Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay

21/05/2009

Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay

Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay

Dẫn nhập

Trong số những thành tựu quan trọng nhất mà loài người đạt được trong thời gian gần đây, những phát triển nhảy vọt của các kỹ thuật truyền thông là một hiện tượng gây kinh ngạc và có những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Bên cạnh sự cải tiến không ngừng về tốc độ, dung lượng và tính đa dạng, các phương tiện truyền thông tăng nhanh khả năng chuyển tải lẫn chất lượng kỹ thuật của chúng. Những thay đổi ấy làm cho các phương tiện truyền thông có khả năng lan xa và thấm sâu, làm thay đổi cả bản chất của xã hội cũng như đời sống tâm lý, các chuẩn mực văn hoá và những thói quen của con người.

Trong sứ điệp gởi cho toàn thế giới nhân ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43, với chủ đề được chọn là “Các kỹ thuật công nghệ mới, các tương quan mới - Khuyến khích một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại, tình bạn”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến tiềm năng phi thường của những phương tiện mới này khi chúng có thể được sử dụng để tạo điều kiện thúc đẩy sự hiểu biết và tình liên đới của con người: “Những công nghệ kỹ thuật như thế là một ân huệ đích thực cho nhân loại: bởi thế, chúng ta phải làm sao để những thuận lợi mà chúng mang lại được phục vụ hết thảy mọi người và mọi cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo túng và những người dễ bị thương tổn nhất.1

Tuy nhiên có thể nói rằng hiện nay rất nhiều phương tiện truyền thông mới mẻ đang len lỏi khắp nơi và trong lúc đem lại cho con người những cơ hội để có một cuộc sống tốt hơn, chúng cũng đặt ra rất nhiều thách đố cho con người. Những khoảng cách về không gian và thời gian đang bị thu hẹp và trở nên tương đối. Một thế giới ảo đầy hấp dẫn đang  mở rộng và đan xen với thế giới thực, gây nên những ảo tưởng dẫn đến nhiều đổ vỡ và các vấn đề chưa từng có trước đây. Các mối giao tiếp giữa con người với nhau và những vấn đề liên quan đến tình bạn, tình yêu hay các quan hệ xã hội thời hiện tại đều có nhiều gắn kết với các phương tiện truyền thông hiện đại, khiến chúng trở thành một loại kỹ thuật công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ khi loài người xuất hiện. Thế nhưng kỹ thuật công nghệ không hoàn toàn tốt mà cũng không hoàn toàn xấu, vì nó hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách sử dụng của con người. Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43 có nói: “Nếu các công nghệ kỹ thuật mới phải phục vụ cho thiện ích của các cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng chúng phải tránh sự chia sẻ những lời nói và hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và như thế loại trừ những gì đang nuôi dưỡng lòng hận thù và sự bất bao dung, những gì làm giảm giá vẻ đẹp và sự sâu kín của giới tính con người, những gì khai thác những người yếu đuối và những người dễ bị thương tổn.” Thomas L. Friedman, tác giả quyển sách “Thế Giới Phẳng” (2006) đã nhấn mạnh đặc biệt vai trò của các phương tiện truyền thông như một trong những yếu tố căn bản nhất góp phần làm cho thế giới trở nên “phẳng” thông qua các loại tín hiệu kỹ thuật số, các chương trình Internet, điện thoại di động với nhiều chức năng mới, và nhiều hình thức lưu trữ, chuyển tải thông tin khác. Đàng khác, cuộc sống con người đang bị phụ thuộc vào chúng ngày càng nhiều hơn, và nhiều lãnh vực của đời sống như phẩm giá con người và các giá trị của cuộc sống đang có nguy cơ bị “biến chất” trầm trọng. Trong bài này, chúng ta cùng xem xét một số ảnh hưởng đáng lưu ý của các phương tiện truyền thông trong đời sống con người hôm nay.

1. Thế Giới Số và Ảo  - Một Không Gian Mới không có Biên Giới

Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43 cho thấy khả năng “xóa biên giới” của truyền thông hiện nay: “Sự dễ dàng tiếp cận với điện thoại di động và máy vi tính, được nối kết ở tầm mức thế giới và sự thâm nhập của Internet, đã tạo nên rất nhiều phương tiện gởi đi cách chớp nhoáng những ngôn ngữ và hình ảnh đến những nơi xa và cô lập nhất của thế giới: một khả năng không thể hiểu được đối với các thế hệ đi trước.” Nhờ có các thiết bị truyền thông di động (mobile communication), con người dù đang ở bất cứ đâu cũng có thể liên lạc giao tiếp với những anh chị em thuộc các phần khác của thế giới cách dễ dàng nhanh chóng. Nhưng các thiết bị ấy cũng dần dần có xu hướng chi phối luôn cả bản thân lẫn thói quen sinh hoạt của những người sử dụng. Đó không chỉ là những thiết bị liên lạc mà còn là phương tiện giúp quản lý cuộc sống, học tập, trao đổi kiến thức, kinh doanh thương mại, vui chơi giải trí và ngày càng có thêm nhiều chức năng khác nữa. Có thể nói cách khác là lần đầu tiên trong lịch sử, loài người đã phát minh ra thứ công nghệ mới có khả năng cầm giữ chính họ, với những thiết bị đã khiến cho họ không thể rời xa hoặc thiếu nó nữa. Hãy thử tưởng tượng xem nếu chỉ một ngày không có tất cả các thiết bị này thì thế giới chúng ta sẽ hỗn loạn ra sao! Các phương tiện truyền thông đang gây ảnh hưởng lớn lao và khuynh đảo cuộc sống khiến cho toàn nhân loại phải lo lắng đến một tương lai nơi con người có nguy cơ trở thành nạn nhân của máy móc và kỹ thuật nếu không ý thức về khả năng tự do phán đoánchọn lựa điều tốt hơn của mình.

Riêng mạng Internet – hay loại phương tiện truyền thông đa phương tiện – ngoài vô số thông tin giá trị và hữu ích thì còn có khả năng làm cho các khái niệm về không gian và thời gian trở nên tương đối, khiến nhiều người ngày càng xa rời thực tại. Những ví dụ diễn ra khắp nơi cho chúng ta thấy rằng Internet đang có một tác động vô cùng lớn lao trên đời sống con người, kể cả biến những điều có thật thành ảo và ngược lại. Nhiều người đang để cho mình bị bệnh “nghiền mạng” hành hạ, họ dành rất nhiều thời gian cho “chat” (tán gẫu trên mạng), cho “game on-line” (các loại trò chơi trên mạng), cho các “mối tình ảo”, các chương trình quảng cáo, giải trí “rẻ tiền” và nhiều loại thông tin “lá cải”, đó là chưa kể đến các nạn nhân của những trò gian lận, lừa đảo trên mạng, cờ bạc trên mạng, các chương trình khiêu dâm và bạo lực, thư nặc danh… Các phương tiện thông tin cũ chỉ nhằm xoá bỏ biên giới chính trị và thực hiện một sự hoà nhập tốt đẹp hơn. Nhưng với Internet, dự án không dám nói ra của việc xoá bỏ biên giới về văn hóa nhằm thống nhất cách suy nghĩ, hành xử và làm việc là một mục tiêu xem ra tốt đẹp, nhưng thực ra lại làm cho các nền văn hóa thống trị chi phối và lấn lướt toàn bộ thế giới. Các nền văn hóa yếu hơn sẽ không phải là “được hoà nhập” mà là “bị đồng hoá” trong một tiến trình “toàn cầu hoá mới”. Và điều đáng nói hơn cả, đó là một khuynh hướng không thể đảo ngược mà mọi người chỉ có thể tìm cách giảm thiểu mức độ tiến triển của nó.  

Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống truyền thông hôm nay khiến cho nhiều người trở nên ích kỷ hơn, chỉ lo thụ hưởng, chỉ quan tâm đến bản thân mình và xa rời những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, họ tầm thường hóa cả quan niệm về tình yêu và những kinh nghiệm tốt đẹp về tình bạn. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cảnh báo và chỉ rõ ra điều này: “Thật đáng buồn biết bao nếu ước muốn nâng đỡ và phát triển tình bạn on-line (qua internet) của chúng ta được thể hiện với giá phải hy sinh sự sẵn sàng của chúng ta cho gia đình, cho bà con thân thuộc của chúng ta và cho những người mà chúng ta gặp gỡ trong thực tế của đời thường, nơi làm việc của chúng ta, ở trường học, trong thời gian rảnh rỗi. Quả thế, khi ước muốn kết nối ảo trở nên ám ảnh, thì hậu quả là người ấy tự tách mình, cắt đứt một mối tương tác xã hội thực sự. Thậm chí điều đó cuối cùng phải làm xáo trộn thời gian nghỉ ngơi, thinh lặng và suy nghĩ cần thiết cho một sự phát triển nhân bản lành mạnh.” Thiết nghĩ các thành tựu của công nghệ kỹ thuật luôn mang tính chất trung tính, chính cách thức con người sử dụng các thành tựu này sẽ quyết định hiệu quả và ảnh hưởng của chúng đối với bản thân mình. Những người trẻ hôm nay là cư dân thường xuyên của hệ thống mạng, họ cần được hướng dẫn và khích lệ để tránh khỏi những ảnh hưởng nguy hại của nó. Và như thế, các vị lãnh đạo cũng như mọi thành phần khác nhau trong Giáo Hội cần tìm hiểu, nắm bắt vấn đề, học hỏi đào sâu lời của Vị Cha chung để biết cách hướng dẫn giới trẻ trong lãnh vực đầy phức tạp này.

2. Các Mạng Lưới Truyền Thông Mới và Khoảng Cách Số trong Xã Hội

Với những ứng dụng kỹ thuật mới mẻ hiện nay, mạng Internet đang hội tụ và thay thế cho tất cả các phương tiện truyền thông khác. Người ta có thể vào mạng để trao đổi với những người cách xa mình cả nửa vòng trái đất, để gọi điện thoại rất ít tốn kém mà thấy được người nghe, để có thể đọc các loại sách báo, để nghe nhạc hoặc các chương trình phát thanh, để xem phim hoặc các chương trình truyền hình của mọi kênh trên toàn thế giới, hay để thực hiện các loại giao dịch và tra cứu, cập nhật mọi loại thông tin mới mẻ nhất… Khi vào mạng, chỉ một cú  nhấp chuột (click mouse) là người ta có thể lướt (surf) qua nhiều trang thông tin khác nhau. Mạng còn được sử dụng cho các cuộc Hội nghị liên lục địa, các Dự án chung điều hành qua mạng, và các chương trình học từ xa (e-learning) ở mọi cấp. Sau khi đăng ký và đóng tiền qua mạng [nếu cần], chúng ta có thể trở thành thành viên chính thức và tham gia vào mọi hoạt động của tổ chức cách dễ dàng mà không cần bước ra khỏi nhà. Mạng cũng là kho lưu trữ các hệ thống kiến thức của cả nhân loại. Do đó mạng trở thành một công cụ tuyệt vời của truyền thông, trợ giúp đắc lực cho các hoạt động giao tiếp và giáo dục, phổ biến kiến thức và thông tin, nối kết và chia sẻ, công tác xã hội và rất nhiều các hoạt động công ích khác.2

Trên thế giới hôm nay đang xuất hiện rất nhiều những mạng lưới kỹ thuật số mới tìm cách khích lệ sự liên đới của con người, hòa bình và công lý, nhân quyền và lòng tôn trọng đối với sự sống và thiện ích của công trình tạo dựng. Các mạng lưới truyền thông này cộng góp khả năng và những thao thức tốt đẹp của những người thiện chí nhằm làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Trong sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận định: “Những mạng lưới này có thể tạo điều kiện dễ dàng cho những hình thức hợp tác giữa các dân tộc có bối cảnh địa lý và văn hóa khác nhau, bằng cách cho phép họ đào sâu nhân tính chung của mình và ý nghĩa của sự đồng trách nhiệm đối với thiện ích của hết thảy mọi người.” Tuy nhiên, Ngài cũng nhắc nhở mọi người cần phải lưu tâm làm sao để thế giới kỹ thuật số, nơi mà những mạng lưới như thế có thể được thiết lập, trở nên một thế giới mà mọi người thực sự có thể tiếp cận và được hưởng lợi từ nó. Điều này không dễ dàng chút nào khi con người chưa biết mở lòng ra với nhau và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Nhìn vào thực tế trên quê hương Việt Nam chúng ta, “khoảng cách số” rất lớn lao vẫn đang tồn tại trong xã hội hiện nay do những khác biệt về mức sống, tuổi tác, giới tính và các khả năng tiếp cận với các phương tiện truyền thông mới của mỗi người. Đó là khoảng cách vô hình giữa những người giàu thông tin và những người nghèo thông tin, khoảng cách này làm cho người nghèo càng phải chịu thêm nhiều thiệt thòi và bị lạm dụng. Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43 khẩn thiết kêu gọi: “Thật là thiệt hại nghiêm trọng cho tương lai nhân loại, nếu các phương tiện truyền thông mới cho phép chia sẻ sự hiểu biết và thông tin cách nhanh chóng và hiệu quả, lại không có thể tiếp cận đối với những người mà, về mặt kinh tế và xã hội, đã bị đẩy ra bên lề xã hội rồi hay nếu chúng chỉ đóng góp đào sâu thêm khoảng cách mà tách rời những người nghèo khỏi những mạng lưới mới được phát triển nhằm phục vụ thông tin và xã hội hóa con người.”

Lá thư Mục tử của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn gởi cho toàn Giáo phận TP. Hồ Chí Minh nhân ngày Quốc tế Truyền thông 24-5-2009 cũng có nhắc đến việc thành lập Ban Mục Vụ Truyền thông và kêu gọi sự liên đới của mọi thành phần dân Chúa trong việc tham gia vào truyền thông, nhờ đó bản thân các tín hữu cũng được trở nên phong phú hơn nhờ được thông truyền tri thức, tình yêu và sự sống mỗi ngày một nhiều hơn từ Thiên Chúa và mọi người trên hoàn cầu. Đây phải là nỗ lực xoá đi khoảng cách và sự loại trừ trong lãnh vực truyền thông giữa con người với nhau, nhất là thông truyền những thứ thông tin giúp cho đời sống anh chị em mình được thay đổi, thăng tiến, vui tươi hạnh phúc hơn. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng khích lệ các bạn trẻ Công giáo mang đến cho thế giới kỹ thuật số chứng tá đức tin của mình, bằng cách dấn thân đưa vào nền văn hóa của lãnh vực truyền thông mới mẻ này những giá trị của Tin Mừng. Vì thế, việc cổ võ cho các mạng lưới truyền thông lành mạnh và góp phần xóa đi những “khoảng cách số” giữa người với người phải là bổn phận và trách nhiệm của mọi Kitô hữu, khi họ theo gương Đức Giêsu Kitô cộng tác với những người thiện chí xây dựng Nước Trời giữa lòng thế giới hôm nay, và mạnh mẽ rao truyền các giá trị Tin Mừng - trước tiên qua chứng tá đời sống.

(xem tiếp...)

------------------------

1 Các phần trích dẫn trong bài này lấy từ Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43, của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (Xem http://www.betrenthuongcap.net/modules.php?name=News&op=view st&sid=304 , bản dịch của Lm. Võ Xuân Tiến).

2 Xem Ngọc Lan, “Luân Lý Mạng”, Báo Hiệp Thông (Bản tin của HĐGMVN) số 51, 2008 và số 52, 2009

LỊCH PHỤNG VỤ