng viện, các thầy tiếp tục ở lại Giáo phận để theo học Đại học và học một số môn tại Giáo hoàng Học viện.

Sau khi xây dựng xong cơ sở Đại chủng viện Minh-Hòa (tên ghép hai vị Tử đạo Việt Nam – á thánh linh mục Philipphê Phan Văn Minh và á thánh giáo dân Simon Phan Đắc Hòa) tại đồi Mục Đồng, Đa Thiện, vào giữa tháng 2.1972, các thầy lớp Phanxicô Xaviê và Mẹ Vô Nhiễm bắt đầu dọn về sống tại đây. Đây chính là Đại chủng viện Minh-Hòa của Giáo phận, nhưng vì lý do tế nhị, nên được gọi là “Cư Xá”.

Cũng như tại Tiểu chủng viện, vào ngày 20.3.1975 các thầy Đại chủng viện được lệnh giải tán… Bước vào giai đoạn mới, sinh hoạt tại Đại chủng viện cũng thay đổi. Không còn quy tụ đông đảo tại Đà Lạt, các thầy được chia về các trung tâm và giáo xứ.

Bắt đầu từ đây, sinh hoạt của Đại chủng viện được thích nghi với hoàn cảnh chung của đất nước. Không còn theo học Đại học, các thầy tập trung vào các môn thuộc chương trình triết học và thần học khi có giáo sư. Phải ghi nhận rằng tại Đà Lạt, các thầy có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn để được đào sâu về trí thức, có nhiều cha giáo dòng và triều sẵn sàng giúp…

Từ 1975 đến 1980, trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, có hai biến cố được nhiều anh em luôn ghi nhớ: việc Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm âm thầm truyền chức linh mục vào ngày 25.01.1977 cho 6 cha trẻ lớp Phanxicô Xaviê I, và việc 20 anh em (gồm Linh mục và đại chủng sinh) , trong đó có 5 anh em bên Tiểu chủng viện, lên đường đi thanh niên xung phong trong Tuần Thánh 1978. Trong thời gian anh em đi thanh niên xung phong, anh em ở nhà được phân chia đi làm tại các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ.

Nhìn lại thời gian này, mọi người đều nhận ra bàn tay quan phòng yêu thương của Chúa đã luôn che chở giữ gìn, để dầu có vất vả, gian khổ… anh em vẫn sống với nhau rất chân thành. “Ơn của Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).

3. Chủng viện Minh-Hòa (22.4.1980 đến nay)

Bước vào năm 1980, nhiều cơ sở tôn giáo tại Đà Lạt được bàn giao cho Nhà Nước quản lý, trong đó có hai Đại chủng viện là Giáo Hoàng Học Viện và Cư xá Minh Hòa.

Ngày 22.4.1980 các cha các thầy từ Đại chủng viện Minh-Hòa về lại mái trường Tiểu chủng viện. Từ đây nhà Simon-Hòa trở thành Chủng viện Minh-Hòa. Để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, cơ sở Chủng viện được sửa chữa thêm, nhưng nhìn đại cương, cơ sở Chủng viện vẫn duy trì những nét cũ.

Đáng ghi nhớ trong thời gian này là lễ mừng Ngân khánh linh mục của Đức cha Bartôlômêô (29.6.1982). Trước lễ mừng là tuần tĩnh tâm linh mục Giáo phận được tổ chức lần đầu tiên tại Chủng viện.

Đầu năm 1987, Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn mở cửa đón nhận các thầy thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn và 5 giáo phận khác: Mỹ Tho, Phú Cường, Phan Thiết, Xuân Lộc và Đà Lạt. Số thầy được chấp thuận gửi đi theo học chưa nhiều nhưng cũng mở ra một giai đoạn mới. Cũng năm này, sau một thời gian dài không được phép, vào tháng 8.1987, có hai lễ phong chức linh mục được chính thức tổ chức tại Đà Lạt và Bảo Lộc, làm cho các thầy còn lại cảm thấy một tương lai tốt đẹp hơn đang hé mở.

Để có những người tiếp nối các thầy đã đi tu từ trước năm 1975, thì vào cuối thập niên 80, Chủng viện bắt đầu nhận những em mới. Những em này, từ các giáo xứ hoặc đang theo học tại đại học Đà Lạt, được các cha giới thiệu, đến tập tu tại chủng viện một thời gian lâu hay mau tùy điều kiện và hoàn cảnh.

Ngày 22.4.1994 Tòa Thánh loan tin Đức cha Bartôlômêô được bổ nhiệm làm Giám mục Thanh Hóa và Đức cha phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn kế vị. Trước khi lên đường nhận Giáo phận, ngày 31.5 Đức cha đã đến Chủng viện dâng lễ tạ ơn. Tại đây, ngài nhắn nhủ anh em hãy giữ lấy truyền thống của Minh Hòa, nơi “toát ra một bầu khí đạo đức, hiếu khách và hiếu học”.

Khóa đầu tiên thuộc “thế hệ mới” ra trường vào tháng 9.1993 đã hình thành tiến trình đào tạo mới là “tiền chủng viện”. Bước đầu các ứng sinh được giới thiệu đến Chủng viện để tìm hiểu. Vào các năm lẻ, Chủng viện tổ chức thi tuyển với số được chọn từ 15 đến 20 người. Các em trúng tuyển vào sinh sống tại Chủng viện hai năm. Ngoài các giờ đạo đức và thiêng liêng, hằng ngày các em có giờ lao động và học tập về Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, Dẫn vào Kinh Thánh, Dẫn vào triết học, sinh ngữ, cổ ngữ, nhân bản và tu đức… chuẩn bị cho chương trình đại chủng viện. Kết thúc thời gian đào tạo hai năm, các em được mặc áo soutane để thành chủng sinh của Giáo phận.

Tháng 5.2010, Đức Cha Phêrô được bổ nhiệm Tổng giám mục phó Hà Nội, Giáo phận lại trống tòa. Ngày 17 tháng 3 năm 2011, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương nhận Giáo phận, sau khi được Đức thánh cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Giám mục giáo phận Đà Lạt.

Sau vài năm xem xét, Đức cha Antôn Giám mục Giáo phận đã tái lập Đại chủng viện Đà Lạt nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của Giáo phận với số tín hữu dân tộc bản địa (Thượng). Đức Cha Antôn đã xin mở Đại Chủng viện Minh Hòa Đà Lạt như cơ sở 2 của Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi giấy phép của Chính phủ, Chúng viện đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho phép bắt đầu sinh hoạt từ niên khóa 2014-2015 như lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Khi quyết định thành lập Chủng viện, Đức cha đã đề ra định hướng nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của Giáo phận đó là: một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng vụ, một cộng đoàn bác ái yêu thương … hướng tới lòng nhiệt thành cộng tác truyền giáo, đặc biệt cho anh chị em dân tộc bản địa (Thượng).

4. Kết quả đào tạo

Kể từ khi thành lập đến nay, chủng viện đã được trên 170 linh mục phục vụ trong và ngoài giáo phận.

II. NHÂN SỰ

Ban Giám đốc và Đào tạo:

   - Cha Micae Trần Đình Quảng, giám đốc
   - Cha Giuse Nguyễn Đức Cường, phó giám đốc
   - Cha Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm, giám học
   - Cha Phêrô Nguyễn Văn Điệp, linh hướng
   - Cha Đaminh Nguyễn Mạnh Sơn, quản lý
   - Cha Đaminh Nguyễn Quốc Việt, phụ trách lớp tiền-chủng-viện

Niên học 2017-2018 Đại Chủng viện có 52 chủng sinh, thuộc 3 lớp : Tu đức, Triết 2 và Năm thử, trong đó có 8 thầy thuộc tu hội Nhập thể - Tận hiến – Truyền giáo (ICM).

III. CÁC VỊ GIÁM ĐỐC TIỀN NHIỆM
  1. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (1972-1975)
  2. Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc (1975-1996)
  3. Cha Micae Trần Đình Quảng (1996-nay).
IV. KẾ HOẠCH - HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Theo sát chương trình được đề ra trong Ratio “Đào tạo Linh mục: Định hướng và chỉ dẫn” được Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành năm 2012, cùng với định hướng nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể được Đức giám mục Giáo phận đề ra, Chủng viện nỗ lực xây dựng thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng vụ, một cộng đoàn bác ái yêu thương … hướng tới lòng nhiệt thành cộng tác truyền giáo, đặc biệt cho anh chị em dân tộc bản địa với các sắc dân Kơhô, Churu…

V. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC

     -  Địa chỉ: Đại Chủng viện Minh Hòa, 59 Vạn Kiếp, P. 8, Đà Lạt
     -  Điệt thoại: 02633823296
     -  Email:
micquang@gmail.com (Cha Micae Trần Đình Quảng - Giám đốc ĐCV)  
 
Đại Chủng Viện Đà Lạt
Cập nhật ngày 20/11/2017
 
 
 
TIN LIÊN QUAN
LỊCH PHỤNG VỤ